Những kỳ tích của ngôi sao bóng chuyền đầu tiên

Giã từ thảm đấu sau mùa giải năm 2017, phụ công sinh năm 1982 này đã nối dài số lần liên tiếp dự tranh giải vô địch quốc gia lên con số 18-một kỷ lục độc nhất vô nhị của không chỉ môn bóng chuyền mà của cả làng thể thao Việt Nam. Kim Huệ cũng sở hữu kỳ tích 8 lần tham dự SEA Games, mà đáng ra là 9 nếu không vắng mặt ở kỳ đại hội 2007.

leftcenterrightdel
 Kim Huệ thành danh ở vị trí phụ công.

Khởi đầu từ lớp điền kinh năng khiếu của Hà Nội, song ngã rẽ quyết định đã đến với Kim Huệ ở tuổi 12, khi cô quyết định thi tuyển vào Đội bóng chuyền Bộ tư lệnh Thông tin. Sở hữu tố chất hiếm có, lại được đào luyện trong một “lò” bóng chuyền hàng đầu quốc gia, cô gái đất An Dương (Hà Nội) đã có những bước thăng tiến vượt bậc. Chỉ sau đúng 4 năm ăn tập, Kim Huệ đã có một vị trí chính thức trong đội hình câu lạc bộ (CLB) từ mùa giải 1999, và kể từ đó tham dự đủ các giải quốc gia, luôn đứng trong nhóm chơi hay nhất.

Chỉ có Kim Huệ mới 16 tuổi đã chiếm vị trí chính thức, 19 tuổi đã đeo băng đội trưởng, đóng vai trụ cột số 1 ở cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Thời đỉnh cao 2002-2007, không ai ở khu vực Đông Nam Á có thể chơi hay hơn Kim Huệ ở vị trí phụ công, cũng như sức ảnh hưởng đến một tập thể như chị. Cú đánh một chân ở vị trí số 2 sở trường của Kim Huệ đủ khuất phục mọi dàn chắn. Mọi người càng kinh ngạc hơn khi người đẹp đất Hà thành vẫn có thể rực sáng khi bước qua tuổi “băm”. 

Theo giới chuyên môn đánh giá, bóng chuyền nữ Việt Nam trước và sau Kim Huệ có nhiều người tài năng hơn cô, cũng không ít người đẹp hơn. Thế nhưng duy nhất phụ công từng làm Đội trưởng Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam qua hai thời kỳ khác nhau đã đạt tới sự hội tụ đỉnh cao. Kim Huệ không chỉ có tài năng và bản lĩnh hơn người mà còn thể hiện được thần thái, cá tính cùng vẻ đẹp đặc biệt trên sân đấu. Chị còn đạt tới đỉnh cao vào đúng thời kỳ môn này “lên hương”, gắn với truyền hình từ cột mốc giải nữ quốc tế VTV Cup năm 2004 nên càng mang đúng nghĩa một ngôi sao khác biệt và vượt trội.

Có thể khẳng định, tuyển thủ Kim Huệ đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của bóng chuyền nữ. Chính người đẹp bóng chuyền này là nhân tố chính của Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tạo nên “cơn sốt hầm hập” trên khắp cả nước qua những trận cầu được truyền hình trực tiếp vào “giờ vàng”, kéo khán giả đến các nhà thi đấu đông nghịt, mà trong đó rất nhiều người lý do chỉ đơn giản là “để được tận mắt xem Kim Huệ”. Còn nhớ, có lần Kim Huệ cùng đồng đội về Quảng Ninh dự một trận biểu diễn trong cả một biển người đón chào, với cảnh tắc đường kéo dài tới vài cây số. Có một dạo, số thư của người hâm mộ mỗi tuần đã đủ để Huệ kê gối ngủ, thậm chí kèm theo đó là những lời tỏ tình. Chỉ một lời than thở bột phát của Kim Huệ về cảnh nghèo của dân bóng chuyền nhân một buổi giao lưu mà đội tuyển quốc gia đã có một nhà tài trợ với mức 3 tỷ đồng/năm, chỉ tiếc rằng nó “đứt gánh giữa đường”. Hàng loạt các hậu bối, có cả những gương mặt sau này thành tuyển thủ quốc gia như Bùi Thị Ngà, Hà Ngọc Diễm hay gần nhất là Trần Thị Thanh Thúy đã mê đắm bóng chuyền và tìm đến các đội ứng tuyển cũng bởi ước mơ một ngày có thể được như thần tượng Kim Huệ. 

Góc khuất của “nữ hoàng không ngai”

Nhiều người vẫn đinh ninh một ngôi sao được ví von là “nữ hoàng không ngai” như Kim Huệ chắc hẳn sẽ phải có thu nhập “khủng” ở làng bóng chuyền, hay có một ông chồng đại gia, những điều mà nếu muốn người đẹp này hoàn toàn có thể. Thế nhưng, điều đó lại không phải là đích nhắm hay phù hợp với tính cách của Kim Huệ.

Trong sự nghiệp thi đấu của Kim Huệ, thu nhập chỉ ở mức đủ chi tiêu, chưa từng biết đến “lót tay” chuyển nhượng, và cũng gần như luôn từ chối những đề nghị quảng bá hay làm đại diện hình ảnh có thể mang lại những khoản tiền đáng kể, từ vài trăm triệu đồng thậm chí có thể lên tới cả tỷ đồng. Nhưng “hồng nhan bạc phận”, mọi chuyện cũng không hẳn là trải hoa hồng với Kim Huệ. Năm 2006, chị phải lên bàn mổ rồi phải trở lại thi đấu chỉ sau đó một thời gian ngắn khi chấn thương chưa thật sự bình phục. Cuối năm 2006, Kim Huệ tái phát vết thương và một lần nữa phải phẫu thuật. Nhưng vì mổ trái tuyến nên tuyển thủ quốc gia nổi danh này phải bỏ tiền túi ra để chữa trị.

Khi Kim Huệ chọn CLB Ngân hàng Công Thương đầu quân, chị nhận được rất nhiều lời khuyên. Động viên có, phản đối có, nhưng chị xác định tự mình quyết định, sống cho mình và cũng là muốn tìm đến một đội bóng mới để khẳng định giá trị bản thân. Đúng như câu nói “đẳng cấp mãi mãi”, chơi bóng ở đâu Kim Huệ vẫn luôn là phụ công xuất sắc ở mọi đấu trường. “Quyết định chuyển CLB của tôi cũng chỉ vì kinh tế. Khi đó, tôi mới lập gia đình rồi sinh con, cuộc sống khó khăn quá. Nhìn bên ngoài, người ta tưởng tôi hạnh phúc lắm, nhưng có những nỗi niềm tôi cứ phải giấu đi”, Kim Huệ từng trải lòng đầy suy tư.

Những khó khăn trong cuộc sống với Kim Huệ thực ra là chuyện nhỏ, bởi theo chị còn nhiều nữ tuyển thủ khác có cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng các bạn vẫn vượt qua, vẫn kiên định với mục tiêu đã chọn và mang vinh quang về cho Tổ quốc. Kim Huệ không phải là mẫu người hay than thở, nó cũng giống như chuyện chị luôn giấu đi các chấn thương, cơn đau đủ loại ở lưng, tay, đầu gối. Có lẽ, điều duy nhất mà cựu Đội trưởng Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cảm thấy nuối tiếc chính là việc chưa một lần được xuất ngoại du đấu, dù có rất nhiều cơ hội. Chính Kim Huệ mới là nữ vận động viên bóng chuyền đầu tiên và nhiều lần từng được các CLB nước ngoài mời sang thi đấu, ngay từ năm 2004. Tuy nhiên, do khó khăn về thủ tục, nhất là khi chị còn đang là quân nhân nên cơ hội của Kim Huệ không được tính đến. Càng đáng nói hơn bởi ngay cả sau này, khi chuyển sang đội bóng doanh nghiệp, chuyện du đấu của Kim Huệ vẫn bất thành. Đơn cử năm 2015, phụ công kỳ cựu này vuột tới hai chuyến xuất ngoại theo lời mời của hai đội bóng Thái Lan vào phút chót vì các lý do khác nhau.

Như tổng kết của Kim Huệ thì bóng chuyền thực sự là “số phận và nghiệp đời ngọt ngào của tôi”, chính quãng thời gian 16 năm và môi trường đặc biệt của thể thao quân đội đã không chỉ phát hiện mà còn đóng vai trò quyết định đào luyện, nâng bước tài năng, bản lĩnh cho Hoa khôi bóng chuyền này.

Ba lần làm Miss, suýt thành người mẫu

Kim Huệ vẫn được mệnh danh là Hoa khôi tuyệt đối của bóng chuyền nữ với kỷ lục ba lần đoạt danh hiệu Miss ở các cuộc đấu khác nhau, gồm giải trẻ Đông Nam Á 1998, Cúp châu Á 2003 và VTV Cup 2004. Hồi năm 2001, Kim Huệ từng thử sức tại một cuộc thi tuyển người mẫu của Hà Nội, lập tức lọt vào danh sách 39 người được chọn. Sau đó, nhiều nhà thiết kế, rồi các người mẫu, có cả siêu mẫu Trần Bảo Ngọc định “lái” Kim Huệ sang sàn diễn thời trang nhưng chị từ chối ngay, vì xác định bóng chuyền mới thực sự là nghiệp đời của mình. Dù không thành người mẫu nhưng Hoa khôi bóng chuyền với chiều cao 1,81m này vẫn nhiều lần được các nhà thiết kế, nhất là Minh Hạnh, mời tham gia các chương trình trình diễn thời trang lớn.

Bài và ảnh: TƯỜNG NHI