Rồi không biết tự bao giờ, tôi thưởng lãm ông lão theo cách ông lão thưởng ngoạn thần tượng của mình-Djokovic-tranh tài.
Một bận, tôi hỏi thẳng: “Lòa nặng vậy, ông xem tivi thế nào?”. “À, cậu cứ nhắm mắt đi trong nhà mình, thử tìm đồ vật xem sao. Cậu sẽ phải vận dụng tất cả giác quan để tìm cho được món đồ. Nhưng tôi nói trước, đau đầu lắm đấy! Phải tập đấy!”.
Thực sự thì tôi chỉ nhắm mắt tìm đồ trong vài phút, trước khi vội mở mắt để đỡ tức ngực.
“Thế còn xem quần vợt thì sao, cách ông xem Djokovic ấy?”. “Cậu ngồi lại đây, nhắm mắt lại, hãy nghe âm thanh của tiếng bóng đập vào mặt vợt, tiếng giày trượt trên sân, tiếng thở của Djokovic, âm thanh cổ vũ của khán giả. Bữa nay tôi thấy tay vợt người Serbia có sự giận dữ, ức chế trong mình”. Cha mẹ ơi, tôi đã suýt bật dậy la lớn. Ông lão bị lòa nặng mà còn biết xem… bói nữa. Nhưng rồi trên sân, Nole (biệt danh của Djokovic) đập vợt thật. Quái lạ, sao ông lão biết nhỉ?
Lần khác, tôi hỏi ông lão: “Ông này, sao ông lại thích Djokovic chứ không phải Nadal, Federer hay bất kỳ tay vợt nào khác?”. “À, tại bọn trẻ nhà tôi đứa nào cũng ghét Nole. Mà cậu thấy đấy, hàng xóm quanh đây có ai thích tay vợt người Serbia đâu. Thế cậu thích ai, Federer, Nadal, hay tay vợt trẻ Dominic Thiem…?”.
|
|
Djokovic di chuyển trên sân như vũ công ba lê. |
Nhân trận chung kết giải Úc mở rộng 2020, diễn ra vào chiều tối 2-2 giữa Djokovic và Dominic Thiem (chung cuộc Nole thắng 3-2), hai ông cháu ngồi xem cùng nhau, giờ nghỉ giải lao sau hiệp 1, tôi hỏi:
Ông nói cho cháu xem vì sao ông thích Djokovic đến vậy?
- Trong 20 Grand Slam của
Federer thì có tới 12 danh hiệu tay này đoạt được từ năm 2004 đến 2007. Đó là thời kỳ đỉnh cao của tay vợt người Thụy Sĩ nhưng cậu có nhớ không, đó là lúc Djokovic chưa xuất hiện, còn tay vợt người Tây Ban Nha Nadal mới chỉ là “vua” sân đất nện, với 3 chức vô địch Roland Garros-Pháp mở rộng vào các năm 2005, 2006, 2007. Nói thẳng ra, FedEx (biệt danh của Federer) ở thời kỳ đỉnh cao khi anh ta đơn độc quá, chẳng có đối thủ nào đủ sức “gãi ngứa” cho tay vợt người Thụy Sĩ này cả. Đến khi Nadal hoàn thiện lối đánh, vô địch Wimbledon (2008), Úc mở rộng (2009), Mỹ mở rộng (2010), tôi cứ tạm tính thời kỳ đỉnh cao của Nadal là từ năm 2008 đến 2014, thì Federer chỉ đoạt thêm 5 Grand Slam nữa. Còn khi Djokovic xuất hiện, đánh dấu bằng chức vô địch Úc mở rộng 2008 và thực sự “lên hương” ở mùa giải 2011 (vô địch giải Úc mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng), thì tính ra đến nay, Federer mới chỉ vô địch thêm 4 giải Grand Slam danh giá nữa, đó là Wimbledon (2012, 2017), Úc mở rộng (2017, 2018)-thời điểm Nole đang bị khủng hoảng tinh thần và mất phong độ.
- Nhưng khi Djokovic bước vào thời kỳ đỉnh cao thì Federer đã đi xuống phong độ rồi ông, kể ra cũng khó mà so sánh?
- Cậu quên là khi Djokovic thăng hoa thì cũng là thời kỳ Nadal và
Murray đang ở đỉnh cao phong độ, kéo dài 4-5 năm chứ không phải ít đâu. Vậy là Djokovic phải cạnh tranh với rất nhiều hảo thủ.
Tối 2-2, ông lão vừa trông xe vừa chơi với cún con đến là vui. Ông bảo vui vì tuần này học sinh được nghỉ học, ở nhà phòng, tránh dịch bệnh do virus Corona gây ra cho an toàn, chứ đi học thì người già đến con trẻ đều thấp thỏm lo âu. Ông vui vì “cậu biết rồi còn hỏi”. Lại nhớ có một tối tôi thấy ông buồn vì Nole sớm bị loại. Tôi ngồi cạnh, chưa kịp an ủi thì ông lão bảo: “Ở đời, vui quá cũng khổ, sướng quá cũng không phải là hay. Như cái anh Djokovic này, từ lúc vô địch Pháp mở rộng vào năm 2016, trở thành một trong số ít tay vợt
giành đủ 4 danh hiệu Grand Slam cao quý (Úc mở rộng, Pháp mở rộng, Wimbledon, Mỹ mở rộng) thì đột nhiên sướng quá mà… rơi vào trạng thái hưng cảm. Phong độ lao dốc khủng khiếp quá, may mà từ nửa cuối năm 2018 đã trở lại đỉnh cao”.
Cứ qua mỗi cái Tết, mắt ông lão lại lòa nặng hơn. Nhưng tình yêu của ông với bóng đá, với quần vợt vẫn như ngày nào. Với Djokovic, thì ông yêu lắm. Tôi tin rằng đầu tuần này, hẳn ông đã ngủ ngon giấc ở bãi xe; và chú cún nhỏ-quà họ hàng ở quê mừng tuổi ông-cũng nằm ngoan trong chăn ấm, ngủ không vẫy tai bên cạnh chủ nhân.
MINH NHI