Ngay sau khi ra đời vào ngày 29-11-1899, CLB Barcelona đã có đối thủ cùng thành phố, đó là Espanyol, đội bóng được thành lập bởi một sinh viên mặt mũi non choẹt có tên Angel Rodriguez, đại diện cho hệ tư tưởng đối lập với chủ nghĩa toàn cầu của Kamper, người có công sáng lập Barca.
Các chính khách ở Madrid rất lo ngại sự xuất hiện của Barcelona, vì lúc đó các vùng đất, thành bang ở Tây Ban Nha trên thực tế đã chia năm xẻ bảy vì các doanh nghiệp giàu có đến từ nước ngoài có thực lực về tài chính. Thậm chí người Philippines, Cuba đầu thế kỷ 19 cũng có thị phần kinh doanh đáng nể ở Tây Ban Nha. Nhưng trên hết, người Anh, Hà Lan, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ mới là những doanh nhân đánh hơi thấy việc làm ăn hái ra “vàng” ở bán đảo Iberia. Và để “lại quả” cho xứ Catalan, một nhóm người Anh, Thụy Sĩ, Đức đã đứng ra thành lập Barcelona. Thế nên, khi đội bóng Espanyol tuyên bố là đối thủ không đội trời chung của Barca dù hai đội còn chưa đá với nhau trận nào, thì Hoàng gia Tây Ban Nha đã hậu thuẫn và cấp tài trợ cho đội bóng của cậu sinh viên Rodriguez.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bóng đá đã góp phần đào sâu thêm những mâu thuẫn về xã hội ở Tây Ban Nha. Tư tưởng dân tộc của xứ Catalan trở thành hiện tượng ở bán đảo Iberia và được cổ xúy bởi đội bóng Barcelona. Nhân việc đội bóng Barca mới ra đời đã gây được tiếng vang, đảng cánh tả La Liga Regionalista ở Catalan ủng hộ CLB Barca thành lập giải vô địch riêng (xứ Catalan) vào năm 1901 và thậm chí, Liên đoàn Bóng đá Catalan đã ra đời vào năm 1904. Ngay lập tức trên lãnh thổ Tây Ban Nha, liên tiếp xuất hiện các đội bóng mang biểu tượng quyền lực vùng miền, như: Deportivo la Coruna ở xứ Galicia năm 1905, Betis xứ Sevilla cũng trong năm 1905… FIFA ngày đó cũng mới đi vào hoạt động (ra đời vào năm 1904 bởi 8 liên đoàn thành viên châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha), đường sá đi lại còn khó khăn, thấy anh nào đệ đơn xin gia nhập tổ chức thì mừng mừng tủi tủi, nào có thời giờ đi kiểm tra. Thế nên đại diện của Tây Ban Nha ở FIFA mới có chuyện không phải liên đoàn bóng đá quốc gia này, mà thay vào đó, đại diện sáng lập FIFA của Tây Ban Nha chính là FC Madrid, sau này là CLB Real Madrid. Phải đến năm 1913, khi Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha ra đời, thì họ mới được đại diện FC Madrid trao lại quyền đại diện cho bóng đá nước nhà ở FIFA. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, giới tư bản nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Catalan, biến vùng đất này thành trung tâm kinh tế phát triển nhất bán đảo Iberia. Nhận thấy đội bóng Espanyol không đủ sức làm đối trọng với Barca, Hoàng gia Tây Ban Nha đã đứng ra bảo trợ cho Real Madrid vào năm 1922, với ưu tiên số một là kìm hãm sự phát triển và tiếng vang của đội bóng Barca.
    |
 |
Real Madrid - Barcelona 11-1 (năm 1943) là trận El Clasico có kết quả chênh lệch nhất trong lịch sử |
Nếu như Barca xây sân vận động mới Les Corts vào năm 1922 thì năm 1924, Real Madrid cũng được Hoàng gia Tây Ban Nha “bơm” tiền để khánh thành sân mới Chamatin, được coi là thánh đường của bóng đá châu Âu lúc bấy giờ. Được Hoàng gia Tây Ban Nha nhiệt tình ủng hộ một cách công khai, Real Madrid nhận được vô vàn ưu đãi; cầu thủ nào thi đấu cho “Kền kền trắng” luôn được nhận lương, thưởng cao nhất, kèm theo đó là chế độ đãi ngộ về nơi ăn chốn ở như giới thượng lưu. Trong khi Real Madrid và Barca đang tranh giành ảnh hưởng ở Tây Ban Nha thì bất ngờ phố Wall sụp đổ, do có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Tây Ban Nha nên quốc gia này ngay lập tức bị ảnh hưởng. Năm 1930, chế độ độc tài Rivera phải thoái vị, Vua Alfonso XIII phải đi sống lưu vong… Liên tiếp kể từ đó cho đến năm 1939 là các cuộc đảo chính, nội chiến đã khiến đất nước Tây Ban Nha chìm vào biển lửa, Real Madrid và các đội bóng khác gần như bị xóa sổ khi một số cầu thủ, quan chức bóng đá tham gia vào những âm mưu đảo chính. Riêng chỉ có xứ Catalan, bóng đá vẫn diễn ra bình thường; thậm chí ngay sau khi phố Wall sụp đổ cho đến năm 1938, xứ Catalan còn duy trì song song hai giải vô địch bóng đá. Cả thế giới lúc này biết đến tiếng tăm đội bóng Barcelona, vốn là đại diện, là hình ảnh cho xứ Catalan thịnh vượng.
Năm 1937, FIFA chấp nhận Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha dưới chế độ Franco, như một sự thừa nhận chế độ độc tài này. Nhận thấy bóng đá là “mảnh đất” có thể trục lợi và thể hiện quyền uy, Franco vào tháng 3-1939 sau khi dẫn quân tiến vào thành phố Madrid đã cho phá tan sân Chamatin; Chủ tịch Real Madrid là Ortega và khoảng 100.000 nhân vật chống đối khác bị bắt giam, sau này có tới hàng chục nghìn người chết và mất tích. Vào năm 1941, Franco định hướng toàn bộ nền thể thao Tây Ban Nha. Trong bầu không khí ngột ngạt của chế độ độc tài Franco, tất cả các đội bóng ở Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng của người Anh đều phải “thay tên đổi họ”: Athletic Bilbao đổi thành Atletico de Bilbao, FC Barcelona được gọi là Barcelona Club de Futbol… Không những thế, chủ tịch các đội bóng danh tiếng đều bị thay thế bởi thuộc hạ thân tín của Franco. Lastaragay, “đệ tử ruột” của Franco được cử làm Chủ tịch Atletico de Madrid. Với Barcelona, Franco biến sân Les Corts thành trại lính vào năm 1939. Đến năm 1942, Franco nắm toàn bộ quyền điều hành ở xứ Catalan. Ngay lập tức, Franco giao cho một tay chân thân tín khác là Mesa de Asta làm Chủ tịch Barcelona. Biết rõ giá trị của Barca nên Franco cũng không làm gì quá đáng khiến đội bóng bị tổn thương nhưng dẫu sao thì sự hào phóng của chế độ độc tài Franco cũng có giới hạn. Vào năm 1943, trong trận bán kết Copa del Generalisimo (sau này gọi là cúp Nhà vua Tây Ban Nha), Barca đã thắng Real Madrid 3-0 ở lượt đi; còn lượt về, đội bóng Hoàng gia thắng đậm tới 11-1, trong một trận đấu mà các cầu thủ Barca đã bị dọa bỏ tù nếu không thua trận. Các báo ở Tây Ban Nha và châu Âu lên tiếng chỉ trích trận đấu trên đã làm méo mó hình ảnh của bóng đá thế giới. Ngay sau đó, Franco cách chức chủ tịch cả hai đội bóng trên; cho phép Barca được chọn chủ tịch mới là người xứ Catalan còn Real Madrid được đích thân Franco chọn cho tân chủ tịch, đó là chính là nhân vật huyền thoại Bernabeu, mà tên ông sau này đã được đặt tên cho sân vận động của Real Madrid.
Nhận thấy đội bóng Hoàng gia Real Madrid trước đây không lấn át được hình ảnh, tiếng tăm, vị thế của Barcelona, Franco âm thầm đầu tư tổng lực cho “Kền kền trắng”, từ việc xây sân mới (vẫn lấy tên là Chamatin) cho đến việc chiêu mộ hàng loạt hảo thủ nổi tiếng thế giới thời đó. Không phải vô cớ mà thập niên 1950, Real Madrid được coi là ngọn cờ đầu của bóng đá châu Âu, chứ không riêng gì Tây Ban Nha. Vào năm 1955, sau khi Real Madrid đoạt cúp vô địch Latina (giải đấu dành cho các CLB hùng mạnh của Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Ý), các thành viên đội bóng đã được Hoàng gia Tây Ban Nha vinh danh, thưởng Huân chương Hoàng gia. Nhưng đội bóng của Bernabeu thành công hơn cả chính là việc vô địch cúp C1 tới 5 lần liên tiếp, từ năm 1956 đến 1960.
Từ chỗ khá ưu ái Barcelona nhưng sau khi thấy Real Madrid liên tiếp giành chiến thắng ở cúp châu Âu, Franco đã công khai tự nhận mình là fan của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, dù rằng các sử gia Tây Ban Nha khẳng định quốc trưởng độc tài này chẳng thích thú bóng đá cho lắm. Các sử gia Tây Ban Nha phân tích việc Franco nương tay với đội bóng Barca, với thể thao xứ Catalan chẳng qua vì ông không thể thể hiện được quyền uy với xứ này. Vậy thì còn gì tốt hơn là đầu tư tổng lực cho Real Madrid, qua đó vùi dập Barca ở những trận đấu mà sau này được thiên hạ tung hô là El Clasico. Có lẽ cũng chẳng cần đợi đến khi Franco xuất hiện “thêm dầu vào lửa”, thì Real Madrid và Barca đã trở thành hai đội bóng đầy duyên nợ và chồng chất thù hận. Ngay từ giữa thế kỷ trước, Barca và Real Madrid đã đại diện cho những thể chế chính trị, những tư tưởng dân tộc trái ngược nhau và cũng là hai thành viên lớn nhất, uy quyền nhất trong mọi hiệp hội, liên đoàn thể thao ở Tây Ban Nha. Nếu như các cầu thủ Barcelona được các doanh nghiệp Anh, Mỹ, Đức, Hà Lan ủng hộ, tài trợ cho Barcelona thì ở thủ đô Madrid, các cầu thủ thuộc biên chế “Kền kền trắng” được Franco cho phép tích trữ và buôn bán ngoại tệ, được quyền nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
Trong thập niên 1960, Tây Ban Nha đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy và được gọi “Phép màu Tây Ban Nha”, giúp nước này thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại. Các chính sách thông thoáng hơn về chính trị và kinh tế trong những năm cuối cầm quyền của Franco được thực hiện giúp cho ngành du lịch phát triển nhanh chóng, chỉ số phát triển con người được nâng cao. Tuy nhiên, xứ Catalan thì vẫn bị kìm kẹp dưới thời Franco, và phải đến năm 1992, cả thế giới mới được biết thế nào là một thành phố Barcelona năng động, thịnh vượng qua Thế vận hội 1992. Vào thời kỳ “Phép màu Tây Ban Nha (1960-1969), Real Madrid vô địch La Liga tới 8 lần, hai lần còn lại thuộc về Atletico de Madrid, đó cũng là thời kỳ được coi là “thịnh trị” của Real Madrid ở giải đấu quốc nội, trước khi họ cùng với Barca gần như thay nhau vô địch giải La Liga cho tới ngày nay.
TRUNG GIANG