"Ôi, người đại diện của tôi đây sao”. Đọc được suy nghĩ của Ibra, Raiola đánh đòn phủ đầu bằng cách đưa ra tờ giấy, in những dòng ngắn gọn:
- Vieri, 27 trận, 24 bàn.
- Inzaghi, 25 trận, 20 bàn.
- Trezeguet, 24 trận, 20 bàn.
“Còn anh, 25 trận, 5 bàn. Anh nghĩ tôi có thể bán anh cho Barca hay Real Madrid với những thống kê nhạt nhẽo”.
Ibra ngồi im, miếng cá hồi nghẹn trong cổ, trong khi Raiola tiếp tục đánh chén.
 |
Raiola với các phóng viên khi tới Barca. Ảnh: Marca |
“Ông anh này, nếu tôi ghi được 20 bàn một mùa thì ngay cả mẹ tôi cũng gặp được chủ tịch Barca hay Real Madrid”. “Anh nói đúng, nhưng anh nghĩ anh là ai. Anh tưởng anh ngon lắm à. Anh tưởng khoác lên người cả đống vàng bạc cùng con Porsche ngoài kia là hù được thiên hạ. Tôi thất vọng về anh”. “Ông nói cái gì?”, Ibra gầm lên nhưng Raiola không thèm để ý, tiếp tục gọi thêm đồ ăn và trước khi kêu món tráng miệng, đã tung đòn trực diện: “Vậy anh muốn gì?”. “Tôi... tôi muốn trở thành số 1”.
Kể từ buổi gặp đó, Ibra đã khoái Raiola. Gã đại diện không mào đầu, vào chuyện bằng những ngôn từ khách sáo, đúng kiểu chân sút người Thụy Điển thích. Nhất là lối xưng hô càng khiến Ibra thêm phần thiện cảm khi nhìn vào quá khứ bất hảo của mình.
Nguyên tắc làm ăn của Raiola thế này: Không bao giờ tự mình tiếp cận. Vì như vậy sẽ đặt mình vào thế yếu. Raiola luôn tìm cách thông qua trung gian để nghe ngóng tình hình, phản ứng của các bên.
Trước khi làm người đại diện cho Ibra, “siêu cò” Raiola đã làm người đại diện cho Bergkamp, Nedved, Maxwell...
Trở lại câu chuyện trong nhà hàng sushi, khi nghe mong ước của Ibra, Raiola đã phá lên cười: “Trở thành số 1. Anh đùa tôi chắc”. “Không, tôi nghiêm túc mà”. “Anh biến đi, vì tôi trông anh chưa sẵn sàng để trở thành số 1. Biến ngay khỏi mắt tôi”. “Ông cút đi”, Ibra đập bàn gầm lên.
Hận tay môi giới cùng cực, Ibra đạp ga phóng như bay trên cao tốc, để rồi khi cơn giận cùng sự sĩ diện chìm xuống, Ibra lại thấy thằng cha lúc nãy nói đúng: “Anh đâu có giỏi. Anh phải khổ luyện nữa”.
Rồi thì Raiola đã giúp Ibra đến Juventus. Nhưng lần thương thảo gia hạn hợp đồng với Moggi, ông trùm của Juventus mới khiến Ibra nể Raiola thực sự. Ở đội bóng thành Turin, Moggi như thể hiện thân của “chúa tể hắc ám”, nên khi Raiola ngồi vào ghế của Moggi, Ibra đã tái mặt: “Đừng có làm hỏng việc của tôi, ra đây ngồi đi”. “Anh hãy trật tự”.
Moggi bước vào phòng như thể bóng ma, với điếu xì gà vung vẩy trên tay. “Dám ngồi vào ghế của ta”. “Thôi đi ông anh, cho thằng em thử cảm giác một chút. Mọi người vào chuyện nào”. Moggi tức giận thực sự nhưng vẫn ngậm xì gà để che giấu cảm xúc.
Raiola là thế đó, chả kiêng nể ai. Mọi người sẽ ngạc nhiên khi nhớ lại chuyện tay cò này cự nự với Huấn luyện viên (HLV) Ferguson, khi đòi tăng lương cho Pogba, để rồi sir Alex tức giận đuổi thẳng cổ “tay cò bố láo” (lời của HLV Ferguson trong cuốn tự truyện) ra khỏi phòng.
Bất kể HLV, ông chủ đội bóng là ai, Raiola luôn tìm cách tấn công trực diện. Tay cò này mang đến cho Ibra, Pogba những bản hợp đồng “bom tấn”. Tất nhiên số tiền Raiola thu về cũng kếch xù, nhưng xét đơn thuần về mặt kinh doanh, thì đó xứng đáng với công sức anh ta bỏ ra. Câu lạc bộ (CLB) muốn cầu thủ, muốn được việc thì phải xùy tiền ra. Hợp đồng cho phép Raiola hưởng bao nhiêu phần trăm hoa hồng từ CLB đã ghi rõ.
Thế nên vào tháng 4 này, khi Raiola đến thăm các đội bóng lớn ở châu Âu, nó không đơn thuần là tour diễn quảng bá một chân sút lừng danh (Haaland), người được cho là sẽ cùng Mbappe kế vị Messi, Ronaldo, mà đó đích thực là chuyến đi phô diễn quyền lực của mình. Thời thế mà. Nếu như “siêu cò” Mendes thích làm ăn kín tiếng thì Raiola cứ tung hê mọi chuyện.
Bỗng nhiên, các HLV của Barca, Real Madrid, MU, Man City... bị lôi vào cuộc. Chiến lược gia Solskjaer bị bủa vây bởi vô số câu hỏi về Haaland và ông đã trả lời thế này: “Một năm về trước, đội bóng nào mà chẳng muốn có Haaland. Thật tuyệt vời khi dõi theo cậu ấy một năm trở lại đây. Tôi từng theo sát Haaland từ cách đây 3-4 năm. Sẽ là thiếu tôn trọng Dortmund nếu cứ nói về Haaland vào thời điểm này”.
Vậy hóa ra Raiola không tôn trọng Dortmund? Lịch sử bóng đá thế giới từ xưa đến nay mới có trường hợp một tay môi giới công khai đi chào hàng một cầu thủ tới vô số CLB, khi vẫn còn thời hạn hợp đồng với đội bóng chủ quản. Lãnh đạo Dortmund không hề khó chịu với cách hành xử của bộ đôi Raiola-Haaland. Hẳn là các sếp ở Dortmund đã “bật đèn xanh” để Raiola thi triển chiến thuật, miễn là mang càng nhiều tiền về cho CLB càng tốt.
Dortmund hy vọng sẽ có đội bóng mua Haaland với giá 150 triệu euro vào mùa hè này, trong khi Raiola bĩu môi cười khẩy giá trên quá bèo, không tỏ rõ sự tôn trọng với thân chủ của mình. 180 triệu euro là giá chuyển nhượng công khai Haaland mà Raiola thông báo cho Barca, Real Madrid, MU, Man City... Nhiều đội bóng đang khó chịu trước kiểu chào hàng của Raiola. Họ không rành và không thích chơi theo kiểu này. Họ không thích mất mặt trước các nhà tài trợ và đám đông người hâm mộ. Thế nên, cách HLV Solskjaer trả lời là khôn ngoan. Trực tiếp bày tỏ chính kiến thay vì úp úp, mở mở. Guardiola cũng đi thẳng vào vấn đề khi tuyên bố: “Các tiền đạo giờ đắt quá, ngoài tầm với của chúng tôi”. Pep nói vậy thôi, chứ thực tình ông ta thích Haaland quá đi chứ. Hoặc là Pep đã dọn sẵn chỗ cho Messi ở sân Etihad.
Các sếp ở PSG, Juventus và Bayern Munich cho hay sẽ không lao vào thương vụ Haaland. Nếu xét lại những chuyện trong quá khứ, dễ thấy Haaland khó có cửa đến Man City, vì Raiola từng va chạm với Pep về trường hợp của Ibra. Bayern Munich thì chưa bao giờ là đội bóng của một ngôi sao, họ đề cao lối chơi tập thể. Với Junventus, họ cần cho thế giới thấy không sai trong thương vụ với Ronaldo. PSG đã có hai “hổ” Mbappe, Neymar, thêm Haaland nữa có mà “loạn rừng”.
Vậy thì tương lai của Haaland sẽ là La Liga hay Ngoại hạng Anh? Không ai cưỡng được màu áo của Barca, Real Madrid. Sức hút của Ngoại hạng Anh cũng không hề nhỏ.
Dortmund đang muốn bán Haaland trước tháng 6-2022, thời điểm phí giải hợp đồng trị giá 75 triệu euro có hiệu lực. Tờ Bild tiết lộ: Dortmund có thể bán Haaland ở hè này với giá 150 triệu euro. Nhưng Raiola tin rằng thân chủ của mình có giá cao hơn thế.
Haaland chưa đến Real Madrid nhưng cổ động viên “Kền kền trắng” đã khó chịu vì anh và người đại diện tiếp xúc trước với Barca. Raiola không cần chơi trò đi đêm để nâng giá tiền đạo người Na Uy. Ông để các CLB lớn tự loại lẫn nhau trong cuộc chơi này. Raiola sở hữu bằng cử nhân kinh doanh, luật và ngôn ngữ. Nhưng “siêu cò” này đang làm rất tốt công việc của một tay tiếp thị cừ khôi.
Nhưng có điều dễ nhận thấy hơn cả, nếu Ngoại hạng Anh muốn trở thành tâm điểm của bóng đá thế giới, có tầm ảnh hưởng lớn, vượt lên cái bóng của La Liga thì họ phải có chữ ký của Haaland. Cầu thủ sinh năm 2000 này đến MU, hay Chelsea, Liverpool đều không quan trọng, miễn là về với xứ sương mù. Nhược bằng Haaland chọn Real Madrid hay Barca, rõ là Ngoại hạng Anh vẫn phải kiềng La Liga nhiều bề.
KHOA MINH