Muốn kiềm tỏa siêu sao người Argentina này, lãnh đạo đội bóng cần tìm cho ra một người đủ tâm, đủ tầm thu phục được “Bọ chét” (biệt danh của Messi).
Chỉ thuần phục dưới trướng Guardiola
Cách đây không lâu, vào thời kỳ 2008-2012, Guardiola đã biến Barca thành cỗ máy chiến thắng, buộc giới chuyên môn và truyền thông cùng đi đến thống nhất một điểm: Ở Barca, có một thứ gọi là văn hóa chiến thắng. Để lý giải cho luận điểm này, họ đưa ra con số thống kê kỷ lục: Barca trong 4 năm trên đã giành được 14 chức vô địch trong tổng số 19 giải đấu mà đội tham dự. Thậm chí, họ giành được những chiến quả, thành công bền vững ở tầm quốc tế chứ không chỉ gói gọn trong giải đấu quốc nội.
Bí quyết thành công của Barca giai đoạn Guardiola dẫn dắt được Guillem Balague, tác giả cuốn sách “Pep Guardiola: Another way of winning” tham vấn cho độc giả rằng nên áp dụng triết lý chiến thắng của đội bóng xứ Catalan vào trong cuộc sống. Còn với tác giả Hughes, trong cuốn sách “The Barcelona way”, ông cho rằng bí quyết thành công của Barca nằm ở cách ứng xử giữa các thành viên trong đội bóng, cùng với sự quan tâm dành cho môi trường tổ chức, nơi nuôi dưỡng và đào tạo ra những thành viên đội bóng ngay từ lúc còn bé ở lò La Massia. Hughes và Balague có cùng chung một luận điểm: Barca thành công rực rỡ giai đoạn trên là nhờ Guardiola thuần phục được Messi.
Trong giai đoạn thành công trên cương vị HLV đội bóng, Guardiola bao giờ cũng đề cao tinh thần đồng đội. Không có chuyện Messi là ngôi sao và càng không có chuyện Pep là ông chủ trong phòng thay đồ. Triết lý của Guardiola là mọi người tôn trọng lẫn nhau, làm việc vì đồng đội trên tinh thần cống hiến tập thể.
Trận chung kết Champions League 2008-2009 giữa Barca và MU là một ví dụ tiêu biểu. HLV huyền thoại Ferguson có thừa nhận trận chung kết này cho thấy sự chuẩn bị tệ hại của Quỷ đỏ. Khách sạn ở Roma (Italy) nơi diễn ra trận chung kết mà MU đặt phòng đã gặp sự cố về hệ thống phát điện, đồ ăn thì nguội lạnh, các cầu thủ ăn uống không như ý đã dẫn đến những sự cố về đường ruột, thể lực.
Phía Barca cũng có thể gặp những sự cố tương tự lắm chứ. Nhưng Guardiola cho rằng “điều tôi học được qua năm tháng đó là sự chuẩn bị cho mỗi trận đấu, mỗi giải đấu là quan trọng nhưng vượt lên trên hết, HLV tài giỏi phải là người hiểu rõ về từng cầu thủ. Chính phẩm chất này giúp cho HLV xuất sắc hơn phần còn lại. Chọn đúng người để ngưỡng mộ, giao nhiệm vụ, hay trao cho họ quyền kiểm soát phòng thay đồ là một trong nhiều lựa chọn mà HLV phải thực hiện”.
Ba ngày diễn ra trận chung kết Champions League ở Roma, Guardiola gọi điện cho Padro, nhà sản xuất truyền hình của kênh TV3 tại Catalonia: “Ông bạn à, chúng ta cần gặp nhau, tôi cần ông giúp cho chuyện này”. Vài ngày sau, Padro có mặt ở Roma kèm theo một chiếc đĩa DVD. Sau khi xem xong nội dung trong chiếc đĩa DVD, Pep của chúng ta hoàn toàn hài lòng. Vậy là Padro đã làm chính xác những gì “thuyền trưởng” của Barca yêu cầu.
Trước khi rời Roma, Padro hỏi Guardiola: “Bao giờ cậu sẽ cho cầu thủ xem nội dung DVD này?”. “Ngay trước trận chung kết với MU”.
Ngày 27-5-2009, buổi khởi động của Barca trước thềm trận chung kết kết thúc sớm hơn so với dự kiến tại sân Olympico. Messi và đồng đội ngạc nhiên lắm khi thấy Pep hô to: “Mọi người lại đây. Chúng ta sẽ dừng việc khởi động. Tôi muốn cho mọi người xem cái này. Đây chính là tinh thần đồng đội đã đưa chúng ta đến Roma”.
Trong phòng thay đồ của Barca, ánh đèn vụt tắt, Pep mời Messi lên ấn vào nút play. Một màn hình lớn chiếu sáng căn phòng và bản nhạc chủ đề bộ phim Gladiator (Võ sĩ giác đấu) vang lên. Các thành viên Barca đã xem một đoạn phim 7 phút với những hình ảnh pha trộn giữa bộ phim “bom tấn” Gladiator và các chiến thắng của Barca trên hành trình đến Roma. Từng cầu thủ Barca, cả những người chỉ đá dự bị hay bị chấn thương dài hạn cũng đều xuất hiện trong đoạn phim trên. Duy nhất một người trong đội bóng Barca không xuất hiện trong đoạn phim này, đó chính là Pep.
Ở đoạn cuối của phim là hình ảnh nam diễn viên Crowe (vai chính “người Tây Ban Nha” trong Gladiator) vang lên: “Nếu chiến đấu cùng nhau chúng ta sẽ có cơ hội sống sót cao hơn”.
Đoạn phim kết thúc, phòng thay đồ của Barca chìm trong bầu không khí im lặng. Âm thanh đầu tiên mà thầy trò nhà Guardiola nghe thấy chính là tiếng khóc. Các thành viên trong đội bóng choàng tay qua vai nhau. Đó là khoảnh khắc đặc biệt và vô cùng dữ dội. Đau khổ cho MU đã phải hứng chịu sự dữ dội ấy sau 90 phút thi đấu trên sân Olympico.
Barca là bảo bối của Messi
Sau quãng thành công với Guardiola, Barca vẫn có mùa giải thăng hoa cùng Messi. Nhưng những mùa giải qua, đội bóng xứ Catalan đang vật vã tìm lại thành công ở đấu trường Champions League. Còn đấu trường quốc nội, cụ thể là ở mùa giải này, họ đã bị đá bay ở Cúp nhà vua Tây Ban Nha, trong khi tại La Liga, đang là ngôi nhì bảng sau đại kình địch Real Madrid.
Khỏi phải nói cổ động viên Barca kinh hãi và ghét Real Madrid đến nhường nào; cầu thủ Barca cũng thế và các đời lãnh đạo đội bóng này cũng vậy. Mùa giải 2019-2020, tình thế đang khiến Barca gặp khó. Tất nhiên với các cule, câu cửa miệng của đám đông vẫn luôn là: Việc gì khó có Messi. Nhưng có vẻ như Messi đang có toan tính riêng mà chỉ có thánh mới biết. Messi đang nhận mức lương 40 triệu euro/mùa tại Barcelona, và sẽ hết hạn hợp đồng vào ngày 30-6-2021. Tuy nhiên trong bản hợp đồng có một điều khoản cho phép siêu sao người Argentina được tự do ra đi vào cuối mùa giải 2019-2020, nếu anh muốn. Vì vậy, Barca đang ra sức níu chân Messi bằng một bản hợp đồng mới.
Theo tờ Mundo Deportivo, đội chủ sân Nou Camp sẵn sàng phá kỷ lục về tiền lương để có được sự phục vụ của đội trưởng của mình lâu hơn nữa, điều này đồng nghĩa với việc Messi tiếp tục là cầu thủ được hưởng lương cao nhất thế giới. Cụ thể, chỉ cần số 10 của Barca gật đầu, “Bọ chét” lập tức sẽ bỏ túi 50 triệu euro sau thuế mỗi mùa bóng. Chưa kể, “El Pulga” còn được nắm toàn bộ bản quyền hình ảnh cá nhân của mình, do đó tổng thu nhập của tiền đạo 33 tuổi này sẽ thực sự khổng lồ.
Nhưng có vẻ như Messi còn muốn được hơn thế. Không phải vô cớ khi Thư ký kỹ thuật Abidal của Barca tuyên bố: “Có vài cầu thủ Barca làm việc không nhiệt tình dưới triều đại HLV Valverde (đã bị sa thải để nhường chỗ cho Setien)”, và rằng “một vài anh rất lười tập luyện, có thái độ bề trên và không muốn giao tiếp với tập thể”. Lập tức, Messi đăng đàn phản pháo: “Mọi chuyện không như Abidal nói và những chuyện kiểu này rất dễ gây hiểu nhầm. Thế nên ai nấy hãy cố làm tốt công việc của mình”. Trước viễn cảnh “hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại”, Chủ tịch Barca, ông Bartomeu đã phải đứng ra dàn hòa cho đôi bên. Abidal không nói thêm gì nữa, còn về phần Messi, ngôi sao này tỏ ra hào hứng khi sẵn sàng gia hạn hợp đồng. The Sun bình luận: “Phải chăng Bartomeu đã chìa “củ cải” cho Messi và giơ đầu gậy về phía Abidal?”.
Cựu danh thủ người Pháp Dugarry, từng thi đấu cho Barca mỉa mai: “Dàn lãnh đạo hiện nay không xứng đáng dẫn dắt Barca. Đội bóng hiện nay là CLB của những chú hề. Họ làm ngược mọi thứ. Ví dụ, họ mua Dembele và Coutinho rồi muốn đem bán. Tôi có cảm tưởng chẳng có bất kỳ kế hoạch nào ở Barca. Ưu tiên duy nhất của họ lúc này là ông chủ tịch tái đắc cử. Họ hoàn toàn không hiểu nhau và điều đó trở thành vấn đề trên thị trường chuyển nhượng”.
Dembele và Coutinho, hai cầu thủ gia nhập Barca với giá hàng trăm triệu USD, đều là những bản hợp đồng thất bại của Barca dưới thời Abidal (ở Barca, vị trí Thư ký kỹ thuật đảm nhiệm khâu chuyển nhượng). Dembele liên tục gặp chấn thương, còn Coutinho thì dạt sang Bayern Munich chỉ sau một năm rưỡi. Barca vẫn phải phụ thuộc vào Messi và Suarez. Thế nên ở sân Nou Camp, Messi mà đột nhiên “buồn” như Ronaldo ngày còn thi đấu cho Real Madrid thì khối anh lo ra mặt.
“Sau sự ra đi của Xavi và Iniesta, Barca đã chi rất nhiều tiền vô ích. Cho đến giờ, họ vẫn chưa tìm thấy cầu thủ có phong cách hay phẩm chất tương tự. Barca có nhiều vấn đề và điều tồi tệ nhất là hình ảnh xấu mà họ phô bày. Ở một CLB tầm cỡ như vậy mà có quá nhiều người thiếu đẳng cấp thực sự. Barca không còn là một CLB đẳng cấp”, Dugarry khẳng định.
Nhưng tờ Marca cho rằng, điều nguy hiểm nhất đang chờ đợi Barca chỉ sau đây 1-2 mùa giải nữa mà thôi, đó là “chứng viêm Madrid” (Madriditis) có thể trở lại và trở nên mãn tính. Thuật ngữ Madriditis xuất hiện vào giai đoạn 1961-1990 khi Barca chỉ vô địch La Liga đúng hai lần. Vào ngày 28-4-1988, đã có một sự kiện gây sốc xảy ra khi phần lớn thành viên CLB Barcelona tụ họp ở khách sạn Heredia, kêu gọi chủ tịch Nenez từ chức. Trong thông cáo báo chí đưa ra, các cầu thủ Barca khẳng định: “Nunez đã lừa dối cầu thủ trên tư cách con người và hạ nhục các thành viên đội bóng ở khía cạnh nghề nghiệp”.
Bị dồn vào thế chân tường, Nunez đã đi một nước cờ xuất sắc để đảo ngược tình thế và bảo đảm ghế chủ tịch, đó là mời huyền thoại Cruyff về cầm quân (từ năm 1988 đến 1996), mở ra một thời kỳ huy hoàng và kiêu hãnh cho đội bóng.
Ngày mới nhậm chức HLV trưởng Barca, Cruyff tuyên bố: “Bạn không thể vừa là nạn nhân vừa là kẻ chiến thắng”.
Trong tình thế hiện tại, dường như Barca đang là nạn nhân và cũng là bảo bối của chính Messi. Để trở thành kẻ chiến thắng, đội bóng xứ Catalan cần phải tìm được một chiến lược gia hiền tài, người đủ sức, đủ tầm kiềm tỏa Messi và làm chủ phòng thay đồ đội bóng. Để ai đó sẽ nói nhỏ với Messi: “Bọ chét” à! Chủ của ngươi đến rồi đó”.
MINH CHIẾN