Xã Lũng Phìn có 50% diện tích tự nhiên là núi đá. Cũng giống như các xã khác ở Đồng Văn, đá núi ở Lũng Phìn rất đặc trưng. Trên những dãy núi cao là núi nhỏ, nhấp nhô những tảng đá tai mèo, đá chồng lên đá. Mùa lạnh, những tảng đá đen sậm. Lại gần, thấy rõ lớp rêu khô cong queo bám trên đá. Đứng giữa cao nguyên mênh mông, nghe gió rít trên mặt đá, cảm giác ớn lạnh. Màu đá làm xám xịt cả bầu trời.
Nương ở đây cũng nằm trên đá. Hiếm hoi mới thấy vài mảnh nương bằng phẳng có diện tích đến vài trăm mét vuông. Hầu hết là những mảnh nhỏ, đất cũng lổn nhổn đá to bằng nắm tay. Cũng chính vì vậy, người dân Lũng Phìn không tính diện tích nương bằng sào mà tính bằng số kilogam giống gieo. Sau mỗi vụ canh tác, đất vơi dần đi, người dân nhặt đá xếp cao hàng chục centimet quây quanh nương.
    |
 |
Sinh viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (đội mũ) cùng người dân xây nhà vệ sinh cho điểm trường thôn Mao Sao Phìn. |
Xa xa, cao nguyên đá thấp thoáng những đống cây ngô khô đắp như cây nấm khổng lồ, xen lẫn là màu xanh của khóm cỏ voi trong những hốc đá. Khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác khô cằn, khóm xanh vươn lên từ hốc đá tượng trưng cho sự kiên cường của người dân vượt lên khó khăn, bám trụ lấy đất.
Chúng tôi gặp anh Giàng Mí Mỷ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lũng Phìn, tại điểm trường thôn Mao Sao Phìn. Anh Mỷ đang tất tả cùng Trưởng thôn Thào Sính Lùng và một số bà con trong thôn vận chuyển vật liệu xây nhà vệ sinh, ròng đường dây điện cho điểm trường. Thấy chúng tôi, anh Mỷ hồ hởi nói: “Hôm nay là ngày vui, đánh dấu sự thay đổi lớn của điểm trường”. Do số trẻ 3-5 tuổi đến trường tăng nhiều nên lớp mẫu giáo mượn địa điểm sinh hoạt của thôn. Đã chuyển ra học được một năm nhưng điểm trường vẫn chưa có điện, nhà vệ sinh. Như muốn giãi bày khó khăn, anh Mỷ kéo tôi vào phòng học, chỉ những khoảng mái bằng tấm fibro xi măng vỡ trống hoác. Dưới nền nhà còn đọng vũng nước do trận mưa từ đêm qua để lại. Cô giáo Nguyễn Thị Cúc đi cùng chúng tôi, giọng bùi ngùi cô kể: “Nhà tôi ở Bắc Kạn. Từ khi tốt nghiệp ra trường về đây công tác đã được 7 năm. 7 mùa rét qua đi, tôi luôn ám ảnh bởi hình ảnh những học trò nhỏ đến lớp với những bộ quần áo phong phanh”.
Rồi cô Cúc đưa ra hình ảnh so sánh, khi nhiệt độ xuống dưới 10oC, người ở xuôi quần áo tầng tầng lớp lớp. Cùng thời điểm đó, ở trên cao nguyên này, nhiệt độ giảm xuống còn 2-3oC, sương mù dày đặc, vậy mà, học sinh đến trường chỉ có hai, ba tấm áo mỏng. Có cháu chỉ mặc một tấm áo mỏng tang, không có quần. Điểm trường không có điện, cô trò phải đóng kín cửa chính và cửa sổ nên phòng học tối om. Bên trong, từng tốp trẻ ngồi chụm đầu vào nhau, da xám ngắt, mũi thò lò hai hàng chảy xuống tận miệng. Đến cả những ánh mắt cũng đờ đẫn vì rét. Hệ quả là những đứa trẻ ở đây bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp rất nhiều. Nghe cô Cúc kể mà tôi thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Liên hệ trực tiếp với anh Công Văn Ba, Phó trưởng phòng khám Đa khoa Lũng Phìn, được biết: “Năm 2016, xã Lũng Phìn có hơn 200 lượt trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, 5 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 150 lượt trẻ mắc bệnh về hô hấp và 2 trường hợp tử vong”. Những con số biết nói khiến người nghe không khỏi giật mình. Khi nói về sự chịu đói, chịu rét của những đứa trẻ, người ta ngỡ rằng, những đứa trẻ ở vùng cao khỏe hơn và sức đề kháng mạnh mẽ hơn những đứa trẻ dưới xuôi. Nhưng thực tế không phải vậy. Âu cũng bởi cái nghèo. Ai cũng là da thịt ấy. Vì thiếu thốn nên trong giá lạnh, bệnh tật hành hạ, thậm chí cướp đi sinh mạng của những trẻ thơ.
Đói nghèo thường đi kèm với lạc hậu. Và ở mảnh đất này cũng không phải là một ngoại lệ. Nhiều trường hợp trẻ tử vong do không được chữa bệnh kịp thời. Cô Cúc day dứt: “Ở đây, mỗi khi có trẻ bị bệnh, gia đình thường mời thầy cúng. Đến khi bệnh tình nặng, đưa xuống bệnh viện thì không còn kịp nữa”.
Gần đây nhất là trường hợp một cháu nhỏ bị rắn cắn. Khi gia đình phát hiện không đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu mà mời thầy về cúng. Hậu quả, cháu bé tử vong. Câu chuyện thật xót xa!
Mùa lạnh đến, cũng như bao người dân, cô trò Trường Mầm non Lũng Phìn phải sống trong cảnh thiếu nước. Gia đình cô Cúc cùng 4 hộ nữa ở trong khu tập thể giáo viên. Vào mùa thiếu nước, từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, khi giặt quần áo, 5 hộ phải rủ nhau giặt cùng. Từ nước thứ hai trở đi, các hộ phải giặt chung. Còn các hộ dân thì vài tuần mới mang quần áo bẩn ra bể treo để giặt. Vì vậy, khi lên vùng núi cao dễ thấy cảnh người dân phơi la liệt hàng đống quần áo trên những mỏm đá núi. Nước ở các bể treo bị ô nhiễm nặng. Có lần do thiếu nước uống, gia đình cô Cúc lấy nước ở bể treo về đun, nước nổi bọt trắng xóa. Các hộ dân lại góp tiền sang tận Mèo Vạc mua nước về để đun nấu, ăn uống.
    |
 |
Mặc dù trời lạnh giá nhưng cháu bé 11 tháng tuổi con chị Sùng Thị Vàng chỉ mặc tấm áo mỏng và chiếc quần rất ngắn. |
“Mọi người ra ngoài để chúng tôi lợp mái”, tiếng anh Lùng kéo chúng tôi ra khỏi phòng. Từ trên mái nhà, tay đỡ tấm fibro xi măng mới, anh Lùng cười tỏa nắng, phấn khởi nói to: “Vậy là từ hôm nay, lớp học của các cháu không bị dột nữa. Cảm ơn thầy và trò Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”. Nghe anh Lùng nói, cô giáo Nguyễn Thùy Linh, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Việt Nam học, đỡ lời: “Đã hai năm nay, khoa chúng tôi là cầu nối kêu gọi các mạnh thường quân thực hiện Chương trình thiện nguyện “Ủ ấm đôi chân, dẫn bước em đi”. Từ tháng 10 năm nay, chúng tôi đã cử một đội tiền trạm đi tìm hiểu thực tế và đã chọn xã Lũng Phìn để làm chương trình thiện nguyện”. Năm nay, khoa kêu gọi được các mạnh thường quân quyên góp 40 triệu đồng. Một phần trong số đó sử dụng mua vật liệu xây nhà vệ sinh, sửa mái, kéo đường dây điện cho hai điểm trường ở thôn Mao Sao Phìn. Số tiền còn lại đoàn mua gạo, mắm, muối, chăn màn, quần áo ấm tặng các hộ nghèo và học sinh Trường THCS Lũng Phìn. Số tiền tuy nhỏ nhưng cách trao tặng thật ấm áp, ý nghĩa. Đoàn từ thiện đến từng nhà, trao quà tận tay các hộ gia đình, các cháu học sinh. Trong hai ngày, các sinh viên cùng người dân nỗ lực tu sửa các điểm trường. Dẫu biết rằng đó chỉ là giải pháp trước mắt, nhưng thầy trò và người dân nơi đây vẫn cảm nhận được tình cảm, sự sẻ chia nồng ấm của các bạn sinh viên miền xuôi đối với người dân miền ngược.
Hà Giang nổi tiếng với vẻ đẹp của hoa tam giác mạch. Xã Lũng Phìn nằm trên độ cao 1.600m so với mực nước biển, trong vùng trung tâm của Lễ hội Hoa tam giác mạch, thu hút rất nhiều người đến tham quan, du lịch. Với lợi thế đó, tưởng rằng cuộc sống của người dân sẽ dựa vào du lịch, làm ăn khấm khá hơn. Nhưng theo anh Mỷ thì không phải vậy. Tam giác mạch đã mọc ở mảnh đất này từ bao đời nay. Tam giác mạch trồng quanh năm, chủ yếu được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Nhưng do sản lượng thấp, trồng 20kg hạt giống mới thu hoạch được 40-50kg hạt. Với giá thị trường như hiện nay, khoảng 30 nghìn đồng/kg, tính ra lãi cũng chẳng đáng là bao. Mặt khác, trồng tam giác mạch bị chua đất, vụ kế tiếp trồng ngô thì năng suất rất thấp nên người dân trồng rất ít.
Để chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân địa phương, anh Mỷ dẫn tôi đến hộ gia đình chị Giàng Thị Lúa. Ngôi nhà nằm chênh vênh trên triền núi cao. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp rộng hơn chục mét vuông, vách bằng những tấm ván ghép trống hoác, chị Lúa ôm đứa con gái nhỏ ngồi co ro bên góc bếp. Bên cạnh chiếc giường nhỏ là bếp đun. Nhà nền đất nên vào mùa lạnh luôn ẩm ướt, bốc đủ thứ mùi từ quần áo, tro bếp, cây củi mốc… Anh Mỷ bảo, gia đình chị Lúa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có đủ soong nồi, bát đũa và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Đói nghèo là vậy nhưng vào mùa lạnh, giống như các hộ dân địa phương, chị Lúa cũng không có việc gì làm. Cả năm chỉ biết trông chờ vào một vụ ngô.
Rời nhà chị Lúa, tôi đến thăm hộ gia đình bà Chư Thị May, anh Giàng Súa Say Be, chị Sùng Thị Vàng… hầu hết họ đều không có việc làm để kiếm thêm thu nhập vào mùa lạnh. Vài hộ nuôi bò, dê, có người đi cắt cỏ. Cũng chính vì vậy mà cuộc sống còn rất khó khăn, quanh năm ăn mèn mén. Ăn đơn giản vậy mà nhiều hộ cũng không có đủ ngô ăn cả năm, phải đi vay, vụ sau trả tạo nên vòng nghèo tuần hoàn.
Chúng tôi về Hà Nội khi đợt rét đã qua, gọi điện hỏi thăm anh Mỷ, anh Lùng, các cô giáo ở Lũng Phìn. Bây giờ, ở trên đó trời đã nắng nhưng vẫn còn lạnh. Lời nhắn gửi, cán bộ, giáo viên và người dân vùng cao vẫn cần lắm sự quan tâm chia sẻ thiết thực của người dân miền xuôi. Thiết thực hơn, cần những chính sách hỗ trợ, hoạch định phát triển kinh tế dài hạn để bà con nơi đây bớt nghèo, ổn định đời sống, yên tâm bám đất, bám cao nguyên tươi đẹp của Tổ quốc. Mong mỏi giản dị đó cần sự chung tay của cả cộng đồng.
PHẠM TUẤN - ANH MINH