Cuộc chiến kim tiền

Cuộc đua vô địch thế giới F1 đầu tiên được tổ chức vào năm 1950 tại Silverstone (Anh) và chặng đua F1 đầu tiên diễn ra một tháng trước đó tại Pau (Pháp).

Những năm đầu tiên, giải đua xe F1 có 20 chặng được tổ chức từ cuối mùa xuân đến đầu mùa thu tại châu Âu. Đa số các xe đua tham gia tới từ Italy và đội đua Alfa Romeo thống trị gần hết các chặng đua trước năm 1950. Nhưng kể từ khi Alberto Ascari giúp đội đua Ferrari vô địch thế giới hai năm liên tiếp 1952, 1953 thì kể từ đó đến nay, đội đua Italy này luôn là ông hoàng của làng F1 thế giới với quyền lực tuyệt đỉnh. Trong số các đội đua tham dự F1, duy nhất đội đua Ferrari được quyền dùng phiếu chống để phủ quyết các quyết định quan trọng của Ban tổ chức giải đấu, Liên đoàn Mô tô thế giới (FIA) nếu họ thấy không có lợi cho mình.

Ferrari có quyền lực lớn đến vậy bởi họ là một trong số ít nhà sáng lập ra giải đấu F1. Honda, Toyota (Nhật Bản), Renault (Pháp) đều là những hãng sản xuất xe hơi khổng lồ nhưng các hãng trên đều từng rời giải F1 vì không chịu nổi kinh phí tham dự (trung bình một đội đua F1 tiêu tốn khoảng 500 triệu USD cho một mùa giải) hoặc bị xử phạt cấm thi đấu. Các đội trên mới chỉ lần lượt quay trở lại F1 ở những mùa giải gần đây bằng việc cung cấp động cơ cho các đội đua hoặc thành lập liên doanh đội đua, và để lại có một đội đua độc lập như Renault là điều không đơn giản chút nào.

Toyota danh tiếng là vậy nhưng phải đến mùa giải F1-2002, hãng xe Nhật Bản này mới góp mặt nhưng đến tháng 11-2009, đội đã tuyên bố rời F1 vì không đủ tiềm lực tài chính; cũng như không đăng cai chặng Grand Prix Nhật Bản năm 2010 (chặng đua này diễn ra trên đường đua Fuji, thuộc sở hữu của Toyota) vì lý do tương tự. Trong 8 mùa giải tham dự F1, đội đua Toyota chưa từng giành chiến thắng chặng (trong khi một mùa giải có khoảng 20 chặng, ở mùa giải 2018 có 21 chặng), điều này cho thấy so về mặt công nghệ, Toyota còn thua kém các đội đua đến từ Mỹ, Đức, Anh, Italy, Pháp. Năm 2008, đội đua Honda cũng rời làng đua xe F1 vì khó khăn tài chính. Về sau, suất của Honda đã được Ross Brawn (ông chủ của đội đua Brawn) mua lại, qua đó tạo nên chiến thắng ngoạn mục ở mùa giải 2009 (vô địch cả cá nhân lẫn đồng đội) nhờ công tay đua người Anh Button.

leftcenterrightdel
F1 là giải đua xe đỉnh cao nhất trong làng đua xe thế giới. Ảnh: ARS TECHNICA

Với đội đua danh tiếng Ferrari, lần gần nhất họ vô địch F1 là mùa giải 2007, thế nên mới có chuyện đội đua Italy này hợp tác với Renault và Honda để nâng cấp động cơ cho chiếc xe đua ở mùa giải F1 2018. Về phần Red Bull, đội đua nước Áo này đang cân nhắc chia tay Renault sau khi hết hợp đồng cung cấp động cơ vào cuối mùa 2019, để nhờ Honda cung cấp động cơ ở mùa giải 2020.

Có nghĩa là ở F1, dù Honda, Toyota không còn đội đua riêng, nhưng họ vẫn có thể trở thành nhà cung cấp động cơ, hoặc tham gia một phần nâng cấp động cơ; hoặc cao hơn, góp cổ phần vào một đội đua, như trường hợp Honda “xe duyên” cùng đội đua Scuderia Toro Rosso. Hay như Renault, dù lần gần nhất đội đua nước Pháp này vô địch F1 từ năm 2006 (nhờ công tay đua người Tây Ban Nha Alonso) nhưng hãy nhớ rằng đội đua nước Áo Red Bull vô địch F1 liên tiếp từ năm 2010 đến 2013 là nhờ công tay đua người Đức Vettel; còn xe của đội này sử dụng động cơ của Renault.

Không phải các hãng xe hơi nào cũng có thể bỏ ra tới 300 triệu USD/năm để nghiên cứu động cơ cho xe đua F1. Nghe có vẻ “đốt” tiền nhưng thực chất tiền chẳng chạy đi đâu cả, tiền đẻ ra công nghệ và lại đẻ ra tiền. Có điều như ở năm tài khóa 2008, công ty mẹ Toyota lỗ tới hơn 3 tỷ USD thì việc đội đua Toyota “nhấc chân” khỏi F1 cũng là điều dễ hiểu; khi xét về mặt công nghệ, hãng xe Nhật Bản này vốn không có chủ trương sản xuất siêu xe phóng với tốc độ hơn 250km/giờ.

Năm 2008, Honda đã thông báo rút khỏi đường đua F1 và không tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan tới giải đua xe thể thức 1 nhưng cuối năm 2014, hãng xe Nhật Bản công bố quay trở lại làng F1 với vai trò nhà cung cấp động cơ cho đội đua McLaren từ mùa giải 2015. Lý do Honda trở lại F1 bởi đội ngũ kỹ sư của hãng đã nghiên cứu thành công động cơ siêu nạp V6 1.6L với hệ thống phục hồi năng lượng tuyệt vời cho các xe đua của McLaren. Trước đó, McLaren từng có những năm tháng vinh quang với động cơ của Mercedes-Benz.

Trong hệ thống giải đua xe F1, các đội đua phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn động cơ do FIA đưa ra. Từ năm 2014, tất cả các đơn vị tham gia đã phải sử dụng động cơ phun nhiên liệu trực tiếp 1.6L siêu nạp với 6 xy-lanh và hệ thống phục hồi năng lượng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, khi Renault cho ra đời các động cơ phun nhiên liệu trực tiếp 1.6L siêu nạp với 6 xy-lanh hoàn hảo hơn, thì đội đua nước Anh McLaren đã dừng hợp tác với Honda, mà chuyển sang bắt tay cùng hãng sản xuất xe hơi của Pháp.

Sinh nghề tử nghiệp

Trên thế giới, không có quá vài trăm tay đua có thể cầm lái những chiếc F1 chạy với tốc độ hơn 300km/giờ. Bạn hãy thử hình dung lái chiếc xe ô tô với vận tốc 100km/giờ mà xảy ra một sai lầm dù là nhỏ nhất thì hậu quả đã là khó lường. Đằng này, các tay đua như Lewis Hamilton (Anh), Vettel (Đức), Raikkonen (Phần Lan), Ricciardo (Úc)… phải thi đấu quanh năm suốt tháng, đòi hỏi họ phải có một thần kinh thép. Lịch sử F1 từng chứng kiến nhiều nhà vô địch thế giới sinh nghề tử nghiệp, như trường hợp của Jim Clark (Scotland), Senna (Brazil)...

Năm 1962, đội đua Lotus đã có bước đột phá về công nghệ khi khung gầm xe liền thân từ nhôm nguyên khối, giúp cho chiếc xe và động cơ trở nên đáng tin cậy hơn, khởi đầu cho “kỷ nguyên” Lotus ở F1. Tay đua Jim Clark của đội đã vô địch giải F1 hai lần trong năm 1963, 1965. Tại chặng đua Germany Formula Two-F2 (nhiều báo vẫn nhầm là Formula One-F1) năm 1968, Jim Clark đã tử vong khi chiếc xe Lotus 48 của ông bị văng ra khỏi đường đua, đâm vào gốc cây. Jim Clark bị gãy cổ và vỡ xương sọ, chết trước khi đến bệnh viện. Nguyên nhân của vụ tai nạn chưa bao giờ được công bố rộng rãi, nhưng cơ quan điều tra Đức kết luận rằng, rất có thể là do lốp sau không đủ căng (cân nặng) theo quy định. Từ đó F1 có thêm quy định ngặt nghèo về lốp đua và lâu nay, chỉ có hai hãng lốp đủ điều kiện cung cấp cho các đội đua F1 là Bridgestone và Pirelli.

Ngày 1-5-1994, tay đua huyền thoại Ayrton Senna khép lại tuần tồi tệ nhất trong lịch sử F1 khi đi theo người đồng đội Ratzenberger sang bên kia thế giới. Senna bị mất lái ở khúc cua Tamburello trên đường đua Imola (San Marino), lao thẳng xe vào rào chắn với vận tốc 220km/giờ. Tay đua từng 3 lần vô địch F1 qua đời vì chấn thương đầu nghiêm trọng. Trong áo Senna, người ta còn tìm thấy một quốc kỳ Áo, là lá cờ ông định dùng để tưởng niệm người bạn thân Roland Ratzenberger khi về đích.

Thế nhưng tai nạn F1 ám ảnh nhất chính là ở mùa giải 1961; khi Wolfgang von Trips qua đời sau pha va chạm thảm khốc với Jim Clark tại Grand Prix Italy. Tay đua người Đức bị văng khỏi xe và tử nạn tại chỗ. Nhưng nghiệt ngã hơn, chiếc xe của Wolfgang von Trips bay qua rào chắn, lao vào đám đông khán giả, làm chết thêm 15 mạng người.

Bên cạnh đó, cũng có những cái chết vô cùng đáng tiếc vì những lý do lãng xẹt. Jochen Rindt, tay đua duy nhất trong lịch sử được truy tặng danh hiệu vô địch F1 sau khi qua đời, đã tử nạn sau khi lao xe vào rào chắn tại đường đua Monza, Grand Prix Italy. Đáng chú ý, tay đua người Đức thiệt mạng vì một chấn thương cổ họng bị gây ra bởi khóa an toàn trong vụ tai nạn. Ngày 6-10-1974, Helmuth Koinigg đã tử nạn tại đường đua Watkins Glen. Koinigg đâm xe vào hàng rào an toàn, nhưng thay vì chặn chiếc xe đua F1 này lại, hàng rào này đã cứa đứt cổ tay đua người Áo.

Chính vì sự khắc nghiệt của đường đua F1 nên Ban tổ chức giải đấu này luôn yêu cầu các đội đua, các tay đua, các trường đua phải tuân thủ nghiêm khắc các yêu cầu, quy định trên đường đua. Bất kỳ ai vi phạm đều có thể bị cấm thi đấu, cấm hành nghề vĩnh viễn, cùng với số tiền phạt có thể lên đến hàng triệu USD.

"Dù hơn 10 năm qua chưa từng vô địch mùa giải F1 nào nhưng Ferrari vẫn là đội đua F1 có giá trị nhất. Theo tính toán của Forbes, đội đua Italy này có giá trị gần 1,4 tỷ USD. Đội đua Mercedes trong khi đang hướng tới chức vô địch cá nhân và đồng đội lần thứ 5 liên tiếp (với tay đua chủ lực Hamilton) chỉ có giá trị tầm 600 triệu USD.

"Dù là tay đua nổi danh nhất thế giới hiện nay nhưng Hamilton chỉ nhận lương 50 triệu USD/năm từ đội đua Mercedes. Trong khi đó tay đua Vettel (4 lần vô địch thế giới) đang là người hưởng lương cao nhất trong làng F1 với 60 triệu USD/năm từ đội đua Ferrari.

"Một chiếc xe đua F1 có giá thành khoảng 6 đến 8 triệu USD. Điều đặc biệt bộ khung vỏ của những chiếc siêu xe F1 được ghép lại với nhau mà không cần tới một con ốc nào.

KHOA MINH