Ngoài tính giải trí, các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực sáng tạo các loại cờ của Trần Việt Dũng sẽ sớm được biết đến rộng rãi và trở thành công cụ hữu ích để học sinh, sinh viên rèn luyện tư duy.
Hành trình đam mê sáng tạo
Những ai gặp Trần Việt Dũng lần đầu chắc chắn sẽ ấn tượng với cách nói chuyện thông minh của anh. Cũng vì say mê tham gia nghiên cứu triết học từ lâu nên những câu chuyện qua lời kể của Trần Việt Dũng thường có tính logic, trí tuệ. Trần Việt Dũng sinh năm 1978, tại Hà Nam. Từ nhỏ, Dũng đau ốm nhiều nên 7 tuổi mới đi học lớp 1. Suốt thời gian học tiểu học và THCS, học lực của Dũng thường chỉ ở mức trung bình. Năm lớp 10, Việt Dũng rất thích học môn Giáo dục công dân. Từ đó, khơi mở trong anh niềm đam mê triết học. Anh đọc sách về triết học nhiều hơn và sau đó đã trúng tuyển vào chuyên ngành Triết học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tại trường đại học, Việt Dũng được các thầy, cô giáo đánh giá là có năng lực tư duy độc lập.
    |
 |
Tiến sĩ Trần Việt Dũng (giữa) nhận bằng chứng nhận của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. |
Năm thứ hai và thứ ba đại học, Trần Việt Dũng có hai bài tiểu luận đáng nhớ mang tên “Phương pháp chuyển dịch” và “Lượng thức”. Tuy nhiên, khi anh trình bày trên lớp, đa số bạn học không hiểu. Chính vì điều này mà Việt Dũng được bạn bè đặt biệt danh là “Dũng Zeno”, theo tên nhà triết học Hy Lạp cổ đại, người đã đưa ra những nghịch lý mà khó có thể lý giải được như nghịch lý “Achilles không đuổi kịp con rùa”. Việt Dũng nhớ lại: “Từ nhỏ, thành tích học tập của tôi không hề tốt, thậm chí là có phần kém hơn các bạn cùng trang lứa. Nhưng từ khi tìm thấy đam mê với lĩnh vực triết học, tôi như được mở ra cánh cửa học tập. Tôi áp dụng cách tư duy logic của triết học vào làm bài tập và thấy được sự thay đổi rõ rệt”.
Năm 2003, Trần Việt Dũng trúng tuyển vào làm giảng viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Năm 2004, Dũng thi cao học và trúng tuyển tại Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2007, Việt Dũng đạt được học vị thạc sĩ với đề tài: “Tìm hiểu về bản chất của sáng tạo”. Sau đó đến cuối năm 2010, Việt Dũng trúng tuyển nghiên cứu sinh. Năm 2016, anh bảo vệ luận án tiến sĩ Triết học thành công với đề tài: “Sáng tạo và việc nâng cao năng lực sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện nay”. Đến năm 2017, Việt Dũng xuất bản cuốn sách “Sáng tạo học và ứng dụng”.
Trong quá trình nghiên cứu triết học, Trần Việt Dũng đã tìm thấy những ý tưởng sáng tạo hay với cờ. Năm 2016, Dũng tình cờ đọc được những bài viết về cờ tư lệnh của Đại tá, nhà văn Nguyễn Quý Hải và cờ toán Việt Nam của nghệ nhân Vũ Văn Bảy. Từ đây, anh có cảm hứng và động lực để bắt tay vào sáng tạo ra các loại cờ mới. Chỉ trong hai năm (2019-2020), Việt Dũng đã sáng tạo ra 10 loại cờ được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận, gồm: Cờ tri thức, cờ hình, cờ số, cờ bóng đá, cờ bóng rổ, cờ sao, cờ hợp, cờ động vật, cờ trận và cờ bình. Việt Dũng cho hay: “Sau khi xem cờ tư lệnh và cờ toán Việt Nam, tôi cho rằng người ta làm được thì mình cũng làm được. Sau khi suy nghĩ, phân tích về bản chất của cờ và vận dụng những kiến thức về logic mình đã học được, tôi bắt đầu bước vào sáng tạo cờ. Có những loại cờ tôi suy nghĩ mất cả năm mới ra, nhưng cũng có loại cờ chỉ mất gần một tháng”.
Công cụ hữu ích rèn luyện tư duy
Trong 10 loại cờ kể trên do Trần Việt Dũng sáng tạo thì cờ tri thức và cờ bóng đá hiện đang có nhiều người chơi hơn cả. Tận tình giới thiệu quy luật, nước đi và lợi ích mà cờ tri thức mang lại, Việt Dũng nói: “Cờ tri thức là môn thể thao trí tuệ diễn ra giữa hai người chơi. Mỗi bên gồm 12 quân (quân xanh-đỏ) thi triển quân mình sao cho giành được nhiều điểm hơn thì thắng hoặc thắng “knock out”-ăn một lúc hai quân. Việc ăn quân dựa vào nguyên tắc khớp nội dung theo chủ đề đã có sẵn. Ví dụ chủ đề là thủ đô và quốc gia, thì ngay lập tức người chơi cần phải truy xuất dữ liệu trong đầu mình về những thông tin đó để đưa ra nước đi nhanh và chính xác nhất. Cờ tri thức có tác dụng giải trí, rèn luyện trí tuệ và đặc biệt được dùng để phục vụ cho hoạt động ôn luyện kiến thức ở mọi môn học. Để chơi tốt được cờ tri thức, yêu cầu người chơi phải không ngừng trau dồi kiến thức nền và khá phù hợp với lứa tuổi học sinh”.
Thoạt nhìn, cờ bóng đá chỉ mang tính chất giải trí. Bởi các quân cờ, quy luật chơi khá giống một trận bóng đá thực tế. Theo đó, người chơi sẽ sử dụng những quân cờ tương ứng với cầu thủ trên sân cố gắng di chuyển quả bóng để ghi bàn. Nhưng trên thực tế, cờ bóng đá có nhiều nước đi đòi hỏi người chơi phải tư duy logic. Khi quân cờ của bạn đang cầm bóng, đối phương hoàn toàn có thể di chuyển quân cờ của họ làm vật cản. Lúc này, người chơi cần phải thể hiện tư duy không gian trong nhiều nước đi để chọn ra nước đi tối ưu nhất. Theo Trần Việt Dũng, để sáng tạo ra cờ bóng đá, anh mất khoảng một tháng. Việc đưa môn thể thao vua vào bàn cờ ngoài có tính giải trí cao thì đây cũng là cách để người chơi rèn luyện tư duy không gian.
Đánh giá về kỷ lục sáng tạo 10 loại cờ của Trần Việt Dũng, ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam cho biết: “Hiện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận cho hơn 2.000 kỷ lục Việt Nam nhưng số kỷ lục thể hiện trí tuệ của kỷ lục gia không nhiều. Tiến sĩ Trần Việt Dũng là một giảng viên nên anh rất có ý thức sáng tạo sản phẩm rèn luyện trí tuệ cho người chơi; có ý thức đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ để có thể xác lập một kỷ lục Việt Nam. Hy vọng anh có thể phát triển 10 loại cờ trên nền tảng số để đông đảo người chơi tiếp cận”.
Sáng tạo ra một loại cờ đã khó, đưa nó vào ứng dụng thực tế lại càng khó khăn hơn. Việc đưa 10 loại cờ của Trần Việt Dũng trở nên phổ biến với người chơi là cả một quá trình, chặng đường dài khó khăn. Trước mắt, Việt Dũng đã đến tặng cờ, giới thiệu luật chơi và nhận được sự ủng hộ của đông đảo học sinh tại Trường Tiểu học Đằng Hải (quận Hải An, TP Hải Phòng). Trong thời gian tới, Việt Dũng sẽ tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Hải Phòng lần thứ ba, năm 2020-2021. Tại đây, Trần Việt Dũng dự định sẽ giới thiệu các loại cờ của mình, mời các thầy, cô giáo chơi thử và mong muốn sẽ quảng bá những loại cờ trong các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP Hải Phòng. Trong tương lai, Việt Dũng hy vọng rằng các loại cờ của mình sẽ trở thành công cụ dạy học trong những trường học tại Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Tất cả 10 loại cờ do Trần Việt Dũng sáng tạo ra đều nhằm phục vụ cho giáo dục phổ thông từ lớp cuối tiểu học đến tận THPT. Tôi thấy một số môn học đại học thậm chí có thể đưa một vài loại cờ của Việt Dũng sáng tạo vào để củng cố kiến thức, cách tư duy, cách lập luận của người học. Các loại cờ này không chỉ có tác dụng giải trí mà nó còn liên quan đến kiến thức các em học được từ lý thuyết, nâng cao năng lực tư duy cho học sinh. Những năm qua, chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản giáo dục từ dạy học truyền thụ sang dạy học kiến tạo. Và việc áp dụng chơi cờ vào dạy học là một ý tưởng hay, hướng mở đầu hữu ích để người học, người dạy hiểu được về phương pháp dạy học kiến tạo trong thời đại công nghệ số”.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH - SA ĐIỀN