QĐND - Giá bản quyền giải ngoại hạng Anh tăng theo cấp số nhân trong một thập kỷ qua, nhất là trong ba mùa giải tới (2013-2016) cho thấy: Giải đấu này đích thực là món ăn tinh thần quan trọng với người hâm mộ. Vì thế, Ban tổ chức giải ngoại hạng Anh (EML) ngạo nghễ tự cho mình quyền đứng trên cao, khoanh tay nhìn các nhà đài đấu nhau, bỏ ra cả núi Mỹ kim để có thể mua được bản quyền giải ngoại hạng.

K+ sẽ ra sao nếu không còn độc quyền ngoại hạng Anh các trận đấu vào chủ nhật?

 

Chuyện trong nhà

Công văn số 04/2013/HH-THTT do Chủ tịch Hiệp hội Vũ Văn Hiến ký, ghi rõ: "Thời gian vừa qua Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam nhận được rất nhiều thông tin và đề nghị từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các đài truyền hình lớn và các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền về sự cần thiết phải có một đầu mối điều tiết hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nói riêng, lợi ích của người xem truyền hình nói chung trong các hoạt động mua bán bản quyền nước ngoài, đặc biệt là những bản quyền có giá trị lớn nằm trong tay nước ngoài, như đối với giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa 2013-2016 sắp tới… Hiệp hội truyền hình trả tiền đề nghị:

1. Tất cả các đài truyền hình lớn và các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền thống nhất quan điểm “tất cả các đơn vị có nhu cầu cùng mua, cùng chia sẻ bản quyền giải ngoại hạng Anh, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, không gây thiệt hại cho từng đơn vị nói riêng và cả hệ thống truyền hình trả tiền nói chung”.

2. Các đơn vị tham gia mua (hoặc không mua) bản quyền giải ngoại hạng Anh gửi văn bản về Hiệp hội truyền hình trả tiền nêu rõ ý kiến thống nhất (hoặc không thống nhất) với đề xuất của hiệp hội, đồng thời đóng góp các sáng kiến, đề xuất khác (nếu có). Đề nghị hồi âm trước ngày 30-1-2013.

Vì lợi ích chung của đông đảo người hâm mộ giải ngoại hạng Anh, với vai trò điều tiết lợi ích chung của các đơn vị truyền hình trả tiền trên nguyên tắc không chỉ vì lợi nhuận, hiệp hội đề nghị các đài truyền hình, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền cùng thống nhất tiếng nói và hành động trong việc mua bản quyền giải ngoại hạng Anh mùa giải 2013-2016”.

Với động thái này, Hiệp hội truyền hình trả tiền đã lường trước tình huống các đài sẽ đấu nhau khủng khiếp, như K+ trước đây để có được bản quyền của giải ngoại hạng Anh. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn các đài Việt Nam sẽ bị đối tác ép giá. Ông Vũ Văn Hiến cho biết, trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có công văn chỉ đạo VTV sẽ đại diện các đài đứng ra đàm phán với đối tác, đồng thời yêu cầu các đài cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất mức giá, tránh trường hợp bị đối tác ép giá.

Tuần trước, đơn vị nắm bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh ở Nhật Bản, Mông Cổ và Việt Nam là IMG, đã đưa ra mức giá ban đầu, kèm theo các phương án bán. Cụ thể, để dễ bán và mang tới nhiều lựa chọn cho các nhà đài Việt Nam, IMG chia bản quyền Premier League 2013-2016 thành ba gói, gồm gói độc quyền chủ nhật có giá 18 triệu USD, gói độc quyền trận đấu sớm và hay nhất thứ bảy giá 15 triệu USD, gói cho các trận đấu còn lại có giá 4,5 triệu USD. Tổng số tiền bản quyền IMG muốn thu về tối thiểu là 37,5 triệu USD. Con số 37,5 triệu USD đã tăng lên tới gần hai lần so với giá bản quyền Premier League ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2013 (19 triệu USD) và tăng gần 10 lần so với giai đoạn 2007-2010 (4 triệu USD).

Các nhà đài trong nước trước đó đã thống nhất sẽ chỉ mua bản quyền truyền hình ngoại hạng Anh 2013-2016 với giá không quá 10% so với giai đoạn 2011-2013. Tuy nhiên thị trường Việt Nam thực sự “màu mỡ” với IMG, nên các nhà đài dự báo mức giá có thể lên tới 30 triệu USD. Vì vậy, khi IMG chào mức giá 37,5 triệu USD, lãnh đạo các nhà đài Việt Nam sốc thật sự. Bởi lẽ, 37,5 triệu USD mới chỉ là khoản chi tối thiểu, do bị đội lên từ thuế, phí đường truyền vệ tinh, tiền sản xuất chương trình... Nếu tính tất cả, số tiền các nhà đài Việt Nam phải trả sẽ thêm ít nhất 10 triệu USD nữa.

Chuyện thiên hạ

Theo tờ Bangkok Post, Công ty Cable Thai Holding Plc (CTH) đã chi hơn 300 triệu USD để sở hữu bản quyền truyền hình Premier League tại 3 nước Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia. Số tiền mà CTH bỏ ra cao hơn 8 lần so với giá mà IMG chào bán với các nhà đài Việt Nam (khoảng 37 triệu USD).

CTH đã phải vay ngân hàng Bangkok 14 tỷ bạt (khoảng 470 triệu USD), để có đủ nguồn lực tài chính hạ một loạt đối thủ khác trong cuộc đấu thầu bản quyền giải ngoại hạng Anh. Cách đây 3 năm, TrueVisions là đơn vị trúng thầu với mức giá 46 triệu USD.

Đại diện các nhà đài Việt Nam “bối rối” khi IMG đưa ra giá chào bán bản quyền giải ngoại hạng Anh 3 mùa bóng tới. Ảnh: Đức Lê

 

Dù đang nợ như chúa Chổm nhưng lãnh đạo CTH mừng như bắt được vàng khi trúng thầu bản quyền giải ngoại hạng Anh. CTH đang có 3,5 triệu thuê bao, với giá thuê bao là 300 bạt-khoảng 11 USD/tháng, và một năm là hơn 130USD. 130USD x 3,5 triệu thuê bao, thì có thể hiểu vì sao CTH mừng hớn hở khi mua được bản quyền giải ngoại hạng Anh.

Tại Xin-ga-po và Hồng Công (Trung Quốc), người hâm mộ phải thọc sâu vào hầu bao mới mong được xem các trận đấu, vì tiền bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh ở Hồng Công (Trung Quốc) và Xin-ga-po cũng tăng phi mã, lên đến gần 300 triệu USD cho 3 mùa tới.

Công ty truyền hình trả tiền của Mi-an-ma là Sky Net nếu muốn có bản quyền giải Premier League trong 3 mùa tới, thì phải chi tới 40 triệu USD, so với chỉ 320.000USD mà Sky Net trả cho 3 mùa vừa rồi.

Tại nước Anh, tiền bản quyền truyền hình 3 mùa sắp tới của giải ngoại hạng tăng đến 70% so với 3 mùa gần đây, từ 1,782 tỷ bảng vọt lên 3,018 tỷ bảng.

Kênh Sky Sports nắm độc quyền trực tiếp 115/138 trận/mùa với giá trị mỗi năm phải trả 760 triệu bảng. 23 trận còn lại thuộc kênh ESPN. Hãng BBC khiêm tốn hơn, chỉ mua gói điểm tin trận đấu và phát biểu sau trận đấu cũng phải chi tới 178 triệu bảng.

Sport Mail bình luận giá bản quyền giải ngoại hạng Anh tại xứ sương mù “quá sức chịu đựng của dân nghèo và hết hồn với nhà đài”. Nhưng dù hồn vía có ra sao, thì gần như các nhà đài đều tỏ ra phấn chấn khi mua được bản quyền giải ngoại hạng Anh.

Vậy đâu là câu trả lời thỏa đáng cho việc “quá sức chịu đựng”?

Cái lý của EML

Vượt qua hai đối thủ cạnh tranh FOX và ESPN, hãng NBC Universal đã giành được bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh tại Mỹ trong 3 mùa tới với số tiền kỷ lục 250 triệu USD, gấp 3,5 lần so với con số 69 triệu USD/3 mùa, hiện FOX đang trả.

Từ tháng 8-2013, toàn bộ 380 trận đấu của Premier League mỗi mùa sẽ được phát trên các kênh của hệ thống NBC cũng như hai kênh tiếng Tây Ban Nha là Telemundo và MUN2. Người hâm mộ tại Mỹ cũng có thể dễ dàng theo dõi các trận đấu qua internet hay các thiết bị di động.

Hiện tại, kênh FOX có khoảng 136.000 thuê bao thường xuyên xem các trận đấu Premier League trên hệ thống của mình, giảm so với con số 142.000 thuê bao của mùa giải trước. Kênh này cũng đang nắm giữ bản quyền các trận đấu tại UEFA Champions League, Europa League, cúp FA trên toàn nước Mỹ; trong khi đài NBC có bản quyền giải MLS và World Cup 2018, 2022.

Hệ thống truyền hình NBC đang được cung cấp tới hơn 95% số gia đình tại Mỹ, nhiều hơn so với của FOX. Theo kế hoạch, NBC sẽ phát sóng trực tiếp 6 trận đấu của Premier League mỗi tuần, các trận còn lại phát online.

Ngay sau khi NBC đánh bại FOX để giành bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh 3 mùa giải tới, EML trên trang chủ của mình đã phân tích cuộc chiến giữa hai đại gia trên.

“… Thật khó hình dung FOX sẽ tồn tại ra sao nếu không có giải ngoại hạng Anh. Tuy nhiên FOX đã phải đối mặt với NBC, một đối thủ hùng mạnh với tiềm lực tài chính gần như vô tận. FOX đã rơi vào một tình huống cực kỳ khó khăn, mua hay không mua bản quyền giải ngoại hạng 3 mùa bóng tới? Nếu không mua, họ sẽ mất vương miện ông hoàng truyền hình thể thao trên lãnh thổ Mỹ. Nếu gắng mua, FOX sẽ phải trả số tiền cực kỳ “khiêu gợi”, từ đó sẽ dẫn đến cuộc đua tranh quyền lực, tiền bạc không giới hạn (với đối thủ NBC) và có thể đẩy FOX tới kiệt quệ, hoặc thậm chí phá sản.

Premier League đang ở đỉnh cao và điều này cho phép EML khoanh tay đứng trên cao, xem các phương tiện truyền thông khổng lồ chiến đấu, để trở thành người trả giá cao nhất cho bản quyền truyền hình Premier League. Kết quả, các kênh, các tập đoàn sẽ là nhà sản xuất tiền kỷ lục cho giải ngoại hạng Anh, nhưng tác động của kẻ chiến thắng (NBC) có thể thay đổi thị hiếu thưởng thức bóng đá mãi mãi tại Mỹ”.

THU HIỀN