“Thầy bói” Soriano

Ngày 23-10-2015, trong chuyến công du tới Anh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm thành phố Manchester và Học viện đào tạo của CLB Man City. Tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến đi trên có Chủ tịch CLB Man City Khaldoon Al Mubarak cùng nhiều nhân vật vai vế của bóng đá xứ sương mù.

Giang Tô Suning vô địch Chinese Super League 2020 hóa ra lại là một câu chuyện buồn. Ảnh: Sina 

Trưa hôm đó, Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dùng bữa chỉ với hai món theo yêu cầu từ phía Trung Quốc: Cá rán và khoai tây chiên, đều bằng mỡ ngựa. Món đầu tiên do người Israel nghĩ ra. Món thứ hai tất nhiên là do người Pháp khởi xướng. Hai món trên hội ngộ ở phía Đông London từ cách đây mấy trăm năm và từ đó đến nay đã trở thành món ăn kinh điển của người Anh. Hiếm có nhân vật quyền lực nào trên thế giới đến thăm Anh lại đề nghị dùng hai món bình dân trên. Ý tứ của Chủ tịch Tập Cận Bình sâu xa nhưng trong chuyến công du trên, có một ý ông gửi thẳng về đất nước: “Trung Quốc cần phải lọt vào Vòng chung kết (VCK) World Cup; còn sau đó sẽ lên kế hoạch đăng cai một VCK World Cup và vô địch luôn giải đấu này trên sân nhà. Đây là khát vọng của toàn dân”.

Trước đó vào tháng 2-2015, Trung Quốc đã thông qua kế hoạch tái thiết nền bóng đá nước nhà. Bộ Giáo dục Trung Quốc đề ra Chương trình đào tạo thể thao giai đoạn 2015-2017 với điểm nhấn: 20.000 trường bóng đá được thành lập, với mục tiêu tạo ra 100.000 cầu thủ ưu tú.

Lúc đó, nhiều người ở đại lục đã liên tưởng từ 100.000 cầu thủ ưu tú trên, đội tuyển Trung Quốc sẽ chọn ra được 10.000 người, rồi lại lọc tiếp ra 1.000 người, để rồi 100 cầu thủ xuất sắc nhất sẽ được gọi lên tuyển. Kiểu như sẽ có tới 4 đội tuyển quốc gia hùng mạnh của Brazil chuẩn bị cho World Cup 1962, nhiều quan chức ở Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) đã mơ màng nghĩ tới viễn cảnh trên.

Đặc biệt sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Anh hồi tháng 10-2015, bóng đá Trung Quốc đã chuyển mình phát triển như vũ bão. Địa phương nào cũng mong có đội bóng ở Chinese Super League, nếu không cũng phải ở giải hạng Nhất.

Lý giải vì sao Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Man City, giới thạo tin London khi đó cho rằng: Vì Man Xanh vừa có nhiều dầu mỏ, vừa có nhiều ý tưởng. Man City đã nhanh chóng vô địch Ngoại hạng Anh và trở thành một thế lực ở xứ sương mù nhờ vào “vàng đen” từ UAE và ý tưởng bóng đá đến từ những bộ não Tây Ban Nha (Begiristain làm Giám đốc thể thao; Guardiola làm Huấn luyện viên trưởng; Soriano, một chuyên gia tài chính được đưa luôn vào Hội đồng quản trị). Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn bóng đá Trung Quốc cũng sớm đạt được thành công và sức ảnh hưởng toàn cầu như Man City.

Soriano chính là kiến trúc sư xây dựng và thực hiện đề án “Tổ chức bóng đá đa quốc gia đầu tiên” với mục tiêu biến (Manchester) City trở thành một thương hiệu toàn cầu. Trước Soriano, ngay cả các đế chế thể thao hùng mạnh như Giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ (NFL), Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) hay chính Giải Ngoại hạng Anh cũng chưa bao giờ nghĩ ra đề án cuồng vọng đến vậy. Nói là làm, chỉ hai ngày sau khi ngồi vào ghế Hội đồng quản trị ở Man City, Soriano đã bay sang Mỹ, gặp lãnh đạo đội New York Yankees, gọi hùn vốn thành lập một đội bóng mới, tên là gì cũng được, miễn phải có “City” trong đó. Tháng 5-2013, Man City ra thông cáo báo chí việc thành lập New York City FC. Sau đó, họ có Melbourne City ở Australia. Trong có 4 năm, City Football Group đã mở rộng ra tới 6 CLB thuộc năm châu. Vì sao Man City làm được điều không tưởng? Câu trả lời một lần nữa đến từ giới tài chính London: Họ-các ông chủ của Man City-có nhiều tiền và ý tưởng.

Thoạt tiên, các ông chủ Man City nằng nặc đòi Soriano viết lại đề án “Tổ chức bóng đá đa quốc gia đầu tiên”, vì họ không thấy “một đội bóng City ở Trung Quốc” được nhắc đến trong đề án. Tại buổi họp Hội đồng quản trị đội bóng vào tháng 2-2013, Soriano vào đề: “Tôi rất muốn thiết lập đế chế City trên toàn cầu, với một chân kiềng chủ lực. Chân kiềng này sẽ nằm ở Man City, ở New York City FC và một đội bóng ở Trung Quốc...”. Những ánh mắt trong Hội đồng quản trị Man City lóe lên sự mừng rỡ nhưng Soriano phán: “Tuy nhiên, giải đấu ở Trung Quốc lại quá hỗn loạn”.

Soriano như người trở về từ tương lai, đã sớm nhìn ra thời cuộc.

Kết thúc cuộc phiêu lưu

Ngày 28-2 vừa qua, đội bóng vô địch Trung Quốc Giang Tô Suning đã ra thông cáo báo chí chấm dứt hoạt động vì không thể tìm được nguồn tiền trả nợ được cho là từ 65 đến 86 triệu USD.

Cuối giờ chiều 28-2, tại trụ sở ở CFA và Ban tổ chức Chinese Super League, một bầu không khí ảm đạm, sợ hãi bao trùm lên hết thảy. 17 giờ cùng ngày là thời điểm cuối để các đội bóng tham dự Chinese Super League mùa giải 2021 nộp phiếu xác nhận lương, thưởng, cũng như tự giác thông báo các khoản nợ tới ban tổ chức. Thay vì nộp các tài liệu kỹ thuật cho Ban tổ chức Chinese Super League, nhà đương kim vô địch quốc gia Giang Tô Suning bất ngờ ra một thông cáo báo chí, theo đó, CLB này xin dừng cuộc chơi vì “sự chồng chất của những yếu tố khó kiểm soát và không thể tìm ra nguồn tài chính để trả nợ”.

Ban lãnh đạo đội bóng Giang Tô Suning gửi lời xin lỗi lên CFA, Ban tổ chức Chinese Super League và chính quyền, người dân địa phương.

Giang Tô Suning trước đó đã tạo điều kiện cho HLV trưởng, các cầu thủ, nhân viên của CLB được phép rời khỏi “con tàu đắm”.

Chỉ một trang A4 thông cáo báo chí của Giang Tô Suning đã làm chấn động cả nền thể thao Trung Quốc. Đêm hôm đó, lãnh đạo CFA và Ban tổ chức Chinese Super League phải điện thoại khắp nơi để giải trình/giải thích. Cứ mỗi khi có điện thoại từ trung ương tới, người trong CFA và Ban tổ chức Chinese Super League lại lạnh sống lưng. Sáng mai thôi (1-3), tin Giang Tô Suning dừng hoạt động sẽ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông thế giới. Một trăm đội bóng dừng hoạt động là chuyện buồn dài kỳ nhưng một đội bóng đương kim vô địch dừng hoạt động, giải thể lại là chuyện xưa nay hiếm, mà có thể là chưa từng xuất hiện trong lịch sử bóng đá thế giới. Thế mà chuyện tưởng như không tưởng ấy lại xảy ra với nhà đương kim vô địch Chinese Super League. Còn hơn cả cú tát vào tham vọng của bóng đá Trung Quốc.

48 tiếng đồng hồ trước khi Giang Tô Suning xin dừng cuộc chơi, các cầu thủ của CLB nhanh chóng tới đại bản doanh của đội bóng gói ghém đồ đạc. Mọi người thu dọn đồ đạc nhanh tới độ cứ như thể trong hợp đồng (nào đó) cam kết, Giang Tô Suning sẽ bàn giao mặt bằng CLB cho đối tác vào ngày 27-2.

Cả đại bản doanh im phăng phắc. Không một tiếng gió. Có thể là do hệ thống tường rào bê tông cao tới 4m chạy vòng quanh đại bản doanh Giang Tô Suning chăng? Người bảo vệ thậm chí còn không nhận ra tiền vệ Phùng Bách Nguyên. Phùng tiền vệ bữa nay nhuộm tóc mới, thế nên bảo vệ không nhận ra anh cũng phải. Người hâm mộ cũng ngỡ ngàng với mái tóc mới của Phùng Bách Nguyên. Nếu có thể khiến người hâm mộ không nhận ra, hẳn Phùng Bách Nguyên đã ước mái tóc của mình có thể che kín mặt.

- Chúng tôi đến đây để xin chữ ký của anh, Phùng à.

- Mọi người xin làm gì. Tôi không thể nói điều gì vào lúc này. Mọi người thông cảm cho tôi.

Nhưng theo bản năng, Phùng Bách Nguyên vẫn ký nhoay nhoáy vào poster. Tấm poster in hình Giang Tô Suning vô địch Chinese Super League 2020, trong đó có sự hiện diện của Phùng Bách Nguyên. Mới 3 tháng trước, đại bản doanh của Giang Tô Suning còn rung chuyển bởi lễ hội ăn mừng chức vô địch. Sau có 108 ngày (Giang Tô Suning giành chức vô địch quốc gia 2020 vào ngày 12-11), mọi con đường đều đâm thẳng xuống địa ngục.

Ai muốn ở lại cùng “con tàu đắm”? Ừ thì Giang Tô Suning từng là “soái hạm” của Chinese Super League nhưng nếu được ước điều gì, hẳn lãnh đạo Tập đoàn Suning đã ước không đổ tiền đầu tư vào đội bóng 6 năm về trước.

30 phút sau khi CLB Giang Tô Suning ra thông cáo báo chí dừng mọi hoạt động (lúc 17 giờ ngày 28-2), Hiệp hội Bóng đá tỉnh Giang Tô ra thông báo: “Chúng tôi tôn trọng quyết định của nhà đầu tư, đồng thời bày tỏ sự lo lắng và tiếc nuối về việc câu lạc bộ phải dừng hoạt động”.

Một tiếng sau, vào lúc 18 giờ 30 phút, Tập đoàn Suning ra một thông cáo báo chí: “Sẽ có hai công ty lớn mua lại cổ phần của tập đoàn”.

Vậy là tiếng chuông cáo chung đã vang lên với Giang Tô Suning. Còn với Tập đoàn Suning, hồi chuông cáo chung đã vang lên từ hôm 25-2, khi cổ phiếu của tập đoàn bị ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

* Tháng 12-2015, Tập đoàn Suning đã mua lại toàn bộ CLB Giang Tô với giá 523 triệu NDT (hơn 1.860 tỷ đồng). Mùa giải 2016, đội mang về các ngôi sao tầm thế giới là Teixeira (50 triệu euro), Ramirez (28 triệu euro). Tổng số tiền đầu tư cho mùa giải đầu tiên mà Tập đoàn Suning tiếp nhận đội bóng là 1,3 tỷ NDT (hơn 4.630 tỷ đồng), khiến không chỉ Chinese Super League mà cả làng túc cầu thế giới choáng váng.

* 10 năm qua, 45 CLB đã ra khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc. Năm 2020 có tới 16 đội dừng cuộc chơi, trong đó có đội bóng giàu truyền thống Liêu Ninh. CLB Giang Tô Suning là thành viên mới nhất gia nhập danh sách này.

* Sina cho biết, thu nhập bình quân của các đội tại Chinese Super League mùa giải 2018 là 106 triệu USD, chi tiêu bình quân là 174 triệu USD, với mức lỗ trung bình 68 triệu USD/đội.

KHOA MINH