QĐND - Năm nay Tiến Minh đã 28 tuổi, theo chính tay vợt này thừa nhận thì chỉ đủ sức thi đấu đỉnh cao vài năm nữa. Vậy ba, bốn năm nữa, cầu lông nước nhà có kịp cho “ra lò” một Tiến Minh thứ hai?
Nếu nhìn vào thực trạng cầu lông thể thao thành tích cao hiện nay thì rất khó có được đáp án cho câu hỏi trên. Tất cả những VĐV cầu lông tốt nhất của Việt Nam (ngoại trừ Tiến Minh) chưa có ai đủ sức chinh chiến tại những giải đấu tầm khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói gì đến giải vô địch thế giới, ASIAD hay là Ô-lim-pích.
Con đường Tiến Minh đã đi, để từ một tay vợt xếp hạng 51 thế giới (năm 2006) nay “nhảy” lên hạng 7 thế giới, xem ra vừa khó, lại vừa dễ với các tay vợt thế hệ đàn em và các nhà làm thể thao.
|
Cầu lông Việt Nam chưa tìm ra VĐV kế tục Tiến Minh. Ảnh: Thành Trung |
Dễ vì có thể “sao” y nguyên cách thức luyện tập, tập huấn, tham dự nhiều giải đấu. Khi có thành tích thì cũng dễ hơn trong việc kêu gọi tài trợ.
Khó ở chỗ dù có đến hơn 1 triệu người luyện tập cầu lông nhưng để tìm ra VĐV có năng khiếu, để phát triển lên đỉnh cao khó hơn mò kim đáy bể.
Bản thân Tiến Minh khi ở đỉnh cao cũng gặp không ít khó khăn khi tập luyện, thi đấu. Không có đối thủ xứng tầm trong nước cũng là trở ngại không nhỏ với tay vợt số 1 Việt Nam. Tiến Minh thường xuyên phải xin tập ké với đội tuyển Xin-ga-po. Còn ra nước ngoài thi đấu, được đội nào cho tập nhờ là tốt lắm rồi. Tiến Minh trên đỉnh cao còn vất vả, khó khăn như vậy, huống hồ là thế hệ đàn em.
Đội tuyển cầu lông Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Quân đội, Ninh Bình… năm nào cũng ganh đua quyết liệt ở các giải trong nước nhưng “tầm” chỉ đến vậy, chỉ đủ sức thi thố nội bộ. Còn ra nước ngoài thì chưa đánh đã thua. Thua từ trong tư tưởng.
Tài năng của Tiến Minh thực sự là của hiếm với thể thao Việt Nam. Có lẽ phải chục năm nữa, chúng ta mới lại có một tay vợt xuất chúng như Tiến Minh. Sau này khi Tiến Minh giải nghệ thì cầu lông Việt Nam vô hình chung cũng không được nhắc đến nhiều tại các giải đấu uy tín trên thế giới. Tiến Minh có thể chỉ vào đến tứ kết giải toàn Anh, giải Ma-lai-xi-a mở rộng, Nhật Bản mở rộng, Trung Quốc mở rộng… nhưng dù sao có Tiến Minh thì quốc kỳ Việt Nam vẫn còn tung bay trong các nhà thi đấu quốc tế.
Một khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV cầu lông là số lượng HLV cầu lông trong nước quá ít. Còn nói như ông Lê Thanh Sang, Tổng thư ký VBF thì: “Trình độ HLV cầu lông Việt Nam chỉ có thể huấn luyện cho các tuyến trẻ. Còn muốn huấn luyện đỉnh cao thì cầu lông Việt Nam phải thuê chuyên gia”.
Cầu lông Việt Nam đang thiếu cả thầy hay lẫn trò giỏi. Đơn cử như đội tuyển cầu lông Hà Nội, tuyến 1 và tuyến 2 chỉ có 24 VĐV, nên gặp nhiều khó khăn trong việc luyện tập, duy trì tính cạnh tranh và đạt thành tích cao trong thi đấu. Bà Dương Thị Liên, chủ nhiệm bộ môn cầu lông Hà Nội tâm sự: “Tuyến 1 của đội có 10 em, nhỡ em nào vi phạm kỷ luật, chúng tôi sẽ nhắc nhở nghiêm khắc nhưng khó lòng đuổi. Vì nếu đuổi thì biết tìm đâu ra VĐV lấp chỗ trống. Tôi muốn đội tuyển cầu lông Hà Nội tuyến 1 có 20 VĐV, tuyến 2 có 40 VĐV và tuyến 3 (năng khiếu) có 80 VĐV. Được vậy thì VĐV mới có tính cạnh tranh trong luyện tập, tự phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để khẳng định bản thân nhưng điều này là rất khó thành hiện thực”.
“Khó” vì sao thì bà Liên đã liệt kê ra hàng loạt lý do: Nào là VĐV năng khiếu rất khó tìm; rồi thì gia đình các em sau một thời gian cho đi theo cầu lông, lại muốn xin các cháu nghỉ tập để học văn hóa; hay như việc xin tài trợ khó khăn, dẫn đến kế hoạch tập luyện, tập huấn, tổ chức giải đấu cũng ảnh hưởng.
Cái khó của cầu lông Hà Nội cũng là cái khó chung của cầu lông nước nhà, đặc biệt trong việc tìm kiếm VĐV có năng khiếu.
Nguyễn Văn Trường