Trước Hoàng Thịnh, những cầu thủ khác từng khiến đối thủ bị gãy chân có Đình Đồng, Quế Ngọc Hải... Nếu không phải là bầu Đức cho tiền Quế Ngọc Hải đền bù cho Anh Khoa (SHB Đà Nẵng), thì chuyện còn rắc rối với trung vệ này. Khi bầu Đức ra mặt, chuyện Anh Khoa phải giã từ sự nghiệp sau pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải cũng lập tức dịu xuống. Nhưng có mâu thuẫn không khi 3 năm sau, chính bầu Đức đã đuổi Văn Hạnh khỏi Hoàng Anh Gia Lai khi cầu thủ này đá láo ở V-League 2018.
    |
 |
Chấn thương của Đỗ Hùng Dũng là nỗi ám ảnh trong lòng xã hội. Ảnh: THÀNH NAM |
Nếu như Văn Hạnh đá láo vì bởi tính cách của cầu thủ này (anh này sau đi đội nào cũng gây chuyện trên sân cỏ) thì Hoàng Thịnh, Đình Đồng, Quế Ngọc Hải buộc phải thi đấu từ mức độ quyết liệt chuyển thành thô bạo, tiểu xảo để bù vào những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật. Với Quế Ngọc Hải, được sự dìu dắt của các huấn luyện viên ở Viettel, được chiến lược gia Park Hang-seo thị phạm, chỉ dẫn về mặt kỹ thuật, anh ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong vai trò thủ lĩnh của Viettel và hàng thủ đội tuyển Việt Nam. Khi đã trở nên (gần) hoàn hảo, Quế Ngọc Hải vào bóng rất mượt, anh không còn những pha phạm lỗi khiến mọi người khó hiểu như đầu mùa giải V-League 2019.
Trong pha phạm lỗi của Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng, ta thấy tiền vệ xứ Nghệ chơi thiên về sức mạnh cơ bắp. Hoàng Thịnh và đồng đội ở TP Hồ Chí Minh trước trận gặp Hà Nội FC đã xác định không cho đối thủ chơi bóng bằng mọi cách, mà pha ra chân tàn bạo của Hoàng Thịnh chính là minh chứng rõ nét nhất.
Đội nhà thua thì không có thưởng, mất đi khoản tiền lớn 400-500 triệu đồng, thậm chỉ cả tỷ đồng. Điều này khiến tâm lý cầu thủ vào trận từ hưng phấn, quyết tâm dễ “lên số”, vào nấc nguy hiểm hơn, đó là ăn thua, cay cú, là phi thể thao.
Một số người vẫn bênh Hoàng Thịnh, bảo rằng pha bóng đó chỉ là một phần của cuộc chơi, rằng Đỗ Hùng Dũng đã hồi phục nhanh sau ca phẫu thuật. Nhưng ai dám chắc tiền vệ này có thể trở lại sân cỏ và nếu trở lại, liệu Quả bóng vàng năm 2019 có lấy lại được phong độ đỉnh cao, thậm chí có thể Đỗ Hùng Dũng phải từ giã sự nghiệp. Đó không phải là dự đoán mà có không ít phần trăm là sự thật. Cái ngày đó nếu xảy ra, những ai hôm nay bao biện cho Hoàng Thịnh sẽ tiếp tục ngụy biện những gì?
Chúng ta đang lâng lâng với việc đội tuyển Việt Nam tràn đầy cơ hội vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, thì chấn thương của Đỗ Hùng Dũng khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. V-League đã nỗ lực trở lại sau dịch Covid-19 thì cú vào bóng khủng khiếp của Hoàng Thịnh đã kéo giải đấu trở lại vạch xuất phát. Lại là bài học giáo dục đạo đức cho cầu thủ, bài học về giữ miếng cơm manh áo cho anh em, cho đồng đội và cho cả đồng nghiệp. Hoàng Thịnh và những cầu thủ ưa dùng sức mạnh, chuộng lối đá bạo lực không hiểu được tinh thần fair-play, chưa hiểu thế nào là thể thao chân chính. Nếu có đủ sự hiểu biết, Hoàng Thịnh đã không vào bóng theo kiểu “đốn chuối”. Luật không cấm cầu thủ vào bóng bằng hai chân từ phía sau nhưng nếu gây nguy hiểm cho đối phương thì đó lại là phạm luật. Còn cố tình phạm lỗi như Hoàng Thịnh thì đó là tội ác. Ở đây, Hoàng Thịnh hiểu luật nhưng cố tình phạm luật. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải phân tích: “Nếu Hoàng Thịnh vào bóng mà chân sát mặt cỏ thì chuyện đã khác. Đằng này...”.
Tại sao chúng tôi nhắc tới Đình Đồng, Quế Ngọc Hải trong bài này. Sông Lam Nghệ An nổi tiếng về đào tạo cầu thủ trẻ từ lâu. Nếu xứ Nghệ quy tụ được các cầu thủ ở V-League về đá cho đội bóng quê hương, họ không có đối thủ ở sân chơi quốc nội. Bóng đá xứ Nghệ từng có Văn Quyến, Công Vinh và bây giờ tự hào về một Phan Văn Đức tài hoa cũng là sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Bóng đá xứ Nghệ tài hoa chứ, nhưng nói về độ quyết liệt, thô bạo thì cũng có thừa. Cầu thủ buộc phải chơi rắn, chơi xấu để bù lại những khiếm khuyết về thể lực, kỹ thuật, chiến thuật. Khi những kỹ năng chơi xấu, tiểu xảo, thô bạo được tích tụ theo năm tháng, nó sẽ dần biến thành bản năng. Cầu thủ sẽ phải cố gắng kiểm soát những kỹ năng sát thủ kiểu này. Nhưng trên sân cỏ, khi một tình huống tức thì ập đến, cầu thủ sẽ bị bản năng gốc khống chế. Hoàng Thịnh bảo: “Tôi không cố tình phạm lỗi với Đỗ Hùng Dũng”. Phần lớn thiên hạ không chấp nhận lời bào chữa này. Chúng tôi cũng thế nhưng có thể cảm nhận, bản năng gốc đã trỗi dậy nơi tiền vệ này trong trận đấu với Hà Nội FC. Và trong đời sống xã hội, trong các cơ quan đoàn thể, bao người đang phải cố gắng kiểm soát bản năng gốc này?
Bóng đá là môn thể thao đối kháng cực kỳ nguy hiểm. Chẳng thế mà trong những trận derby ở thành phố Manchester, derby nước Anh giữa MU và Liverpool, giữa Boca Junior và River Plate... các bình luận viên đều ví von, so sánh với các cuộc chiến tranh. Có thể bình luận quá lời nhưng để nói lên mức độ nguy hiểm của trận đấu, của bóng đá. Chơi thể thao phong trào, nhiều anh em, đồng nghiệp quanh tôi còn bị rách cơ, chân sưng như chân voi sau một tình huống tranh chấp bóng; rồi cũng có người bị rách cơ, đau chân cả năm sau khi tham dự một giải kéo co... Đau chân nhưng nếu cơ quan tổ chức hội thao thể thao, tôi tin những người anh, đồng nghiệp của mình vẫn sẵn sàng nhập hội, vẫn muốn hòa mình vào phong trào, muốn tìm những phút giây hứng khởi, thăng hoa, muốn mình là một phần trong tập thể hùng mạnh. Nhưng có khéo thì vẫn e ngại chấn thương tái phát. Có đập bóng chuyền hẳn vẫn run tay, tự hỏi không biết chân sẽ ra sao khi tiếp đất. Thể thao phong trào vui khỏe còn thế, huống hồ thể thao đỉnh cao. Thế nên, dù Đỗ Hùng Dũng đang gượng cười chống nạng trước ống kính, trước camera, thì tôi tin trong anh vẫn đang chập chờn bao lo lắng chưa có câu trả lời chính xác cho tương lai.
KHOA MINH