Cách đào tạo này được Ajax duy trì cho đến ngày nay và tất cả các danh thủ Hà Lan từng khoác áo Ajax đều khẳng định: Hóa ra cách chơi bóng đơn giản nhất luôn là khó nhất. Với Ajax, chơi bóng một chạm là đỉnh cao về kỹ thuật. Để có thể chơi bóng một chạm hoàn hảo, cầu thủ phải tập hàng nghìn lần cho một cú chạm bóng.

Ajax và đội tuyển Hà Lan luôn nổi tiếng với bóng đá tổng lực. Lối đá này luôn liên quan đến khoảng cách các vị trí trên sân, nó không đơn giản chỉ là cùng lên, cùng xuống. Vị trí thủ môn cũng được tính là một hàng, cùng với hàng thủ, hàng tiền vệ và hàng tiền đạo. Để phát động tấn công nhanh, ở Ajax người ta gọi với thuật ngữ “sang số”, thì thủ môn là người phải bảo đảm đồng đội tuyến trên luôn nhận bóng đúng thời điểm. Thế nên nếu để ý sẽ thấy các thủ môn Hà Lan có thói quen đứng sát khu vực rìa vòng cấm địa.

leftcenterrightdel
Đội tuyển Việt Nam tập luyện trong bầu không khí vui vẻ, thoải mái.

Dự World Cup 1974, HLV trưởng đội tuyển Hà Lan Michels đã có quyết định táo bạo: Thay thủ môn chính Jan van Beveren bằng thủ môn số 3 Jan Jongbloed. Thời còn chơi cho các đội trẻ, Jan Jongbloed đá vị trí tiền đạo. HLV Michels đã đúng, ngoại trừ trận chung kết Hà Lan thua Đức 1-2 thì từ vòng bảng đến bán kết, Hà Lan với thủ môn Jan Jongbloed đã thể hiện tuyệt hay cái gọi là bóng đá tổng lực khi đội “sang số”, “vê ga” liên tục khiến đối thủ hoa mày chóng mặt. Với tư duy của tiền đạo, Jan Jongbloed chiến thắng nhiều lần trong tình huống đối mặt với đối phương và khi có bóng, thủ thành này phát động tấn công-“sang số” cực nhanh. Để phục vụ tối đa cho bóng đá tổng lực, hàng thủ của đội Hà Lan ở World Cup 1974 chỉ có một người đúng chất hậu vệ, đó là trung vệ Wim Rijsbergen. Còn trung vệ Arie Haan vốn là tiền vệ; hai hậu vệ biên Ruud Krol và Wim Suurbier trước đều đá ở tiền vệ và tiền đạo cánh. HLV Michels cho rằng, một hậu vệ có xuất phát điểm là tiền vệ hay tiền đạo sẽ luôn có xu hướng ngẩng mặt về phía trước, họ luôn có kỹ thuật tốt hơn so với hậu vệ truyền thống, do đó khi bị đối phương quây rát, họ dễ dàng thoát khỏi pressing và chỉ cần một cú phất bóng-”sang số” là có thể thay đổi thế trận trong tích tắc. Cả đội sẽ lao lên tấn công với uy lực như đại bàng lao xuống con mồi.

Ở V-League, Hoàng Anh Gia Lai thừa hưởng lứa cầu thủ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG đậm chất tấn công. Dở cái “lò” liên doanh này không đào tạo thủ môn. Thế nên bao năm qua, đá V-League đội bóng phố Núi rất khổ trong việc tìm “người gác đền”. Thế rồi đầu mùa giải V-League 2019, đội chơi lớn khi chiêu mộ thủ môn người Hà Lan Wieger Sietsma nhưng vào cuối tháng 9, thủ thành sinh năm 1995 này đã viết tâm thư, nói lời chia tay đội bóng, bởi có một số khúc mắc với HLV trưởng người Hàn Quốc Lee Tae-hoon. Khi Hoàng Anh Gia Lai ký hợp đồng với Wieger Sietsma, nhiều chuyên gia tin tưởng rằng đội bóng phố Núi sẽ chơi tấn công mượt hơn nhưng chiến lược gia Lee Tae-hoon vẫn thiên về thủ. Vì thế có thể giữa thủ môn Wieger Sietsma và HLV Lee Tae-hoon nảy sinh bất đồng về quan điểm chiến thuật nên thủ thành người Hà Lan chủ động ra đi.

V-League nói riêng, các đội tuyển bóng đá Việt Nam bao lâu nay tìm đỏ mắt khó có thủ môn nào hay, cho đến khi Văn Lâm xuất hiện. Nói sòng phẳng, Văn Lâm chưa phải là hoàn hảo, bởi anh vẫn bị hạn chế khi lao ra đấm bóng, chuyền bóng phát động tấn công chưa hay… nhưng bù lại, thủ thành Việt kiều này ra vào chắc chắn, bắt bóng bổng tốt, chọn vị trí nhạy cảm… Thầy Park cũng thiên về đá chắc, ưu tiên mặt trận phòng ngự. Vậy ông cần một Văn Lâm “người nhện” trong khung gỗ nhưng trong những tình huống phản công, HLV Park Hang-seo cũng muốn Văn Lâm là người tham gia đầu tiên khi có bóng.

Trong đội hình 3-5-2 hay 5-3-2… thầy Park luôn coi trọng hai tiền vệ cánh, đó là Trọng Hoàng và Văn Hậu. Giờ mà khuyết một trong hai vị trí trên, chắc chắn thầy Park lo mất ăn, mất ngủ. Đó là lý do ông ra điều kiện bằng được nếu Văn Hậu sang Hà Lan thi đấu, thì trong hợp đồng bắt buộc phải có điều khoản được về đá SEA Games vào cuối năm nay.

Các đội tuyển Việt Nam chưa đủ trình, chưa đủ con người để có thể chơi một thứ bóng đá na ná như bóng đá tổng lực. Nhưng Park Hang-seo chắc chắn bị ảnh hưởng nhiều bởi Guus Hiddink, khi có vinh dự làm trợ lý HLV cho ông này trong chiến dịch World Cup 2002.  

Để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 gặp Malaysia và Indonesia, thầy Park đã cho gọi 33 cầu thủ và ông vừa loại 10 người. Bất ngờ khi ông thầy người Hàn Quốc giữ lại tiền đạo Việt Phong (Viettel). Việt Phong gây ấn tượng khi ghi 1 bàn thắng trong trận hòa 2-2 của đội tuyển Việt Nam với đội U.22 Việt Nam trong trận đấu tập vào tối 3-10. Bên cạnh đó, ông đôn tiền vệ Trọng Hùng (Thanh Hóa) và tiền đạo Tiến Linh (Bình Dương) từ đội U.22 Việt Nam lên đội tuyển quốc gia.

Nếu quan sát các buổi tập vừa qua của đội tuyển Việt Nam, thì trong số các tuyển thủ bị loại (Xuân Trường chấn thương, Hoàng Thịnh đau mắt…) đa phần đều chơi một chạm thiếu tinh tế. Ngay từ khi mới cầm quân U.23 Việt Nam cuối năm 2017, thầy Park thường cấm các cầu thủ đá hai chạm trong buổi tập. Ai đá hai chạm ông phạt ngay.

Mạc Hồng Quân đúng là có thể chơi đa năng nhưng xét ở kỹ năng “làm tường”, đánh đầu, anh không bằng lão tướng Anh Đức; còn lùi xuống tiền vệ thì trong tay thầy Park đã dư người. Trong số cầu thủ bị loại, nhiều người tiếc cho Công Thành bởi hậu vệ này có phong độ cao, thể lực tốt. Ai cũng thấy Duy Mạnh (Hà Nội FC) có vấn đề về thể lực nửa cuối mùa giải 2019. Đá vòng loại World Cup 2022 gặp Thái Lan, Duy Mạnh để Supachok qua người 3 lần khiến CĐV thót tim…

Lần đầu tiên thầy Park nói về đội hình chim Lạc, ấy là khi đội U.23 Việt Nam tranh tài ở VCK U.23 châu Á 2018. Ông Park bảo chim Lạc là loài chim chỉ có trong truyền thuyết, vậy đội hình, lối chơi của chúng ta cũng phải hư hư, thực thực để đối thủ khó đoán định. Đội hình chim Lạc của thầy Park nay coi như tạm ổn ở tuyến dưới, tuyến giữa. Vấn đề cầu thủ nào sẽ là thủ lĩnh trên hàng công, là đầu chim Lạc, để có thể “vọt ga” ở thời điểm quyết định? Thầy Park sẽ giấu kín các quân bài trong tay, buộc các HLV trưởng của Malaysia, Indonesia phải kỳ công tìm lời giải đáp.

Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG