Ở tuổi 60, HLV Vũ Ngọc Lợi vẫn tất bật với những kế hoạch cùng đội tuyển điền kinh Việt Nam chinh phục những đỉnh cao mới. Hơn 30 năm trong nghề, ông đã phát hiện và nâng tầm nhiều vận động viên (VĐV) điền kinh đỉnh cao; bản thân ông đã nhận được nhiều bằng khen, huân chương cùng nhiều danh hiệu cao quý. Khi nhắc đến kỷ niệm về mái trường Xô viết, đôi mắt ông trở nên long lanh, cảm xúc bùi ngùi, những ký ức xúc động ùa về...

Quyết chọn điền kinh

HLV Vũ Ngọc Lợi sinh ra trong một gia đình hiếu học ở Nam Định. Các anh chị của ông đều thành đạt với nghề giáo viên và bác sĩ. Cái duyên với điền kinh của Vũ Ngọc Lợi đến từ khi ông mới học lớp 5. Khi ấy, cô Vũ Thị Mùa đã phát hiện ra tài năng điền kinh của Ngọc Lợi khi nhận định đây là cậu học trò chạy nhanh nhất cự ly 60m ở trường chuyên Trần Đăng Ninh (Nam Định) lúc ấy. Kể từ đó, Ngọc Lợi được cô Mùa động viên tập luyện. Đến năm 15 tuổi, ông đi thi 4 môn phối hợp toàn quốc giành huy chương vàng và đạt thành tích tốt ở những lần tham dự sau đó. HLV Ngọc Lợi tâm sự: “Ngày ấy không có học thêm như bây giờ. Sáng tôi đi học, chiều về tập luyện. Mặc dù mê tập luyện thể thao nhưng tôi không để bố mẹ và thầy cô phải nhắc về việc học văn hóa”.

leftcenterrightdel
HLV Vũ Ngọc Lợi (giữa) cùng bố mẹ nuôi khi còn ở Liên Xô. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhờ sự chăm chỉ, Ngọc Lợi đã đỗ hai trường đại học là Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (nay là Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh). Khi ấy ông thi được 9,75 điểm môn Toán nên gia đình rất kỳ vọng ông theo học ngoại thương vì cơ hội và tương lai sau này sẽ rộng mở hơn. Cuối cùng, nhờ sự động viên của các thầy cô và tình yêu lớn với môn điền kinh, Ngọc Lợi đã chọn Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn dù cho bố mẹ kiên quyết phản đối. Nhập học ở trường thể thao với câu nói văng vẳng bên tai của bố: “Con muốn làm gì thì làm, sau này đừng trách bố mẹ không khuyên bảo con” càng làm Vũ Ngọc Lợi quyết tâm hơn. Vì vậy chỉ sau một năm học tập, Vũ Ngọc Lợi là một trong 8 sinh viên xuất sắc được chọn đi du học tại Liên Xô (trước đây).

Tình bạn, tình thầy trò dưới mái trường Xô viết

Năm 1980, Vũ Ngọc Lợi sang Liên Xô và học một năm ngoại ngữ dự bị tại Trường Đại học tổng hợp Kharkov. Ngày mới sang nước bạn, mọi thứ đều mới mẻ, ngỡ ngàng. Rất may, những đàn anh đi trước và một số người bạn tại đây đã giúp Ngọc Lợi dần ổn định cuộc sống. HLV Vũ Ngọc Lợi nhớ lại: “Biết mình là người Việt Nam, bạn bè rồi thầy cô Liên Xô hết mực yêu quý, giúp đỡ. Tôi vẫn nhớ mãi cô giáo Ludmilla Petrovna, người thường xuyên cho tôi tiền tiêu vặt, hướng dẫn tận tình rồi đến ký túc xá thăm nom và chuẩn bị những món ăn quê hương. Lúc nào cô cũng gọi tên theo cách trìu mến như là mẹ với con. Cảm giác ngày đó tôi giống như học sinh mẫu giáo vậy, cái gì cũng được cô chỉ bảo tận tình”.

Sau một năm học dự bị, Vũ Ngọc Lợi chuyển đến học ở Đại học thể dục thể thao Kiev. Cũng tại ngôi trường này, ông đã tích lũy được nhiều kiến thức chuyên môn cao về lĩnh vực thể dục thể thao và kết giao thêm nhiều người bạn mới. Trong đó, bạn thân nhất của ông là Alex Victorvic Azavov-VĐV từng vô địch châu Âu nội dung 400m vượt rào nam. Alex và Ngọc Lợi coi nhau như ruột thịt. Thậm chí, bố mẹ của Alex đã nhận Ngọc Lợi làm con nuôi, thường xuyên chăm sóc anh như chính con đẻ của mình. “Bố mẹ nuôi hầu như tuần nào cũng gửi hoa quả, thịt, cá, rau... cho chúng tôi. Đặc biệt là những lần sinh nhật không thể thiếu được hũ rượu vang do chính tay mẹ nuôi ủ. Rồi những lúc rảnh rỗi, bố mẹ nuôi thường lên thăm anh em chúng tôi. Kể cả sau này khi tôi về nước, bố mẹ nuôi thường xuyên quan tâm và gửi rất nhiều quà về”, HLV Vũ Ngọc Lợi chia sẻ.

Trong 4 năm học ở Đại học thể dục thể thao Kiev, Vũ Ngọc Lợi thường xuyên cùng các người bạn Liên Xô tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ và đọc thơ. Chính qua những cuộc giao lưu ấy, ông và bạn bè có dịp hiểu thêm về nhau để từ đó cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau học tập tốt hơn. Tưởng như mọi chuyện cứ thế trôi qua êm đẹp thì ở năm cuối đại học (1985), bạo bệnh ập xuống với Vũ Ngọc Lợi. Ông bị bệnh viêm ruột thừa cấp, cấu tạo giải phẫu không bình thường dẫn đến biến chứng. Trong một năm, ông phải phẫu thuật đến 3 lần. Trong một lần mổ, lượng máu của bệnh viện thiếu hụt nên đã phải thông báo cho nhà trường đề nghị sinh viên ai cùng nhóm máu thì giúp đỡ. Ngay sau khi có thông báo, rất nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên Liên Xô đã tự nguyện đăng ký hiến máu giúp Ngọc Lợi vượt qua khó khăn. Rồi trong những ngày Ngọc Lợi nằm viện, nhiều người bạn đã thay nhau đến chăm sóc, động viên tinh thần giúp ông mau hồi phục.

Trở lại sau thời gian dài nằm viện, được sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè, Ngọc Lợi đã hoàn thành chương trình học với thành tích khá tốt. Ngày trở về Việt Nam, ông được rất đông bạn bè đến chia tay, thậm chí có một số người bạn tiễn ông đến tận sân bay Moscow. Đến bây giờ, hình ảnh đó vẫn đọng lại trong tâm trí HLV Ngọc Lợi khiến ông không bao giờ quên.

Mang kiến thức về gặt hái vinh quang

Trở về từ Liên Xô, HLV Vũ Ngọc Lợi đã mang những kiến thức mà mình được học để vận dụng vào thực tiễn trong việc đào tạo và huấn luyện cho điền kinh Việt Nam. Những học trò đầu tiên của ông không chỉ gặt hái được vinh quang khi là VĐV mà còn khẳng định được tài năng trên cương vị HLV. Có thể kể tới Trần Xuân Thành, VĐV từng giành nhiều danh hiệu của đội tuyển quốc gia và giờ là HLV đội tuyển điền kinh quân đội. Những Bùi Văn Hà, Vũ Ngọc Dương, Trần Văn Xuân hiện là giảng viên tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh...

Khi sự nghiệp huấn luyện đang ở thời kỳ đỉnh cao, tai ương một lần nữa đeo bám HLV Vũ Ngọc Lợi. Năm 2001, căn bệnh viêm ruột thừa cấp bị biến chứng nặng và ông phải mổ thêm 5 lần nữa. Trải qua nhiều tháng phải truyền tới 7 lít máu và tưởng chừng như không thể qua khỏi, cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến khi căn bệnh của ông có biến chuyển tích cực và dần dần hồi phục. Đến năm 2004, HLV Vũ Ngọc Lợi một lần nữa phải trải qua ca mổ bệnh tim và căn bệnh cứ dai dẳng theo ông suốt những năm tháng sau đó. Chỉ đến năm 2011, sức khỏe của HLV Vũ Ngọc Lợi mới dần ổn định, từ đó ông đặt quyết tâm tiếp tục cống hiến cho nghề. HLV Vũ Ngọc Lợi cho biết: “Điền kinh Liên Xô đã cho tôi các phương pháp huấn luyện hết sức cơ bản, giúp tôi biết được những nguyên lý tập luyện, tâm sinh lý của các VĐV... Còn người Liên Xô đã truyền cho tôi động lực để tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Khi trở lại, tôi luôn tự nhắc nhở mình phải tiếp tục cống hiến cho điền kinh tới khi nào không thể nữa thì thôi, vì tôi còn nợ đất nước và con người Liên Xô nhiều lắm”.

Những học trò xuất sắc hiện tại của HLV Vũ Ngọc Lợi có thể kể tới Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch... Năm 2019 là một năm đại thắng với Vũ Ngọc Lợi khi ông dẫn dắt dàn học trò toàn hảo thủ tài năng giành những danh hiệu đáng nể. Trong số này phải kể đến những thành tích ấn tượng của cô học trò Quách Thị Lan như Huy chương Vàng (HCV) 400m vượt rào Giải vô địch điền kinh châu Á; 2 HCV Asian Grand Prix châu Á tại Trung Quốc, 2 HCV 4x400m tiếp sức hỗn hợp và 4x400m tiếp sức nữ ở SEA Games 30. Hay trò cưng Nguyễn Thị Huyền, vô địch SEA Games 30 400m và 400m vượt rào. Đặc biệt, Huyền vừa trở lại sau quãng thời gian nghỉ sinh con nhưng đã nhanh chóng lấy lại được phong độ. VĐV Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Thành tích của thầy Lợi trong việc dẫn dắt các học trò những năm qua đủ để thấy cái tâm, cái tầm của thầy. Kiến thức huấn luyện của HLV Vũ Ngọc Lợi luôn được cập nhật, làm mới và giúp em cùng đồng đội cải thiện được thành tích rất nhiều”.

Với những đóng góp quan trọng cho điền kinh Việt Nam, HLV Vũ Ngọc Lợi đã vinh dự được tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu “HLV tiêu biểu ở Cúp Chiến thắng 2015” và từ năm 2015 đến nay, năm nào ông cũng lọt vào tốp những HLV tiêu biểu. Thành công của HLV Vũ Ngọc Lợi có phần rất quan trọng từ những kiến thức ông được học ở mái trường Xô viết năm xưa, sau này ông vẫn liên tục cập nhật, cả những giáo trình mới của môn điền kinh trên thế giới. Về Việt Nam đã hơn 30 năm nhưng ông vẫn thường xuyên liên lạc với những người bạn cũ thân thiết, như Natalia Novikova, Anhisimov, Valoqia hay Ivan, hiện đang là những HLV điền kinh có tiếng ở châu Âu. Họ luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ những kiến thức mới cho HLV Vũ Ngọc Lợi.

Ở tuổi 60, HLV Vũ Ngọc Lợi vẫn rất tâm huyết với điền kinh Việt Nam. Đặc biệt, ông hy vọng sẽ sớm giúp học trò cưng Nguyễn Thị Huyền cải thiện thành tích, hướng tới đoạt vé dự Olympic Tokyo 2020 (diễn ra vào năm 2021).

HỮU TRƯỞNG