|
HLV Rít-đơn nhắc cầu thủ không được va chạm mạnh trên sân tập để tránh chấn thương.
Ảnh: Xuân Gụ |
Tại SEA Games 24, đội tuyển Ô-lim-píc quốc gia được giao chỉ tiêu lọt vào trận chung kết. Thế nhưng giới chuyên môn đang e ngại tại vòng bảng, đoàn quân của HLV Rít-đơn phải đọ sức cùng Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, những đối thủ rất mạnh về thể lực. Thể lực yếu luôn là hạn chế của bóng đá Việt Nam, vậy nguyên nhân của vấn đề trên nằm ở đâu?
Vắng bóng HLV thể lực
Trong một CLB chuyên nghiệp, HLV thể lực là một phần không thể tách rời của đội bóng nhưng ở Việt Nam, hầu như không có đội bóng nào chú ý tới việc này. HLV trưởng kiêm luôn phần việc rèn thể lực cho cầu thủ. Thế nên, ở giải V-League, giải hạng Nhất, chẳng mấy đội mạnh về thể lực. Với một nền bóng đá đỉnh cao, đội tuyển chỉ cần tập trung trước trận đấu 4-5 ngày. HLV trưởng chủ yếu lắp ráp đội hình, cho cầu thủ tập chiến thuật. Luyện tập thể lực là việc của CLB chủ quản cùng với sự tự giác trong ý thức mỗi cầu thủ. Nhưng ở Việt Nam, khi tập trung đội tuyển, HLV Rít-đơn luôn phải mất rất nhiều thời gian nâng cao thể lực cho học trò.
Không có mấy đội bóng ở Việt Nam chú ý tới việc rèn thể lực. Giải hạng Nhất vừa qua, khi HLV Ta-mát Víc-kô hồi đầu mùa cho cầu thủ Thể Công tập thể lực với cường độ cao, kể cả trong hai ngày nghỉ, nhờ những bài tập thể lực phong phú, có phần vui nhộn của ông, sức khỏe của cầu thủ được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là ở giai đoạn lượt về giải hạng Nhất 2007, cứ mỗi khi Thể Công tăng tốc, đẩy cao tốc độ trận đấu là các đối thủ không đủ sức theo kịp.
Khi hỏi chuyện ông Trần Quốc Tuấn, Tổng thư ký VFF, rằng bóng đá Việt Nam có bao nhiêu HLV thể lực, ông “Tổng” không trả lời được. Nhưng ông Tuấn biết, ngay cả đội bóng quê nhà Khatoco Khánh Hòa cũng không có một HLV thể lực đúng nghĩa. Ở Đà Nẵng, HLV Phan Thanh Hùng là một trong số ít những vị “tướng” cầm quân có bằng HLV thể lực nhưng khi phải ôm đồm nhiệm vụ kiểu “2 trong 1” thì ông Hùng không thể phát huy được hiệu quả trong công tác huấn luyện.
Phá thể lực
Cá biệt, ở V-League, có HLV còn cho cầu thủ tự luyện tập thể lực. Chuyện thật như đùa này xảy ra ở Hoàng Anh Gia Lai, mùa giải 2006 khi HLV A-di-han về cầm quân. Hậu quả là đội bóng Phố Núi luôn bị hết “pin” khi trận đấu bước vào hiệp 2. “Vua phá lưới” mùa giải 2005 Ke-xli do lười luyện tập thể lực nên “tịt ngòi” trong thời gian dài, không tìm được chỗ đứng ở Hoàng Anh Gia Lai. Cũng có trường hợp cầu thủ ngoại được ban huấn luyện cưng chiều, tập thể lực theo ý muốn như Đa Xin-va (đa phần trong số này chỉ tập qua loa cho xong chuyện), tạo tiền lệ xấu trong đội bóng, từ đó cầu thủ nội cũng chểnh mảng, không còn thiết tha với việc nâng cao thể lực. Luyện tập thì ít nhưng chính cầu thủ cũng không ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ hình ảnh bản thân trước mắt người hâm mộ. Ở Nam Định, có một số cầu thủ sau khi kết thúc trận đấu, việc làm đầu tiên là… hút thuốc, ngay trong khu vực kỹ thuật đội bóng.
Ở CLB không tích lũy được thể lực, thành ra khi lên tuyển, cầu thủ dễ bị chấn thương khi phải luyện tập đột xuất với cường độ cao. Có trường hợp dở khóc dở cười, cầu thủ bị chấn thương nhưng vẫn được gọi vào đội tuyển, như trường hợp của Văn Biển. Giới chuyên môn nói vui: hậu vệ Nam Định này lên Nhổn chỉ để bác sĩ ở đội tuyển quốc gia khám chấn thương cho chắc ăn. Hay như trường hợp của Tài Em, Minh Phương, Công Vinh… nhiều khi chưa lành hẳn chấn thương nhưng vẫn phải thi đấu dưới sức ép của HLV Rít-đơn. Không có được quỹ thời gian nghỉ dưỡng thương cần thiết, thì việc tái phát chấn thương lúc nào cũng có thể xảy đến với các tuyển thủ quốc gia. Trong trận thua UAE ở lượt đi vòng loại World Cup 2008 trên sân Mỹ Đình vừa qua, Công Vinh đã để lỡ cơ hội ghi bàn ở những giây cuối cùng trận đấu. Sau này, tiền đạo xứ Nghệ thú thật: “Thể lực yếu về cuối trận đã không cho phép em có được cảm giác bóng tốt khi đối mặt với thủ môn đối phương”.
Trò chuyện với một số cầu thủ ở đội tuyển Ô-lim-píc quốc gia đang tập trung ở Trung tâm HLTTQG 1 (Nhổn-Hà Nội), đa phần các ý kiến đều cho rằng, giải V-League 2007, vòng loại Ô-lim-píc 2008, Asian Cup 2007... đã vắt kiệt sức các tuyển thủ. Công Vinh thì cho rằng: “Chơi với Xin-ga-po ở SEA Games tới đây, ngại nhất thể lực sung mãn của đối phương. Đá với đội bóng quốc đảo Sư tử, nhiều cầu thủ chỉ đủ thể lực chạy trên sân đến giữa hiệp 2”. Nỗi lo của Công Vinh cũng là nỗi lo thường trực của ban huấn luyện, giới chuyên môn, người hâm mộ bóng đá nước nhà. Một khi thể lực không bảo đảm, thật khó để cầu thủ có thể đá “bốc” trên sân.
Như để trấn an dư luận, HLV Rít-đơn vừa tuyên bố: “Đội tuyển Ô-lim-píc quốc gia sẽ có được thể lực tốt nhất khi tranh tài tại SEA Games 24”.
Mong là như vậy.
Gia Khoa