Siêu cò Mendes rất ngạc nhiên khi các đội bóng đều muốn sau khi sở hữu Ronaldo, sẽ để tiền vệ trẻ người Bồ Đào Nha ở lại Sporting theo dạng cho mượn để rèn luyện thêm. Riêng Huấn luyện viên (HLV) Ferguson thì có nói chuyện với gia đình Ronaldo và Mendes thế này: “Tôi không thể bảo đảm chính xác số trận cậu ta sẽ chơi cho MU ở mùa giải tới (2003-2004) nhưng chắc chắn, Ronaldo sẽ chơi ở đội 1 chúng tôi ngay lập tức”. Mendes quý HLV Ferguson ở chỗ đó, khi đã nhìn ra đúng tài năng và giá trị của Ronaldo. Thế nên dù nhiều đội bóng đã “đặt hàng” trước nhưng Mendes đã bảo Ronaldo về Old Trafford (sân nhà của MU).

Giả dụ ngày đó HLV Ferguson giống như chiến lược gia Wenger, muốn chiêu mộ Ronaldo nhưng lại để ở Sporting rèn luyện thêm, hẳn sir Alex sẽ hụt mất cầu thủ kỳ tài này.

Vậy là trong rất nhiều HLV, chỉ Ferguson nhìn ra tài năng đồng thời đặt niềm tin tuyệt đối vào Ronaldo. Lúc đó CR7 mới có 17 tuổi, hừng hực khí thế nhưng nhiều HLV lão luyện tin là, dù tài năng đến mấy nhưng cầu thủ trẻ này không đủ sức để chinh chiến ngay lập tức ở Serie A, ngoại hạng Anh, La Liga khi mới ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Có một linh cảm đặc biệt, HLV Ferguson đã góp công lớn trong việc gọt giũa ra siêu sao Ronaldo.

leftcenterrightdel
Văn Hậu cũng được hưởng lợi trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp của SC Heerenveen. Ảnh do nhân vật cung cấp

Quay trở lại câu chuyện của Văn Hậu, khi mới đây hậu vệ trẻ này rời SC Heerenveen sau một thời gian thử việc. Gọi “thử việc” có thể khiến một số fan của hậu vệ này tự ái nhưng nếu không được ra sân một phút nào ở Giải vô địch Hà Lan ở mùa bóng vừa qua, thì đúng là Văn Hậu đi thử việc, học việc. Cầu thủ trẻ quê lúa học việc qua những trận đấu với đội trẻ của SC Heerenveen. 4 phút được ra sân ở Cúp quốc gia Hà Lan là quá ít với Văn Hậu. Nhưng 4 phút đó lại là của hiếm với bóng đá Việt Nam. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đến là chật vật. Với các đội bóng ở Bắc Á, giá trị của ba “món hàng” đến từ Hoàng Anh Gia Lai chủ yếu nằm ở việc phát triển, kích cầu du lịch, thu hút đông người Việt đi du lịch ở Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhìn rộng ra, không đơn giản để cầu thủ Đông Nam Á có thể thành công ở châu Âu. Và đó chính là lý do người Thái chọn giải J-League của Nhật Bản làm nơi thử việc, học việc trước khi nghĩ đến những sân chơi đẳng cấp khác.

Nếu không thành công ở châu Âu, Văn Hậu hoàn toàn có thể sang giải Hàn Quốc, Nhật Bản thử sức, nếu như nhận được một lời đề nghị hợp lý. Văn Hậu có thể học được nhiều sau một năm ở SC Heerenveen nhưng cũng sẽ là đánh cược nếu tiếp tục ở lại đội bóng Hà Lan thêm một mùa giải nữa. Không có dấu hiệu nào cho thấy SC Heerenveen trao cho Văn Hậu cơ hội được đá ở Giải vô địch quốc gia Hà Lan mùa giải tới. Tất cả những gì sau khi hậu vệ 21 tuổi này về Việt Nam chỉ là “tiếc quá”, “giá như”, “nếu”...

Điểm nhấn lớn nhất của Văn Hậu trong quá trình sinh hoạt và tập luyện tại Hà Lan nằm ở sự thay đổi thể chất. Anh sở hữu cơ bắp, thân hình to hơn trước cùng nền tảng thể lực sung mãn hơn. Quý nhất có lẽ ở việc, hậu vệ sinh năm 1999 này hấp thụ được ít nhiều văn hóa bóng đá châu Âu, bóng đá quốc tế qua quá trình khổ luyện ở SC Heerenveen.

Ở chiều ngược lại, SC Heerenveen cảm thấy không thể có lãi ở thương vụ Văn Hậu nên họ chủ động buông. SC Heerenveen được biết đến như là nơi chuyên đào tạo cầu thủ thành danh rồi bán. Khi món hàng không đem lại lợi nhuận, hoặc có thể bị “tồn kho” thì SC Heerenveen chủ động cắt lỗ, hoặc đẩy trả cầu thủ âu cũng là chuyện thường.

Ngay cả khi không được SC Heerenveen trọng dụng, thì Văn Hậu và lãnh đạo Hà Nội FC vẫn phải cảm ơn đội bóng Hà Lan, khi họ đã trao cho Văn Hậu một cơ hội, dù cơ hội này không thực sự rõ ràng.

MINH NHI