QĐND - Võ sáo từ lâu đã trở thành một môn võ đặc trưng của vùng đất Yên Thế. Người xem võ sáo không chỉ được thưởng thức những thế võ tinh diệu, đầy mạnh mẽ, mà còn được hòa mình vào tiếng sáo du dương, trầm bổng, mang đậm khí phách oai hùng. Thế nhưng, cũng chính vì tính đặc thù và phức tạp của võ sáo, đòi hỏi người luyện  vừa phải tinh thông võ nghệ, vừa phải tường tận âm nhạc, đã khiến môn võ này rơi vào cảnh dần bị quên lãng.

Môn võ của “Hùm xám Yên Thế”

Vùng đất Yên Thế, Bắc Giang, gắn với một thời oanh liệt của cuộc chiến chống giặc ngoại xâm vào đầu thế kỷ 20. Những năm tháng ấy, “Hùm xám Yên Thế” - người anh hùng Hoàng Hoa Thám - đã đứng lên bảo vệ người dân nơi đây, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Hoàng Hoa Thám cũng chính là người sáng tạo ra võ sáo, vừa là một vũ khí lợi hại, vừa có tính lãng tử nhân văn và được lưu truyền như một di sản văn hóa độc đáo của vùng đất Bắc Giang. Tương truyền, đây là bài võ mà Hoàng Hoa Thám rất say mê và thích thú mỗi khi xem nghĩa quân luyện tập. Bài võ này cũng đã cùng với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám “tả xung hữu đột” trong nhiều trận đánh, khiến cho quân giặc bị tấn công bất ngờ và kinh sợ.

Ngày nay, nhắc tới võ sáo, chắc không ít người sẽ tưởng rằng vũ khí là những ống trúc nhỏ xinh thường để làm sáo. Thế nhưng ngược lại, cây sáo trong võ sáo được làm bằng sắt, rất to và nặng. Cách sử dụng các đòn thế tương tự phương thức của đao, kiếm và thấp thoáng bóng dáng của đoản côn. Nét độc đáo nhất của võ sáo là sử dụng một số giai điệu nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Khi thể hiện bài võ này, ngoài những đòn thế, võ sư còn phải là một nghệ sĩ thả hồn trong những bản nhạc du dương, lãng mạn, bay bổng, đậm chất lãng tử và có phần cao ngạo của con người Yên Thế. Trong khi, vẫn không quên mình đang là một tráng sĩ oai hùng giết giặc nơi sa trường. Tiếng sáo du dương ấy cũng có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó cũng là bản nhạc buồn đưa tiễn những đồng đội hy sinh trong trận chiến. Bởi thế, môn võ sáo không chỉ đơn thuần để chiến đấu hay tự vệ, mà còn để gửi gắm tâm tư, tình cảm của người học võ qua tiếng sáo của mình. Rồi khi hội hè, lúc thư giãn, người sử dụng có thể tấu lên những bản nhạc tâm tình, tự sự, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu cuộc sống. Nhưng khi xung trận, cây sáo lại trở thành thứ binh khí vô cùng uyển chuyển, cương, nhu nhịp nhàng, khi thu sáo vào thì như một bông hoa; khi đâm sáo ra thì chắc như đinh đóng cột chế ngự đối phương rất hiệu quả.

Võ sư Trịnh Như Quân thổi võ sáo.

Qua tiếng sáo, người nghe còn có thể cảm nhận được nội lực của người thổi sáo. Người luyện võ sáo đến độ tinh thông có thể điều khiển cây sáo sắt theo ý muốn, khi ào ạt mạnh như vũ bão, lại có lúc mềm mại, hư ảo như ru ngủ, khiến đối phương không thể đoán định được đâu là đòn thật, đâu là đòn nghi binh. Đến nay, sau gần 1 thế kỷ vắng bóng, môn võ này đang dần được khôi phục trở lại trên quê hương của cụ Đề Thám thông qua những lớp truyền dạy cho các thế hệ kế cận. Tuy nhiên…

Truyền nhân cuối cùng của võ sáo

Đến Yên Thế, hỏi về võ sáo, ai cũng chỉ tới võ sư Trịnh Như Quân, người đã nhiều năm nghiên cứu môn võ sáo và có đóng góp không nhỏ trong việc quảng bá môn võ này ra thế giới. Bằng những đường võ uyển chuyển và tiếng sáo tinh tế của mình, võ sư Quân đã chinh phục được hàng ngàn khán giả trong và ngoài nước qua các tác phẩm âm nhạc như “Mùa xuân trên vùng cao” hay như bài “Tiến quân ca”.

Những ngày cuối xuân về Yên Thế, chúng tôi đã có may mắn được võ sư Trịnh Như Quân kể về niềm đam mê võ sáo của mình. Năm 1991, trong một lần đi điền dã sưu tầm các bài võ cổ, tại bản rừng Phe, xã Tam Tiến, gặp được cụ Triệu Quốc Úy, truyền nhân cuối cùng của bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương”. “Bóng trăng Phồn Xương” có nhiều những thế, những chiêu khó, khiến người học phải có một kiến thức nhất định, một tâm hồn trong sáng, nhiều thế như: Tả hữu xa luân, Tam hoa cái đỉnh, Xà hình nhập trận, Long hổ hội, Xà hình thoái bộ, Bạch xà quấn thân, Đổng tước song phi… Khi tập những động tác này phải hết sức linh hoạt, tâm hồn phải sáng như trăng rằm, thân hình mềm dẻo như tơ lụa, biến hóa khôn lường. Lúc chuyển sang thế tấn công phải mạnh mẽ như vũ bão, ào ạt như thác nước chảy, ra đòn mạnh như ánh trăng loang trên mặt nước. Đặc biệt, thế khó nhất trong bài đó là thế “Lão hầu du sơn”. Thế võ này cực khó, phải tập đi tập lại đến cả nghìn lần mà rất khó đạt được đến trình độ “Di ảnh kỳ hình”. Bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” gồm 6 thế tấn, 13 thuật đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể. Mỗi chiêu là một miếng đánh hiểm hóc, khiến đối thủ chưa kịp nhận rõ đã bị hạ gục. Võ sư Quân đã ngay lập tức bị mê hoặc bởi tuyệt kỹ võ sáo Yên Thế từ lúc nào không hay. Sau nhiều năm khổ luyện, với lòng đam mê võ thuật, võ sư Quân đã học được cách tạo âm thanh và các bài võ biến ảo của cây sáo sắt. Năm 1993, võ sư Trịnh Như Quân bắt đầu biểu diễn bài “Bóng trăng Phồn Xương” và võ sáo đã chính thức được ghi vào “Sổ tay võ thuật toàn quốc”. Tháng 6-2008, võ sư Trịnh Như Quân đã được trao giải Nhì tại “Liên hoan điện ảnh và truyền hình thể thao quốc tế-FICTS Việt Nam lần thứ IV”.

Trong căn nhà của võ sư Trịnh Như Quân, hiện mọi ngóc ngách đều treo những tấm giấy khen và vô số bức ảnh chụp ông trong những lần biểu diễn ở nước ngoài. Không những thế, võ sư Quân còn có một thú vui đặc biệt. Đó chính là thiết kế và làm ra những cây sáo độc nhất vô nhị. Ông cũng chia sẻ: “Tôi đã đi ra rất nhiều nơi trên thế giới để biểu diễn và thấy không ở đâu có những cây sáo như của tôi”. Quả thật đúng như vậy khi chúng tôi được tận mắt trông thấy những cây sáo của ông. Từ cây sáo nhẹ nhất có trọng lượng khoảng 1,5kg cho đến cây nặng nhất lên tới 5kg, tất cả đều mang hình dáng hết sức độc đáo. Những cây sáo này đều được võ sư Quân tự đặt tên. Cây hình đầu rắn hổ mang được ông gọi là “Mãng xà vương”. Cây hình thù giống như một cành trúc thì có tên là “Trúc quân tử”. Còn có những cái tên hết sức lạ lùng như: “Thiên Thai”, “Nghiệt ngã”... Mỗi cây sáo làm ra đều gắn với một kỷ niệm trong sự nghiệp luyện võ của võ sư Quân. Đặc biệt, sở hữu nhiều loại sáo là vậy, nhưng cây nào ông cũng sử dụng thuần thục. Trong tay người võ sư tài ba, cây sáo nặng vài cân cũng chỉ như một cây sáo trúc bình thường. Ông cũng có thể chơi được nhiều thể loại nhạc khác nhau, từ nhạc nước ngoài như: “Ti-ta-níc”, “Tây du ký”, cho đến những bản nhạc Việt Nam như “Sầu tím thiệp hồng”, “Nối vòng tay lớn”...

Bằng niềm đam mê võ thuật, võ sư Trịnh Như Quân đã truyền dạy cho nhiều thế hệ trên quê hương anh hùng áo vải Đề Thám môn võ sáo. Thế nhưng vì tính chất đặc biệt của môn võ nên học trò đều lần lượt bỏ cuộc. Võ sư Quân tâm sự: “Tôi rất buồn khi chứng kiến môn võ cụ Đề Thám để lại mà không có ai kế tục được. Mặc dù chính quyền địa phương luôn quan tâm và muốn bảo tồn môn võ như một di tích của tỉnh nhưng cho đến nay chỉ còn tôi là người thành thục. Nhiều năm qua, có rất nhiều người khắp trong Nam, ngoài Bắc đến nhà tôi để bái sư học võ. Họ, người thì nhận là sinh viên của nhạc viện, người thì lại xưng là võ sư, thế nhưng chỉ trải qua vài tuần luyện tập, tất cả đều phải xin nghỉ, vì không thể lĩnh hội được. Các học trò của tôi hoặc chỉ thổi được sáo, hoặc chỉ đánh được võ chứ không thể lĩnh ngộ cả hai cùng một lúc. Tôi không trách học trò của mình, có lẽ phải thực sự là kỳ tài và có duyên với võ sáo mới có thể lĩnh ngộ hết được tinh hoa mà cụ Đề Thám để lại cho dân tộc. Tôi sẽ chờ đến khi nào gặp được người có duyên, để truyền lại hết tinh hoa mà tôi đã được lĩnh ngộ từ sư phụ của mình”.

Nhìn ánh mắt tràn đầy hy vọng của võ sư Như Quân, hy vọng một ngày không xa, ông sẽ gặp được một người để kế thừa môn võ sáo mà người anh hùng áo vải Đề Thám đã để lại.

Bài và ảnh:

TIẾN CƯỜNG – ANH MINH