Dọc ngang vùng sông nước
Đường vào nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Mai Thị Út phải đi qua một ngã ba kênh. Nơi ấy, trong kháng chiến chống Mỹ từng được mẹ Út sử dụng làm địa điểm trung chuyển vũ khí, thuốc men cho bộ đội trong cứ. Đó cũng là nơi chứng kiến những chiến công phi thường của người nữ giao liên lừng lẫy vùng Tây Nam Bộ.
Mẹ Mai Thị Út sinh năm 1912, tại ấp Mỹ Đa, xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Năm 1930, bà được cha mẹ đính ước với ông Nguyễn Văn Hợi, sinh năm 1910, ở ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy. Mẹ về làm dâu trong một gia đình nông dân nghèo, làm tá điền cho địa chủ. Cuốn “Địa chí Tiền Giang” viết về mẹ Út như sau: “Anh hùng LLVTND Mai Thị Út, gọi thân mật là má Tám Hợi. Tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cấp bậc thượng úy, giao liên hợp pháp, chuyển vũ khí, thuốc men Phòng Hậu cần Quân khu 8, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt thời gian phục vụ cách mạng, Mai Thị Út khéo léo tổ chức quần chúng đấu tranh gây ảnh hưởng lớn trong phong trào đấu tranh chính trị ở các xã phía bắc của thị xã Cai Lậy. Bằng sự mưu trí, thông minh, dũng cảm, Mai Thị Út đã vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, thuốc men cho các đơn vị. Năm 1972, Mai Thị Út đã dùng thuyền hai đáy vận chuyển trót lọt trên 100 tấn vũ khí, 2,5 tấn thuốc men qua 25 đồn bốt địch an toàn, kịp thời phục vụ chiến dịch. Có lần bị địch bắt và bị tra tấn dã man, nhưng trước sự đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, buộc địch phải trả tự do cho bà. Bà được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND”.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND Mai Thị Út.
Câu chuyện về người nữ giao liên lừng lẫy miền Tây Nam Bộ bắt đầu từ một cảnh buồn. Chồng mẹ Út tham gia cách mạng từ những năm 1930 và đã dìu dắt mẹ giác ngộ cách mạng, rồi tham gia hoạt động cùng Hội Phụ nữ Cứu quốc xã Mỹ Phước Tây. Thời kỳ ấy, mẹ Út đã cùng chị em tải gạo, đạn, thương binh cho bộ đội trong căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Mẹ cũng đào hầm ngay trong nhà mình để nuôi giấu cán bộ. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Hợi được phân công làm Trưởng Công an, rồi Bí thư xã Mỹ Phước Tây. Ngày 5-7-1961, trên đường đi dự lớp tập huấn của huyện ủy, ông đã bị địch bắt trong một trận càn. Hiên ngang không đầu hàng, ông bị địch giết hại, mang xác bỏ ở Tân Hòa Tây. Sau nhiều đêm liên tục tìm đủ mọi cách qua mắt địch, mẹ Út cùng đồng đội mới mang được thi thể ông Hợi về mai táng.
Chồng hy sinh, mẹ Út cùng các con nén đau thương, quyết đi theo kháng chiến. Năm 1961, mẹ vừa công tác ở xã, vừa nhận nhiệm vụ vận chuyển, mua sắm nguyên vật liệu cho đơn vị hậu cần của Tỉnh đội Mỹ Tho để sản xuất vũ khí. 8 người con của mẹ (6 trai, 2 gái) đều giúp mẹ bằng cách đi gom tiền và mua vật dụng, thuốc tây, gạo… ở chợ Cai Lậy. Người cháu nội của mẹ Út-ông Nguyễn Chí Phi (sau này trở thành giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang)-được mẹ Út chở theo để che mắt kẻ thù trong những chuyến công tác dọc ngang khắp vùng sông nước.
Để qua mặt quân địch, mẹ Út cải tạo chiếc thuyền dùng hàng ngày thành thuyền hai đáy. Phía trên mẹ vẫn chở các hàng hóa, vật dụng bình thường, đáy phía dưới cất trữ vũ khí, thuốc tây vận chuyển vào cứ. Sau hàng trăm chuyến vận chuyển trót lọt, cái tên Mai Thị Út đã bị quân địch chú ý. Có lần, vào năm 1965, địch tổ chức chặn bắt mẹ. May mắn, mẹ Út nhận được tin trước, nên đã dìm xuồng, ghé nhà người quen, trốn thoát. Lần khác, mẹ giấu gần chục thùng đạn đại liên dưới đáy thứ hai. Khi vào tới bốt kênh 12 thuộc địa bàn xã Mỹ Hạnh Trung, địch đón xét, mẹ Út nhanh tay tháo đáy thả hàng xuống sông nhưng vẫn sót một thùng. Mẹ bị địch bắt, tra tấn dã man, làm gẫy 3 xương sườn. Tuy nhiên, do không có đủ bằng chứng nên quân địch phải trả tự do cho mẹ Út. Về nhà được nửa tháng, dù vết thương vẫn hành hạ, mẹ lại tiếp tục công việc giao liên công khai.
Giai đoạn 1972-1974, quân địch truy lùng dữ dội, đường dây hậu cần bị cắt đứt cả trên bộ lẫn thủy. Nhiều chiến sĩ giao liên đã ngã xuống, vũ khí, thuốc men không vận chuyển được đến chiến trường. Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tỉnh đội Mỹ Tho mời mẹ Út về bàn việc chuyển hàng công khai đường thủy từ biên giới Cam-pu-chia về bằng thuyền hai đáy. Khi ấy, mặc dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng mẹ vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng từ biên giới Cam-pu-chia về căn cứ để trang bị cho bộ đội sử dụng. Không những thế, mẹ liên tục mở rộng địa bàn hoạt động, cùng các con làm giao liên hợp pháp cho đơn vị Y4, đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn.
Người hội trưởng kiên cường
Năm 1954, mẹ Út bắt đầu hoạt động bí mật tại xã. Tháng 1-1960, mẹ được phân công làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Mỹ Phước Tây. Năm 1961, phụ nữ miền Nam dấy lên các phong trào đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Tại tỉnh Bến Tre, “Đội quân tóc dài” ra đời trong phong trào Đồng Khởi vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX đã mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Thời gian này, phụ nữ miền Nam cũng đã sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua “5 tốt”: Đoàn kết đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận tốt; lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh tốt; học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt; rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Cũng như các địa phương khác, phụ nữ huyện Cai Lậy đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận và vũ trang để tấn công quân Mỹ-ngụy.
Với nhiệm vụ của một cán bộ phụ nữ, mẹ Út móc nối các cơ sở cách mạng để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng và cùng chị em tham gia nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; chống chính sách dồn dân vào khu trù mật, phá ấp chiến lược... của địch. Thuận lợi lớn nhất của chị em phụ nữ huyện Cai Lậy nói chung, xã Mỹ Phước Tây nói riêng, trong thời gian này là dễ dàng ngụy trang, qua mắt địch khi tham gia công tác. Với chiếc thuyền, cây dầm, chị em đã vượt qua đồn bốt địch để tiếp tế lương thực, thuốc men, chuyển nhiều tài liệu quan trọng cho lực lượng cách mạng. Trong từng cuộc đấu tranh, kết hợp với lực lượng vũ trang, phụ nữ chuẩn bị gậy gộc, giáo mác, vót chông, phá lộ chặn đường tiến quân của địch, kéo nhau thành đoàn biểu tình tiến thẳng vào các công sở, đồn bốt, vừa đấu tranh trực diện, vừa lôi kéo làm tan rã lực lượng kìm kẹp của địch. Đối với binh lính, chị em lôi kéo chồng, con, em mình bỏ ngũ, hạ súng, bỏ đồn. Khả năng binh vận của chị em đạt hiệu quả rất cao vì đó là tiếng nói từ đáy lòng người mẹ, người vợ.
Các chiến sĩ giao liên vận chuyển vũ khí phục vụ chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ. Ảnh: Tư liệu
Tiêu biểu trong cuộc đấu tranh của “đội quân tóc dài” giai đoạn này ở huyện Cai Lậy là tấm gương hy sinh của nữ chiến sĩ Thái Thị Kiểu-người con ưu tú của làng Tân Hội, quận Cai Lậy (nay là xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy). Ngày 10-6-1961, bà đi đầu trong cuộc biểu tình của hàng ngàn quần chúng ở xã Mỹ Phước Tây, do Tỉnh ủy Mỹ Tho và Huyện ủy Cai Lậy tổ chức, nhằm phá chính sách “khu trù mật” của địch. Đoàn biểu tình bị địch đàn áp dã man, dùng súng bắn thẳng vào đoàn người tay không, bà Thái Thị Kiểu hy sinh.
Trước tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, mẹ Út quyết gạt nước mắt, làm trưởng đoàn vận động đấu tranh đòi xác bà Thái Thị Kiểu. Đoàn biểu tình đã xông lên đấu tranh quyết liệt với địch, buộc chúng phải nhượng bộ, đền bù nhân mạng, xử lý tên đã bắn chết người, nhận đơn kiến nghị của nhân dân, chấm dứt việc bắn pháo bừa bãi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ Mai Thị Út tiếp tục làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Mỹ Phước Tây. Năm 1977, mẹ được phong quân hàm thượng úy và nghỉ hưu. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chồng và hai con trai mẹ (Nguyễn Văn Đô, sinh năm 1935, tham gia bộ phận cơ yếu của Văn phòng Tỉnh ủy Mỹ Tho năm 1952. Nguyễn Văn Nở, sinh năm 1943, tham gia Tiểu đoàn 267 tháng 4-1960) đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Với những đóng góp to lớn cho hai cuộc kháng chiến, mẹ Mai Thị Út được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngày 5-8-1994, mẹ qua đời, an táng tại ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây. Ngày 17-12-1994, mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
NGUYỄN TRÂM ANH