Số phận mỉm cười với Real Madrid

Đầu thế kỷ 20, trong khi các đội bóng ở Anh thi đấu bên cạnh quán rượu, quán bar, trong khuôn viên công cộng thì ở Tây Ban Nha, các trận bóng lại diễn ra ở trường đua ngựa. Vào năm 1912, lần đầu tiên các đội bóng Tây Ban Nha tề tựu để tranh một giải đấu cúp ở trường đua ngựa Madrid. 5 đội bóng đại diện cho 3 khu vực tiêu biểu cho văn hóa-chính trị Tây Ban Nha tranh tài là: Barcelona, Espanyol đến từ Catalan; Athletic Bilbao đến từ xứ Basque và New Madrid, Madrid đến từ thủ đô (sau đó hai đội bóng này hợp thành Real Madrid).

Dù là thành viên sáng lập FIFA nhưng đại diện của Tây Ban Nha không phải là liên đoàn bóng đá quốc gia. Thay vào đó, là đại diện của đội bóng Real Madrid.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra khiến các quốc gia châu Âu chao đảo. Tây Ban Nha cũng không tránh khỏi ảnh hưởng và các đội bóng đá xứ bò tót đã phải tự tìm đường sống cho riêng mình. Real Madrid có lẽ may mắn hơn cả khi có sự bảo trợ của Hoàng gia Tây Ban Nha vào năm 1922. Thoạt tiên, Hoàng gia Tây Ban Nha coi đội bóng Real Madrid như một món đồ “trang sức” nhưng về sau này, chính thành công của Real Madrid đã khiến Hoàng gia Tây Ban Nha liên tục được thơm lây. Nhờ có sự bảo trợ ở cấp cao nhất mà Real Madrid gần như có được những thứ tốt nhất, từ cơ sở vật chất, sân bãi cho đến con người.

leftcenterrightdel
Ronaldo và đồng đội trước viễn cảnh vô địch Champion League lần thứ ba liên tiếp

Những tháng ngày đen tối

Tương lai đang tươi sáng với châu Âu thì đột nhiên phố Wall sụp đổ. Năm 1930, chế độ độc tài Rivera ở Tây Ban Nha không còn “đất sống”; đồng thời, vua Alfonso XIII cũng phải sống lưu vong. Để phản đối việc vua Alfonso sống lưu vong (có tài liệu nói là bị đi đày), đội bóng Real Madrid đã bỏ tiền tố “Hoàng gia” (Real) ở phía trước tên đội, chỉ còn đơn thuần là đội bóng thủ đô Madrid. Trong khi ở xứ Basque và Catalan, bóng đá vẫn phát triển tốt, khi Barca liên tục du đấu nước ngoài để quảng bá hình ảnh, văn hóa Catalan thì Real Madrid lâm vào cảnh “khó thở”, khi các phe phái chính trị ở thủ đô liên tục tranh giành quyền ảnh hưởng lên đội bóng. Ai cũng muốn lợi dụng đội bóng con cưng của thủ đô để đánh bóng hình ảnh.

Năm 1937, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra, đó là việc FIFA công nhận Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha (RFEF), như một sự thừa nhận chính quyền độc tài Franco. Dù rất cần Real Madrid để tô điểm cho hình ảnh của mình nhưng Franco vẫn thẳng tay trừng trị các quan chức ở đội bóng thủ đô, nếu họ bất tuân thượng lệnh. Lãnh đạo CLB Real Madrid, người bị bắt giam, tra tấn trong tù như Chủ tịch Ortega, người bị ám sát như Phó chủ tịch Rivera… Barcelona cũng không “yên thân” khi đích thân Franco cử tay chân thân tín là Asta làm chủ tịch đội bóng. Nhưng cả chủ tịch Real lẫn Barca đều bị Franco sa thải sau trận bán kết cúp Generalisimo năm 1943. Trận lượt đi trên sân nhà Les Corts, chủ nhà Barca thắng Real 3-1. Còn trận lượt về, đội bóng xứ Catalan thua thảm 1-11, sau khi Bộ trưởng An ninh, Romani, nhân vật có tiếng là cực kỳ hung hãn ghé thăm phòng thay đồ của Barca, tuyên bố “muốn có một trận đấu an toàn và không muốn chứng kiến cảnh phải tống cầu thủ nào vào nhà tù”.

Sau trận đấu trên, báo chí Tây Ban Nha “đập” cả Barca lẫn Real Madrid “te tua” khiến Franco tức điên, sa thải người đứng đầu hai đội bóng. Từ đây, lịch sử của đội bóng Real Madrid và thế giới sang trang mới, khi Santiago Bernabeu được cử làm Chủ tịch Real Madrid vào tháng 3-1949.

Franco không thích Real Madrid

Không chỉ là một chính trị gia lão luyện, Bernabeu còn có đầu óc kinh doanh vô cùng nhạy bén. Để nâng tầm đội nhà, Bernabeu quyết định xây sân mới cho Real Madrid bằng cách phát hành trái phiếu, lấy tiền đầu tư từ 45.000 cổ đông-chính là thành viên của CLB Real Madrid. Kiến trúc sư thiết kế sân Chamartin mới (mà sau này được đổi thành Bernabeu) chính là Muguruza, người thiết kế và xây dựng Đài tưởng niệm nội chiến Tây Ban Nha (The valley of the Fallen). Nghe nói, vì kinh phí xây sân Chamartin quá lớn nên Bernabeu có “mượn” một số sắt thép trong quá trình xây Đài tưởng niệm nội chiến Tây Ban Nha.

Thập niên 1950, Real Madrid trở thành hình ảnh của Tây Ban Nha trên chính trường quốc tế. Franco đi ra nước ngoài chỉ đưa đẩy câu chuyện về chủ đề Real Madrid sẽ đoạt thêm bao nhiêu cúp C1 nữa. 5 chức vô địch cúp C1 liên tiếp, từ năm 1956 tới 1960 của Real Madrid được coi như thành công trên chính trường của Franco. Thời điểm đó, Franco đã coi Real Madrid là biểu tượng của chiến thắng, của quyền lực. Bất kỳ trận chung kết nào Real Madrid tham dự, Franco đều có mặt. Nhưng trớ trêu, Franco chẳng ưa gì đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha cả. Saporta, Giám đốc quan hệ công chúng của Real Madrid thập niên 1950, sau này trong cuốn hồi ký có viết: “Có một sự thật cay đắng là Franco không bao giờ bộc lộ cảm xúc khi chứng kiến Real Madrid thi đấu. Chẳng thấy ông ta vỗ tay hay rung đùi khi cầu thủ Real Madrid ghi bàn”. Chủ tịch Real Madrid Bernabeu biết tỏng Franco muốn lợi dụng đội bóng để mị dân nên cũng khôn khéo tuyên bố: “Real Madrid đã thực hiện nghĩa vụ với đất nước nhưng như thế là chưa đủ. Đội bóng cần giành thêm cúp C1”.

Real Madrid đổi vận với Stefano

Trước sự lớn mạnh của Real Madrid, Barcelona cũng tìm mọi cách để cạnh tranh sòng phẳng. Những trận cầu giữa hai đội luôn nóng bỏng. Khi Real Madrid và Barca gặp nhau, các chính trị gia Tây Ban Nha những năm 50, 60 thế kỷ trước lại được dịp bàn luận sôi nổi nên nhận sự đầu tư từ Mỹ hay Anh quốc. Chẳng gì thì người Madrid vốn có thiện cảm với Mỹ, còn xứ Catalan ngay từ thế kỷ 19 đã được người Anh đổ vô số tiền đầu tư. Trước đó, ngày 29-11-1899, CLB Barcelona được thành lập bởi 12 người, trong đó có 6 người Tây Ban Nha, 3 người Anh, 2 người Thụy Sĩ và 1 người Đức. Chủ tịch đầu tiên của Barca là ông Walter Wild, người Anh. Sở dĩ ông được chọn vì trong 12 người cùng hội cùng thuyền, ông là người... lớn tuổi nhất. Quay trở lại trận đấu tranh cúp vào năm 1912 ở Madrid. Sau trận đấu giữa Barca và Madrid, hai đội đã lao vào ẩu đả và rất may mắn, một số cầu thủ Barca đã kịp… lên ngựa chạy thoát. Kể từ đó, cuộc chiến giữa hai đội này đã đi vào huyền thoại.

Sau này, có một cầu thủ đã khơi mào mối hận thù giữa hai đội, đó chính là Alfredo di Stefano. Năm 1953, cả Real Madrid và Barca đều tuyên bố sở hữu Stefano. Cuộc tranh chấp căng thẳng đến nỗi chính quyền Franco cũng ngó lơ. Cuối cùng, mọi ánh mắt hướng về FIFA để chờ phán quyết cuối cùng. FIFA cử Giáo sư, Tiến sĩ y khoa Canderon (người sau này là Chủ tịch Atletico Madrid thập niên 1970) đứng ra phán quyết vụ việc trên. Thoạt tiên, Canderon ra quyết định Barca và Real Madrid đồng sở hữu Stefano. Tờ Marca ngày đó đã mỉa mai quyết định của cựu Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ Tây Ban Nha Canderon như thế này: “Khả năng là giải bóng đá quốc gia sẽ thi đấu cả vào ban đêm. Bởi vì Stefano sau khi chơi cho Barca vào ban ngày, sẽ đấu cho Real Madrid vào buổi tối”. Sau phán quyết trên không lâu, Giáo sư, Tiến sĩ Canderon phải tiếp một vị khách vô cùng đặc biệt, đó chính là Franco. Phải nói là người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha đã vô cùng kiên nhẫn, khi thảo luận hai tiếng đồng hồ với Canderon về tương lai của Stefano. Dưới sức ép của Franco, Giáo sư, Tiến sĩ Canderon “bẻ còi”, tuyên bố: Stefano thuộc về Real Madrid. Lý do ư? Canderon lý giải: Đơn giản vì Barca đã tự nguyện rút lui khỏi cuộc đua. Phía lãnh đạo Barca tức điên người nhưng chẳng thể làm gì vì họ biết, không thể vì tranh giành một cầu thủ mà đẩy cả đội bóng vào tình thế nguy hiểm. Sau đó, phía Real Madrid cũng ra thông cáo báo chí, lớn tiếng tuyên bố Barca đã rút ra khỏi cuộc đua giành Stefano. Sự thật trớ trêu là chính cầu thủ người Argentina này đã khiến lịch sử Real Madrid sang trang, với những chiến công hiển hách ở đấu trường châu Âu. Chính vinh quang mà Real Madrid có được, với Stefano làm bệ phóng, đã giúp Franco củng cố thêm vị thế và quyền lực.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Sau khi có được Stefano, Real Madrid vung tiền chiêu mộ hàng loạt hảo thủ như Puskas, Gento, thủ thành Kopa… Barca và các đội khác cũng lao vào cuộc đua tranh giành chữ ký của các cầu thủ xuất sắc thế giới. Hậu quả là người ta không còn quan tâm đến công tác đào tạo bóng đá trẻ, và Tây Ban Nha chẳng có cầu thủ ưu tú nào. World Cup 1958, Tây Ban Nha vắng mặt. Tứ kết Euro 1960, Franco chỉ đạo không cho đội tuyển Tây Ban Nha thi đấu với chủ nhà Liên Xô, vì lo ngại “đội nhà phải thi đấu trong điều kiện nguy hiểm” (Euro 1960 được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp với 17 đội tham dự, đến vòng bán kết, các đội mới thi đấu ở Pháp, còn trước đó đá sân nhà-sân khách). World Cup 1962, Tây Ban Nha bị loại ngay từ vòng 1. Ngày đó, Marca đã “khóc” cho đội nhà: “Tây Ban Nha thi đấu không sức mạnh, không tấn công, không phòng ngự, không cảm xúc”.

Hậu quả là vào năm 1963, cầu thủ nước ngoài bị cấm thi đấu tại Tây Ban Nha trong suốt một thập niên. Thế nhưng trong quãng thời gian chỉ được sử dụng nội binh, Real cũng kịp vào chung kết cúp C1 hai lần, để thua Inter 1-3 vào năm 1964, và thắng Partizan 2-1 vào năm 1966.

* Trong trường hợp Real Madrid bị thanh lý, bất kỳ tài sản nào còn lại phải được trao cho các tổ chức công hoặc chính quyền thành phố. Các hội viên đội bóng có quyền bỏ phiếu tìm chủ tịch trong các cuộc bầu cử được tổ chức 5 năm/lần. Các hội viên bỏ phiếu phải từ 18 tuổi trở lên và phải sinh hoạt trong hội từ một năm trở lên. Chủ tịch Real Madrid không được phép tại vị quá hai nhiệm kỳ.

* Đoạt 5 chiếc cúp C1 liên tiếp, Real Madrid được phép giữ phiên bản thật của cúp và có quyền in Huy chương Danh dự của UEFA lên áo đấu. Real Madrid giành chiếc cúp thứ sáu mùa 1965-1966 khi đánh bại Partizan 2-1 trong trận chung kết, với đội hình mà tất cả cầu thủ đều là người Tây Ban Nha. Đội hình ấy được gọi là Yé-yé. Cái tên “Yé-yé” xuất phát từ đoạn điệp khúc “Yeah, yeah, yeah” trong bài hát “She loves you” của ban nhạc The Beatles, sau khi 4 thành viên của đội chụp hình cho tờ Marca với những bộ tóc giả trên đầu.

MINH CHIẾN