Gần như đêm nào chúng tôi cũng trò chuyện cùng HLV Đặng Anh Tuấn tới khuya. Thôi thì đủ thứ chuyện, nhưng xuyên suốt vẫn là quá trình Ánh Viên ăn tập ở Mỹ. Nhiều bận, Ánh Viên dỗi thầy Tuấn ra mặt vì thầy mải tâm sự cùng chúng tôi.

Khi đó, tôi có hỏi HLV Đặng Anh Tuấn: “Hằng tuần anh vẫn gửi thông tin về việc luyện tập của Ánh Viên cho Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) chứ?”. “Có chứ em”. “Vậy lãnh đạo Tổng cục TDTT có ý kiến gì không anh?”. HLV Đặng Anh Tuấn không trả lời trực tiếp câu hỏi, thay vào đó, anh khẳng định: “Anh tin tưởng vào năng lực, trình độ chuyên môn của mình. Anh nghĩ anh đã làm những điều tốt nhất cho Ánh Viên”.

leftcenterrightdel
Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên. Ảnh: Thiên Thanh

 

Bữa đầu gặp HLV Đặng Anh Tuấn ở Vũ Hán, thấy anh ôm cả đống quần áo, tôi bắt chuyện: “Anh có cần em giúp gì không?”. “À, anh đang tìm hiểu cách sử dụng máy giặt, lát nữa Ánh Viên mang quần áo lên, anh giặt đồ cho cháu”.

Cứ theo chuyện Ánh Viên kể trong những lần anh em đi ăn trưa cùng nhau ở Làng vận động viên (VĐV) tại Vũ Hán, thì mọi chuyện bên Mỹ, thầy Tuấn đều chăm sóc chu đáo cho kình ngư số 1 Việt Nam. Ánh Viên bảo: “Em cũng có thể nấu ăn. Đơn giản lắm, món nào cũng nấu được, chỉ cần bỏ đồ vào máy, bấm nút, rồi chờ máy nấu thức ăn cho mình. Ở Mỹ có máy nấu hộ mình anh à. Nhưng em thích thầy Tuấn nấu ăn cho em hơn”.

Nhớ lại những ngày ở Mỹ từ năm 2012 đến cuối năm 2019, HLV Đặng Anh Tuấn trải lòng: “Ở nhà ai cũng mừng cho tôi và Ánh Viên được đi Mỹ tập huấn, bảo đi như vậy sướng quá rồi. Mọi người nói chỉ đúng một phần. Đi chơi mới sướng, chứ đi làm, mà ở đây là lao động, luyện tập, thi đấu thể thao đỉnh cao thì không sướng, bởi thể thao đỉnh cao là khổ luyện”.

Trong quãng thời gian ở Mỹ, một năm Ánh Viên được nghỉ phép 7 ngày, 30 phút trò chuyện với bố mẹ mỗi tuần, ngoài ra không được sử dụng điện thoại, không được trang điểm, làm đẹp... Thành thực mà nói, ở tuổi 25, Ánh Viên khá "tồ" trong giao tiếp. “Tiểu tiên cá” rất ngại trả lời phỏng vấn, nếu đồng ý thì câu trả lời thường chỉ là “có”, “không”. Hiếm hoi một lần, Ánh Viên thổ lộ: “Thể thao đỉnh cao rất khắc nghiệt. Một ngôi sao không thể mãi tỏa sáng, sẽ phải đến ngày lu mờ, nhường chỗ cho ngôi sao khác. Không ai đủ kiên nhẫn và chờ đợi một tuyển thủ đã hết thời”.

Đi ăn cùng thầy trò Ánh Viên, tôi thấy kình ngư số 1 Việt Nam ăn uống như bao tuyển thủ khác, tôi hỏi: “Hình như em ăn kém hơn thường lệ, do đồ ăn ở đây (Vũ Hán-PV) không ngon chăng?”. “Không anh, đồ ăn Trung Quốc rất ngon, rất dễ ăn”. “Anh thấy ngày trước em ăn khỏe lắm cơ mà”. “Em hiểu rồi...”. Năm 2013, không rõ lấy thông tin ở đâu mà truyền thông Việt Nam đưa tin rầm rộ mỗi bữa Ánh Viên ăn hết 1kg thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mì to... Thầy Tuấn từng tâm sự với tôi: “Mỗi bữa Viên chỉ ăn nửa cân thịt bò, một đĩa nhỏ mì Italy sốt, một ít trái cây, nửa lít nước trái cây ép. Nếu không ăn thịt bò, em nó ăn ức gà hoặc cá hồi”.

Nhớ lại thời gian tập huấn ở Mỹ, Ánh Viên bảo tôi: “Chuyện tập huấn ở bên Mỹ của hai thầy trò, nhìn lại, em cũng không tưởng tượng nổi sao mình lại có thể vượt qua được nhiều thời điểm cực kỳ khó khăn. Những lúc đó, thầy Tuấn luôn ở bên động viên em, thương em như con cháu trong nhà. Trở về nước, chia tay thầy Tuấn, tập cùng thầy cô khác, thành tích của em đi xuống là do em dở. Lỗi là tại em. Mọi người đừng trách cứ ai”.

Hơn một năm qua, Ánh Viên tập luyện tại Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh. Không thầy riêng, không còn chế độ ăn uống đặc biệt, Ánh Viên tập chung đội với 10 kình ngư khác dưới sự hướng dẫn của một HLV. Tác giả tin là Ánh Viên luôn mong ngóng một sự thu xếp (HLV riêng) từ Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam. Sòng phẳng mà nói, thành tích đi xuống của Ánh Viên khiến Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam không còn mặn mà trong việc đầu tư chuyên biệt cho “Tiểu tiên cá”. Điều này cũng là quy luật, là chuyện bình thường trong thể thao thành tích cao. Và như Ánh Viên từng tâm sự, cô hiểu điều gì đến sẽ đến. Nhưng có lẽ tâm tư của Ánh Viên không được các bên, các cấp nắm bắt kịp thời.

Ông Đinh Việt Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam chia sẻ: “Hiệp hội không sốc trước việc Ánh Viên xin nghỉ. Đây không phải là lần đầu tiên bởi cách đây một năm, Ánh Viên cũng đã xin nghỉ rồi. Thành tích của Ánh Viên tại Olympic Tokyo 2020 không có gì bất ngờ với chúng tôi. Khi VĐV không còn động lực thì làm sao bắt tập được. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng động viên, nhưng vấn đề quyết định nằm ở chính VĐV. Ánh Viên là VĐV tài năng hiếm có của thể thao nước nhà, giành được nhiều huy chương trên đấu trường SEA Games, Asiad. Tôi nghĩ khi trở về nhà một thời gian, Ánh Viên sẽ suy nghĩ lại chín chắn và thấy đi tập luyện, thi đấu vẫn tốt hơn. Nhưng đội tuyển quốc gia không phải là cái chợ. Ánh Viên đã một lần xin nghỉ rồi và được tạo điều kiện quay lại. Nếu lần này quay lại thì phải có cam kết, cố gắng ra sao, chứng tỏ bằng kết quả thi đấu. Chúng tôi chỉ cần Ánh Viên duy trì thành tích cũ là tốt rồi chứ không cần phải vượt qua chính mình, đạt những thành tích mới, cột mốc mới”.

Trả lời giới truyền thông, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho hay: “Tổng cục đã nắm rõ chuyện Ánh Viên làm đơn bày tỏ nguyện vọng xin thôi tập trung đội tuyển quốc gia. Hiện các bộ phận chuyên môn đang tìm hướng giải quyết. Với trường hợp của Ánh Viên, chúng tôi sẽ động viên, tìm hiểu kỹ để tuyển thủ được giải tỏa về tâm lý, tập trung tập luyện, thi đấu trở lại”.

Về phía Phòng TDTT (Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu), Đại tá Phạm Thanh Hải, cán bộ phòng cho biết: “Tôi đã báo cáo thủ trưởng các cấp về việc Ánh Viên xin nghỉ ở đội tuyển quốc gia và nắm bắt dần tư tưởng của VĐV. Phòng TDTT đã trao đổi với Tổng cục TDTT, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam để có sự phối hợp, tìm hướng giải quyết, giúp Ánh Viên sớm yên tâm mọi mặt, để tập trung tập luyện, thi đấu trở lại. Năm ngoái, chính tôi cũng đã vào gặp gia đình Ánh Viên để thuyết phục em trở lại thi đấu. Lần này, tôi cũng đã trao đổi với gia đình Ánh Viên. Mọi chuyện vẫn cần phải gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp. Tôi sẽ tìm cách sớm gặp gỡ Ánh Viên cùng gia đình, để giải thích ngọn ngành mọi chuyện, thuyết phục em quay trở lại thi đấu cho đội tuyển quốc gia”.

Nhưng giả dụ Ánh Viên không còn muốn thi đấu cho đội tuyển quốc gia nữa thì sao? Sẽ là trách nhiệm của ai, của bên nào khi để một tài năng thuộc dạng "của hiếm" của thể thao nước nhà mất hết động lực cống hiến cho đội tuyển quốc gia khi mới 25 tuổi? Lãnh đạo ngành thể thao đã ai từng hỏi Ánh Viên về ước mơ thực sự của “Tiểu tiên cá”?

KHOA MINH