QĐND - Năm 2003, Thể Công lập thành tích lần thứ 3 liên tiếp vô địch Giải bóng chuyền quốc gia. Kể từ đó, hơn một con giáp trôi qua, không đội bóng chuyền nào có thể bảo vệ thành công ngôi vị vô địch của mình. Còn với giải nữ, Thông tin LienVietPostBank thực sự vô đối.

Đội bóng nào cũng có cơ vô địch giải nam

Qua 12 mùa giải, chỉ có Bưu Điện Hà Nội (2005), Thể Công (2007) và Đức Long Gia Lai (2014) lọt vào trận chung kết giải sau với tư cách đương kim vô địch. Việc bảo vệ thành công chức vô địch khó đến mức được giới chuyên môn ví Giải bóng chuyền vô địch quốc gia nước nhà như đấu trường Champions League danh giá, khi chưa có CLB nào hai lần đăng quang liên tiếp hơn mười năm qua.

Bữa trước, nhân một lãnh đạo đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai ra Hà Nội công tác, mấy anh em vừa uống cà phê vừa tán chuyện bóng chuyền nước nhà. Ai cũng thừa nhận làm bóng chuyền bây giờ vừa thuận lợi vừa khó. Thuận là các giá trị đã dần trở về đúng “chuẩn”, từ tiền chuyển nhượng, lót tay, lương  thưởng cho VĐV… Khó là bóng chuyền đỉnh cao nam/nữ mỗi giải có khoảng chục đội, nhưng để vô địch là cực khó; chuyện phải đi đấu VCK ngược, lo trụ hạng thì có thể xảy ra với bất kỳ đội nào.

Đức Long Gia Lai từ ứng viên vô địch mùa giải 2015, đã phải đi thi đấu VCK ngược ở Khánh Hòa. Vị lãnh đạo đội bóng chuyền phố Núi này nhân chuyến công tác ra Hà Nội, kể về việc đội nhà trụ hạng mà vẫn “tim đập chân run”. Đấu trụ hạng có ba đội, lỡ thua Bến Tre rồi, may mà cuối cùng Đức Long Gia Lai vượt qua Quân khu 4. Bằng không, rất có thể sau khi bị xuống hạng, thì Đức Long Gia Lai cũng tuyên bố giải thể luôn. Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi còn có một thành viên ban huấn luyện của Đức Long Gia Lai, trợ lý HLV này khẳng định sau những năm bôn ba xa nhà, giờ chỉ muốn kiếm việc gì làm ở Hà Nội để tiện chăm sóc gia đình. Hỏi thế còn công việc dẫn dắt các cầu thủ ở Đức Long Gia Lai, thì ông anh HLV to cao, trắng trẻo khẳng định: Mọi việc tùy thuộc vào độ chịu chơi và chịu chi của ông bầu. Nếu ông bầu tập trung kinh phí, nhân lực vào dự án khác, thì việc sao nhãng đội bóng chuyền rất dễ xảy ra.

Hình ảnh Thông tin LienVietPostBank chiến thắng ở các giải đấu đã trở nên quá quen thuộc. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Với 7 đội bóng chuyền nam đăng quang trong 12 mùa giải vừa qua, bóng chuyền nam nước nhà đã tạo ra một hiện tượng đặc biệt. Trong 12 mùa vừa qua, không có đội bóng nào đạt tới đẳng cấp của một đại gia thực sự, với nền tảng và sức mạnh vượt trội so với phần còn lại, đủ sức khuynh đảo làng bóng chuyền nước nhà như Thể Công đầu những năm 2000.

Giới chuyên môn nhận định, mặt bằng chung của môn bóng chuyền đã có bước đột phá, nhờ sự xuất hiện của nhiều mô hình xã hội hóa, có nguồn đầu tư lớn, mà nổi bật là Tràng An Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa, Đức Long Gia Lai... đã khiến tất cả các đội phải chuyển mình mạnh mẽ. Nếu không theo kịp xu thế xã hội hóa, thì các đội bóng chuyền nam/nữ chỉ còn nước giải thể.

Năm nay, giải bóng chuyền vô địch quốc gia đấu hai vòng, rồi tranh tài tiếp VCK. Sau vòng 1 thi đấu chệch choạc, thì Thể Công-Binh đoàn 15 đã chơi khởi sắc ở vòng 2. Nhưng như thế là chưa đủ. Việc thi đấu dưới phong độ ở vòng 1 đã khiến HLV của đội được cấp trên “tư vấn” nên rút khỏi thành phần ban huấn luyện đội tuyển quốc gia, để tập trung vào chuyên môn ở CLB.

Thực tế, các đội đánh giải vô địch quốc gia, dù một vòng hay hai vòng, thì chỉ cần sơ sểnh một trận là mục tiêu vô địch, hay có huy chương tan thành mây khói. Đôi khi, trong một trận đấu cụ thể, chỉ cần chuyền hai, libero, chủ công thi đấu dưới sức, thì công sức chuẩn bị cho cả mùa bóng tan thành mây khói.  

Thực tế đã minh chứng, mùa giải này có tới 4-5 đội bóng có khả năng tranh chấp ngôi số 1 sòng phẳng. Các trận đấu diễn ra hấp dẫn, quyết liệt với chất lượng chuyên môn cao ngay từ vòng 1. Chỉ cần thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thi đấu thiếu tập trung hay phong độ sa sút trong 1-2 trận, thì CLB sẽ phải trả giá đắt vì gần như không có cơ hội chuộc lại lỗi lầm trước các đối thủ ngang cơ.

Quay trở lại chuyện của Thể Công-Binh đoàn 15, quán quân mùa giải 2014 này dù chơi rất hay ở vòng đấu bảng giai đoạn lượt về nhưng vẫn không thể lật ngược tình thế vì đã để thua 3 trận lượt đi. Thể Công-Binh đoàn 15 và á quân mùa giải 2014 Đức Long Gia Lai không thể góp mặt ở VCK có thể coi là bất ngờ của mùa bóng 2015. Có tới 3/4 đại diện thi đấu vòng bán kết là những cái tên mới: Maseco TP Hồ Chí Minh (vô địch), Quân đoàn 4 và XSKT Vĩnh Long, đã mang tới một luồng gió mới mát lành cho giải bóng chuyền vô địch quốc gia nam năm nay.

Giới chuyên môn nhận định, tới đây nếu bóng chuyền Việt Nam thực hiện việc giảm số đội dự tranh giải đấu quốc nội từ 12 xuống 8, có lẽ tất cả các đội nam đều có thể tranh chấp các thứ hạng cao, kể cả ngôi số 1. Chỉ tiếc rằng, do việc tổ chức và quảng bá còn nhiều hạn chế, nên các chân dài nam đang chịu nhiều thua thiệt, phần nào đó bất công so với các đồng nghiệp nữ về sự quan tâm và sức hút khán giả. Hơn nữa, việc hướng giải nam thi đấu chuyên nghiệp như bóng chuyền Thái Lan là hết sức khó khăn. Một số đội còn đang lo kinh phí chuyển nhượng, trả lương, thưởng… thì nói gì đến việc đi lại, ăn ngủ nghỉ theo tiêu chuẩn cao cấp, phù hợp với bóng chuyền chuyên nghiệp.

Quyết tâm sử dụng “cây nhà lá vườn”

Việc Maseco TP Hồ Chí Minh vô địch giải quốc gia năm nay được đánh giá là tín hiệu tích cực cho bóng chuyền nước nhà, bởi lẽ đây là đội bóng đang trong giai đoạn chuyển hóa lực lượng mạnh mẽ, hướng tới việc sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn”. HLV trưởng Bùi Huy Châm (Maseco TP Hồ Chí Minh) từng đau đầu khi đa số VĐV chủ lực của đội đều không phải là người địa phương. Điểm nhanh thì thấy Nguyễn Hoàng Thương đến từ Vĩnh Long, Trần Thanh Tùng, Huỳnh Văn Tuấn (từ Long An), Nguyễn Thanh Nhàn (Quân khu 7), libero Nguyễn Văn Nhật (từ Quân khu 5), Hà Vũ Sơn (từ Đức Long Gia Lai), Trần Phi Gip (từ Sanest Khánh Hòa)… Hướng tới những mùa giải trong tương lai, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận, đơn vị quản lý trực tiếp đội bóng chuyền Maseco TP Hồ Chí Minh khẳng định: “TP Hồ Chí Minh từng rất mạnh về bóng chuyền nhưng bây giờ phong trào đã dần lụi. Ngay tại Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, cái nôi của bóng chuyền TP Hồ Chí Minh trước đây, hình ảnh người dân chơi bóng chuyền chìm hẳn trước các sân bóng rổ luôn đông nghịt người. Nhiều năm qua gần như không có VĐV người TP Hồ Chí Minh nào từ tuyến trẻ được đôn lên đội 1 Maseco TP Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên ở mùa giải 2016, rất có khả năng một số cầu thủ đội trẻ của Maseco TP Hồ Chí Minh, vốn là người Thành phố mang tên Bác, sẽ được lên đội 1 thi đấu, nhờ thành tích giành ngôi á quân giải trẻ quốc gia 2015.

Trong câu chuyện trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Lê Minh vô cùng khâm phục cách làm bóng chuyền của đội bóng quân đội Thông tin LienVietPostBank. Theo ông Minh, cách làm của Thông tin LienVietPostBank thì làng bóng chuyền nước nhà ai cũng thấy cả rồi, nhưng để học và theo được thì là cả vấn đề nan giải. Và cũng không phải đội bóng nào cũng nhận được kinh phí cực khủng từ nhà tài trợ như Thông tin LienVietPostBank. 

Thông tin LienVietPostBank vô đối

Trong khi giải nam có nhiều bất ngờ thì hơn chục năm qua, giải nữ chỉ có 3 đội đăng quang là Thông tin LienVietPostBank, Bình Điền Long An và Thái Bình. Trong đó, với chiến thắng trước Ngân hàng Công thương Việt Nam ở trận chung kết mùa giải 2015, đội bóng Thông tin quân đội đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi vô địch tới 9 lần trong 12 mùa giải. Đây là một thành tích cực kỳ đáng ghi nhận, trân trọng với Thông tin LienVietPostBank; song được giới mộ điệu phân tích lại là nguy cơ lớn cho bóng chuyền nữ Việt Nam, khi nhiều đội bóng đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài.

Mùa giải này, Thông tin LienVietPostBank không có đủ lực lượng ưu tú, nhiều cầu thủ bị chấn thương nhưng chỉ với “thê đội 2” xung trận, thì đội bóng áo lính này vẫn dư sức vượt qua các đối thủ. Ngay như trận bán kết mùa giải năm nay, Bình Điền Long An trước trận khí thế là vậy, nhưng khi vào đấu thì bị “khớp” ngay trước Thông tin LienVietPostBank vốn có nhiều xáo trộn ở đội hình ra sân.

Còn ở trận chung kết, gặp đối thủ tiếng là khó chịu Ngân hàng Công thương, thì các cầu thủ Thông tin LienVietPostBank vừa đánh vừa chơi cũng giành chiến thắng tuyệt đối 3-0, để lập kỷ lục 4 lần liên tiếp vô địch quốc gia.

7 nhà vô địch trong 12 mùa giải của bóng chuyền nam Việt Nam là: Tràng An Ninh Bình (2006, 2010 và 2012), Thể Công-Binh đoàn 15 (2005, 2007, 2014), Biên Phòng (2009, 2011), Đức Long Gia Lai (2013), Sanest Khánh Hòa (2009), Bưu Điện Hà Nội (2004), Maseco TP Hồ Chí Minh (2015).

VŨ THU