Tính đến trước vòng 18 V-League 2019, Câu lạc bộ (CLB) Viettel đang tạm xếp vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng với 24 điểm. Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Hải Biên mới có 15 bàn thắng, ít nhất trong số các đội bóng dự giải. Xem Viettel đá ở mùa giải V-League 2019, những người yêu mến đội bóng áo lính thường xuyên rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, đứng ngồi không yên. Dẫu đã được tăng cường những hảo thủ như Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Minh Tuấn, các ngoại binh nhưng không thể phủ nhận lực lượng trẻ của Viettel vẫn còn non kinh nghiệm ở đấu trường khốc liệt V-League. Có thể năm nay Viettel sẽ trụ hạng, nhưng sẽ là một cuộc đua tranh không dễ dàng cho đến khi kết thúc mùa giải. Bây giờ vẫn còn sớm để nói về mùa bóng 2020 và nói không quá lời, theo quan điểm của tác giả, vẫn chưa thể là thời điểm để lấy lại tên gọi Thể Công cho đội bóng áo lính. 

Ở mùa giải hạng Nhất 2018, HLV Hải Biên từng tâm sự: “Chắc chắn chúng tôi sẽ thi đấu V-League 2019 với tên gọi Thể Công. Chỉ còn chờ thời điểm Bộ Quốc phòng công bố thôi, có lẽ sẽ vào lễ mừng công vô địch giải hạng Nhất và giành quyền thăng hạng V-League”.

Cầu thủ Viettel còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn lấy lại tên gọi Thể Công. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Nhưng sau khi lên hạng, đội bóng Viettel vẫn chưa đổi về tên cũ là CLB Thể Công. Trong tiềm thức nhiều người hâm mộ, CLB Viettel vẫn được biết đến với cái tên Thể Công. Cách đây không lâu, HLV Hải Biên trải lòng về vấn đề này: “Hồn chúng tôi là Thể Công. Chúng tôi luôn mong muốn nhưng lãnh đạo bộ yêu cầu chúng tôi chơi tốt, đứng vững ở V-League rồi mới lấy được lại tên Thể Công. Tôi nghĩ đó là niềm tự hào với cầu thủ. Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó cái tên Thể Công sẽ trở lại”.

Giả dụ đội bóng Viettel lấy lại tên Thể Công ở mùa giải 2019, có khi lại là áp lực cho đoàn quân áo lính. V-League trông vậy nhưng thực sự là một đấu trường khốc liệt. Không kể đến cuộc đua vô địch mùa giải này là cuộc đấu tay đôi giữa Hà Nội FC và TP Hồ Chí Minh; còn cuộc chiến trụ hạng thì chẳng buông đội nào, bởi đã có thời điểm Viettel cận kề khu vực nguy hiểm. Sau khi chiến lược gia người Hàn Quốc Lee Heung-sil rút lui, phong độ của Viettel có phần khởi sắc dưới sự chèo lái của HLV Hải Biên. Bản thân HLV Lee Heung-sil trước khi nghỉ việc đã không giấu nổi nỗi buồn khi tâm sự: “Cầu thủ Viettel tập luyện rất tốt nhưng vào sân thi đấu lại không được như mong muốn. Vì nôn nóng nên họ không thực hiện được ý đồ chiến thuật ban huấn luyện đề ra. Tựu trung lại, đội còn non kinh nghiệm tại sân chơi V-League”.

Lấy lại tên gọi Thể Công không có gì bảo đảm Tiến Dũng, Văn Toản, Hoàng Đức, Việt Phong, Mạnh Dũng… chơi tốt lên. Không biết chừng với tên gọi Thể Công, đội bóng áo lính ra sân tập luyện, thi đấu theo kiểu duy ý chí thì còn nguy hiểm nữa. Thế nên, càng ngẫm càng thấy việc lãnh đạo bộ chưa đồng ý cho Viettel lấy lại tên gọi Thể Công là có lý và hết sức chính xác.

Mấy năm nay, đi đâu cũng thấy dân tình bàn về chuyện khởi nghiệp, nhiều người còn đưa ra ý tưởng, hỏi han xem có nơi nào mua ý tưởng không. Quên việc đó đi, nếu giỏi và thực sự dám làm, hãy đứng ra khởi nghiệp, hãy chứng tỏ cho mọi người thấy mình có ý chí và cao hơn, đó là tinh thần khởi nghiệp, giành lấy cái nghiệp về tay mình. Nó cũng tựa như chuyện có rất nhiều ý tưởng về việc lấy lại tên gọi Thể Công cho Viettel, nhưng trước khi biến việc này thành hiện thực, thầy trò HLV Hải Biên phải chứng tỏ được đẳng cấp, bản lĩnh trên sân bóng, dám “chơi cho biết đá biết vàng”, giành lấy cái nghiệp (thành tích) về tay mình.

Có lần trò chuyện cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, cựu danh thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải trải lòng: “10 năm đã trôi qua nhưng giờ phút xót xa, bàng hoàng đón nhận tin xóa tên Thể Công khỏi đời sống bóng đá Việt Nam, vào đúng bữa tiệc kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn công tác TDTT Quân đội (tên gọi chính thức của Thể Công) vẫn chưa phai trong tâm trí tôi. Khi bình tâm trở lại, rất nhiều người yêu mến Thể Công và tôi đều có chung nhận định: Quyết định ấy dù đau đớn nhưng không thể khác”.

Cứ mỗi dịp trò chuyện cùng các ông Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng, Vũ Công Lập… những người con ưu tú của Thể Công, tôi đều cảm thấy sự tự hào xen lẫn sự tiếc nuối, day dứt khôn nguôi mỗi khi nói về đội bóng áo lính. Một người từng trải như Tiến sĩ Vũ Công Lập, vững bước trở thành một nhà nghiên cứu có tầm, một nhà kinh doanh lão luyện nhưng mỗi khi nói về Thể Công, ông luôn phải kìm nén sự xúc động. Ngày 23-9 hằng năm, nếu bạn có dịp gặp lại những cựu danh thủ Thể Công trong ngày hội truyền thống của đội bóng áo lính, bạn sẽ thấy những mái đầu bạc chụm vào nhau, tiếng cười hòa vào nước mắt để thương nhớ Thể Công. Nhưng có một điều không khỏi suy nghĩ, thường trong những ngày truyền thống đó, sao thấy ít bóng dáng của thế hệ Thể Công những năm 90 thế kỷ trước và cả lớp trẻ hôm nay. Vẫn chỉ là những mái đầu bạc “ôn cố tri tân”, dự đoán, mong mỏi một ngày không xa cái tên Thể Công sẽ trở lại.

Trong những cuộc hội ngộ đó, tác giả may mắn được nghe những câu chuyện một thời oai hùng của Thể Công. Những trận thắng hiển hách, những pha phối hợp ghi bàn có sự tính toán chính xác đến từng giây, từng sải chân. Nhưng chuyện khiến tác giả nhớ nhất chính là chuyến đi tập huấn của đội trẻ Thể Công từ tháng 11-1967 đến tháng 11-1968 ở CHDCND Triều Tiên. Đoàn bóng đá trẻ Thể Công tập huấn ở CHDCND Triều Tiên khi ấy gồm 30 người do Đại úy Ngô Xuân Quýnh là Đoàn trưởng. Đoàn phó kiêm HLV trưởng là Thượng úy Nguyễn Văn Tiền. Trợ lý HLV, Trung úy Nguyễn Minh Cảnh và trợ lý HLV điền kinh là Trung úy Phùng Công Hùng. 26 cầu thủ có độ tuổi trung bình 17, 18 đã trải qua hai năm huấn luyện cơ bản, được tuyển chọn sàng lọc kỹ càng. Họ đều là những anh lính trẻ có kỷ luật, có năng khiếu và đầy đam mê bóng đá. Đó là tiền đạo Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), trung vệ Nguyễn Trọng Giáp, tiền vệ Phan Văn Mỵ và một lứa cầu thủ có chất lượng cao đồng đều như: Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Duy Phú, Nguyễn Văn Nhật, Vương Tiến Dũng, Hoàng Gia, Vũ Đình Bội, Bùi Xuân Thêu, Nguyễn Viết Cầu, Bùi Ngọc Chi, Trần Quốc Nghị, Lê Quang Minh, Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Đức Minh…

“Nếu không có tinh thần khổ luyện thành tài, các cầu thủ trẻ đã không vượt qua được những buổi tập sức mạnh mà sau đó khi về đến nhà phải bò, thậm chí phải lết mới lên được giường ngủ. Ai cũng gắng vượt qua những buổi tập sức bền, tốc độ, mà sự nỗ lực cao độ đến mức nôn mửa bởi nợ dưỡng khí; vượt hàng chục cây số đường trường trong những buổi tập chạy sức bền dưới mưa tuyết, băng giá lạnh buốt. Phải khôn khéo, mưu trí vượt qua được những trận đấu căng thẳng, quyết liệt thường kéo dài 120 phút trước cầu thủ CHDCND Triều Tiên luôn dữ dằn truy cản quyết liệt, hòng ngăn chặn sự khéo léo của cầu thủ nhỏ bé Việt Nam. Nếu không vượt qua được những lần chấn thương, đau đớn thường trực của đời cầu thủ bóng đá, sao có thể trưởng thành. Anh Vương Tiến Dũng đã phấn đấu tới mức tập luyện cả 365 ngày không nghỉ”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải tự hào hồi tưởng chuyện cũ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần.

Cầu thủ Viettel liệu đã có được tinh thần tập luyện, thi đấu, ý chí quyết chiến quyết thắng như đội trẻ Thể Công ngày nào? Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng ngẫm lại chuyện xưa của các bậc tiền bối để thêm tự hào hai tiếng “Thể Công”.

THU HIỀN

Tiến sĩ Vũ Công Lập: Giờ người ta hay nói nhiều tới thương hiệu. Ở Việt Nam, khó có thương hiệu nào đạt được tầm giá trị như Thể Công. Chỉ một cái tên mộc mạc mà gợi nhớ bao điều. Chúng ta giờ có những trận đấu huy hoàng, những mùa bóng cuốn hút, những đường phố náo nức tiếng hò reo nhưng bền bỉ như Thể Công, son sắt như Thể Công thì thật là một tầm cao khó với.