Năm 2017, câu lạc bộ bóng bàn do ông làm chủ nhiệm đã được Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam công nhận là thành viên chính thức. Như vậy, đây cũng chính là “lò” đào tạo nghiệp dư duy nhất của cả nước được công nhận như một đoàn chuyên nghiệp.
Nhiều người gọi Thắng “lốp” là ông bầu mát tay bởi sau khi làm ăn thua lỗ với hai bàn tay trắng, ông đã trở về quê nhà Gia Quất (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) gây dựng nên một câu lạc bộ bóng bàn uy tín, có tiếng tăm xa gần. Thấm thoắt 20 năm trôi qua, với tình yêu lớn lao dành cho bóng bàn và trẻ thơ, ông đã vượt qua biết bao khó khăn, vất vả để giờ đây “trái ngọt” đã đến. Đó là việc có đến 19 em được ghi tên trong các đội tuyển chuyên nghiệp, trong đó có những cái tên từng là niềm tự hào của bóng bàn trẻ nước nhà một thời, như: Đỗ Trường Chinh, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thanh Mai… (Đoàn Công an); Nguyễn Ngọc Sơn, Vũ Minh Hoàng… (Đoàn Hà Nội); Nguyễn Đăng Hiệp, Nguyễn Đức Hiếu, Hà Đào Tuấn Nam, Nguyễn Minh Đức... (Đoàn Quân đội).
Tuy vậy, để đến với lớp học dành cho 30 HLV xuất sắc diễn ra năm 2012, tại Nha Trang do IOC tổ chức, với ông Thắng không hề đơn giản. Bởi tiêu chí “cứng” là phải tốt nghiệp đại học thể dục thể thao và phải là những HLV đặc biệt xuất sắc của các tỉnh, thành phố, đơn vị. Vì có nhiều thành tích trong đào tạo, hơn nữa, lại được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Nguyễn Danh Thái đặc cách trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thể dục thể thao Việt Nam nên Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phạm Thành đã “lấy danh dự ra bảo đảm” cho ông được vào học. Gọi là học “vớt” nên ông phải tự túc hoàn toàn kinh phí, thậm chí ông còn nhận được những lời xì xào là “chạy tiền” để được vào học.
Bỏ ngoài tai tất cả, bởi ông quan niệm đến đây chỉ với mục đích duy nhất là được lĩnh hội kiến thức, mở mang đầu óc từ nền bóng bàn tiên tiến trên thế giới. Ông đã chịu khó nghe giảng, ghi chép, ghi âm một cách cẩn thận những bài học mà thầy giáo người Thụy Sĩ Georg Silberschmidt, tay vợt từng xếp hạng 10 thế giới giảng dạy. Sau thời gian học tập, đúc rút, trau dồi kinh nghiệm, thực tập xây dựng giáo án, ông đã được cấp chứng chỉ HLV quốc tế cùng với những HLV hàng đầu khác, như: Đoàn Kiến Quốc, Lê Huy, Bùi Xuân Hà, Đặng Thành…
Tuy nhiên, ông bảo mình học tập chứ không rập khuôn, điều quan trọng là phải phát triển cái của họ để áp dụng vào Việt Nam một cách phù hợp, hiệu quả. Một đáp số nhưng phải tìm ra nhiều lời giải cho bài toán. Đó là việc ông đã thiết kế ra những bài giảng để tăng sự linh hoạt ở các động tác tay, chân, nhịp điệu hay cùng một lúc ở một bàn có thể dạy được nhiều em. Ông cho biết, muốn đánh tốt bóng bàn thì phải hội tụ được những yếu tố cơ bản như: Cảm giác, sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sức xoáy… đặc biệt phải tập phản xạ ứng biến. Tất nhiên, không thể bỏ qua và thiếu được ngôn ngữ cơ thể. Đó là sự uyển chuyển, nhịp nhàng săn bắt và khống chế kiểm soát bóng. Ông trăn trở, hiện nay, các vận động viên tốp đầu thế giới có phản xạ cỡ 0,06s, trong khi các vận động viên cấp kiện tướng Việt Nam chỉ đạt 0,13-0,17s.
Thế nên, với sân tập tại nhà thì chưa phải là không gian lý tưởng để học sinh có thể phản xạ tốt. Nghĩ là làm, ông đã quyết định đầu tư gần 200 triệu đồng phối hợp với Trường Tiểu học Gia Quất để làm nhà tập ngay tại trường. Hai địa điểm tập luyện với hai mục đích khác nhau, đó là đưa những học sinh mới bắt đầu làm quen với bóng bàn học ở nhà, còn những em có khả năng tốt hơn một chút sẽ tập ở trường để các em được thi đấu giống như trong môi trường chuyên nghiệp. Tuy vậy, ông cũng trăn trở về việc do học sinh vừa học văn hóa, vừa học bóng bàn nên các em chỉ học được buổi chiều và vô hình trung tạo múi giờ sinh học là chỉ buổi chiều mới đánh hay. Điều này rất bất lợi trong thi đấu chuyên nghiệp.
Hiện nay, tại cơ sở 2 của “lò”, ông hướng các học sinh đến với phương pháp tự tu của Trung Quốc. Đó là sau khi các em được trang bị kiến thức cơ bản, ông sẽ cho hai em vào đánh tấn công, khi ấy yêu cầu HLV phải trình độ cao và viết được giáo án theo đúng thực tế. Được biết, hiện các giảng viên của “lò” đều là học trò cũ của ông và là những kiện tướng bóng bàn như: Đỗ Trường Chinh, Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Minh Đức… Ông yêu cầu các giảng viên phải viết được giáo án trong mỗi buổi tập và yêu cầu giáo án phải đặt trên bàn trong mỗi buổi dạy.
Được công nhận là một thành viên chính thức, tương đương với đoàn của một tỉnh, thành phố, đơn vị thì nghiễm nhiên câu lạc bộ của ông có thể độc lập đưa học sinh đi thi đấu ở các giải toàn quốc hoặc các giải có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, nhiều gia đình cũng không phải không có điều kiện nên khi học ở lớp của thầy Thắng “lốp”, các em sẽ không phải xa nhà và không phải chịu nhiều áp lực về thành tích. Bởi vậy, tiêu chí có học sinh trong đoàn thi đấu chuyên nghiệp với ông cũng không còn quá quan trọng nữa. Đáng mừng là năm 2018, lần đầu tiên được thi đấu độc lập tại Giải bóng bàn trẻ thiếu niên, nhi đồng toàn quốc tổ chức ở Đà Nẵng, “lò” cử 5 em đi thì có 4 em nằm trong 16 cây vợt xuất sắc toàn quốc. Năm 2019, cũng tại giải này được tổ chức tại Lào Cai, trong 9 em tham gia thì có đến 6 em nằm trong tốp 16 cây vợt xuất sắc toàn quốc.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, ông cũng mạnh dạn làm những video dạy bóng bàn trên YouTube để mọi người yêu thích bóng bàn trên khắp cả nước có thể học theo. Nhưng như ông tâm sự, thiết kế bài giảng trên mạng thì phải nắm thật chắc kiến thức về lý thuyết vật lý để phân tích lực. Ông đã tìm đọc nhiều sách, thậm chí học ở những học sinh giỏi Vật lý ở “lò” của mình. Tiếp đó là dự án mở thêm các vệ tinh giúp các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên… Tức là ông mời những HLV ở các tỉnh ấy về nhà đào tạo, rồi ông lại lên đó dạy một tuần và trong quá trình dạy, nếu có khó khăn lại tiếp tục trao đổi trong một năm, sau đó ông lên duyệt. Em nào chơi hay ông sẽ đưa về nhà bồi dưỡng dịp hè rồi trả lại đơn vị làm “hạt giống”.
Ngoài niềm đam mê bóng bàn, Thắng “lốp” còn là người yêu âm nhạc, chơi ghi-ta rất cừ và đã sáng tác được nhiều ca khúc. Ông tâm sự rằng chơi nhạc song hành với bóng bàn. Khi dạy bóng bàn quen, ông chiêm nghiệm thể thao cũng giống như âm nhạc, phải có nhịp, có sự cảm nhận, cảm thụ thì đánh bóng mới hay được. Và hai môn này đều là những môn khó, phải có năng khiếu thực sự cùng sự chỉ dạy của thầy giỏi mới thành tài được. Ông nhận mình là người yêu âm nhạc từ lâu, năm 1980 khi Phạm Tuân bay vào vũ trụ, ông đã sáng tác bài hát “Người Việt Nam bay vào vũ trụ” và đã được một số xí nghiệp dàn dựng, đoạt giải cao trong các hội diễn không chuyên.
Là HLV bóng bàn yêu âm nhạc, ông đã viết ca khúc “Tôi yêu bóng bàn” được giới chơi bóng bàn coi là “ngành ca”. Sau khi bài hát ra đời, ông mong muốn bài hát sẽ được biểu diễn trong lễ khai mạc của các giải thi đấu, trong đó có các cháu nhỏ nhảy theo giai điệu, nhịp điệu của bóng. Bởi thế, ông chưa hài lòng với bản phối hiện tại và vẫn “mỏi mắt” đi tìm người dàn dựng, hòa thanh phối khí để khi giai điệu cất lên phải thực sự thổi bùng được bầu không khí vui tươi, khỏe khoắn, khí thế của một giải đấu thể thao.
Bài và ảnh: NGÔ KHIÊM