QĐND - Là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) của lần duy nhất xếp vị trí nhất toàn đoàn hồi SEA Games 22-2003, song chuyên gia Nguyễn Hồng Minh khẳng định, SEA Games 28-2015 mới là kỳ đại hội thành công nhất của TTVN. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi nhân dịp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ tổng kết SEA Games 28, ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định, thành công của TTVN tại SEA Games vừa qua là thành quả xứng đáng của bước đột phá về cách nghĩ, cách làm.
 |
Với chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Ánh Viên có thể lọt vào tốp 8 ở Olympic Rio 2016 đã là điều cực kỳ thành công. Ảnh: Tuấn Đức
|
 |
Ông Nguyễn Hồng Minh. Ảnh: Nguyễn Đức
|
Phóng viên (PV): Giới chuyên môn và người hâm mộ đều hài lòng về kỳ SEA Games 28 thành công về nhiều mặt của TTVN. Còn ông, với tư cách một chuyên gia, cựu trưởng đoàn nhìn nhận như thế nào về?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Tôi cho rằng, đây là kỳ SEA Games thành công nhất của TTVN sau 13 kỳ đại hội tái hội nhập đấu trường khu vực. Không chỉ ở việc Đoàn TTVN giành 73 HCV, bảo vệ vững chắc vị trí thứ 3 toàn đoàn mà quan trọng nhất nằm ở chất lượng những tấm huy chương đoạt được, với một bước tiến rất dài về mọi mặt. Có tới 64 trên tổng số 73 HCV thuộc về các môn Olympic đạt tỷ lệ 90% (cao hơn 30% so với cuộc đấu cách đây 2 năm ở Mi-an-ma). Trong đó, các môn cơ bản hàng đầu như điền kinh (11 HCV), bơi (10), thể dục dụng cụ (9), đấu kiếm (8) và rowing (8) đều nhảy vọt về chất. Riêng môn bơi đã thực sự làm thay đổi bản đồ đường bơi xanh khu vực với sự tỏa sáng rực rỡ của tuyển thủ quân đội Ánh Viên. Chúng ta cũng lần đầu tiên phá được tới 13 kỷ lục đại hội, cùng 2 suất giành quyền tới Olympic Rio 2016 ở Bra-xin.
PV: Đâu là nguyên nhân dẫn tới thành công đặc biệt của Đoàn TTVN, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Thành quả đáng kể ngày hôm nay đến từ bước đột phá trong cách nghĩ, cách làm của ngành thể thao, kết đọng cho cả quá trình nhiều năm. Tôi xin nói, từ cả chục năm trước, ngay trong đội ngũ quản lý, cán bộ làm thể thao đã diễn ra một cuộc đấu tranh về mặt nhận thức, giữa cách làm thời vụ ưu tiên cho các thành tích trước mắt quanh quẩn ở SEA Games, với cách làm bài bản theo xu hướng vươn lên tầm châu Á, tấn công vào Olympic. Và nó thực sự có bước chuyển rõ rệt 4 năm nay, sau những thất bại liên tiếp ở các kỳ ASIAD và Olympic, cùng đòi hỏi của thực tế đời sống thể thao trong nước và hội nhập quốc tế. Không phải thành tích mà chính sự thay đổi về nhận thức đã được chuyển thành cách nghĩ, cách làm của cả ngành thể thao mới là điều đáng mừng nhất.
PV: Ông nghĩ gì khi bên cạnh sự tỏa sáng của các môn cá nhân, thì các môn bóng, đặc biệt là bóng đá nam ở các mức độ khác nhau đều gây thất vọng?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Tôi không bất ngờ, đơn giản vì thành tích của các môn bóng, kể cả bóng đá nam đều phản ánh đúng với trình độ, cách thức chuẩn bị và nền tảng. Hầu hết các môn bóng đều đang tụt hậu so với mặt bằng chung Đông Nam Á, rõ nhất với bóng rổ, quần vợt, golf. Bóng đá nam dù được quan tâm, đầu tư rất lớn nhưng rõ ràng vẫn chưa có gì đổi mới, kể cả việc chuẩn bị, tổ chức lực lượng trực tiếp cho SEA Games lần này. Về mặt tổng thể với các môn bóng vốn có xuất phát điểm thấp, lại yêu cầu điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí quá lớn, chúng ta vẫn chưa tạo ra được một “điểm tựa” cho sự phát triển bài bản, bền vững.
PV: Từ SEA Games 28 nhìn ra những đấu trường lớn, mà ngay trước mắt là Olympic 2016, chắc ông thấy có nhiều điểm lạc quan. Và ngành thể thao phải làm gì cho mục tiêu có 3-4 HCV ASIAD, giành huy chương Olympic ổn định?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Phải nói rằng, chúng ta đã có thể lạc quan với những nền tảng, mũi nhọn tạo dựng được. Tôi tin tưởng vào những bước tiến của TTVN tại các đấu trường quốc tế tầm cao. Đơn cử số lượng huy chương ASIAD hay số tuyển thủ, số môn giành quyền dự Olympic chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Khả năng tranh chấp HCV ASIAD hay huy chương Olympic cũng sẽ được nâng lên.
Vấn đề cốt yếu không chỉ là việc ngành thể thao phải tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng theo xu hướng Olympic, mà phải phân cấp quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư, trong đó cần có chế độ đầu tư chuyên biệt cho những tuyển thủ ưu tú ở một số môn thế mạnh như: Cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, điền kinh, bơi... Từ SEA Games tới ASIAD và nhất là Olympic là một khoảng cách rất xa, đầy khác biệt.
Ánh Viên “siêu” như thế tại SEA Games song chưa có thông số nào đủ sức tranh HCV ASIAD, hay lọt vào tốp 8 Olympic, chứ chưa nói giành huy chương ở Thế vận hội. Thực tế hiện tại, chúng ta mới chỉ có một ứng viên thực sự cho một tấm huy chương Olympic 2016 với đô cử Thạch Kim Tuấn, và phần nào hy vọng ở tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ).
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
XUYẾN CHI (thực hiện)