Solsa tài chi?

Solsa so với Pep được không, người vừa giúp Man City vô địch Ngoại hạng Anh lần thứ 3 trong 4 năm qua. Hay so với chính sir Alex, người thầy vĩ đại của Solsa ở "Quỷ đỏ", thì chiến lược gia người Na Uy có tài nghệ gì?

Solsa đến MU vào tháng 12-2018. Trước đó, người tiền nhiệm Mourinho đã biến Old Trafford thành mớ hỗn độn, với những thương vụ ồn ào, điển hình là Paul Pogba, khi anh này trở lại “Nhà hát của những giấc mơ” từ Juventus với bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử MU-89,3 triệu bảng Anh, chưa tính các điều khoản trả sau. Cũng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2016, Mourinho mang về Eric Bailly, khen ngợi anh này là nhân tố quan trọng để tăng sức mạnh hàng phòng ngự. Henrikh Mkhitaryan là bản hợp đồng lớn khác trong mùa hè 2016 mà Mourinho chiêu mộ, nhưng đã sớm phải ra đi và giờ đang cố gắng trụ lại Roma. Mourinho cũng là người mang về Old Trafford nào là Victor Lindelof, Romelu Lukaku, Nemanja Matic, rồi những Alexis Sanchez, Fred, Diogo Dalot. MU tốn cả “núi tiền” chiêu mộ dàn cầu thủ trên và khi “Người đặc biệt” bị sa thải, quan chức MU đã sợ xanh mặt. Người thay thế Mourinho là ai và liệu tân HLV trưởng của MU có quản nổi đội quân mà Jose để lại? Khó thật chứ không đùa.

Đừng nghĩ rằng ngồi vào ghế HLV trưởng của MU, thời điểm trước lễ Giáng sinh 2018, là món quà đặc biệt cho bất kỳ chiến lược gia nào. "Quỷ đỏ" lúc đó "nát như tương bần". Không chỉ giới chủ người Mỹ lo lắng mà hàng loạt nhà trợ của đội bóng cũng đứng ngồi không yên. Nếu MU cứ tụt dần đều trên bảng xếp hạng, không được dự Champions League thì hàng loạt nhà tài trợ thất thu, nó không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là cả một chiến lược đầu tư dài hạn.

Ole đã xử lý tình huống rất mượt khi ngồi vào ghế HLV trưởng MU. Chuyện đang ngon trớn cho đến khi bất ngờ xuất hiện dịch Covid-19. Thoạt tiên, nước Anh cũng như đồng minh thân cận-người Mỹ-cho rằng đây chỉ là một dạng cúm mùa thông thường. Vào thời điểm trước tháng 3-2020, mặc dù đã có cảnh báo từ Italy, khi 41 ca tử vong bất thường bởi một loại virus chưa từng xuất hiện trước đó tại miền Bắc xứ mì ống, thì ở cả châu Âu và Mỹ mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Báo chí Mỹ cũng có đưa thông tin về ca tử vong đầu tiên do virus SARS‑CoV‑2 vào ngày 1-3-2020 trên lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng thời điểm trên, người dân xứ cờ hoa đang quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Cho đến cuối tháng 4-2020, thì nhiều quốc gia bắt đầu “toang” thật sự. Ở Anh và Mỹ, hàng trăm nghìn người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS‑CoV‑2. Con virus với kích thước chỉ bằng 1/400 đầu sợi tóc đã xô đổ nền kinh tế thế giới, và khiến các hoạt động thể thao, trong đó có Ngoại hạng Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tottenham đã phải vay của Chính phủ Anh 160 triệu bảng Anh để có kinh phí hoạt động ở mùa giải trước. Mùa giải tới, “Gà trống” hẳn hết tiền mua sắm lực lượng vì vào tháng 6 này, họ phải trả cho Chính phủ Anh cả gốc lẫn lãi số tiền trên. Lãi ít thôi, vay ưu đãi mà, nhưng thời buổi "thóc cao gạo kém" này, 160 triệu bảng Anh đâu phải chuyện đùa. Thế mà ở thành phố Manchester, Man City và MU đang sẵn sàng làm chuyện động trời, đó là chi ra 120 triệu bảng Anh cho thương vụ chiêu mộ Harry Kane, đồng thời đáp ứng mức lương 16 triệu bảng Anh/mùa giải cho chân sút này trong vòng 4 năm tới. Nếu nhân lên, đó sẽ là một số tiền không nhỏ trong bối cảnh cả nước Anh đang liêu xiêu vì đại dịch Covid-19. Real Madrid, Barca cũng muốn sở hữu Harry Kane nhưng số tiền khổng lồ trên ngăn cản tham vọng của họ. Man City có nguồn dầu mỏ vô tận của ông chủ đến từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, còn MU, việc kinh doanh tốt trong bối cảnh đại dịch khiến họ vẫn là “con gà đẻ trứng vàng”.                                                          

leftcenterrightdel
Huấn luyện viên Ole Gunnar Solskjaer của MU. Ảnh: GOAL 

Đi xuyên “tâm bão”

Sự thật là trong đại dịch Covid-19, hàng triệu công ty trên thế giới bị xóa sổ. Ở Mỹ, vô số công ty “cá mập” bị giải thể, phá sản. Số ít trụ vững và phát triển ngoạn mục, trong đó có 4 "đại công ty" là: Apple, Google, Amazon và Facebook. Apple mất hơn 4 thập niên để đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD và rồi khi dịch Covid-19 ập đến, “quả táo” chỉ cần 20 tuần để tăng giá trị vốn hóa lên 2.000 tỷ USD. Amazon thì chưa chạm mốc 2.000 tỷ USD nhưng các chuyên gia tài chính phố Wall dự đoán, họ sẽ là công ty đầu tiên ở Mỹ chạm mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD. Kỳ lạ không khi nhờ dịch Covid-19, mà nhóm "tứ đại gia" phất lên như diều gặp gió. Còn nhìn qua lăng kính thương trường, đúng là trong khó khăn, Apple, Google, Amazon và Facebook đã có những bước đi riêng cực kỳ tuyệt đỉnh.

Ở Premier League trong hai năm qua thì sao? Chelsea lao đao, thay HLV liên tục. Liverpool sau mùa giải trước vô địch quốc gia đã cắm đầu vào vô vọng ở mùa giải này, cho đến khi thầy trò nhà Klopp kịp kéo cần lái, đưa đội bóng vút bay cao trên bảng xếp hạng trong vài tuần qua.

Sheikh Mansour, chủ của Man City vừa tuyên bố gây sốc khi đài thọ toàn bộ chi phí cho 6.000 cổ động viên (CĐV) từ Anh quốc sang Bồ Đào Nha, cổ vũ cho đội nhà trong trận chung kết Champions League với Chelsea vào ngày 29-5 tới đây. Thậm chí, tỷ phú Sheikh Mansour còn tính thuê chuyên cơ chở 6.000 CĐV Man City sang Bồ Đào Nha vì ông này đang đau đầu, cứ hỏi hội đồng quân sư liên tục: Tiền nhiều để làm gì? Với khối tài sản trị giá 22 tỷ USD, Sheikh Mansour đang muốn biến Man City thành thế lực bóng đá vĩ đại nhất châu Âu. Pep, chiến lược gia trưởng Man City, đừng lo chuyện kinh phí, vì mỗi năm, Sheikh Mansour đều đặn cấp cho đội bóng con cưng 300 triệu bảng Anh để tăng cường lực lượng. Nếu Guardiola không tiêu hết số tiền trên, hẳn ông chủ sẽ rất buồn. Nếu Man City cần tiền, hoàng thân Sheikh Mansour chỉ cần lệnh tăng trữ lượng khai thác dầu trong đôi ba ngày là Man City có tiền hoạt động cho cả mùa giải, tất nhiên là họ sẽ cần phải biến báo số liệu tài chính đôi chút.

MU thì không có “túi dầu” không đáy như Man City. Bù lại, giới chủ người Mỹ đã nhìn thấy những cơ hội cho đội nhà trong đại dịch. Đó là khi dịch ập đến, người dân có xu hướng ở nhà nhiều hơn, xem truyền hình là chính. Bóng đá càng có dịp lên ngôi và không ngẫu nhiên, Amazon rất muốn mua bản quyền Ngoại hạng Anh để phát trên nền tảng của riêng họ. “Miếng ngon” đánh động cả làng. Không lẽ Apple, Google chịu ngồi yên để Amazon “múa gậy vườn hoang”. Bọn họ sẽ đầu tư hàng trăm triệu bảng Anh vào cơ sở hạ tầng, đường truyền, để phát triển kênh truyền hình cho riêng mình, và Ngoại hạng Anh là ưu tiên số 1. Khán giả ở Mỹ hóa ra rất thích Premier League và giải đấu này chính là miền đất hứa để các ông lớn khai thác trong mùa dịch.

Hai mùa giải qua, chiến lược gia Solsa đã làm rất tốt công việc chuyên môn ở Old Trafford. "Quỷ đỏ" giành quyền tham dự Champions League mùa giải trước vào đúng vòng đấu cuối cùng. Còn mùa bóng này, họ cán đích giải quốc nội ở vị trí thứ hai, giành quyền dự chung kết Europa League... Thành ra, có vô khối chuyện để bàn về MU. Thậm chí, việc CĐV MU quậy phá sân Old Trafford trong tháng 5-2021 cũng là thứ “gia vị” mà các nhà đài ở Mỹ rất cần. Riêng việc Liverpool đến Old Trafford bằng xe màu đen, còn xe màu đỏ dùng để nghi binh, cũng giúp các nhà đài ở xứ cờ hoa hút hàng triệu khán giả xem truyền hình trực tiếp. Đấy, tiền ở Premier League mà ra chứ còn ở đâu? Tất nhiên, với đội bóng có thương hiệu mạnh như MU, những chuyện “nước sôi lửa bỏng” của "Quỷ đỏ" càng thu hút sự chú ý. Solsa có công lớn chứ chẳng đùa. Nếu giờ này MU lận đận ở vị trí thứ 6, 7, 8 chẳng hạn, liệu họ có hút khách?

Hãy nhìn di sản đổ nát Mourinho để lại cho Solsa, sẽ thấy chiến lược gia người Na Uy có năng lực thực sự. Việc MU bị loại ngay từ vòng đấu bảng Champions League mùa giải này sẽ là bài học đắt giá cho Solsa và dàn học trò, nhưng cái cách mà MU bình tĩnh vượt qua đại dịch mới là bài học cho cả Premier League. Luôn tìm thấy lối đi giữa “tâm bão” và chủ động dẫn dắt cuộc chơi, đó chính là hình ảnh kiêu ngạo của thầy trò Solsa trong hai mùa giải gần đây.

Các nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, các công ty hoạt động thành-bại ra sao trong năm 2020-2021, sẽ phản chiếu hình ảnh của chính họ trong 10 năm nữa. Vậy thì có nhiều cơ sở để tin rằng, trong một thập niên tới, MU vẫn sẽ vững vàng trong nhóm đầu ở Ngoại hạng Anh, bất kể nguồn tiền vô tận của Man City, Chelsea, hay sự cạnh tranh không khoan nhượng đến từ Liverpool và các đối thủ khác.

BOX: MU luôn là đội bóng tiên phong ở Ngoại hạng Anh và châu Âu trong việc bắt tay làm ăn với các công ty tại Mỹ. Thành tích và chuyện giật gân bên lề chính là điều các nhà đài ở Mỹ cần khi phát sóng về MU.

KHOA MINH