Ông Long bảo: “Đời tớ có nhiều học trò hay, đá giỏi nhưng tớ ưng nhất cặp Lê Thụy Hải-Mai Đức Chung hồi tớ cầm quân ở Tổng cục Đường sắt. Đây là bộ đôi tiền vệ phòng ngự xuất sắc, đá rất thông minh, có phần hiện đại so với bóng đá nước nhà thời đó. Nhắc đến Hải là nói đến độ quái, nhớ đến Chung ở sự quyết đoán, quan sát tinh tế trong những pha dứt điểm, cắt bóng”.
Có lần trò chuyện với Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, ông cũng khen HLV Mai Đức Chung: “Bóng đá nữ nước nhà may mắn gặp HLV Mai Đức Chung mát tay, biết thương các cầu thủ. HLV mà nhiệt tình, chịu lăn xả, “sạch” như Chung kể ra cũng hiếm”.
    |
 |
HLV Mai Đức Chung luôn tự tin khi dẫn đội tuyển nữ quốc gia đi thi đấu quốc tế. |
“Nuôi quân ba năm, dụng một giờ”. Năm 1996, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia mới được thành lập bằng cách gom quân của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đá giải ở Malaysia. Các cô gái Thủ đô được vào Thành phố mang tên Bác tập luyện thì vô cùng hứng khởi, nhưng giáo án lại do HLV quận 1 soạn nên không tránh khỏi cảnh quân tôi, quân anh. Rất may, hồi đó ông Nguyễn Hữu Bàng, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 2 (TP Hồ Chí Minh) biết chuyện, tham mưu cho Tổng cục TDTT cử gấp một HLV “trung lập” quản lý đội bóng đá nữ quốc gia. Nhớ lại chuyện xưa, HLV Mai Đức Chung tâm sự cùng phóng viên Báo QĐND Cuối tuần: “Bao người tổng cục không điều, lại điều tôi, vốn chưa từng huấn luyện đội nữ bao giờ. Vào đến TP Hồ Chí Minh, anh Bàng thấy vẻ mặt đăm chiêu của tôi liền động viên: “Trên điều em vào là đúng người rồi”. Cầm quân con gái thú vị lắm nhưng cũng khá đau đầu. Để dung hòa mọi chuyện, HLV Mai Đức Chung cứ công bằng, công khai, minh bạch mà triển khai công việc. “Lên đội hình, quân Hà Nội-TP Hồ Chí Minh một 5 một 6 hoặc ngược lại. Hàng công có Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) thì người đá cặp phải là Lưu Ngọc Mai (quận 1). Vậy là đội tuyển nữ đá ngon lành, các em thoải mái về mặt tư tưởng”, ông Chung hồi tưởng.
Phải nói là ông Chung rất có duyên với bóng đá nữ khi dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia 3 lần giành Huy chương Vàng SEA Games. Thậm chí thời điểm cách đây hai năm, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) còn giao luôn cả đội tuyển nam quốc gia cho ông Chung. Khi đó ông Chung đã nói rất thẳng: “Nhiều người nghĩ tôi điên khi nhận đội nam lúc khó khăn, dù tôi mới giành Huy chương Vàng SEA Games 2017 cùng đội tuyển nữ quốc gia. Tôi phải suy nghĩ rất kỹ mới nhận lời huấn luyện đội tuyển nam quốc gia… Hơn nữa, tôi là đảng viên và tôi còn hợp đồng với VFF. Cấp trên phân công thì tôi làm. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, tôi không nhận thì lại gây khó khăn cho mọi người. Mà HLV bóng đá nam cũng là nghề chính của tôi, vì tôi vốn là HLV đội nam chứ không phải nữ. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu nếu thắng thì được nâng lên, còn thua thì dư luận sẽ dìm tôi xuống. Nhưng tôi cũng không sợ khó khăn vì đã quen rồi”.
Ông Mai Đức Chung như người đi xuyên giữa bóng đá nam và nữ vì từ năm 1996 đến nay, ông liên tục dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia, xen vào đó lại có thời kỳ cầm quân các đội nam, như: Becamex Bình Dương (hai lần), Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa ở V-League. Năm 2010, nhận lời mời vào Thủ Dầu Một cầm quân Becamex Bình Dương, ông Chung kể: “Đó là cơ hội giúp tôi đổi đời. Có tháng lương, thưởng tôi được gần trăm triệu đồng, số tiền rất lớn với tôi ngày đó. Nói cậu đừng cười, đã có lúc tôi mất ngủ vì được trả nhiều tiền quá”.
Ngoài chuyện tự hào 3 lần vô địch SEA Games cùng đội tuyển nữ quốc gia, có một kỷ niệm ông Chung cũng tự hào không kém. Đó là cách đây mấy năm, khi ông dẫn quân sang Myanmar dự giải, có lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã nghĩ ông là HLV ngoại dẫn dắt đội Việt Nam, có hỏi: “Ông là HLV người Hàn Quốc?”. Khi đó ông Dương Vũ Lâm-trưởng đoàn nói: “Không, ông ấy là người Việt Nam xịn”. Nghe ông Lâm trả lời như vậy, ông Chung rất vui. Vị quan chức kia đáp lời: “Tôi chưa từng thấy đội bóng đá nữ Đông Nam Á nào khỏe như đội tuyển nữ Việt Nam. Chúc mừng các ông”.
Khi phóng viên Báo QĐND Cuối tuần đặt câu hỏi có phải vì yêu quý HLV trưởng mà các cô gái của đội tuyển quốc gia luyện tập chăm chỉ, có được nền tảng tuyệt vời, thì ông Chung phân tích: “Nữ sao khỏe bằng nam, nhưng nữ có sức chịu đựng tốt hơn. Có lần đội tuyển nam và đội tuyển nữ quốc gia luyện tập cùng địa điểm. Có cầu thủ nam hỏi tôi: “Bố cho quân ăn gì mà khỏe thế?”. Tôi bảo: “Con à, nữ mà tập ít không có sức đá đâu. Nhưng nữ có sức chịu đựng tốt hơn bọn con nhiều”. Chính nhờ sức chịu đựng dẻo dai nên tôi tập trung tăng cường thể lực cho các cháu ở đội tuyển nữ quốc gia. Điểm yếu của bóng đá nữ là thể lực, tôi biết điều đó nên đã cố gắng cải thiện cho đội”.
“Nếu bây giờ VFF lại giao cho ông thêm nhiệm vụ khác, bên cạnh việc dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia…”. Chưa đợi tôi hỏi hết câu, ông Chung cười vui: “Tôi hiểu ý cậu rồi. Tôi nhắc lại lần nữa: “Tôi là đảng viên”.
KHOA MINH