Đấy là một trận đấu hạng nghiệp dư của hai đội bóng cấp huyện ở ngoại ô thành phố Pescara, xứ Abruzzo, miền Đông nước Ý. Một người bạn đã rủ tôi đến xem trận đấu ấy, đơn giản vì anh nghĩ tôi yêu bóng đá mà anh thì sống ở đó, yêu một trong hai đội bóng ấy, và anh mời tôi đi xem cùng.

Ý nghĩ đầu tiên vụt đến trong tôi: Nghiệp dư ư, có gì hay, tại sao phải đến đó làm gì, có cách nào để thoái thác lời mời này không? Nhưng anh bạn người Ý có vẻ đoán được ý nghĩ ấy và khẩn khoản kéo tôi đi. Anh đã không làm gì sai cả, bởi hành động ấy đã đem đến cho tôi một trong những buổi chiều đẹp nhất trong đời xem và làm việc liên quan đến bóng đá của mình. Trên cái mặt sân cỏ mọc lơ thơ và gồ ghề của một sân bóng cũ rích có lẽ đã có ít nhất gần một trăm năm tuổi, với những khán đài ít ỏi khán giả, đa phần là bạn bè, họ hàng của các cầu thủ-ngoài họ chẳng ai biết là ai trên sân-và người làng, là một thứ bóng đá của sự đam mê, của những niềm vui, những nụ cười và tinh thần chiến đấu. 22 cầu thủ trên sân ấy, trong những bộ trang phục thi đấu mà nhà tài trợ trên áo là những quán ăn và tiệm giặt là trong thành phố, đã đem đến một thứ bóng đá vô tư và đầy cống hiến.

Không, đấy không phải Champions League hay World Cup, chẳng ai có tên Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo, sân bóng ấy nói tên chắc chắn chẳng ai lưu giữ trong lòng, đơn giản bởi không phải San Siro hay Wembley, khán giả cũng chưa đến trăm người và chỉ là một dúm nhỏ trên sân, nhưng không khí ấy thật khó quên. Họ đã chơi bóng vì những người trên khán đài, vì chính tình yêu bóng đá của họ, như thể họ đang đá ở một giải đấu lớn nào đó của thế giới. Khi một bàn thắng được ghi, nhóm người ít ỏi hát vang và nhảy múa trên khán đài, có một đôi yêu nhau ôm lấy nhau và hôn nhau. Và rồi, khi trận đấu kết thúc, khi các cầu thủ chạy ra để cảm ơn các khán giả, chàng trai cầu hôn cô gái ngay trên khán đài, trong sự tán thưởng của tất cả mọi người. Tôi ngất ngây trước khung cảnh ấy.

Đấy không phải là bóng đá đỉnh cao, không phải là thứ gì đó đáng giá để có thể bán bản quyền truyền hình, không ai trong số các cầu thủ là người ngoài làng của họ có thể biết mặt thuộc tên, nhưng thứ bóng đá mà họ trình diễn đã đem đến niềm vui cho những ai có mặt.

leftcenterrightdel
Niềm vui của con trẻ trong một trận bóng ở khu ổ chuột ven đường ở ngoại ô Jammu, Ấn Độ.

Đấy chính là thứ bóng đá nguyên bản như tinh thần mà những cha đẻ của nó đã muốn đem đến cho thế giới, bóng đá vì mọi người, vì niềm vui, vì tinh thần thể thao.

Một thứ bóng đá mà những người từng có mặt ở rất nhiều giải đấu lớn của thế giới như World Cup, Euro hay Champions League bỗng nhiên nhận ra rằng trong cái thế giới bóng đá bị thương mại hóa lớn lao này, nó đã không còn tồn tại. Thứ bóng đá đẹp nhất hóa ra không phải ở những sân đấu ngập tràn khán giả, những ngôi sao đắt giá đang thi đấu mà lương mỗi tuần của họ là những con số cao khủng khiếp, mà là ở những nơi như thế này, không ai biết đến. Và trong những hành trình đi khắp nơi thế giới của tôi theo trái bóng tròn, những trận đấu như thế đem đến cho tôi những cảm xúc đầy tinh khôi và mới mẻ, đam mê, yêu thương, cũng như khơi gợi lại những ký ức của chính mình khi còn nhỏ, chiến đấu với đội bóng khác mà không hề có giày, tất cả đi chân đất, đến khung thành cũng chỉ đơn giản là hai viên gạch xếp lại trên mặt sân xi măng lở loét của khu tập thể. Chúng tôi đã đá bóng với nhau trong những buổi sáng sớm, đã tận hưởng tình yêu bóng đá trong những trận "thủy chiến" dưới mưa, đã khóc khi đội bóng thất bại, đã đau đớn đến rơi nước mắt khi bị thương, đã hạnh phúc đến tê người sau mỗi bàn thắng của đội mình.

Trong những hành trình đi khắp nơi, cả đến những giải đấu lớn khi trái bóng đang lăn trên những sân cỏ World Cup và Euro, tôi vẫn tranh thủ những quãng thời gian sau công việc để kiếm tìm thứ bóng đá đẹp nhất ngoài những sân bóng đầy tiếng hò reo ấy. Tôi đã thấy những trận đấu như thế trên những con đường hẹp, dốc và bẩn thỉu trong những khu ổ chuột của Rio de Janeiro (Brazil) như thế. Tôi đã xem những trận đấu của bọn trẻ nghèo trong những khu định cư đầy tệ nạn xã hội ở châu Phi. Tôi đã dõi theo những đứa trẻ gầy gò, đen đủi và rách rưới chơi một thứ bóng đá đầy đam mê trên những khoảnh sân bụi mù ở Myanmar. Trên người chúng là những chiếc áo của Barca, Real Madrid, Manchester United. Trên lưng chúng là tên của Messi, Ronaldo, Mbappe, Rashford. Chúng chơi bóng vì đấy là niềm vui cuộc sống, là cách để tránh xa tội ác và quên đi sự nghèo đói, và có thể cũng là một cách để đổi đời, nếu chúng thực sự có tài năng và rồi được phát hiện, đưa đi đào tạo. Bóng đá trở thành một con đường để đưa chúng đi xa hơn thực tế nghiệt ngã mà chúng đang đối mặt hằng ngày.

Chính thứ bóng đá ấy khiến tôi nhìn xa hơn vào hiện tại và tìm thấy niềm tin vào môn thể thao này, khi nó đã trở thành một ngành công nghiệp béo bở và đang trở thành một cỗ máy sinh lợi đẩy chính các cầu thủ vào guồng quay của nó với một nhịp độ thi đấu điên cuồng và dày đặc. Bóng đá hiện tại, với một đại dương thông tin đến từ mọi phương tiện truyền thông và mạng xã hội, với truyền hình và các dòng tin tức hằng ngày hằng giờ nói về trái bóng, khiến người ta choáng ngợp hơn, nhưng cũng khó nhớ hơn bởi sự đầy đủ và dư thừa hơn. Thế hệ người xem bây giờ khó có thể lưu mãi trong trí nhớ những gì thế hệ đi trước đã từng có trong quá khứ, khi bóng đá họ xem trên ti vi luôn thiếu, không phải lúc nào cũng được xem trực tiếp và thậm chí có những thông tin in báo phải mất một tuần mới đến được độc giả.

leftcenterrightdel
 Các cậu bé Nam Phi chơi bóng đá trên một cánh đồng ở thị trấn Diepsloot.

Đó chính là thứ bóng đá được ghi nhớ nhiều nhất, bởi ngoài những hình ảnh ít ỏi và thường là chậm ấy là những tin tức đến muộn và ngắn ngủi, buộc thế hệ ấy phải tưởng tượng rất nhiều, về Pele, Johan Cruyff, Zico, Diego Maradona, Michel Platini hay Marco van Basten. Đó cũng là thứ bóng đá đẹp nhất của một thời không bao giờ quay trở lại nữa. Nó đã in đậm trong tâm trí của những người như tôi, đã hun đúc trong tôi tình yêu bóng đá và cả niềm đam mê viết về nó. Thằng bé sống với bóng đá của thời đại ấy đã lớn lên, trở thành nhà báo, và rồi khi đã đi rất nhiều giải đấu lớn của bóng đá thế giới, đã gặp và phỏng vấn nhiều ngôi sao đương thời được hàng triệu cổ động viên tôn thờ, tôi vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó thật ý nghĩa. Tôi nhanh chóng nhận ra là mình thiếu những cảm xúc đã có trong những năm tháng quá khứ. Tôi lang thang trên đường phố, đến những sân bóng tồi tàn, những khu ổ chuột, những khu dân cư, những xóm nghèo và tôi chỉ dừng lại khi thấy những trận đấu của bọn trẻ, của các thanh niên, hay của những đội bóng nghiệp dư như đã nói ở trên. Tôi ngất ngây xem họ đá, và tôi mỉm cười, bóng đá đẹp chính là đây.

Cố nhà văn người Uruguay Eduardo Galeano, tác giả của cuốn “Bóng đá, dưới ánh mặt trời và trong bóng tối”, đã từng viết những câu bất hủ thế này: “Năm năm tháng tháng qua đi, cuối cùng tôi cũng học được cách tự chấp nhận mình là ai: Một người đi ăn xin của bóng đá đẹp. Tôi đi khắp nơi trên thế giới, hai tay dang ra, và ở các sân vận động, tôi cầu xin, "một pha bóng đẹp đi nào, vì tình yêu của Chúa". Và khi bóng đá đẹp xảy ra, tôi cảm ơn những phép màu và tôi chẳng thèm quan tâm đến việc đội bóng nào đã chơi thứ bóng đá đó”.

Vậy đấy, bóng đá đẹp không hẳn là thứ được ghi lại bằng những hình ảnh, được truyền trực tiếp, được nói đến rộng rãi trên báo và trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Thứ bóng đá đẹp nhất ấy có thể chính là điều ta đã xem tận mắt, ở một xó xỉnh nào đó của thế giới, từ những người vô danh, nhưng chính họ đem đến cho ta cảm giác yêu đời, vui tươi, cho ta tận mắt thấy họ cũng hạnh phúc.

Và từ đó, ta tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với trái bóng tròn.

ANH NGỌC