Sau đó, Ban tổ chức có thông báo cùng ngày, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh có buổi gặp gỡ các HLV, VĐV, trọng tài... ngành thể dục thể thao (TDTT).

Buổi gặp gỡ chuyển thành tọa đàm sôi nổi

Buổi gặp gỡ đó không chỉ có những lời ngợi khen, động viên, mà từ lãnh đạo thành phố cho tới lãnh đạo ngành thể thao, các HLV, VĐV thể thao TP Hồ Chí Minh đã ngồi lại, đề xuất, bàn bạc, tranh luận thẳng thắn để tìm ra những hướng đi mới, giải pháp mới để đưa thể thao Thành phố mang tên Bác phát triển khoa học, mạnh mẽ hơn nữa.

Đến dự buổi gặp mặt hôm đó có Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cùng nhiều lãnh đạo ban, ngành thành phố và hơn 200 HLV, VĐV, trọng tài tiêu biểu của thể thao thành phố. Tại buổi gặp gỡ, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tặng hoa tri ân những cống hiến của 21 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, HLV, VĐV... đối với ngành TDTT thành phố trong những năm qua. Ngoài ra, Thành ủy cũng hỗ trợ 5 VĐV gặp chấn thương trong quá trình tập luyện, thi đấu số tiền 100 triệu đồng.

Báo cáo về những kết quả đạt được trong năm 2016, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Việt tổng kết: “TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao khi đoạt 657 HCV, 442 HCB, 557 HCĐ tại các giải vô địch và giải trẻ quốc gia. Về thi đấu quốc tế, thành phố đóng góp vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam 167 HCV, 106 HCB, 85 HCĐ tại các giải vô địch, giải trẻ châu Á, Đông Nam Á và các giải mở rộng”.

leftcenterrightdel

 Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe các VĐV tại buổi gặp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG - QUANG LIÊM 

Hơn 40 năm hình thành và phát triển, thể thao TP Hồ Chí Minh xứng đáng là một trong những lá cờ đầu của ngành TDTT cả nước khi đi đầu trong công tác xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Hiện nay, 18/44 môn thể thao của thành phố liên tục nằm trong nhóm hàng đầu quốc gia, nhiều VĐV và HLV ở các môn cử tạ, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, võ thuật, điền kinh, xe đạp, bơi lội… đã mang về thành tích cao ở các đấu trường SEA Games, ASIAD, Olympic. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Việt vẫn nhìn nhận TDTT thành phố còn nhiều hạn chế như: Thiếu tính kế thừa giữa các thế hệ; trang thiết bị tập luyện, thi đấu chưa đáp ứng được nhu cầu... Ông Việt cũng đề nghị ngành thể thao cần tập trung nhiều hơn nữa cho cơ sở vật chất, duy trì và phát triển phong trào tập luyện, thi đấu; xây dựng nguồn nhân lực để đưa thể thao thành phố trở lại đúng với vị thế của mình.

Đề ra hướng phát triển cho thể thao TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Việt cho rằng: “Tuy vẫn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước nhưng TDTT thành phố vẫn còn nhiều hạn chế: Chưa áp dụng công nghệ một cách rộng rãi, thiếu tính kế thừa; thiếu các chính sách đột phá; trang thiết bị còn chưa hiện đại, chưa đáp ứng được nhu cầu huấn luyện. Việc xã hội hóa thực hiện vẫn còn vướng mắc hoặc chưa được như ý. Để có cú hích thật sự cho thể thao TP Hồ Chí Minh trong năm 2017, chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa cho cơ sở vật chất. Củng cố các liên đoàn thể thao để hình thành “cánh tay” nối dài, hỗ trợ đắc lực cho ngành thể thao, nhất là trong việc duy trì và phát triển phong trào. Tổ chức các giải thể thao, mở các lớp đào tạo HLV, trọng tài để từng bước xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh phục vụ sự phát triển của thể thao TP Hồ Chí Minh. Phải tận dụng tất cả các nguồn lực đưa thành phố trở lại là lá cờ đầu của thể thao cả nước về chất lẫn lượng”.

Nâng cao sức khỏe người dân, phát triển thể thao học đường

Tại buổi gặp gỡ, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Kiết đề nghị ngành thể thao thành phố xem lại sự đóng góp đối với việc nâng cao sức khỏe của người dân, trong phát triển các phong trào của ngành để có hướng đi đúng đắn, vì: “Từ năm 2010 đến nay, thể thao thành phố đi vào khủng hoảng vì thành tích nhiều môn mất vị trí dẫn đầu, đó chính là nỗi lo của những người tâm huyết với thể thao, của người hâm mộ”. Đồng thời, ông Kiết cũng nêu lên vấn đề: “Cần củng cố các tổ chức xã hội hóa thể thao, khi hiện tại có nhiều tổ chức chỉ còn tên chứ không còn hoạt động”. Nhiều đại biểu cũng đề xuất việc xây dựng mới CLB TDTT Phan Đình Phùng cần đúng tiêu chí phát triển ngành, tuyệt đối không đụng đến các công trình của TDTT TP Hồ Chí Minh. Các đại biểu cũng “đặt hàng” các trung tâm đào tạo TDTT đóng tại TP Hồ Chí Minh giúp sức để đào tạo nguồn nhân lực tài năng cho thành phố, đặc biệt là Trường Đại học Sư phạm TDTT TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh.

Trả lời vấn đề này, PGS, TS Huỳnh Trọng Khải, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm TDTT TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Ngành TDTT cần phối hợp với ngành giáo dục để đưa ra chương trình nâng cao chất lượng thể thao học đường trong việc tìm kiếm tài năng và nguồn nhân lực cho TDTT cho thành phố. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng cần có mỗi tuần một chuyên mục về thể thao học đường”. Ông Huỳnh Trọng Khải cũng thông tin thêm: “Khi chúng tôi khảo sát các trường THPT thì các em chỉ học giáo dục thể chất qua loa, vì cơ sở vật chất không bảo đảm và giáo án quá máy móc. Chúng ta cần phát huy tiềm năng TDTT từ học đường. Muốn vậy, phải nâng cao chương trình học, môn học phải phù hợp với sở thích của các em. Bên cạnh đó, chúng ta phải đầu tư cơ sở vật chất ở các trường để lấy đó phục vụ ngành thể thao khi cần”.

Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang chia sẻ, lãnh đạo thành phố luôn trân trọng và quan tâm đến bước tiến cũng như sự trăn trở của ngành TDTT, đồng thời nhận thấy những sự sa sút so với trước đây: “Rõ ràng, mảng thể thao thành tích cao chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Thể thao học đường không được chú trọng nhiều. Đầu tư cơ sơ vật chất cho thể thao còn dàn trải và thiếu tập trung. Chúng ta ai cũng có một phần trách nhiệm trong sự sa sút này. Thường trực Thành ủy sẽ họp bàn và giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan phối hợp cùng ngành TDTT để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao thành phố; đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước chuyên môn cao; chú ý đến chương trình phát triển nguồn nhân lực mà Thành ủy triển khai, trong đó có ngành thể thao; phát triển mạnh mẽ trung tâm huấn luyện TDTT thành phố gắn với xã hội hóa và phát triển các trung tâm tập luyện cũng như phát triển phong trào thể thao học đường, toàn dân, chú trọng tạo nền tảng vững chắc cho ngành; đẩy mạnh cơ chế tự chủ để góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, HLV, VĐV...”.

Cũng tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn thừa nhận có những vấn đề khúc mắc của ngành TDTT thành phố. Một vài trong số đó thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, nếu để kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển TDTT. UBND thành phố sẽ triển khai ngay công việc với các ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho ngành TDTT phát huy hết tiềm năng của mình trong giai đoạn mới. UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng lộ trình chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đăng cai SEA Games 31-2021: “Chính phủ đang cân nhắc chọn TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội là nơi đăng cai, dựa trên sự chuẩn bị của hệ thống cơ sở vật chất. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh phải thúc đẩy nhanh các dự án Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc, xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng và xem đây là hai công trình trọng điểm…

MỘC MIÊN