Thời điểm đó, trong khi taekwondo Việt Nam là bá chủ khu vực thì các nước Đông Nam Á mới loay hoay tìm cách phát triển môn quốc võ xứ Hàn. Taekwondo Việt Nam không chỉ là hình mẫu thành công của khu vực mà còn đi trước Thái Lan một chặng đường dài. Nhưng bằng sự đầu tư quyết liệt và có tính liên thông, taekwondo Thái Lan đã bứt phá ngoạn mục và liên tục nới rộng khoảng cách với phần còn lại trong khu vực.

Từ những năm đầu thập niên 2000, người Thái mơ về một phong trào tập luyện taekwondo sâu rộng trong nước, một lực lượng võ sĩ đỉnh cao tài năng tuyến sau gối tuyến trước và nhất là một mối quan hệ đặc biệt với taekwondo Hàn Quốc như Việt Nam. Hiếm nơi nào như taekwondo Việt Nam, nhận được sự hỗ trợ toàn diện và hiệu quả từ Hàn Quốc đến thế, từ mảng đào tạo, tập huấn vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV), cập nhật luật lệ, thông tin giải đấu, tài trợ trang thiết bị. Chưa dừng lại ở đó, đội tuyển taekwondo Việt Nam liên tục được dẫn dắt bởi những chuyên gia giỏi của Hàn Quốc, có các chuyến tập huấn ở xứ kim chi với ưu tiên cao nhất.

Nhưng sau thành công của Trần Hiếu Ngân, taekwondo Việt Nam khá chủ quan. Những người định hướng cho môn võ này ở Việt Nam bám vào công thức: Tuyển chọn VĐV từ nền tảng phong trào, các giải đấu + Mối quan hệ với Hàn Quốc = Thành công ở đấu trường đỉnh cao.

leftcenterrightdel
Kim Tuyền dính cú đá trúng mặt từ Panipak. Ảnh: Reuters 

Công thức này đã đúng ở Olympic Sydney 2000 và một số kỳ ASIAD nhưng nó thể hiện sự thụ động của Liên đoàn Taekwondo nước nhà khi nhiều việc ỷ lại, trông chờ vào phía bạn Hàn Quốc. Bước lùi của taekwondo Việt Nam trước Thái Lan hơn một thập niên qua không chỉ do bạn đã có bước đột phá ngoạn mục mà chủ yếu bởi ta đã tự thua, tự đánh mất những lợi thế vốn có xuất phát từ cách nghĩ, cách làm cũ kỹ trong hai thập niên qua.

Những năm gần đây, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam với sự định hướng, chỉ đạo của Tổng cục Thể dục Thể thao, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những hướng đi mới nhằm tìm kiếm thành công ở đấu trường khu vực và thế giới. Nhưng quả thực, người Thái đã bỏ quá xa chúng ta ở môn quốc võ Hàn Quốc.

Trong 3 kỳ Olympic gần đây, thể thao Thái Lan luôn giành được huy chương nhờ taekwondo. Khác với taekwondo Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Hàn Quốc, người Thái chủ động tìm kiếm và thuê những chuyên gia taekwondo giỏi nhất xứ kim chi. Họ được mời sang Thái Lan làm việc dài hạn, trả lương cao-thưởng lớn, để đào tạo những lứa võ sĩ chủ yếu ở một số hạng cân nhỏ của nữ, theo đúng quy trình đỉnh cao của Hàn Quốc.

Thêm một lần nữa, taekwondo Thái Lan gặt hái thành công ở đấu trường Olympic. Thế vận hội Tokyo 2020, Trương Thị Kim Tuyền ra quân thuận lợi ở vòng 1/16 khi thắng Yvette Yong (Canada) 19-5, tại hạng cân 49kg nữ. Nhưng trước Panipak, hạt giống số 1 tại giải, Kim Tuyền không thể hiện được nhiều. Võ sĩ người Thái Lan Panipak từng giành huy chương đồng Olympic Rio de Janeiro 2016, hai lần vô địch thế giới, đoạt hai huy chương vàng World Taekwondo Grand Slam, một huy chương vàng Asian Games... Trước khi gặp nhau ở Thế vận hội Tokyo 2020 vào cuối tuần trước, Kim Tuyền thua Panipak cả 3 lần đối đầu, gần nhất là thất bại 0-20 ở tứ kết Grand Prix Final tại Fujairah (Oman).

Thế nên, nhìn vào tỷ số Kim Tuyền thua Panipak 11-20 ở vòng 1/8 Olympic Tokyo 2020, nhiều người sẽ tự tìm cách an ủi. Diễn biến trận đấu giữa hai võ sĩ như sau: Ngay đầu hiệp 1, Panipak có 3 điểm từ cú đá trúng đầu. Kim Tuyền sau đó vượt lên nhờ cú đá xoay trúng đầu để ghi 5 điểm, cú đá giành điểm cao nhất trong taekwondo. Kim Tuyền sau đó hưng phấn ghi thêm 4 điểm với một cú đá và hai cú đấm trúng giáp. Hết hiệp 1, võ sĩ Việt Nam dẫn 9-3.

Sang hiệp 2, Kim Tuyền bị phạt hai lần do ngã ra sàn đấu, mỗi lần đối phương được cộng 1 điểm. Sau đó, Panipak đá trúng đầu Kim Tuyền để rút ngắn tỷ số xuống còn 8-9.

Đầu hiệp 3, Panipak đá trúng đầu Kim Tuyền, dẫn lại 11-9, sau đó cô liên tiếp nới cách biệt lên tới 20-9 với 3 cú đá trúng giáp và một cú trúng đầu. Trước khi trận đấu kết thúc, Kim Tuyền ghi thêm 2 điểm để rút ngắn tỷ số chung cuộc 11-20. Khen cho tinh thần thi đấu của Kim Tuyền nhưng phải thấy rằng Panipak quả không hổ danh là đương kim vô địch thế giới và việc cô giành huy chương vàng ở Olympic Tokyo 2020 là hoàn toàn xứng đáng.

Trước đó, chuyên gia người Hàn Quốc Kim Kil-tae đã không ít lần khẳng định: “Đối trọng lớn nhất của taekwondo Việt Nam là Thái Lan. Trong các giải đấu, võ sĩ Thái Lan thường sử dụng các đòn tấn công vào phần đầu”. Ông Kim Kil-tae hẳn đã dạy Kim Tuyền rất nhiều bài vở để tránh đòn sở trường của Panipak nhưng nhà đương kim vô địch Thế vận hội quả là đẳng cấp. Nhất là ở hiệp 2, Panipak đá hụt vào đầu Kim Tuyền nhưng sau đó vẫn trụ vững, để tung ra cú móc chân ngoạn mục trúng đầu đối thủ.

Trận thua của Kim Tuyền khiến thể thao Việt Nam nói chung, bộ môn taekwondo nước nhà nói riêng phải suy nghĩ. Trước khi kết thúc hiệp 2, dù bị dẫn 8-9 nhưng Panipak vẫn nở nụ cười rất tươi với HLV. Panipak tin vào đẳng cấp của mình, vững tin HLV sẽ chỉ ra cho mình cách khắc chế Kim Tuyền và sự thật đúng là như vậy.

Không chỉ Việt Nam choáng với sự phát triển nhanh chóng của taekwondo Thái Lan. 5 năm trước, tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, võ sĩ taekwondo Thái Lan Tawin Hanprab đã khiến cả đất nước Hàn Quốc phải sốc khi hạ Kim Tae-hun, đương kim vô địch thế giới ở vòng bán kết hạng cân 58kg của nam. Olympic Rio de Raneiro 2016, Tawin Hanprab giành huy chương bạc, còn Panipak đoạt huy chương đồng. Kỳ này, Panipak đã bước lên bục cao nhất nhận huy chương vàng, để lại bao sự suy ngẫm cho taekwondo Việt Nam.

KHOA MINH