Chính vì MU được giá nên các nhà đầu tư mới đưa ra cái giá 20 triệu bảng Anh vào đầu những năm 90 thế kỷ trước. Khi đó, HLV Ferguson đã thuyết phục ông chủ đội bóng, Edward, “đừng bán đội nhà vì chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, MU sẽ không có cái giá đó”.

Chọn phân khúc cao cấp

Năm 2013, Forbes định giá MU 3,3 tỷ USD, trở thành CLB có giá trị nhất thế giới. Đó là thời điểm MU vô địch lần gần nhất ở Ngoại hạng Anh.

Cũng Forbes năm 2015 định giá MU còn 3,15 tỷ USD. Nhưng đến năm 2019, vẫn là Forbes, giá trị của “Quỷ đỏ” đã chạm ngưỡng 3,9 tỷ USD. Còn hiện tại, với việc MU vừa kết thúc mùa giải Premier League ở vị trí thứ 3, đoạt vé vào vòng bảng Champions League mùa tới, thì giá trị của đội bóng hẳn còn tăng nữa.

Ngay cả trong giai đoạn MU khủng hoảng, tính từ mùa giải 2013-2014 đến nay, thì các nhà đầu tư vẫn đổ tiền dồn dập vào đội bóng. Trên thị trường chứng khoán New York, giá cổ phiếu của MU liên tục hiện sắc xanh kể từ khi Premier League trở lại sau dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
Doanh nhân John Henry đã thắng lớn khi mua được Liverpool. Ảnh: Dailymail

Tương tự MU, các nhà đầu tư vào Liverpool đang tha hồ hốt bạc. Theo Forbes, giá trị 2% cổ phần Liverpool do siêu sao bóng rổ LeBron James sở hữu được định giá 6,5 triệu USD vào năm 2011. Giá trị của Liverpool trong năm 2019 được Forbes công bố là 2,18 tỷ USD. Trong khi đó, 2% cổ phần thuộc quyền sở hữu của LeBron James có lợi nhuận tăng ít nhất 43 triệu USD sau 9 năm đầu tư.

Chủ sở hữu CLB bóng chày Boston Red Sox, ông John Henry và Chủ tịch Tom Werner mua lại Liverpool với mức giá 477 triệu USD vào tháng 10-2010. Sau đó, LeBron James nhận được 2% cổ phần từ Liverpool trong thỏa thuận hợp tác với ông chủ của đội bóng Boston Red Sox. John Henry và Tom Werner đang ngồi trên cả núi mỹ kim sau thành công của Liverpool trong hai mùa giải gần đây.

Dù các nhà đầu tư đang đổ rất nhiều tiền vào Serie A, La Liga... nhưng Premier League mới là đích đến yêu thích. Thậm chí, các đội bóng ở Giải hạng Nhất của Anh cũng được giới đầu tư “bắt sóng” từ 5-6 năm qua. Để sở hữu một đội bóng đang chơi ở Ngoại hạng Anh không hề đơn giản. Giàu có và uy quyền như Thái tử Mohammed bin Salman (Saudi Arabia) đến nay vẫn chưa thể kết thúc phi vụ mua Newcastler, thì phương án chọn phân khúc Giải hạng Nhất của Anh để đầu tư là không hề tồi chút nào.

Khởi nghiệp từ phân cấp hạng thấp

Doanh nhân Radrizzani đã thâu tóm đội bóng hạng dưới Leeds từ 3 năm trước. Khi mà người hâm mộ Việt Nam tập thói quen ra quán cà phê xem Ngoại hạng Anh vào đầu những năm 90 thế kỷ trước thì đó là thời kỳ Leeds cạnh tranh chức vô địch Ngoại hạng Anh sòng phẳng với MU, Arsenal.

Với dàn cầu thủ gồm những tài năng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của chính CLB như Alan Smith, Jonathan Woodgate, Harry Kewell, kết hợp với những ngôi sao được tuyển mộ giá cao như Rio Ferdinand, Robbie Keane và Mark Viduka, Leeds từng gây bất ngờ khi vào tới bán kết Champions League 2000-2001 và có giai đoạn không mùa nào kết thúc Ngoại hạng Anh ngoài tốp 5. Nhưng sau khi Leeds hai mùa liên tiếp thất bại trong nỗ lực giành vé dự các cúp châu Âu, họ đã không có được đủ doanh thu để bù đắp cho khoản nợ lớn mà cựu Chủ tịch Ridsdale từng vay để tìm kiếm thành công cho đội bóng. Các ngôi sao bị bán tháo, còn đội bóng phải ngụp lặn ở Giải hạng Nhì và hạng Nhất của Anh suốt từ năm 2004 đến nay.

Ở thị trường chứng khoán phố Wall, thung lũng Silicon... thuật ngữ “Leeds” được dùng để chỉ một khoản đầu tư “trôi ra sông ra bể”. Radrizzani đã “đánh hơi” thấy món lợi khổng lồ ở Leeds từ 10 năm trước. Dần dần với việc mua 3%, 5%... cổ phần đội bóng, đến nay, Radrizzani đã làm chủ hoàn toàn Leeds, giúp đội bóng này trở lại giải bóng đá cao nhất nước Anh sau 16 năm. Cách đây 3 năm, doanh nhân người Italy Radrizzani đã thâu tóm được Leeds từ những người đồng hương. Quyết định chính xác nhất của Radrizzani chính là bổ nhiệm chiến lược gia nổi tiếng Marcelo Bielsa (Argentina) vào vị trí HLV trưởng của Leeds.

Tuần này, tài khoản của thầy trò nhà Bielsa cùng đội ngũ nhân viên ở CLB Leeds-ước tính khoảng 580 thành viên-đã “tinh, tinh” liên tục khi tiền thưởng từ Chủ tịch Radrizzani đổ vào. Chính xác là vị chủ tịch người Italy đã chi ra 19 triệu bảng Anh thưởng cho toàn bộ thành viên CLB.

Ông chủ Radrizzani không giấu tham vọng chiêu mộ binh hùng tướng mạnh vào hè này, để Leeds ngay lập tức trở thành một thế lực mạnh ở Ngoại hạng Anh. Trong những giấc mơ bên bờ Địa Trung Hải, Radrizzani đã mơ thấy Leeds kiêu ngạo chinh chiến ở Champions League và doanh nhân này luôn tin rằng đó sẽ là sự thật chứ không phải giấc mơ.

Radrizzani là thành viên đồng sáng lập MP&Silva, đối tác độc quyền quốc tế một thời về bản quyền Ngoại hạng Anh, hệ thống giải Champions League, Europa League, NBA... Năm 2016, ông bán cổ phần của mình ở MP&Silva để dồn tiền thâu tóm CLB Leeds. Giành quyền thăng hạng Premier League mùa tới, Leeds sẽ được chia tới 200 triệu bảng Anh tiền bản quyền truyền hình, quảng cáo và hình ảnh.

Quả là món hời cho doanh nhân Radrizzani. Đồng thời cũng nói lên Ngoại hạng Anh có ma lực với giới đầu tư. Kể từ khi làm chủ MU, nhà Glazer không một lần bộc lộ ý định bán “Quỷ đỏ”. Nói như dân nhà mình, MU như ngôi nhà đẹp mặt phố, chỉ cần cho thuê thì tiền thuê nhà tiêu cả đời cũng không hết.

Đế chế Premier League

Tại sao các nhà đầu tư chết mê chết mệt Premier League? Họ có thể đầu tư vào các đội bóng ở Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp... hà cớ gì cứ phải ở Anh? Có một thực tế, Ngoại hạng Anh luôn là nơi tiên phong của các luật chơi, để hướng đến một giải đấu công bằng, minh bạch, hấp dẫn nhất thế giới. Premier League giờ chính là biểu tượng của văn hóa xứ sương mù, là “di sản” tiềm tàng để nước Anh xuất khẩu, quảng bá văn hóa bóng đá ra nước ngoài.

Cái hay của Ngoại hạng Anh là giải đấu này không được quy hoạch từ trước. Sau khi đổi tên từ Giải hạng Nhất thành Ngoại hạng Anh vào mùa giải 1992-1993, giải đấu này liên tục phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành một trong những giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. Giống như thị trường chứng khoán phố Wall hay đế chế Hollywood... Ngoại hạng Anh được hình thành hết sức tự nhiên, phát triển những gì cần thiết để đạt được thành công. Trong suốt nhiều năm, đã không ít người tin rằng sớm muộn Hollywood sẽ bị các kinh đô điện ảnh khác qua mặt, nhưng thực tế, những bộ phim hay nhất thế giới vẫn ngày ngày ra đời ở Hollywood. Nói đến khởi nghiệp trong điện ảnh, người ta hay tìm đến Hollywood. Để khởi nghiệp trong bóng đá, các đại gia trên thế giới vẫn rỉ tai nhau: Hãy đến Premier League.

Premier League có quan trọng với sự phát triển của bóng đá châu Âu và thế giới không? Hãy nhìn lượng tiền đổ vào giải đấu này hàng năm lên đến cả trăm tỷ USD, tạo ra hàng vạn việc làm khắp thế giới, mới hay Ngoại hạng Anh là một đế chế thực sự.

Premier League luôn thiết lập các tiêu chuẩn cực cao. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, từ đội bóng cho tới ông chủ, HLV, cầu thủ... đều có cơ biến ước mơ thành hiện thực. Bằng không, bạn sẽ tự “out” khỏi cuộc chơi.

Khi John Henry quyết định mua Liverpool, ông đã thuyết trình hàng tiếng liền trước nhóm cổ đông tiềm tàng. Chính John Henry đã từng nói với tờ The New York Times: “Tôi choáng ngợp khi đến thăm những sân đấu Old Trafford, Emirates. Đã có lúc tôi khiếp đảm khi đặt chân đến sân mới của Tottenham. Sân của Tottenham như thể ở thế kỷ 22 vậy. Bước vào nhà vệ sinh, bạn tưởng mình là phi hành gia. Tôi đã tự nhủ: Họ giỏi quá! Nhưng rồi tôi nhận ra họ cũng chỉ giỏi ngang Liverpool thôi. Chính lúc đứng trong nhà vệ sinh ở sân Tottenham, tôi mới nhận ra mình đã tiến gần đến những mục tiêu của Liverpool”.

John Henry cùng các cộng sự đã thành công khi mời được Klopp về cầm quân. Đó là một quá trình dài, tốn đến vài năm để thuyết phục chiến lược gia người Đức về với sân Anfield. Với MU, đội vẫn liêu xiêu kể từ sau thời kỳ của huyền thoại Ferguson. Solskjaer được bổ nhiệm thay Mourinho vào tháng 12-2018 là bước đi mạo hiểm của giới chủ Mỹ. Nhưng với Solskjaer, đến MU cũng là bước khởi nghiệp vô cùng quan trọng. Nếu xét đến vị trí thứ 3 ở mùa giải năm nay, thì quả là thành công cho HLV người Na Uy. Khi dịch Covid-19 còn chưa bùng phát, ai cũng nghĩ MU được đá Europa League là may. Nhưng khi bóng lăn trở lại sau đại dịch, MU chơi hay đến bất ngờ. Solskjaer đã dần khẳng định được tên tuổi. Tất nhiên, đi kèm với thành công của thầy trò nhà Solskjaer, các ông chủ ở MU đã chi ra hàng trăm triệu bảng Anh để tăng cường lực lượng trong hai năm trở lại đây. Họ phải gấp rút đầu tư mạo hiểm. Nếu thất bại-giả dụ-với phương án Solskjaer, sẽ có một nhà cầm quân khác nhanh chóng cập bến Old Trafford.

Thành công của Liverpool, MU... và việc tân binh Leeds mới thăng hạng sẽ giúp các nhà đầu tư quyết tâm hơn trong việc đặt chân vào địa hạt Premier League. Hao tiền tốn của là điều đã trông thấy khi dấn thân vào địa hạt này nhưng sức hút của Ngoại hạng Anh khiến người ta mê mẩn. Ai cũng muốn được một lần khởi nghiệp ở sân chơi này, từ các ông chủ cho đến người làm thuê.

THU HIỀN