Trong bộ ba công cụ mà Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sử dụng để đánh bóng hình ảnh quốc gia ra thế giới, thể thao giữ một vai trò vô cùng quan trọng.

Muốn biết vì sao thể thao là công cụ quan trọng với UAE thì phải nhìn vào thời điểm từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 đang khiến Etihad Airways-hãng hàng không chủ lực của Abu Dhabi, được thành lập để quảng bá thương hiệu UAE ra khắp thế giới (một trong bộ ba công cụ)-đang phải nằm đắp chiếu mấy chục máy bay chở khách siêu hiện đại. Thực tế mấy năm gần đây, lãnh đạo UAE không quan tâm đến việc hãng hàng không này báo lỗ triền miên. Với các hoàng thân, Etihad Airways càng lỗ càng tốt, chứng tỏ hãng bay nhiều, đến nhiều sân bay trên thế giới và kể cả khi chỉ vài khách, máy bay của Etihad Airways cũng cất cánh. Nhưng sẽ là rất tệ nếu hàng chục máy bay hiện đại nằm im lìm ở một góc sân bay.

Đối ngược với hình ảnh trên là sự hiện diện của Man City ở các sân cỏ nước Anh và châu Âu với tư cách đương kim vô địch Ngoại hạng Anh. Man City thực sự là át chủ bài của UAE trong việc đưa thế giới xích lại gần với 7 tiểu quốc (trong đó có tiểu quốc Abu Dhabi) bên bờ vịnh Ba Tư.

PSG, đội vừa thắng Man City 2-0 ở Champions League, thuộc quyền sở hữu của Qatar Sports Investments (QSI). Đứng đầu QSI là ông Nasser Al-Khelaifi. Ông không xuất thân từ dòng dõi hoàng thân quốc thích ở Qatar nhưng nhờ giỏi kinh doanh, khéo giao tiếp nên từ lâu đã được hoàng gia Qatar coi như người nhà.

Cho dù chủ thực sự của PSG hay Man City là ai đi chăng nữa thì ngay từ đầu, cả hai đội bóng đều đã được thúc đẩy bởi sự giàu có của hai quốc gia. Cả hai đội bóng trên đều đại diện cho các dự án coi bóng đá là một phương tiện để quảng bá hình ảnh quốc gia. Và cả hai câu lạc bộ đều được xây dựng làm nền tảng và tượng đài cho các dự án, các cá nhân (ở hoàng gia, hoàng tộc). Nếu bạn nghĩ đó là Guardiola ở Man City hay Messi, Neymar ở PSG thì bạn đã nhầm.

Thế rồi, bàn thắng đẹp mắt Messi ghi vào lưới Man City đã che mờ những vấn đề của PSG, tất nhiên là về chuyên môn. Với hai đội bóng này, như trên đã nói, tiền bạc không bao giờ là vấn đề. Và để cho những đội bóng nhà giàu, trong đó có PSG, Man City và cả những Chelsea, MU, Liverpool có thể chi tiêu thoải mái trong một vài năm tới, khả năng cao là UEFA sẽ phải “nới lỏng” Luật Cân bằng tài chính, hoặc cho phép các đội bóng nhà giàu có cơ hội chi tiêu mạnh tay hơn trên thị trường chuyển nhượng.

leftcenterrightdel
Nhờ sức mạnh kim tiền, PSG đã đưa được Messi về sân Công viên các hoàng tử.  Ảnh: GOAL 

Sự khác biệt giữa PSG và Man City, về chuyên môn mà nói, khá trái khoáy. Ở Man City, huấn luyện viên Guardiola là vua. Hệ thống mà chiến lược gia này xây dựng như một học thuyết quân sự mà hoàng gia UAE đã đổ vào đó hàng tỷ euro. Không sai chút nào. Kể từ khi thâu tóm Man City vào mùa hè năm 2008, Sheikh Mansour đã chi gần 3 tỷ euro cho đội bóng. Chỉ tính riêng 5 mùa giải qua, dưới sự dẫn dắt của Pep, Man City đã chi tiêu 854 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng hệ thống đấu pháp, chiến thuật mà Pep tạo ra ở Man City là không thể đụng đến. Nói cách khác, chiến lược gia người Tây Ban Nha chính là ông vua không ngai vàng ở sân Etihad. Các cầu thủ mua về phải phục tùng tuyệt đối hệ thống do Guardiola tạo ra. 5 mùa giải qua, làm gì có cầu thủ nào dám “bật” Guardiola ở Man City.

Ngược lại, hệ thống, lối chơi của PSG chẳng là gì trong mắt các siêu sao ở sân Công viên các hoàng tử. Ở đội bóng này, các ngôi sao chính là vua, từ Neymar, Mbappe cho tới Messi. Tựu trung, mọi hệ thống ở PSG chỉ là thứ yếu so với bộ ba trên và nửa tá “sứ quân” khác sẵn sàng nổi loạn.

Khi Barca không đủ tiền để tiếp tục giữ chân Messi, cả thế giới hiểu rằng chỉ có hai đội bóng mới có thể đáp ứng hoàn hảo mọi yêu cầu tài chính của Leo, đó là PSG và Man City; không có chỗ cho MU, Real Madrid hay Bayern Munich ở đây. Chỉ có PSG và Man City thì tiền mới không thành vấn đề. PSG để trống ô tiền lương trong hợp đồng, tùy Messi thích điền bao nhiêu cũng được. PSG còn để sẵn chuyên cơ đổ đầy xăng ở sân bay, chỉ để cấp tốc phục vụ Leo nhỡ không may anh nhớ nhà ở Argentina.

UEFA, FIFA quá đau đầu vì PSG, Man City-hai đội bóng đã bóp méo kinh tế bóng đá. Luật Công bằng tài chính chẳng có ý nghĩa gì với hai đội bóng này. Đứng sau PSG, Man City là Qatar, UAE-hai quốc gia ủng hộ sử dụng môn thể thao vua như một con đường địa chính trị để đánh bóng hình ảnh quốc gia bằng mọi giá. Messi cập bến PSG, nói thực, không có sự lãng mạn nào ở đây cả. Nó thực sự lạnh lùng đến tàn khốc. Không có nhiều tiền, chẳng thể sở hữu được Ronaldo, Messi, dẫu những ngôi sao này đang ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp.

Chiến thắng 2-0 của PSG trước Man City vẫn được nhắc tới trong tuần này. Không phải bởi người ghi bàn ấn định tỷ số là Messi, mà bởi đám đông hiếu kỳ muốn dõi theo mùa giải này, PSG hay Man City có vô địch Champions League được hay không.

10 năm, 20 năm nữa hoặc lâu hơn, thế hệ cháu chắt chúng ta sẽ ngồi phân tích lại và vô cùng bất ngờ khi thấy trong hoàn cảnh thể thao thế giới khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 (vào năm 2021), vẫn có hai đội bóng (PSG, Man City) được hỗ trợ bởi sự giàu có không thể tưởng tượng nổi từ các quốc gia ở vùng Vịnh, đã lũng đoạn cuộc chơi tại Champions League lẫn giải quốc nội. Còn ở thời điểm hiện tại, những băn khoăn, những thắc mắc của chúng ta nếu có cũng không còn là vấn đề, vì đa số đám đông vẫn đang nghĩ về bàn thắng tuyệt đẹp của Messi, ấn định chiến thắng 2-0 cho PSG trước Man City.

KHOA MINH