Đồ chơi của con trẻ
Bọn trẻ vừa chạy vừa chỉ đường cho chúng tôi tinh nghịch như đàn khỉ, cu cậu nào cũng háo hức lao nhanh về phía ngôi nhà của thầy Chung… Nghe khách hỏi chuyện về cung nỏ, ông Đoàn Văn Chung gợi ý luôn: “Nếu các anh muốn tìm hiểu về nỏ, cứ hỏi tụi nhỏ này có khi ra khối chuyện hay”. Nghe sư phụ nói thế, bọn trẻ nhìn nhau cười ré lên rồi ù té. Trò chuyện hồi lâu, hóa ra sư phụ họ Đoàn là “Đội trưởng đội bắn nỏ” của thôn. Ông Chung cười khà khà cho hay: “Các anh trên xã, trên huyện, rồi trên Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội bảo mình phải nhận một chức gì đó cho có trách nhiệm và cũng là tiện cho công việc. Ờ, vậy mình xin nhận “Đội trưởng đội bắn nỏ” của thôn Víp”.
    |
 |
Ông Đoàn Văn Chung quan sát kỹ mục tiêu, để ý hướng gió trước khi bắn nỏ. |
Trong khuôn viên nhà “đội trưởng”, đất vườn mênh mông, cây cối um tùm, nhà bao việc thế này, chẳng hiểu ông huấn luyện cho thanh niên, con trẻ trong thôn, trong xã bắn nỏ vào lúc nào. Theo lời ông Chung thì “tiện lúc nào học lúc đấy”. Từ sân tập nhà ông, bao nỏ thủ siêu phàm của thôn Víp, của xã Minh Quang đã trở thành tuyển thủ Hà Nội, giành huy chương ở giải quốc gia.
Nghe chuyện ông Chung kể, chúng tôi không ngờ người Mường ở thôn Víp bắn nỏ hay đến vậy. Trẻ nhỏ từ lúc 7-8 tuổi đã làm quen với nỏ, đi đâu cũng giắt theo cây nỏ. Ông Chung nhớ lại: “Ở vùng đất miền núi này, cây nỏ đã trở thành vật dụng thân thuộc với mọi nhà. Hầu như nhà nào cũng có người biết bắn nỏ, chỉ là bắn tốt hay không. Năm 1976, tôi lên 10 tuổi, đã bắn nỏ thành thạo rồi. Dạo đó, bao quanh vùng này là rừng cây bạt ngàn. Chim muông bay rợp trời. Tôi cùng chúng bạn dùng nỏ để đuổi chim, đuổi sóc, chuột đến phá ruộng ngô, ruộng lúa, cây màu, thế là hình thành kỹ năng bắn nỏ. Nhiều lúc chúng tôi thi bắn hạ chuột đến phá ruộng. Đại khái tầm 20m thì chúng tôi bắn cho chuột hết đường chạy”.
Vật thiêng trong nhà
Muốn bắn nỏ hay thì nỏ phải thật đặc biệt. Người Mường có những kỹ năng chế tạo nỏ tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết và rành. Nỏ thôn Víp được các nghệ nhân người Mường chế ra có sức kéo nặng hơn nhiều so với các loại nỏ thường gặp. Theo chân ông Chung đi chơi một vòng quanh thôn Víp, chúng tôi để ý thấy một số gia đình có treo những cây nỏ lớn hơn loại thường một chút, “Đội trưởng đội bắn nỏ” thôn Víp bảo chúng tôi: “Nỏ đặc biệt đó, nỏ này đi săn được lợn rừng, bắn nai, hoẵng thì thôi rồi, sướng lắm. Nhưng đó là chuyện của 3-4 thập niên về trước. Nhiều nhà khi người già mất đi, họ treo nỏ lên để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, coi đó là vật thiêng”.
Trên đường trở về nhà, tôi thắc mắc một chuyện, hỏi ông Chung: “Những cây nỏ lúc nãy có to thật nhưng để bắn thú dữ như lợn rừng thì sợ rằng…”. Không để tôi nói hết lời, ông Chung giải thích: “Người Mường có cách đó. Mũi tên bắn lợn rừng hay thú dữ được tẩm thuốc mê. Giờ cây rừng bị đốn hạ nhiều rồi, chứ không tôi dẫn mấy anh em đi tìm vài cây ngày trước chuyên lấy nhựa để làm thuốc mê, trong đó hay nhất là nhựa cây sui. Hòa các nhựa cây vào với nhau theo công thức gia truyền của từng dòng họ, ủ chừng một tháng, sau đó nhúng đầu mũi tên vào thuốc, trúng tên không khéo voi còn say thuốc huống hồ là lợn rừng”.
Ngày xuân vui hội bắn nỏ
Về sau, người xã Minh Quang không vào rừng săn thú mà chỉ sử dụng nỏ mỗi khi thú xuống bản. Đến năm 1996, một số lễ hội được tổ chức ở xã Minh Quang, trong đó có lễ khai hạ (bổ nhát cuốc đầu tiên để dân xuống đồng) vào ngày mồng 7 tháng Giêng, lễ hội Đền Hạ… đưa bắn nỏ vào chương trình lễ hội. Người dân các thôn, bản lại nô nức thi bắn nỏ. Lúc ấy, bắn nỏ đã được coi như một môn thể thao thay vì chỉ là dụng cụ săn bắn, kiếm kế sinh nhai. Ông Chung trở thành nhân vật trung tâm ở các cuộc thi bắn nỏ và thường giành giải. Giải thưởng hiếm khi trao bằng tiền mặt mà chỉ giản dị là gói kẹo, cái bánh chưng. Một số hộ gia đình khi đó khó khăn nên con em được giải thưởng là bánh chưng thì ai cũng vui, vì bữa cơm ngày Tết đôi khi vẫn còn phải ăn độn.
Giờ cuộc sống ở thôn Víp, xã Minh Quang đã khấm khá hơn, hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy, ti vi, tủ lạnh… Bữa cơm đã có thêm miếng thịt, con cá. Từ khi đủ ăn, đủ mặc, phong trào bắn nỏ ở địa phương thực sự sôi động. Đầu những năm 2000, khi môn bắn nỏ có tên trong chương trình thi đấu của các hội thao, giải thể thao ở tỉnh Hà Tây (trước đây) hoặc hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, đội bắn nỏ của xã Minh Quang với nòng cốt là các tay nỏ ở thôn Víp, trong đó có nỏ thủ Đoàn Văn Chung được biết đến nhiều hơn. Trong ngôi nhà của ông Chung treo cơ man là giấy khen, giải thưởng cấp tỉnh, rồi giải thưởng của TP Hà Nội, giải quốc gia về thi bắn nỏ. Chúng tôi đếm nhanh cũng thấy có đến gần 30 chiếc huy chương được ông Chung treo trang trọng trên tường nhà. Thấy chúng tôi tấm tắc khen “bác đúng là nỏ thủ siêu phàm” thì ông Chung bảo: “Dễ đến chừng ấy huy chương nữa của tôi đang được treo ở nhà họ hàng, bà con trong thôn. Mọi người đến chơi, xin về làm kỷ niệm thì mình tặng thôi”.
Tết này, xã Minh Quang tổ chức hội thi bắn nỏ giữa 14 thôn. Không nói ra nhưng các thành viên thôn Víp đang cố gắng phấn đấu rinh giải nhất, biết đâu có thêm vài cặp bánh chưng giải thưởng cho bọn nhỏ mang về khoe với người làng. Mới nghe ông Chung kể thôi mà chúng tôi đã thấy vui rồi. Thể thao là vui khỏe, nhất là thể thao phong trào ở địa phương thì càng cần phải được giữ gìn và nhân rộng, phát triển. Bắn nỏ không chỉ là một môn thể thao mà với người dân thôn Víp nói riêng, xã Minh Quang nói chung, bắn nỏ còn là truyền thống văn hóa, là câu chuyện được kể từ đời này sang đời khác, là cách để con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, bố mẹ, là câu chuyện ông kể cháu nghe vào mỗi độ xuân về, Tết đến.
“Đội trưởng” vác tù và hàng tổng
Chúng tôi lại nhớ chuyện khi vào chơi nhà Trưởng thôn Víp, ông Đinh Bá Cương. Ông Cương bảo làm ra nỏ không khó lắm, điều tưởng dễ hóa lại khó nằm ở mũi tên. Qua câu chuyện của người trưởng thôn, chúng tôi mới hay, dù thời nào thì mũi tên ở vùng này nhất thiết phải được làm từ cây vầu hay còn gọi là cây bương mốc, cây lành hanh-theo cách gọi của người Mường. Vào tháng 11 hằng năm, ông Chung lại phóng xe máy đến Cao Phong, Đà Bắc (Hòa Bình) tìm mua cây lành hanh về làm tên. Cây lành hanh ở vùng đồi đá càng được ưa dùng. Loài cây này chỉ thu hoạch vào tháng 11 mới tốt vì khi ấy cây khô, gỗ đanh chắc, mũi tên sẽ có trọng lượng đều hơn. Nếu thu hoạch vào tháng khác thì trọng lượng tên không ổn định, người bắn không kiểm soát được quỹ đạo bay. Như lần mua cây lành hanh vào tháng 11 vừa qua, ông Chung đã chế ra số lượng tên dùng trong cả năm 2020 cho 14 thôn trong xã. Tiền mua cây lành hanh là tiền túi của ông, còn công đi mua cây cũng như chế tạo tên, ông Chung cũng không tính mà chỉ mong mọi người có đủ tên để tập luyện, thi đấu.
Mỗi dịp làm tên cũng mất cả chục ngày, nửa tháng. Nhiều khi vót, nắn mũi tên bằng lửa, rồi căn chỉnh nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ mũi tên vì không đáp ứng yêu cầu. Khó nhất vẫn là làm mũi tên thi đấu bởi phải bảo đảm trọng lượng, độ dài như nhau để bắn chuẩn, đều.
Trước khi chia tay chúng tôi, Trưởng thôn Víp Đinh Bá Cương khẳng định: “Người dân ở đây đều thích bắn nỏ. Đến khi bắn nỏ là môn thể thao, được đưa vào các hội thi, chương trình thi đấu cấp huyện, thành phố, toàn quốc thì con em xã Minh Quang và các thôn trong xã còn đam mê luyện tập hơn. Anh Đoàn Văn Chung đã làm tốt việc duy trì niềm đam mê bắn nỏ cho thanh niên, con trẻ trong xã, nên giờ có nhiều người chơi bắn nỏ ở địa phương lắm. Mỗi khi có giải quốc gia, người của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội lại nhờ anh đứng ra tập hợp đội bắn nỏ để đi thi đấu. Tết này mời mấy anh về thôn Víp du xuân, bắn nỏ giao lưu với các thôn khác nhé”.
Thân nỏ có thể dùng máy để chế tạo nhưng nhiều bộ phận khác như mũi tên, cánh nỏ, dây nỏ, lẫy nỏ đều phải làm bằng tay. Riêng việc tạo ra cự ly giữa các bộ phận của nỏ hay còn gọi là đo mực thì là bí quyết “cha truyền con nối” ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. |
Bài và ảnh: MINH NHẬT