Nỗi ám ảnh chấn thương

Nếu đơn giản chỉ đọc dòng thông tin trên về Trung tâm Phục hồi chấn thương thể thao quốc tế (IRC), hẳn bạn vẫn chưa hiểu hết nỗi lòng của Lương Xuân Trường và những người bạn đồng hành, những cộng sự ở Trung tâm IRC.

Chuyện bắt đầu từ đâu nhỉ? Có lẽ từ những ám ảnh chấn thương của Lương Xuân Trường và của những người đồng đội, người quen thân bên cạnh tiền vệ tài năng này.

Viết về chấn thương của cầu thủ thì dễ, đại loại CLB ra thông cáo báo chí, HLV trưởng, bác sĩ đội bóng nói đôi câu ba điều về chấn thương của cầu thủ, rồi chính VĐV nói cho truyền thông hay về chấn thương của mình. Nhưng phải sống trong cảm giác bị đau đớn, bị chấn thương hành hạ, bị ám ảnh bởi những chấn thương đã, đang và sẽ xảy đến mới hiểu vì sao Lương Xuân Trường và những người bạn quyết tâm thành lập Công ty Cổ phần IRC, cho ra đời IRC.

leftcenterrightdel
Lương Xuân Trường và các cộng sự ở Trung tâm Phục hồi chấn thương thể thao quốc tế (IRC) cam kết đặt lợi ích của VĐV, cầu thủ, người bệnh lên hàng đầu. 

Tiếng khoan điện rít lên liên hồi, những mũi khoan đâm thẳng vào xương bàn chân, bàn tay, đầu gối... Đau đớn khủng khiếp, nó còn hơn cả nỗi ám ảnh. Cầu thủ bị chấn thương, những lần phẫu thuật đơn giản nhất cũng có thể khiến họ lạnh sống lưng. Nếu chấn thương nặng hơn, quá trình bình phục có thể mất từ vài tháng đến cả năm. Đêm xuống, VĐV, cầu thủ đau không ngủ được. Cứ tầm 22-23 giờ chợp mắt, đến 1-2 giờ sáng đã tỉnh ngủ. Cơn đau luôn chiến thắng thuốc ngủ, thuốc an thần. Cứ như vậy, cơn đau triền miên một tuần có thể khiến bạn tăng huyết áp, gầy rộc, đột quỵ bất kỳ lúc nào.

Ừ thì luyện tập phục hồi chức năng, nhưng có nỗi cô đơn nào khi phải tập lúc 4-5 giờ sáng khi mọi người vẫn đang ngủ. Sao lại tập giờ này? Không tập giờ này thì biết làm gì, nằm thức đến sáng cũng là một dạng thức bị tra tấn khủng khiếp.

Rồi còn cảm giác bị stress, bị bỏ rơi, bị xã hội xa lánh. Có chứ. Người bình thường còn bị những cảm giác trên, huống hồ người bị chấn thương. Bác sĩ, y tá chẳng cần tinh ý cũng phát hiện những thay đổi bất thường về mặt tâm lý nơi người bệnh. Nhưng biết là một chuyện, dụng công-dụng tâm thế nào, đến đâu lại là một chuyện khác.

Rồi có người hỏi cầu thủ: Mới lành chấn thương, còn đang hồi phục, háo hức vào sân làm gì? Trời đất! Ăn lương của đội bóng, trong khi đồng đội đang “cày ải” mà mình lại ngồi một chỗ thử hỏi chán không. Thèm khát vô cùng cảm giác được cống hiến cho CLB, cho các đội tuyển quốc gia. Sợ lắm cảm giác bị bỏ rơi, trở thành người ngoài cuộc, không có ích cho đội bóng... tất cả có khi đến từ một cú ra chân ác ý, vô tình va vào nhau trên sân hay một cú rướn mình cứu bóng.

Tôi đồ rằng trong những lúc Lương Xuân Trường, Tuấn Anh... bị chấn thương, những tiền vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam, của Hoàng Anh Gia Lai đã phải trải qua cảm giác cô độc. Nếu như các cầu thủ, VĐV bị chấn thương được quan tâm mọi mặt, đặc biệt là về chuyên môn chữa trị, trị liệu tâm lý thì tôi tin rằng đó là điều vô cùng may mắn. Những gì cảm thấy tốt nhất cho VĐV, cầu thủ khi điều trị chấn thương, Lương Xuân Trường đã “set up” trọn bộ vào IRC.

Biến ước mơ thành hiện thực

Hơn 20 năm qua, nền y học Việt Nam dù đã đạt nhiều bước tiến nhưng vẫn chưa bắt kịp được tốc độ phát triển và chất lượng phục hồi chấn thương thể thao so với nhiều nước trên thế giới. Trong hành trình trở thành VĐV chuyên nghiệp, chấn thương luôn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai. Có rất nhiều VĐV chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư chơi các bộ môn khác nhau, như: Bóng đá, các môn võ, điền kinh, đấu kiếm... đã phải từ bỏ đam mê và giấc mơ của mình chỉ vì chấn thương mà không được trị liệu và tập phục hồi tốt nhất, càng đau xót hơn khi có rất nhiều trong số họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.

Thấu hiểu thực trạng nền y học thể thao Việt Nam còn đang trên đà phát triển và gặp nhiều khó khăn cần chung tay góp sức. Vì lẽ đó, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của IRC không đơn thuần xem thể thao như đam mê mà còn là lý tưởng và cả niềm tự hào dân tộc.

Lương Xuân Trường và các cộng sự ở IRC tin chắc rằng, bất kỳ VĐV Việt Nam có niềm đam mê thể thao chân chính đều xứng đáng có cơ hội được chăm sóc, tăng cường sức khỏe toàn diện, chuyên nghiệp như tại các quốc gia tân tiến.

Được biết, IRC đã nghiên cứu các mô hình trung tâm phục hồi chấn thương thể thao thành công tại Hàn Quốc và trên thế giới. Đặc biệt hơn, IRC có được sự cố vấn, cộng tác của đội ngũ bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực y học thể thao trong và ngoài nước để hiện thực hóa lý tưởng cao cả: Mang chuẩn mực về kiến thức và công nghệ của y học thể thao hiện đại vào thực tiễn tại Việt Nam, nâng cao chất lượng điều trị và phục hồi với giá thành hợp lý cho các VĐV.

Tại IRC, thông qua các phương pháp trị liệu và giáo án tập phục hồi được thiết kế chuyên biệt bởi đội ngũ bác sĩ và chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao, các VĐV sẽ được chăm sóc một cách toàn diện, phục hồi chuyên sâu và tăng cường kỹ năng để sớm trở lại thi đấu với phong độ tốt nhất như trước khi bị chấn thương.

Ý tưởng về mở một trung tâm phục hồi, chữa trị chấn thương cho VĐV, cầu thủ hay trung tâm y tế chuyên sâu về thể thao từ trước Lương Xuân Trường, tôi tin là nhiều người, nhiều doanh nghiệp cũng đã nghĩ tới. Nhưng tại sao phải tới khi Lương Xuân Trường, anh Nguyễn Việt Hùng (là hai nhà đồng sáng lập) cùng bắt tay hợp tác thì ý tưởng này mới thành hiện thực. Tôi cho rằng anh Nguyễn Việt Hùng, Lương Xuân Trường và những cộng sự có đủ niềm đam mê, có quyết tâm theo đuổi tận cùng ước mơ. Một ước mơ quá đẹp cho thể thao nước nhà. 

Lương Xuân Trường nhớ lại: “Tôi đã có một quyết định, sau lần bản thân mình gặp phải một chấn thương nghiêm trọng và sau nhiều lần phải chứng kiến chấn thương của những đồng nghiệp khác. Đó chính là phải có một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao cho người Việt”.

Chuyện của người trong cuộc

Trong lễ ra mắt IRC, Giám đốc điều hành của trung tâm, anh Nguyễn Việt Hùng đã chia sẻ với mọi người một câu chuyện mà đến nay vẫn còn rất nhiều ý nghĩa: “Tôi xin phép được bắt đầu phần chia sẻ của mình bằng việc kể về cảm xúc mà tôi nhớ rất rõ, đó là sự run rẩy trong mình khi đến thăm Lương Xuân Trường đúng một ngày sau khi cậu ấy gặp chấn thương vào cuối tháng 9-2019. Khi đó, tôi nhìn thấy đầu gối chườm đá cùng khuôn mặt buồn đến tuyệt vọng của cậu ấy. Nhưng tôi đã không cho phép mình được buồn cùng Trường, mà ngay lập tức tôi buông một câu mắng: “Mặt mũi thế này, tâm trạng thế này thì làm sao mà hết chấn thương sớm được!”. Bởi với một người đã và đang theo đuổi lĩnh vực tâm lý học ứng dụng thì tôi biết rằng, vấn đề cần giải quyết cho Trường ở thời điểm hiện tại là tâm lý trước khi thực hiện ca phẫu thuật và tập phục hồi trở lại.

Cả một buổi gặp hôm đó, chúng tôi chỉ nói những câu chuyện giúp Trường vui hơn trong thời gian sắp tới. Tôi chia sẻ với Trường về thói quen đọc sách, tôi có một lời hẹn đủ hấp dẫn với Trường là khi nào chấn thương của em tiến triển tốt mà được bác sĩ đồng ý thì anh sẽ tổ chức một chuyến đi leo núi (Trường rất thích leo núi), tôi hẹn Trường một chuyến đạp xe từ Hà Nội về Tuyên Quang khi Trường đã bình phục chấn thương... Tất cả những câu chuyện đó tôi muốn nói với Trường bởi tôi biết đó là những câu chuyện tích cực và tràn đầy hứng thú, nó sẽ giúp Trường quên đi chấn thương phần nào.

Kết quả là sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi và tập phục hồi chấn thương, số lượng sách mà Trường đã đọc trong cùng một khoảng thời gian còn nhiều hơn cả một người có thói quen đọc sách hằng ngày trước đó là tôi. Rồi chuyến leo núi sau khoảng hơn 3 tháng mổ chấn thương, anh em chúng tôi cũng đã thực hiện được, khi Trường về nghỉ Tết Nguyên đán. Cả chuyến đạp xe từ Hà Nội trở về quê, anh em chúng tôi cũng đã cùng nhau thực hiện khi Trường bình phục chấn thương hoàn toàn”.

Câu chuyện mà anh Nguyễn Việt Hùng kể cho mọi người nghe thực sự hấp dẫn, để thấy rằng giúp bệnh nhân có được tâm lý tốt trước và sau khi phẫu thuật là chuyện không đơn giản. Rất may cho Lương Xuân Trường là trong hoàn cảnh khó khăn, tiền vệ tài năng của bóng đá nước nhà luôn có những người bạn chí cốt đồng hành.

Đúng như lời anh Nguyễn Việt Hùng tâm sự: “Là một người anh, người bạn của Trường trong suốt thời gian cậu ấy phục hồi chấn thương, tôi luôn là người đồng hành cũng như chia sẻ cùng cậu ấy, và tôi hiểu rằng việc phục hồi toàn diện nhất cho VĐV gặp chấn thương luôn phải gắn liền giữa vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng và cả trị liệu liên quan tới tâm lý. Ở đây, mảng tâm lý cũng là điều mà chúng tôi dự định sẽ mang đến trong dịch vụ của IRC, điều này chúng tôi cũng muốn truyền tải vào chính thiết kế trung tâm, để khách hàng đến với IRC không có cảm giác mình là một bệnh nhân bước vào bệnh viện. Chúng tôi muốn tạo không gian để họ bước vào và cảm thấy được thư giãn, giúp họ quên đi đau đớn của chấn thương”.

IRC có được sự cộng tác, cố vấn từ đội ngũ y, bác sĩ và chuyên gia y học thể thao hàng đầu trong và ngoài nước, bằng chuyên môn đỉnh cao và kinh nghiệm lâu năm mà họ từng đóng góp vào thành công cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam nói riêng và cho y học thể thao nói chung. Họ là các bác sĩ y học thể thao: Choi Ju Young, Nguyễn Trọng Hiền, Trần Anh Tuấn; chuyên gia y học thể thao Lee Jung Bin, Trần Huy Thọ, Nguyễn Đình Đức.

Bài và ảnh: MINH NHẬT