Điền kinh Mỹ trong lịch sử Olympic ở cự ly marathon từng lập thành tích “vô tiền khoáng hậu”. Kỳ Thế vận hội 1904 trên sân nhà, 3 VĐV người Mỹ là Thomas Hicks, Albert Corey và Arthur Newton đã giành trọn bộ Huy chương Vàng (HCV), Huy chương Bạc (HCB), Huy chương Đồng (HCĐ). Sau khi Johnny Hayes đoạt HCV cự ly marathon ở Olympic 1908, thì phải tới Olympic 1972 Munich (Đức), Mỹ mới lại có VĐV vô địch nội dung marathon, đó là Frank Shorter với thông số 2 giờ 10 phút 30 giây.
    |
 |
Galen Rupp đang là chân chạy marathon hay nhất nước Mỹ. Ảnh: US today. |
Marathon luôn là nội dung “xương” nhất trong các môn thể thao. Với thể thao Việt Nam, đã lâu lắm rồi Bộ môn Điền kinh, Tổng cục Thể dục thể thao không thành lập được đội tuyển marathon. Lý do rất đơn giản: Chúng ta không có đủ lực lượng. Thế nên, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn Điền kinh vừa mới đề xuất chuẩn bị cho SEA Games 31 vào năm sau, điền kinh Việt Nam nên gọi vào đội tuyển marathon những chân chạy phong trào.
Trong kỳ Olympic 1896 ở Athens, Spyridon Louis, VĐV chủ nhà Hy Lạp đã giành HCV marathon với thông số 2 giờ 58 phút 50 giây sau quãng đường 40km. Đường chạy ở Athens năm đó không khác gì đường ở vùng sâu, vùng xa với bụi mù mịt cùng sỏi, đá. Spyridon Louis khi đó đã sử dụng một đôi giày vải hết đỗi bình thường. Còn một số đối thủ của Spyridon Louis, có người đã chạy với... sandal.
Có thời, người Mỹ tự hào với phong trào chạy marathon khi có những chân chạy nghiệp dư cự phách. Nhưng ra đấu trường quốc tế, người Mỹ mới hay “ếch ngồi đáy giếng”. Trong 10 kỳ Thế vận hội trở lại đây, đội tuyển marathon Mỹ chỉ giành 2 huy chương. Với 2 giờ 11 phút 29 giây, Meb Keflezighi đoạt HCB Olympic 2004 Athens; và với 2 giờ 10 phút 05 giây, Galen Rupp giành HCĐ Olympic Rio 2016. Đương kim vô địch Olympic nội dung marathon, VĐV Eliud Kipchoge (Kenya) về nhất ở Rio 4 năm trước sau 2 giờ 08 phút 44 giây.
Nhưng có vẻ như, ở Olympic Tokyo diễn ra vào năm sau, các chân chạy marathon Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc lật đổ. Trong vòng tuyển chọn đội tuyển marathon Mỹ dự Thế vận hội Tokyo, nước Mỹ đã có được 3 chân chạy xuất sắc, đó là Galen Rupp (2 giờ 09 phút 20 giây), Jacob Riley (2 giờ 10 phút 02 giây) và Abdi Abdirahman (2 giờ 10 phút 03 giây).
So với các bậc tiền bối cách đây 40 năm, lứa đàn em kể trên chạy nhanh hơn khoảng 2 phút. Nhưng phải lật lại vấn đề. Đó là vào thập niên 1980, đội tuyển marathon Mỹ chỉ sử dụng những đôi giày chạy bình thường, không có gì đặc biệt. Còn bây giờ, Galen Rupp, Jacob Riley hay Aliphine Tuliamuk, người về nhất vòng tuyển chọn marathon của đội nữ Mỹ dự Thế vận hội Tokyo (với thông số 2 giờ 27 phút 23 giây)... đều được Nike và các nhà sản xuất đồ dùng thể thao khác cung cấp những đôi giày chạy “thần sầu”.
Quay trở lại những năm 80 thế kỷ trước, Câu lạc bộ Điền kinh Boston có nửa tá VĐV có khả năng chạy marathon dưới 2 giờ 12 phút. Chính xác là 6 VĐV nghiệp dư của Câu lạc bộ Điền kinh Boston có khả năng trên. 20 năm sau, nước Mỹ tìm đỏ mắt không thấy chân chạy nào có khả năng hoàn thành quãng đường 42,195km sau 2 giờ 12 phút.
Buồn thay, đến Olympic 2000, điền kinh Mỹ còn chẳng có nổi VĐV marathon nào đạt chuẩn A dự Thế vận hội. May sao, có VĐV Rod DeHaven đoạt chuẩn B, được đỗ vớt vào giờ chót với thông số 2 giờ 15 phút.
Điền kinh Mỹ vốn mạnh ở cự ly ngắn. Họ có thể lý giải cho việc thất bại ở cự ly dài trước các VĐV châu Phi nhưng khoa học Mỹ không chứng minh được tại sao các chân chạy thời hiện đại lại có thành tích ngày càng tụt lùi so với các bậc tiền bối, trong khi họ được sử dụng giày chạy tốt hơn, cung cấp chế độ dinh dưỡng kỹ tới tận chân răng.
Khoa học Mỹ chứng minh rằng VĐV Kenya, Ethiopia chạy nhanh là nhờ có một dạng biến đổi gien ở các sợi cơ, nhờ đó họ chạy rất tốt ở cự ly marathon. Đồng ý là như vậy nhưng người Mỹ đòi hỏi một câu trả lời thực dụng hơn: “Vì sao chúng ta chạy chậm đi?”.
Kể từ Olympic 1984, cánh cửa Thế vận hội bắt đầu mở ra cho các VĐV chuyên nghiệp (trước đó chủ yếu là các VĐV nghiệp dư). Nhận thấy mảnh đất màu mỡ, các hãng sản xuất đồ dùng thể thao như Nike, Adidas bắt đầu nghiên cứu các đôi giày chạy hoàn hảo hơn, chi tiết tới từng góc độ, ngóc ngách của sản phẩm. Nhưng người Mỹ vẫn thua hoài trên đường chạy marathon ở Thế vận hội.
Ở kỳ tuyển chọn VĐV đội tuyển điền kinh Mỹ dự Olympic Tokyo 2021, Nike đã chơi lớn khi tặng miễn phí tất cả các VĐV tham dự một đôi Nike Alphafly, còn việc dùng hay không dùng thì là chuyện của VĐV.
Ở đội tuyển nam marathon Mỹ, cả 3 VĐV được chọn vào đội tuyển gồm Galen Rupp, Jacob Riley và Abdi Abdirahman đều mang giày của Nike. Trong đó, Galen Rupp, Jacob Riley dùng đôi Alphafly, mẫu mới nhất của dòng Nike Vaporfly, là bản nâng cấp của Nike Next % đình đám. Tuy nhiên, Abdi Abdirahman (43 tuổi), người về thứ 3, vẫn trung thành với đôi Vaporfly-mẫu cũ hơn của Nike. Đây là việc lạ khi Nike đã tặng giày Alphafly cho tất cả VĐV tham gia thi đấu. Có khả năng Abdi Abdirahman không quen đôi giày mới và có quá ít thời gian để thử nghiệm trước kỳ thi đấu quan trọng. Nguyên tắc vàng trong làng chạy điền kinh vẫn luôn là “không dùng đồ mới trong thi đấu”.
Jacob Riley dự vòng loại trên mà không có nhà tài trợ giày và quyết định đi đôi Alphafly của Nike. Mặc dù Jacob Riley phủ nhận thành công của mình do giày mới và cho biết anh đang đạt phong độ tốt nhất sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, VĐV này cũng thừa nhận: “Tôi cho rằng dòng giày có tấm lót bằng carbon đang thực sự thay đổi bộ mặt của bộ môn này. Theo tôi, nếu không sử dụng những mẫu giày mới, dù của hãng nào đi nữa thì bản thân VĐV đang tự đánh mất lợi thế của mình”.
Trong khi đó, 3 VĐV nữ giành quyền đại diện cho đội tuyển marathon Mỹ tham dự Thế vận hội vào hè năm sau đã sử dụng giày của 3 hãng. Nhà vô địch Tuliamuk đi đôi Rocket X còn chưa được bày lên kệ của Hoka One One, vốn được trang bị một tấm lót carbon. Molly Seidel (về nhì) sử dụng giày của hãng Saucony. Còn VĐV về thứ 3 Sally Kipyego mang giày Nike Next %, phiên bản cũ của Alphafly.
Molly Seidel dù chỉ về đích thứ hai ở vòng tuyển chọn nhưng được coi là dị nhân trong làng marathon Mỹ. Cô được biết từ các giải chạy của sinh viên nhưng sau đó một thời gian dài, Molly Seidel bị mắc chứng biếng ăn, rồi loãng xương. Trong lúc khó khăn nhất, hãng sản xuất đồ dùng thể thao Saucony đã luôn sát cánh bên Molly Seidel. Chính vì lẽ đó, dù Nike đã chơi chiêu tặng giày mới nhưng VĐV này vẫn sử dụng đôi giày Saucony Endorphin Pro, cũng có thiết kế với tấm carbon.
    |
 |
Spyridon Louis (giữa) trên đường chạy Olympic 1896 ở Athens. Ảnh: Olympic. |
Có điều, Tổ chức Điền kinh thế giới nhiều khả năng sẽ cấm các VĐV sử dụng đôi giày Vaporfly để tranh tài ở các giải đấu quốc tế. Phiên bản nguyên mẫu của dòng giày Vaporfly sau khi được ra mắt tại sự kiện chọn đội tuyển Olympic Mỹ năm 2016 đã bị giới chuyên gia phê phán, vì họ cho rằng dòng giày này mang lại quá nhiều lợi thế cho các VĐV sử dụng nó.
Kệ cho các tranh cãi quanh đôi giày Vaporfly, các VĐV điền kinh của Kenya hay Ethiopia vẫn tự tin hướng đến đường chạy marathon ở Thế vận hội Tokyo.
VĐV Eliud Kipchoge (Kenya) giành HCV marathon ở Olympic Rio 2016 với đôi giày Nike Next %. Trước đó, chân chạy cự phách này vô địch nhiều giải đấu với giày của Adidas. Việc Eliud Kipchoge chuyển sang sử dụng giày của Nike có thể lý giải dưới hai góc độ: Vì lợi ích kinh tế và vì lợi thế chuyên môn. Trong cuộc chiến trên đường chạy cự ly dài và marathon, có vẻ như giày của Nike đang chiếm lợi thế trước các đối thủ nhưng Eliud Kipchoge, từng 8 lần vô địch các giải major marathon đình đám đã khẳng định: “Với tôi, chạy giày nào cũng thế cả”.
Người Mỹ ước rằng các chân chạy marathon của xứ cờ hoa có thể đàng hoàng dõng dạc tuyên bố như vậy.
MINH CHIẾN