1. Cũng như hầu hết ngành nghề, bóng đá cũng đang đối mặt với những thiệt hại nặng nề. Đó không chỉ là vấn đề tài chính, những vướng mắc về hợp đồng chuyển nhượng, tài trợ, lương, thưởng, mà còn là kế hoạch để kết thúc mùa giải, chuẩn bị cho hàng loạt lịch thi đấu chồng chéo và hàng trăm, hàng nghìn công tác khác. Các chuyên gia kinh tế đã tính rằng, việc hoãn 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu gồm: Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp sẽ khiến họ thiệt hại 4 tỷ euro. Riêng Premier League, nếu không thể diễn ra 9 vòng đấu còn lại, BTC sẽ phải chi trả ít nhất 1 tỷ euro tiền bản quyền truyền hình. Euro 2020 đã phải lùi lại một năm, mọi thứ đều xáo trộn, thậm chí rất nhiều nguyên tắc bóng đá được thiết lập sau nhiều năm sẽ bị phá bỏ.
Thị trường chuyển nhượng của bóng đá châu Âu trong 20 năm qua trở thành một “sàn chứng khoán” khổng lồ, mang đặc thù riêng, với những nguồn lợi lên đến hàng tỷ USD. Ở đó, giá trị mua bán cầu thủ tăng chóng mặt theo từng năm. Những kỷ lục chuyển nhượng thậm chí bị phá vỡ chỉ trong vài ngày, cùng với đó là lương, chi phí đi kèm là những con số luôn khiến bất kỳ ai cũng nổi da gà. Nhưng khi mọi thứ chới với như hiện tại, nhiều khả năng hệ thống chuyển nhượng khổng lồ mà châu Âu mất hàng chục năm thiết lập sẽ phải thay đổi và tạo ra một hướng đi mới.
Tuy nhiên, những giải pháp mang tính vĩ mô là câu chuyện của các nhà làm bóng đá, còn cầu thủ, những người trực tiếp tạo ra các trận bóng thì họ đang làm gì để trái bóng không… chết?
    |
 |
Gareth Bale kêu gọi chơi điện tử FIFA để ủng hộ quỹ phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Ảnh tư liệu |
2. Chưa bao giờ bóng đá không thi đấu mà cả những sân tập của các CLB cũng đóng cửa. Một môn thể thao cần sự tập luyện hằng ngày cũng không còn vận động. Chỉ một số ít đội bóng vẫn mở cửa sân tập, nhưng hạn chế số lượng cầu thủ đến sân. Ví dụ, Liverpool vẫn duy trì hoạt động, nhưng khống chế số người ra sân. Tất cả đều phải kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm virus mỗi ngày 3 lần, ai đến đội tập thì cũng không quá 6 người, được phân chia vào các phòng tập, sân tập khác nhau và tất cả đương nhiên đều được khử trùng cứ 4 tiếng một lần. Sân tập của Liverpool thường xuyên chỉ có 4 cầu thủ và đó đều là những người được tập riêng để hồi phục chấn thương.
Tất cả cầu thủ đều được khuyến khích “tự quản tại gia”, duy trì tập luyện thể lực. Việc duy trì thể lực lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của cầu thủ, và việc một ai đó sẽ lên cân khi mùa giải quay trở lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một ngôi sao như Eden Hazard, khi ra mắt Real Madrid, chỉ hơn một tháng nghỉ hè, anh tăng lên 4kg. Mọi thứ trở nên tồi tệ, không chỉ là phong độ mà còn là sự ì ạch khi di chuyển, dẫn đến việc dễ xảy ra chấn thương. Và thực tế, đến Real mới được 8 tháng nhưng Hazard đã chấn thương 4 lần.
Chuyện Hazard điều trị chấn thương thời virus cũng rất thú vị. Toàn bộ bệnh viện ở Madrid đều quá tải bệnh nhân. Đó cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nên CLB Real Madrid không cho phép Hazard đến bệnh viện, mà buộc phải mời 5 bác sĩ đến tận nhà để điều trị. Các bác sĩ này đương nhiên phải khử trùng và mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với Hazard. Ngày 19-3 vừa qua, đến hạn cắt chỉ vết thương mắt cá chân, một nhóm 12 bác sĩ đem 7 hệ thống máy móc đến nhà Hazard để… cắt chỉ 34 mũi khâu. Đây là một khâu quan trọng mà không bao giờ được phép thực hiện ngoài bệnh viện, nhưng nó đã phải diễn ra như một điều bất khả kháng. Và kể từ đó, mỗi ngày đều có 3 bác sĩ đến chữa trị cho Hazard. Đó là điều phải làm bởi giá trị của tiền vệ này là 100 triệu euro.
Đó là những cầu thủ chấn thương, những người không chấn thương còn tẻ nhạt hơn vì… họ chẳng có gì để làm. Trong lúc buồn chán, Gareth Bale nảy ra ý tưởng, tập hợp các cầu thủ hàng đầu tham gia trò chơi điện tử FIFA để gây quỹ từ thiện ủng hộ quỹ phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Giải đấu này có tên “CombatCorona”, quy tụ được các ngôi sao lớn tham gia như Luke Shaw, Daniel James, Mason Mouth…
3. Đây không chỉ là thời gian các cầu thủ nghỉ ngơi, mà họ đối mặt với những thách thức không nhỏ về việc duy trì thể lực, thể trạng, cường độ vận động. Và quan trọng hơn, đây là thời điểm để họ tạo ra những hiệu ứng xã hội. Ngoài việc Bale kêu gọi giải đấu điện tử gây quỹ, dự kiến có thể thu về hơn 50.000 bảng, nhiều CLB, cầu thủ cũng đã có những hoạt động từ thiện đáng kể. Hai CLB thành Manchester là Man United và Man City đã kêu gọi quyên góp 100.000 bảng. Các thành viên ĐTQG Đức bao gồm Toni Kroos, Kimmich, Suele… đã quyên góp được 2,5 triệu euro ủng hộ chính phủ trong công tác phòng, chống virus Corona.
Còn rất nhiều hoạt động từ thiện được các CLB cũng như cá nhân những cầu thủ nổi tiếng thực hiện trong thời gian này. Điều đó làm cho bóng đá có thể ngừng lăn, nhưng cuộc sống phía sau trái bóng thì vẫn không dừng lại. Tất cả đều đang chung tay để chuẩn bị và giúp những sân bóng trở lại nhịp sôi động sớm nhất có thể.
LÊ THÀNH TRUNG