Lịch sử 45 năm của Giải vô địch Bóng bàn châu Á, các cây vợt nữ của Trung Quốc chỉ mất “ngôi hậu” 3 lần cho các đối thủ Nhật Bản là Tomie Edano (1974), Chire Koyama (1996) và vừa qua là Miu Hirano. Hơn 20 năm để Nhật Bản phá vỡ thế độc tôn của người Trung Quốc quả thật là không ngắn cho một quá trình thay đổi trong kỹ thuật huấn luyện và tập luyện, kể cả việc áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào việc đào tạo lớp VĐV thế hệ gần đây.

leftcenterrightdel
Miu Hirano khiến các tay vợt nữ Trung Quốc đau đầu và thất thế. Nguồn: Internet 

Ở Giải vô địch Bóng bàn châu Á vừa qua, các tay vợt của chủ nhà Trung Quốc đã thống trị 6/7 nội dung là đồng đội nam, đồng đội nữ, đơn nam, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ với 6 HCV. Nhưng ở nội dung đơn nữ, “cơn địa chấn” đã xảy ra mang tên Miu Hirano. Tay vợt 17 tuổi đã liên tiếp trong 3 ngày "xô đổ" 3 tay vợt hàng đầu thế giới người Trung Quốc để lên ngôi vô địch. Trước khi được ghi nhận là nhà vô địch châu Á trẻ nhất trong lịch sử, Miu Hirano đã từng là nhà vô địch đôi trẻ nhất trong hệ thống ITTF World Tour khi mới 14 tuổi, nhà vô địch đơn nữ World Cup trẻ nhất ở tuổi 16; tay vợt nữ trẻ nhất giành chức vô địch toàn Nhật Bản và nhận được danh hiệu “Ngôi sao tiềm năng ITTF 2016”.

 Miu Hirano được người hâm mộ bắt đầu chú ý trong giải này khi vượt qua hạt giống số 8 Cheng I Chinh (Đài Loan) ở vòng 4 với chiến thắng 3-0. “Cơn địa chấn” bắt đầu khi vào tứ kết, Miu Hirano gặp Ding Ning. Ván đầu với lối đánh sắc sảo, tấn công liên tiếp, Ding Ning luôn giành thế chủ động áp đảo xé bóng ra hai góc bàn khiến tay vợt trẻ Nhật Bản thất thế, thua nhanh chóng 3-11. Ván hai, khi đọc được thế trận và đua kịp nhịp tốc độ với Ding Ning nhưng tay vợt người Nhật Bản vẫn thua 12-14. Chỉ một ván thua nữa là Hirano phải dừng bước trước tay vợt số 1 thế giới và bị loại khỏi giải đấu nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, nhà đương kim vô địch World Cup bóng bàn trẻ nhất lịch sử đã có màn ngược dòng không thể ngoạn mục hơn khi thắng liên tiếp 3 ván còn lại đều với tỷ số sát sao: 11-9, 16-14 và 12-10 để tiến vào bán kết với chiến thắng chung cuộc 3-2. Điều đặc biệt hơn là ngày diễn ra trận tứ kết gặp Ding Ning (14-4) cũng là ngày sinh nhật của Miu Hirano, khi cô chính thức bước sang tuổi 17.

Vào bán kết gặp tay vợt số 2 thế giới-đương kim vô địch giải Zhu Yu-Ling, vẫn còn thăng hoa từ chiến thắng trước nhà đương kim vô địch Olympic, Miu Hirano luôn chủ động ôm bàn, tấn công liên tiếp bằng những cú đánh chuẩn xác và uy mãnh khiến Zhu Yu-Ling phải gồng mình chống trả nhưng bất thành. Thất bại trước cây vợt trẻ 17 tuổi với 3 ván không gỡ đã khiến nhà đương kim vô địch giải thành cựu vương trong sự ngỡ ngàng của làng “banh nhựa” thế giới. "Cơn địa chấn” chưa kết thúc, hưng phấn lại càng thêm hưng phấn khi Miu Hirano bước vào trận chung kết gặp hạt giống số 5 của giải là Chen Meng. Cây vợt hạt giống số 10, 17 tuổi, hoàn toàn chiếm ưu thế và giành chiến thắng thuyết phục với tỷ số 3-0 (11-9, 11-8, 11-7). HLV của tuyển nữ Trung Quốc Kong Ling-Hui phân tích: “Chen Meng gặp khó khăn khi trả những cú giao bóng của Hirano và không có cơ hội trong 3 cú đánh đầu tiên. Chúng tôi chắc chắn sẽ phải nghiên cứu đầy đủ về Hirano, sức mạnh cũng như kỹ thuật tuyệt vời của cô ấy. Đánh bại 3 cây vợt của chúng tôi không phải là điều mà bất cứ tay vợt nào cũng có quyền nghĩ đến, chứ chưa nói thực hiện thành công”.

Bước lên ngôi vô địch châu Á, “cuồng phong” Miu Hirano lật đổ sự thống trị của bóng bàn nữ Trung Quốc, thực sự tạo nên “cơn địa chấn” của làng bóng bàn thế giới. Miu Hirano bước lên “ngôi hậu” với sự khiêm tốn: “Tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích trước các tay vợt Trung Quốc. Họ có kỹ thật cực tốt và sự tập luyện thực sự nghiêm túc. Tôi có được ngày hôm nay cũng chính là học hỏi từ họ”.

DƯƠNG TUẤN