QĐND - Tên tuổi ông luôn gắn liền với Chiến khu Ðông Triều, Chiến khu Duyên hải Bắc Bộ, với Sài Gòn - Chợ Lớn, Ðông Nam Bộ, Nam Bộ. Nói như Giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đó là một vị tướng có cả tâm và cả tài trí cho Nam Bộ vào thời điểm cách mạng miền Nam những ngày đầu sau độc lập còn bao gian nguy…

“Bác giao Nam Bộ cho chú!”

Trung tướng Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo) sinh năm 1908 tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Được Trần Huy Liệu vận động, ông gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng, phụ trách quân sự. Sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng bị phân hóa, cả Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo đều bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi Côn Đảo. Do tư tưởng thiên tả, hai người bị nhóm cực hữu trong đảng kết án tử hình nhưng đều may mắn thoát nạn. Riêng Nguyễn Phương Thảo bị đâm mù một mắt. Năm 1936, ông được trả tự do, về Hải Phòng hoạt động cách mạng. Cũng trong thời gian này, ông đổi tên thành Nguyễn Bình, với ý nghĩa “Bình thiên hạ”, chính thức ly khai Việt Nam Quốc dân đảng. Từ năm 1943, ảnh hưởng của Nguyễn Bình từ Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên mở rộng sang vùng Kiến An, Hải Phòng, đến An Lão, Hải An, Thủy Nguyên, tỉnh lỵ Kiến An và thị xã Đồ Sơn. Tháng 5-1945, Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng vũ trang (LLVT) tập trung đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, đánh trại Bạch Thái Tông (trại huấn luyện quân sự của Nhật ở Bắc Bộ) và hàng loạt trận tấn công vào các đồn Thanh Hà, Kinh Môn (Hải Dương); Thủy Nguyên (Hải Phòng), Uông Bí và Bí Chợ (Quảng Ninh). Cũng từ đó, Chiến khu Đông Triều mang tên mới: Chiến khu Trần Hưng Đạo.

Ngày 23-9-1945, Nam Bộ đi trước cả nước, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Nguyễn Bình lên gặp. Bác giao ông vào Nam vì “... các LLVT trong đó đang cần một chỉ huy có tài năng để tập hợp các bộ đội địa phương lại... Người chỉ huy đó phải là người biết rõ miền Nam, lại phải là người có đủ bản lĩnh...” để đương đầu với địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức tin tưởng khi giao phó những trọng trách của thời điểm buổi đầu Nam Bộ kháng chiến cho Nguyễn Bình: “Bác giao Nam Bộ cho chú!”. Ông nhanh chóng trở về Hải Phòng chuẩn bị đồ đạc. Trước khi vào Nam, đại diện thành phố Cảng trao tặng Nguyễn Bình khẩu súng lục hiệu Wicker để làm kỷ niệm, mong rằng khẩu súng luôn mang bên người nhắc ông nhớ tới tấm lòng của nhân dân Hải Phòng luôn nhớ về ông. Đáp lại những tình cảm thiêng liêng đó, ông nói: “Bác đã giao miền Nam cho Nguyễn Bình, thành phố Cảng tặng Nguyễn Bình khẩu súng này để hoàn thành nhiệm vụ Bác giao. Nguyễn Bình thề với khẩu súng này: Nếu để Nam Bộ mất, Nguyễn Bình sẽ chết với khẩu súng này”.

Ở Nam Bộ khi ấy có nhiều LLVT. Nguyễn Bình được Bác giao nhiệm vụ tập hợp tất cả thành một lực lượng thống nhất.

Vừa bước chân vào mảnh đất Nam Bộ, Nguyễn Bình đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, gặp gỡ các chỉ huy của các lực lượng và gấp rút tổ chức hội nghị quân sự, trước hết để thống nhất lực lượng quân sự ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Quá trình thống nhất các lực lượng diễn ra song song với việc chống lại các đơn vị thiện chiến của Pháp. Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng ngày 15-12-1945 đã mời Nguyễn Bình tham dự. Ông được Xứ ủy giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Khu 7.

Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Bình đã tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn ở miền Đông Nam Bộ. Không chỉ xây dựng LLVT, Nguyễn Bình còn tập hợp được các trí thức cho cách mạng bằng tài năng và nhân cách của mình trong bối cảnh rất phức tạp. Ông cũng tổ chức xây dựng lực lượng quân y của khu trong những ngày trứng nước. Năm 1948, Nguyễn Bình được giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ. Trong 3 năm, từ 1945 đến 1948, những công việc mà Nguyễn Bình đề xuất, chỉ đạo đã đem lại những kết quả tích cực. Chiến khu được giữ vững. Các ban công tác lập nhiều chiến công vang dội trong nội thành. Đó là tiền đề cho lực lượng biệt động thành hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ sau này. Tiếp theo, từ năm 1948 đến 1951, ông xây dựng LLVT của cả Nam Bộ. Trên cương vị Tư lệnh Khu 7 rồi Tư lệnh cả miền, với uy tín và tài năng của mình, ông đã cùng tập thể xứ ủy, khu ủy đưa ra những quyết định đúng đắn, giải quyết những vấn đề rất cơ bản. Cuộc chiến tranh du kích ở Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung có dấu ấn rõ nét của ông. Ông góp phần to lớn vào việc chỉnh đốn xây dựng chính quyền và củng cố khối đoàn kết toàn dân ở Nam Bộ.

Ngày 20-1-1948, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra quyết định phong tướng gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình; các Thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng...

Ngày 29-9-1951, theo yêu cầu của Trung ương, Trung tướng Nguyễn Bình lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi, ông bị quân Pháp phục kích và hy sinh tại xã Srê Dốc, huyện Sê San, tỉnh Xtung Treng, trên đất Cam-pu-chia. Bộ Tổng tư lệnh thông báo tin ông hy sinh ngày 31-12-1951. Tháng 2-1952, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 84/SL truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình Huân chương Quân công hạng nhất. Ông là người đầu tiên trong quân đội được nhận huân chương cao quý này. Ngày 29-2-2000, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã di chuyển hài cốt của ông về an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh tư liệu

Lưu danh những chiến công

Cuộc đời của Trung tướng Nguyễn Bình tuy ngắn ngủi nhưng dấu ấn của ông đối với cách mạng Việt Nam, đến tận ngày nay, vẫn đậm nét trong sử sách.

Nguyễn Bình là một người có tài năng quân sự thiên bẩm. Những năm 1944, 1945, từ tay trắng, ông cùng một số đồng chí đã phát triển được LLVT rồi đánh đồn Pháp, Nhật, phá kho thóc Nhật lập ra Chiến khu Đông Triều hùng mạnh ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Trận đánh đầu tiên của Nguyễn Bình diễn ra ngay trên mảnh đất quê hương ông ở thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên. Mục tiêu của trận đánh là đồn Bần Yên Nhân trên Quốc lộ 5 kiểm soát đoạn đường bộ từ Bần tới Phố Nối. Trong đồn có một trung đội lính khố xanh do một sĩ quan Pháp chỉ huy. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lính tráng trong đồn hoang mang cực độ. Nhận thấy thời cơ thuận lợi đã đến, Nguyễn Bình báo cáo kế hoạch đánh đồn và được Xứ ủy Bắc Kỳ chấp nhận. Kế hoạch của Nguyễn Bình rất chu đáo. Lực lượng gồm 3 bộ phận. Một cánh trực tiếp đánh đồn do Nguyễn Bình chỉ huy sẽ giả làm lính Nhật để vào đồn. Cánh thứ hai có hai người khống chế tên lý trưởng ở Bần không cho trở tay để báo cho lính trong đồn và hai người khống chế cầu Giai Phạm không cho dân trong làng hiếu kỳ tràn ra đường để tránh xảy ra tổn thất nếu có nổ súng. Cánh thứ ba phụ trách việc cắt dây điện thoại nối với tỉnh lỵ Hưng Yên và Hà Nội. Bố trí đâu vào đấy, đêm 12-3-1945, các nhóm tập trung tại một địa điểm cách Đường số 5 khoảng 200m. Nguyễn Bình và hai đồng chí khác khoác lên mình bộ quân phục sĩ quan Nhật đầy đủ lon, băng đỏ dẫn đầu đội hình được trang bị súng ống. Riêng Nguyễn Bình có thêm thanh kiếm Nhật dắt chéo ngang hông. “Tốp lính Nhật” gõ chân rầm rập trên Đường số 5, tiến thẳng tới cổng đồn. Một tiếng pháo nổ! Cổng đồn mở toang do có nhân mối chuẩn bị sẵn bên trong. Lực lượng ta hô “Xung phong!”, rồi ào ào xông vào làm địch không kịp trở tay. Cả trung đội lính hoảng hốt giơ tay hàng. Ngay sau đó, lực lượng ta rút êm ngay trong đêm với chiến lợi phẩm gồm 24 súng trường và 6 hòm đạn.

Trận đánh thị xã Quảng Yên cũng là một minh chứng rạng rỡ cho tài thao lược của ông. LLVT do Nguyễn Bình chỉ huy gồm 4 đại đội với gần 400 tay súng, chưa kể đội tự vệ của công nhân mỏ Mạo Khê đã kêu hàng 500 lính bảo an, thu 500 súng, ngoài ra thu thêm 100 súng nữa và 40 trung liên, giải phóng Tiên Yên, Ba Chẽ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cát Bà, yểm trợ khởi nghĩa ở Hải Phòng...

Trên cương vị Tư lệnh Khu 7, những ngày đầu kháng chiến, với uy tín và tài trí của mình, Nguyễn Bình đã cùng Khu ủy và Xứ ủy Nam Bộ có những quyết định đúng đắn, giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản, phức tạp của tình hình lúc bấy giờ, đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị Quân sự Nam Bộ tại An Phú Xã, thống nhất các LLVT đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một trong những việc làm nổi tiếng của ông thời gian này là bắt và tiến hành xử tử Ba Nhỏ.

Ba Nhỏ tên thật là Lê Văn Khôi, trước Cách mạng Tháng Tám, Nhỏ đứng đầu một băng nhóm chuyên nghề đâm thuê chém mướn ở cầu Xóm Củi. Khi chuyển địa bàn hoạt động sang vùng Cầu Bông - Tân Định - Đa Kao - Thị Nghè, y nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của nhiều băng nhóm. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, dưới danh xưng “bộ đội cách mạng”, nhóm Ba Nhỏ liên tục nhũng nhiễu nhân dân, đe dọa chính quyền và các đoàn thể cách mạng địa phương. Hành vi của chúng làm cho quần chúng bất bình, nhiều người hiểu sai về quân đội cách mạng. Để giữ vững kỷ luật quân đội, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, Nguyễn Bình quyết định bắt Ba Nhỏ và mở phiên tòa xét xử để làm gương cho ba quân. Long Thành được quyết định là nơi xét xử, bộ đội Liên chi 2 và 3 làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

Xử một tay giang hồ cỡ Ba Nhỏ lúc bấy giờ không phải chuyện dễ. Vì thế, Nguyễn Bình đã phái Hai Trọng, một người có uy tín, làm công tác tư tưởng trước trong giới chỉ huy Bình Xuyên. Tuy vậy, trước khi Ba Nhỏ bị xử tử, nhiều tay anh chị từng sống, liên kết với Ba Nhỏ, đứng đầu là Mười Lực đã làm đơn kiến nghị xin giảm án cho hắn. Nguyễn Bình phải cử Dương Văn Dương đi gặp những người này thuyết phục họ rút kiến nghị, vì “Khu trưởng Nguyễn Bình đã quyết định giữ vững bản án tử hình thì dù có 10 bản kiến nghị cũng như không”. Mười Lực nghe Ba Dương, đồng ý xóa tên trong bản kiến nghị, các anh em khác vì thế cũng làm theo.

Một buổi sáng, tại khu đình thần xã Phước Lai, phiên tòa xét xử Ba Nhỏ bắt đầu. Sau khi nghị án, Nguyễn Bình thay mặt tòa đọc bản tuyên án, nêu rõ những tội danh mà Ba Nhỏ đã phạm phải. Sau khi nghe tòa luận tội và những tác hại do tội trạng đó gây ra, Ba Nhỏ đã thành tâm nhận tội: “Tội tôi làm tôi xin chịu, cám ơn anh Ba (tức Nguyễn Bình) đã chỉ dạy cho tôi. Xin anh Ba cho tôi một đặc ân, được tự xử lấy mình”.

Nguyễn Bình đồng ý cho Ba Nhỏ được tự xử. Ông ra lệnh cho một cán bộ đưa khẩu súng ngắn cho Ba Nhỏ. Ba Nhỏ nhận khẩu súng rồi nhìn đám đông, nói: “Các bạn hãy lấy tôi làm gương. Xin đừng đi con đường của tôi”. Nói xong, Ba Nhỏ tay phải cầm báng súng, tay trái vuốt ve nòng súng. Lúc đó cả trăm người nín thở, chăm chú nhìn vào nòng súng, lo lắng cho ba vị quan tòa đang ngồi trên bục cao. Nếu Ba Nhỏ phản trắc, mục tiêu số 1 chắc chắn là Nguyễn Bình. Nhưng Nguyễn Bình vẫn điềm nhiên nhìn Ba Nhỏ đang đứng trước vành móng ngựa. Ba Nhỏ không nhìn ai, từ từ đưa họng súng lên ngực rồi khẽ nhích qua bên trái bóp cò. Một tiếng tách vang lên nhưng đạn không nổ. Ba Nhỏ ném súng xuống đất, nói với Nguyễn Bình: “Anh Ba, cho tôi mượn cây súng của anh”.

Mọi người đổ dồn nhìn Nguyễn Bình, hồi hộp đợi chờ phản ứng. Nguyễn Bình điềm nhiên móc súng, đưa người bảo vệ mang lại cho Ba Nhỏ. Ba Nhỏ chĩa súng lên đầu, ngang vành tai, bóp cò. Súng nổ vang, Ba Nhỏ gục xuống tắt thở.

Vụ Nguyễn Bình xử Ba Nhỏ là một vụ án nổi tiếng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nếu không phải là Nguyễn Bình với tài năng và bản lĩnh hơn người, sẽ không đời nào cho Ba Nhỏ được tự xử theo kiểu giang hồ mã thượng như thế. Có thể nói, đây là một vụ án được tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn và phức tạp. Thành công của vụ án đã có tác dụng to lớn nhằm răn đe những kẻ cơ hội lợi dụng tình hình để chống phá cách mạng, đồng thời tạo được niềm tin cho nhân dân quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng tiến hành kháng chiến cho tới ngày toàn thắng.

NGUYỄN AN (tổng hợp)