Giải pháp phát triển văn hóa doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc chữ “đồng” ở Nhà máy X46 (Cục Hậu cần-Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) là một kinh nghiệm hay thời hội nhập đáng được phổ biến và nhân rộng.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững là một quá trình lâu dài và bền bỉ, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; nâng cao uy tín, vị thế, thu hút và giữ chân nhân tài, từ đó tạo khác biệt cạnh tranh. Văn hóa doanh nghiệp tuyệt đối không phải là khẩu hiệu chung chung mà là hành động cụ thể với nỗ lực rất cao của từng cá nhân và cả tập thể, trong đó vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp được xem là mấu chốt. Điều này đã được minh chứng ở Nhà máy X46 trong việc xây dựng chữ “đồng”. Đó là đồng chí hướng, đồng lòng, đồng sức để sản xuất ra những con tàu bền vững, có tính năng kỹ, chiến thuật vượt trội.

Đại tá Nguyễn Quốc Đông, Giám đốc Nhà máy kể cho tôi câu chuyện về hành trình đồng bộ hóa vũ khí, khí tài trên các tàu chiến mặt nước cách đây hơn 10 năm. Ở thời điểm đó, công tác này rất cấp thiết, nhưng lại thiếu vật tư nghiêm trọng vì nước ngoài không sản xuất và bán ra thị trường. Tìm ra vật tư thay thế đã trở thành vấn đề mấu chốt, là “cuộc chiến không tiếng súng” của cả Nhà máy. Câu chuyện vật tư len vào bàn nước, vào bữa ăn, thậm chí vào cả giấc ngủ của các cán bộ kỹ thuật và quản lý.

Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng anh Đông phát hiện ra một chi tiết thú vị. Các linh kiện, cụm chi tiết của vũ khí trên tàu rất giống với linh kiện của máy bay tiêm kích Su-22. Thế là Nhà máy mời bằng được anh Khoa, lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân tới tư vấn. Từ đây, linh kiện mới được sản xuất không chỉ đạt các thông số kỹ thuật mà nhỏ gọn hơn linh kiện cũ.

Lúc bấy giờ, một số đồng chí ở Cục Kỹ thuật Hải quân không tin nên lên tàu bí mật kiểm tra. Đến khi xác định chính xác các linh kiện hoạt động hoàn hảo thì họ mới tin. Cũng từ đây, Nhà máy X46 chủ động được nguồn vật tư để đồng bộ hóa vũ khí trên các tàu chiến mặt nước.

leftcenterrightdel

Tàu SP-01, sản phẩm đóng mới tại Nhà máy X46 Hải quân. Ảnh: VĂN HUY   

Qua câu chuyện này cho thấy, nếu không có sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng của cán bộ thì bài toán đồng bộ chưa thể có lời giải nhanh chóng. Nó cũng phần nào nói lên sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ cán bộ trong suy nghĩ và hành động.

Ở Nhà máy X46, chữ “đồng” còn được thể hiện ở việc chung chí hướng, vì mục tiêu xây dựng truyền thống tốt đẹp. Hiện nay, số gia đình có 3 thế hệ cùng làm việc trong Nhà máy khá nhiều. Tôi đã gặp và trò chuyện với chị Lê Hoa My, nhân viên thống kê Phân xưởng Ống để tìm hiểu về động cơ chị đầu quân vào Nhà máy.

Năm 2007 là thời điểm ngành đóng tàu đang thịnh, cũng là lúc Hoa My tốt nghiệp Trường Đại học Hải Phòng. Chị xin vào Nhà máy thử việc với mức phụ cấp 600.000 đồng/tháng. Hết thời gian thử việc, Hoa My được nhận lương 1.300.000 đồng/tháng. Đây là mức lương thấp hơn các doanh nghiệp đóng tàu khác trên địa bàn TP Hải Phòng thời điểm đó. Hoa My tâm sự với tôi về quyết định của mình. Ông nội Hoa My là công nhân của Nhà máy từ ngày đầu thành lập và đã hy sinh khi làm nhiệm vụ sửa chữa tàu ở ngoài đảo. Bố của Hoa My là Quản đốc Phân xưởng Đà đốc của Nhà máy. Chị theo nghiệp bố để tiếp nối dựng xây truyền thống của gia đình và Nhà máy.

Nhà máy X46 được ra đời vào tháng 4-1955 với tên gọi ban đầu là C46. Lúc mới thành lập, C46 không có nhà xưởng và đội ngũ công nhân chưa trải qua thực tế đóng tàu, không am hiểu sâu về kỹ thuật tàu thuyền. C46 đã cử cán bộ, công nhân đến nhiều cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu các loại tàu, thuyền. Họ tìm kiếm, lặn mò, tháo gỡ vũ khí, máy móc, phụ tùng ở các tàu của thực dân Pháp bị ta đánh chìm trên các dòng sông.

4 tháng sau ngày ra đời, C46 đã thiết kế và đóng mới thành công 20 ca nô gỗ máy GMC có trang bị súng 12,7mm và đại liên Maxim, bàn giao để kịp trang bị cho hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng ra mắt. Đây là một chiến công lớn, thành tích vượt bậc của cán bộ, công nhân C46 lúc bấy giờ.

Những năm sau đó, cán bộ, công nhân C46 không ngừng tìm tòi và đã nghiên cứu, lắp đặt thêm súng DKZ-82 cho 3 tàu phóng ngư lôi; thay, lắp súng, pháo mới cho các tàu tuần tiễu và tàu thuyền của lực lượng tự vệ biển TP Hải Phòng. C46 đã làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, góp phần cùng Bộ đội Hải quân đánh thắng trận đầu trong các ngày 2 và 5-8-1964, phục vụ các lực lượng chiến đấu của Quân chủng đánh thắng chiến tranh phá hoại và phong tỏa sông, biển của đế quốc Mỹ, chi viện chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
Kiểm tra công tác sửa chữa tàu thuyền tại đơn vị tại Nhà máy X46. Ảnh: VĂN HUY 

Hiện nay, Nhà máy X46 được đầu tư hạ tầng nhà xưởng, triền, đà, ụ chìm đồng bộ. Nhà máy đã sở hữu những thiết bị hiện đại có sức nâng đến hơn 4.600 tấn, đưa được tàu có lượng giãn nước đến 5.000 tấn lên ụ đà; các loại máy cơ khí hiện đại cũng được đầu tư, bảo đảm đưa các loại tàu hiện đại nhất đang được trang bị của lực lượng hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển vào sửa chữa.

Trải qua thời gian, chữ “đồng” gắn chặt với sự phát triển của Nhà máy X46 và lan tỏa ra nhiều công việc, nhưng có lẽ dễ thấy nhất là ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hằng năm, Nhà máy có nhiều sáng kiến đưa vào ứng dụng mang lại hiệu quả cao, làm lợi nhiều tỷ đồng...

Xã hội ta có câu: “Cán bộ nào phong trào ấy”. Điều đó phản ánh tư duy xưa cũ và dễ gây ra sự đứt gãy giữa các thế hệ lãnh đạo, quản lý, khiến cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp bị gián đoạn. Muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tâm huyết và biết hy sinh để tạo ra môi trường, giá trị văn hóa thực sự.

Thượng tá Phạm Văn Trà, Chính ủy Nhà máy trao đổi với tôi, hiện nay cả Nhà máy đang tích cực hành động để tạo ra những giá trị văn hóa mới. Đội ngũ cán bộ các cấp luôn cởi mở, lắng nghe nhân viên và tổ chức tuyên truyền nội bộ hiệu quả. Có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho cán bộ, nhân viên đạt thành tích. Môi trường làm việc năng động và nhiều cơ hội để cán bộ, nhân viên phấn đấu, gắn bó lâu dài. Nhà máy cũng thường xuyên khảo sát nhân viên để đánh giá mức độ hài lòng và phân tích chỉ số để tính toán hiệu suất làm việc. Tuyên dương nhân viên có đóng góp tích cực. Xây dựng văn hóa phản hồi hai chiều có nền nếp.

Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng doanh nghiệp văn hóa ở Nhà máy X46 cũng là quá trình để cán bộ, nhân viên ở đây thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Với việc thực hành chữ “đồng” quyết liệt, Nhà máy X46 không chỉ hóa giải được phần nào khó khăn về việc làm và thu nhập vốn dĩ là vấn đề cố hữu mà còn đạt được nhiều thành tựu khác, nổi bật là uy tín và thương hiệu của X46 luôn được giữ vững, phát triển, theo những con tàu đi tới những vùng biển xa.

ĐỨC TÂM