Họ chuẩn bị làm đường chạy marathon phục vụ Olympic Tokyo 2020. Sang đến đầu hè 2020, vẫn những người công nhân này lại đến bên ngôi chùa Senso-ji. Lần này, công việc của họ là tái tạo đường đua marathon để tránh cái nắng nóng hầm hập.
Hại nhiều hơn lợi?
Hơn 1.000 người Nhật Bản đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng vào mùa hè 2019, 2020. Đó là lý do vì sao Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 tái tạo đường đua marathon dài 42km bằng một lớp phủ phản chiếu, để đường chạy trở nên dễ chịu hơn với vận động viên (VĐV).
Dịch Covid-19 đã trì hoãn Thế vận hội Tokyo 2020 sang đến hè năm nay. Nhiều người Nhật đang tự hỏi rằng liệu đại hội thể thao cồng kềnh này có còn đáng giá nữa không; có đáng với những rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng; phải chăng Chính phủ Nhật Bản đã quá nhượng bộ trước những yêu cầu của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Quá muộn cho những ưu tư. Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 đang diễn ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Lễ khai mạc vào thứ sáu (ngày 23-7) mang đến sự tò mò và một câu hỏi có thể không chỉ nhắm vào Thế vận hội Tokyo 2020, mà là toàn bộ phong trào Olympic: “Chúng ta đang làm gì ở đây?”.
Hầu hết người yêu thích thể thao đều theo dõi những sự kiện lớn diễn ra theo chu kỳ 4 năm một lần: World Cup, Euro, Olympic, ASIAD. Số đông người dân Nhật lo lắng Thế vận hội ở thủ đô Tokyo sẽ là “mồi ngon” cho dịch Covid-19 thì hẳn với những người yêu thích thể thao, điều tích cực đang ngự trị nhiều hơn trong suy nghĩ.
Một cuộc thăm dò được công bố trước thềm Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 của tờ The New York Times (Mỹ) cho thấy: 52% người Mỹ tin rằng Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ diễn ra. Chỉ 22% người Nhật cảm thấy như vậy.
Chúng ta-những người hâm mộ thể thao, vốn chỉ quan tâm đến những cuộc đấu ở Olympic, dồn sự chú ý vào điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn... mà có thể ít quan tâm đến cách Thế vận hội được vận hành, tổ chức ra sao. David Goldblatt, tác giả cuốn sách “Lịch sử toàn cầu của Thế vận hội”, cho biết: “Thế vận hội là không thể thay đổi. Nhưng trên mọi phương diện, chúng gây hại nhiều hơn”. Thật vậy sao?
Thế vận hội năm 1896 tại Athens (Hy Lạp)-kỳ Olympic đầu tiên của thời đại hiện đại, kéo dài hai tuần và mang đậm không khí châu Âu của tầng lớp quý tộc. Đây là thời kỳ hoàng kim của các hội chợ trên thế giới, là thời điểm tuyệt vời để tổ chức Olympic Athens, với 241 VĐV, tất cả đều là đàn ông da trắng. Còn ngay bây giờ đây, Thế vận hội Tokyo 2020 đang diễn ra với khoảng 11.000 VĐV, gần một nửa trong số họ là phụ nữ, đại diện cho hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế vận hội ngày nay là một trong những sự kiện thể thao được mong chờ nhất và có độ phủ sóng rộng khắp thế giới. Nhiều quốc gia duy trì các tổ chức khổng lồ chỉ dành riêng cho Thế vận hội, nơi các VĐV trên toàn cầu chia sẻ tầm nhìn về ước mơ bước lên đỉnh cao vinh quang Olympic.
Han Xiao, cựu thành viên đội tuyển bóng bàn Mỹ, đang hoạt động trong phong trào Olympic, cho biết: “Olympic đã tiến hóa hoặc không. Hệ thống Olympic của Mỹ đang có không ít vấn đề khiến chúng ta phải đặc biệt lưu tâm. Ở một số nơi khác, đó là nạn tham nhũng, lạm dụng tình dục... Nếu phong trào Olympic không theo kịp những tiến bộ mà các lĩnh vực khác của xã hội đang đạt được, hoặc tổ chức này không chịu sự giám sát của toàn xã hội, thì bạn có thể đoán trước những điều gì sẽ xảy ra”.
Mỗi chu kỳ Olympic đều đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời về tính bền vững, nhất là việc bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu đang thu hẹp bản đồ cho các địa điểm khả thi đăng cai tổ chức, đặc biệt là cho Thế vận hội mùa đông. “Trong điều lệ của mình, IOC đã tự cho mình quyền tối cao trong tất cả các vấn đề về Olympic. IOC giống như FIFA, hoạt động mà gần như không chịu sự giám sát của bất kỳ tổ chức nào”, Jules Boykoff, Giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương cho hay.
Được thiết kế riêng cho truyền hình trong hơn 50 năm qua, Thế vận hội vẫn duy trì các cuộc thi đấu hoành tráng. Dù đa số người Nhật vẫn hoài nghi về việc diễn ra Olympic Tokyo 2020, nhưng chính họ cũng không ủng hộ việc bãi bỏ Thế vận hội. Olympic vẫn đại diện cho đỉnh cao của hầu hết các môn thể thao. Đối với số đông VĐV, ai mà từ chối được Thế vận hội cơ chứ.
Tốn kém kinh phí
Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ mang đến những cảm giác hồi hộp như chúng ta mong đợi. Những màn nước rút kịch tính trên đường đua, những điểm số sít sao ở chung kết bắn súng, hàng loạt chiến thắng vào giây cuối cùng... Dẫu khán giả không được vào sân vì dịch Covid-19, Thế vận hội Tokyo 2020 vẫn sẽ được truyền tải đến các quốc gia trên thế giới nhờ hệ thống truyền thông. Sự kiểm soát của truyền hình đối với Thế vận hội quá rõ ràng trong nhiều năm, vì 73% ngân sách của IOC đến từ bản quyền phát sóng. Giờ thì người Nhật đã hiểu vì sao kỳ Thế vận hội 2020 diễn ra trong cái nóng mùa hè 2021 ở Tokyo; tất cả là để phù hợp với lịch lên sóng của các đài truyền hình, chứ không phải vì lợi ích của VĐV.
David Wallechinsky, nhà sử học đã viết “Toàn thư về Thế vận hội” từ năm 1983 đến 2012 nhận xét: “Các VĐV không phải là ưu tiên hàng đầu” và lưu ý rằng “Thế vận hội Tokyo 1964 được tổ chức vào tháng 10 để tránh nắng nóng nguy hiểm. Rõ ràng ở đây, IOC đã đặt lợi ích của họ-tiền bạc-cao hơn lợi ích của VĐV”.
NBC, công ty chuyên về mạng lưới phát thanh và truyền hình thương mại Mỹ, đối tác phát sóng lớn nhất của IOC, đã thu được 1,25 tỷ USD tiền quảng cáo nhân Olympic Tokyo 2020. “Kỳ Thế vận hội này sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của NBC”, Jeff Shell, Giám đốc điều hành của NBC Universal cho biết.
Với việc IOC ngày càng can thiệp mạnh tay vào việc tổ chức Olympic, có nhiều ý kiến cho rằng nên thay đổi cách thức hoặc bỏ việc chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội. Vì việc này dễ gây ra tham nhũng, mua bán phiếu bầu. Cho đến nay, chỉ có 3 kỳ Thế vận hội được tổ chức ở Nam bán cầu, 2 kỳ ở Australia và 1 kỳ ở Brazil. Không có Thế vận hội nào được tổ chức ở châu Phi.
Brazil đã chi 12 tỷ USD để tổ chức Olympic Rio de Janeiro 2016. Đổi lại họ thu được những gì? Ở Rio de Janeiro, kế hoạch tổ chức Thế vận hội 5 năm về trước là làm sạch vịnh Guanabara khổng lồ, nơi nước thải thô chảy ra từ hàng triệu cư dân. Hiện giờ, nước ở vịnh Guanabara vẫn đen ngầu bởi các khu ổ chuột quanh vịnh đang ngày một phình to.
Một số ý kiến cho rằng, Thế vận hội nên tìm một “ngôi nhà cố định”-tập hợp các thành phố luân phiên. Điều này có thể chấm dứt những tiêu cực trong việc đấu thầu lựa chọn thành phố đăng cai nhưng nó sẽ làm nảy sinh các vấn đề khác, bao gồm chi phí duy trì.
Giáo sư Jules Boykoff cho hay: “Có vài điều tuyệt vời hơn trong cuộc đời tôi khi chứng kiến Usain Bolt làm được điều kỳ diệu của anh ấy tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016. Khi Usain Bolt giành Huy chương Vàng trên đường chạy 100m, tôi nghĩ đến 75.000 người đã bị cưỡng chế di dời khỏi nhà của họ ở Rio de Janeiro”.
Tổ chức một kỳ Olympic thực sự vô cùng tốn kém, có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường mà câu chuyện sụp đổ nền kinh tế của Hy Lạp là dẫn chứng điển hình nhất. Bên cạnh đó, yếu tố bảo vệ môi trường ngày càng được nhắc đến nhiều trong câu chuyện đăng cai tổ chức Thế vận hội. Hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến những người có trách nhiệm có thể buộc phải tính toán lại việc tổ chức Thế vận hội mùa đông trong vài năm tới. Chưa kể ở Thế vận hội kỳ này, mối quan tâm, lo lắng nhất chính là việc đại hội diễn ra trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở Tokyo. Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020 Toshiro Muto cho biết: “Đã có vài người bị nhiễm Covid-19 trong Làng VĐV”.
Đó là lý do vì sao rất đông người Nhật tin rằng chính phủ nên hủy bỏ việc tổ chức kỳ Thế vận hội này. Nhưng mọi chuyện đã không thể đảo ngược.
Nước Anh chi 15 tỷ USD để tổ chức Olympic London 2012. Brazil chi 12 tỷ USD cho Olympic Rio de Janeiro 2016. Nga chi 50 tỷ USD cho Olympic mùa đông Sochi 2014. Hàn Quốc bỏ ra hơn 13 tỷ USD cho Olympic mùa đông Pyeongchang. Chưa có thống kê Olympic Tokyo 2020 tốn bao nhiêu tiền, nhưng riêng việc chậm một năm tổ chức cũng đã tốn thêm hàng tỷ USD. Reuters cho hay: Kể từ năm 1960, tỷ lệ vượt quá ngân sách dự kiến của một kỳ Olympic trung bình là 156%. Đối với một thành phố hay một quốc gia, quyết định đứng ra đăng cai Thế vận hội đồng nghĩa với việc chấp nhận đây là một trong những siêu dự án tốn kém nhất và mang lại nhiều rủi ro tài chính nhất. |
KHOA MINH