Cuộc gặp gỡ bất ngờ...
Sáng sớm, chuyến tàu xuất phát từ cảng Hà Tiên (xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) đã chật ních hành khách. Dù đến trước giờ tàu khởi hành nửa giờ nhưng tôi vẫn phải mang ghế nhựa lên ngồi trên boong. Đang loay hoay chưa biết đặt ghế ở đâu thì một người đàn ông trung niên, nước da sậm nắng, thân nồng vị biển vẫy tôi lại gần: “Ngồi đây nè, lần đầu đi đảo Hải Tặc phải không anh bạn trẻ?”. Tôi mỉm cười thay lời chào rồi xách ba lô lên ngồi cạnh anh. Hỏi chuyện mới biết anh là Trung tá Đặng Văn Thông, Đội trưởng Đội sản xuất số 2, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 915, tỉnh Kiên Giang.
Quần đảo Hải Tặc còn nhiều nét hoang sơ.
“Mỗi năm lại thấy du khách ra thăm đảo đông hơn. Những chuyến tàu cứ nối nhau như thế này thì chắc chắn đời sống của bà con các xã đảo Hải Tặc sẽ ngày một phát triển. Vui lắm chú à!" - Giọng nói sang sảng của anh Thông như át cả tiếng còi tàu đang hú vang báo hiệu rời bến - "Một lát nữa thôi, chú sẽ thấy nơi đây kỳ thú thế nào!”. Rồi anh kể say sưa về quần đảo Hải Tặc như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Quần đảo có tổng cộng 18 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó 6 đảo có cư dân sinh sống. Đảo lớn nhất là Hòn Đốc với diện tích hơn 90ha, cũng là nơi tập trung đông dân cư nhất với 363 hộ dân. Đảo nhỏ nhất là Hòn Khô Vinh với diện tích gần 1ha.
Như một sự ưu ái của tạo hóa, các đảo nằm sát với nhau tạo thành một vòng cung, địa hình hiểm trở. Quần đảo Hải Tặc gần với đảo Phú Quốc và tiếp giáp vùng biển Campuchia nên án ngữ trên tuyến đường giao thông biển quan trọng. Bởi vậy mà thời Pháp thuộc, bọn cướp biển chọn quần đảo này để đồn trú, mai phục và cướp bóc. Một thời gian dài nơi đây là “vùng trắng”, bộ máy chính quyền thuộc địa cũng không cai quản nổi. Tên quần đảo Hải Tặc cũng xuất phát từ thời đó đến ngày nay.
Hải Tặc, cái tên nghe sao dữ dằn, rờn rợn. Nhưng hôm nay, dưới ánh nắng hồng của bình minh buổi sớm, quần đảo hiện ra đẹp tựa một tiên nữ với nét hoang sơ, dung dị nhất, bởi gần như chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Thấp thoáng những chiếc tàu gỗ nhỏ, lồng bè nuôi cá trên mặt biển như những bông hoa. Tôi quay sang hỏi người bạn đường: “Với lợi thế được đảo đá che chắn gió bão, chắc hẳn nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng biển này rất phát triển phải không anh?”. Như “bắt trúng mạch”, anh Thông càng thêm phần niềm nở: “Quả thực, tiềm năng nuôi trồng thủy sản nơi đây là rất lớn nhưng cũng mới phát triển đúng hướng được vài năm trở lại đây. Mục đích hoạt động của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 915 ở đây, cũng chính là giúp bà con thực hiện công việc đó”.
Chúng tôi vừa bước lên cầu tàu thì thấy một cô gái trẻ tươi cười vẫy tay chào. Anh Thông nhanh nhảu giới thiệu: “Đây là Nguyễn Thị Ngọc Giầu-trí thức trẻ tình nguyện rất tích cực của chúng tôi”.
Giầu đưa chúng tôi về “bản doanh” của đội. Tới nơi, tôi hơi ngỡ ngàng vì đó là một căn nhà cấp bốn, mái lợp tôn. Ngôi nhà chênh vênh bên mặt đường bê tông, sàn là tấm ván ghép đặt trên cọc chống bằng gỗ, cách mực nước khoảng hơn 1m. Như đoán được ý tôi, anh Thông giải thích: “Ra đảo công tác mấy năm nhưng đoàn vẫn chưa xin được đất, phải mượn tạm nền của một hộ dân trên đảo. Ngôi nhà này để anh em trong đội ăn cơm và nghỉ trưa. Thời gian còn lại cánh đàn ông nằm sóng, ngủ gió ở nhà bè trên biển. Giầu là con gái nên được ưu tiên mượn một căn phòng của UBND xã Tiên Hải để ngủ nghỉ”.
Dù bộn bề công việc nhưng bữa trưa tôi vẫn được anh em trong đội thết đãi hai món đặc sản là bánh tráng cuốn tôm và gỏi cá trích. Trong bữa ăn, tôi hiểu thêm về cô gái duy nhất của đội, sau khi bảo vệ xong luận văn thạc sĩ kinh tế, Giầu đã xung phong ra đảo, hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách nuôi trồng thủy sản và dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ trên đảo.
Trí thức trẻ tên Giầu giúp bà con thoát nghèo
Buổi chiều, tôi đi cùng Giầu xuống lồng bè của các hộ dân. Vừa thấy bóng Giầu, anh Nguyễn Văn Chung, một chủ hộ nuôi cá trên đảo vội bước tới, hồ hởi khoe: “Đàn cá đã ăn khỏe trở lại rồi Giầu ơi! Chỉ còn dăm con bị ghẻ thôi. Hơn ba chục con đã khỏi hẳn”. Nghe anh Chung nói vậy, Giầu lấy thức ăn thả cho cá. Quan sát một hồi rồi Giầu tư vấn: “Vết ghẻ trên da cá đã ngừng loang. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục theo dõi, vẫn trộn thêm thuốc kháng sinh và C vào thức ăn”. Miệng nói tay làm, cô cầm lọ thuốc lên pha tỷ lệ mẫu cho anh Chung. Nhà anh Chung có tất cả 6 lồng nuôi cá. Lồng được đóng bằng khung gỗ, nổi trên mặt nước hình vuông hoặc hình chữ nhật, mỗi cạnh thường có độ dài từ 4 đến 5 mét; đan lưới phía dưới thả sâu xuống đáy biển. Mỗi lồng anh Chung thả 100 con. Cá bớp là loại hải sản có giá trị kinh tế cao nên nghề nuôi cũng lắm công phu. Mỗi ngày, một lồng gia đình anh Chung phải mua khoảng 13 đến 15kg cá con làm thức ăn. Nếu biển thuận, con nước yên, mỗi vụ trừ chi phí gia đình anh cũng để ra được 20 đến 30 triệu đồng. Nhưng đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, anh Chung kể, cách đây hơn một năm, khi đàn cá của gia đình đạt trên dưới 3kg một con, bỗng dưng đổ bệnh, chết nổi trắng mặt nước. Chỉ trong hai ngày, hàng trăm triệu đồng trôi theo con nước. Xót của, anh vớt cá đổ lên bờ trông như đống gạch nát. Cả nhà mất ăn mất ngủ, vợ con anh ôm nhau khóc ròng... Ruột anh như bị cắt từng khúc. Nhớ lại cảm giác lúc đó, anh Chung khẽ rùng mình: “Từ chỗ dư dả, bỗng chốc gia đình tôi nợ ngân hàng lên tới hàng trăm triệu đồng. Sau cú ngã đó, đã có lúc tôi nghĩ không bao giờ nuôi cá lồng bè nữa”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giầu sâu nặng tình yêu với biển đảo. Ảnh: VĂN TUẤN
Trong cơn hoạn nạn, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 915 đã hỗ trợ gia đình anh Chung 200 con cá bớp giống và cử cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật nuôi. Lúc đó, Giầu vừa mới bảo vệ xong khóa luận cao học, chuyên ngành thủy sản, xung phong ra đảo. Tính ra cũng đã hơn một năm gắn bó với đảo, Giầu cũng không nhớ hết bao nhiêu lần con nước đổi dòng, biển đục. Chỉ nhớ mỗi lần như vậy, Giầu và anh em trong đội cùng người dân lại tất tả hỗ trợ di chuyển lồng cá cho người dân. Từ chế độ thức ăn đến phương pháp chăm sóc, chữa bệnh cho cá, Giầu tính toán, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng hộ dân. Công việc của Giầu ở đây không có gì quá nổi bật, nhưng cần phải có kiến thức, sự cần cù, bám sát biển, sâu sát kỹ thuật nuôi trồng thủy sản với từng hộ dân. Hơn một năm không phải là khoảng thời gian dài, nhưng với cách Giầu cùng người dân vượt qua những khó khăn trong nuôi trồng thủy sản đã giúp các gia đình vững tin hơn rất nhiều. Thành quả đáng mừng là ngay vụ cá đầu tiên, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 915 hỗ trợ, với sự giúp sức của Giầu, gia đình anh Chung và nhiều hộ nuôi cá khác trên quần đảo như hộ nhà chị Nguyễn Thị Loan, anh Mạc Ngọc Thạch... thắng lớn. Trừ chi phí mỗi hộ để ra được gần 40 triệu đồng.
Không chỉ giúp người dân kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, Giầu còn đề nghị với UBND xã Tiên Hải và Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Hà Tiên, dạy tiếng Anh cho điểm trường trên đảo Hòn Giang. Lớp học chỉ có gần mười học sinh, đối tượng đa dạng từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng cô trò rất gắn bó, yêu quý nhau. Dù nắng hay mưa, hình ảnh cô giáo cần mẫn đến lớp dạy chữ hòa với tiếng cười vang của trẻ thơ làm ấm lòng các bậc phụ huynh trên đảo.
Tạm biệt quần đảo Hải Tặc, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với ông Tăng Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải: “Mừng lắm! Hai năm trở lại đây, địa phương đã chấm dứt tình trạng người dân rời bỏ đảo, tha phương đi nơi khác mưu sinh”. Nơi đảo xa, để giúp người dân yên tâm sản xuất, ngoài bốn nhà là chính quyền (Nhà nước), nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông thì người dân rất cần... nhà binh. Lý giải điều này, ông Tăng Hồng Phước cho rằng, vùng biển Hà Tiên vốn có tiềm năng rất lớn, nhưng vẫn còn rất hoang sơ, điều kiện kinh tế và giao thông khó khăn. Người dân quen với nếp làm ăn cũ nên muốn thay đổi phải cho họ nhìn thấy kết quả thì họ mới làm theo. Chính vì vậy, những việc làm thiết thực của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 915 như đặt Đội sản xuất số 2; mở các cuộc tọa đàm, hội thảo về nuôi trồng thủy sản với khách mời là nhà khoa học hàng đầu của Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Nha Trang để giao lưu, tư vấn cho người dân; thử nghiệm mô hình nuôi cá bớp bán công nghiệp... đang làm rộng mở và rõ ràng hơn con đường làm giàu cho người dân. Sau gần một năm thực hiện, mô hình nuôi cá bớp bán công nghiệp của Đội sản xuất số 2 đang thu được kết quả khả quan. Nếu thành công, sang năm mô hình này sẽ được nhân rộng với ngư dân trên phạm vi toàn quần đảo. Được biết, đoàn còn liên hệ với các mạnh thường quân tài trợ cá giống cho người dân trên đảo và ký kết cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Con đường đã có, niềm tin làm giàu của người dân ngày càng thêm vững chắc.
PHẠM TUẤN