Trên thao trường… mượn của dân
Từ Trung tâm chỉ huy của Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bắc Kạn, phóng tầm mắt nhìn ra xa, có thể bao quát một phần TP Bắc Kạn. Trên thành phố miền núi này không có nhiều tòa nhà cao tầng, mà thay vào đó là sự kỳ vĩ của những ngọn núi, quả đồi, phía dưới là thấp thoáng những mái ngói đỏ nổi lên giữa màu xanh cây lá. Thượng tá Bế Hải Triều, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn bộc bạch: “Bắc Kạn là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn nhất của cả nước. Tuy nhiên, điều đó không làm suy giảm chất lượng, hiệu quả công tác quân sự địa phương, mà ngược lại, trong nhiều năm qua, nhiệm vụ này luôn được Bắc Kạn triển khai thực hiện hiệu quả. Những thế mạnh của tỉnh nhà trong công tác quân sự địa phương phải kể đến là công tác huấn luyện dân quân tự vệ, tuyển quân, dân vận…”.
Gợi ý của Phó chính ủy Bế Hải Triều đã dẫn bước chúng tôi tìm đến với những thao trường, bãi tập, nơi các chiến sĩ dân quân, tự vệ đang trần mình huấn luyện giữa cái nắng gắt đầu mùa.
Nữ tự vệ TP Bắc Kạn huấn luyện bắn súng K63.
Sau một hồi lì rì bò lên con dốc cao ngất ngưởng mà người dân nơi đây quen gọi là "dốc Tỉnh ủy" (nơi Tỉnh ủy Bắc Kạn đứng chân), chiếc U-oát lại đưa chúng tôi “đổ dốc”. Khi xe chạy chưa hết dốc đã thấy xa xa những bóng áo xanh trong hai khối đội hình nghiêm ngắn. Một khối huấn luyện Điều lệnh Đội ngũ, khối còn lại huấn luyện bắn súng. Ngồi cùng xe, Thiếu tá, QNCN Vũ Tuấn Anh, Trợ lý Ban Dân quân, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn giới thiệu với chúng tôi: “Đó là trung đội dân quân cơ động của phường Phùng Chí Kiên đang tổ chức huấn luyện theo chương trình, kế hoạch năm”.
Quan sát kỹ hơn, chúng tôi thấy thao trường có vẻ bất thường, bởi độ phẳng cũng như cự ly giữa các tuyến để dân quân thực hành các động tác cơ động nằm, quỳ, đứng bắn súng thực sự chưa hợp lý. Đem thắc mắc ấy chia sẻ với Trung tá Phạm Văn Bảy, Phó chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Ban CHQS TP Bắc Kạn, thì anh cho chúng tôi hay: "Phường Phùng Chí Kiên chưa có thao trường để huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ. Đây là khu đất mượn của dân được vận dụng thành thao trường. Nếu huấn luyện chiến thuật, anh em phải tiếp tục cơ động lên quả đồi gần đây, cũng thuộc sở hữu của bà con nhân dân".
Nắng mới nhưng sức nóng cứ hầm hập, oi ả, làm rực hồng khuôn mặt của nhiều nữ dân quân trẻ măng năm đầu đội mũ sao vuông. Nắng cũng làm mồ hôi ròng ròng trên khuôn mặt sạm đen của các chàng dân quân đã qua mấy mùa huấn luyện. Đồng chí Phạm Văn Hiệp, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Phùng Chí Kiên cho biết, đây là ngày thứ 3 phường tổ chức huấn luyện cho trung đội dân quân cơ động, trong đó có những chiến sĩ năm thứ nhất. Trong huấn luyện bắn súng, lỗi thường mắc ở anh em là mặt súng nghiêng hoặc tay siết cò giật cục nên dẫn đến đường ngắm không chuẩn, vì thế, cán bộ phải sử dụng kính kiểm tra đường ngắm để kiểm tra, sửa sai, uốn nắn kịp thời. Với những đồng chí chất lượng huấn luyện thấp, có biểu hiện “tụt hậu” so với đội hình chung thì cán bộ sẽ tổ chức huấn luyện bổ sung.
Hoàng Thu Phương là nữ dân quân trẻ nhất cả về tuổi đời lẫn tuổi quân trong Trung đội dân quân của phường Phùng Chí Kiên. Vậy nhưng, Phương lại là người có khả năng tiếp thu kiến thức khá nhanh. Chúng tôi còn bất ngờ hơn khi được biết, Phương đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Thanh tra hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia năm 2015. Nhiều người trong gia đình, bạn bè khuyên Phương nên ở lại Hà Nội để tìm công việc phù hợp, nhưng chị đã quyết định về quê nhận nhiệm vụ Phó bí thư Đoàn phường Phùng Chí Kiên và tham gia lực lượng dân quân, tự vệ. Chia sẻ về sự lựa chọn công việc của mình, Phương bảo: “Dù công tác ở đâu thì cũng phải cố gắng hết sức mình anh ạ. Nhưng theo em thì tuổi trẻ nên xung phong công tác tại những nơi còn nhiều khó khăn, vất vả. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc em về nhận công tác tại đây…”.
Chưa có thao trường, hoặc thao trường chưa đủ tiêu chuẩn phục vụ huấn luyện là khó khăn phổ biến ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò tham mưu và triển khai tổ chức thực hiện của cơ quan quân sự các cấp, trong những năm qua, kết quả huấn luyện dân quân, tự vệ của Bắc Kạn luôn đạt kết quả cao. Riêng trong năm 2016, tính đến tháng 7, toàn tỉnh đã huấn luyện xong 100% đơn vị dân quân, tự vệ; kết quả kiểm tra huấn luyện có 94,5% đạt khá, giỏi…
Cơm nắm vẫn giật giải cao
Các cán bộ Ban Dân quân của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn chia sẻ rằng, nếu ở địa bàn thành phố, việc huy động lực lượng tham gia dân quân, tự vệ khó khăn bởi thanh niên có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm với thu nhập ổn định; thì ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong tổ chức cũng như huấn luyện lại mang nét đặc thù. Thiếu tá Hoàng Tùng, Trưởng ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn bộc bạch: "Theo luật định, mỗi thôn phải có một tổ dân quân. Nhưng với đặc điểm địa hình miền núi, nhiều địa phương có mật độ dân số thấp, có thôn chỉ có 5 đến 6 hộ dân, nên việc tổ chức đủ một tổ dân quân/thôn rất khó khăn. Tuy nhiên, địa phương đã có cách vận dụng vừa đúng quy định, vừa khoa học khi bố trí thôn đội trưởng đảm nhiệm nhiệm vụ tổ trưởng dân quân. Vì thế, quân số của các tổ vẫn đủ, toàn tỉnh cũng bảo đảm đủ số tổ dân quân.
Lực lượng dân quân phường Phùng Chí Kiên huấn luyện bắn súng K63. Ảnh: HÀ PHẠM
Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của Bắc Kạn, số thanh niên được học hành cơ bản tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề phần lớn đều lựa chọn con đường ở lại các thành phố lớn làm việc hoặc đi làm ăn xa nhà. Số thanh niên ở địa phương tham gia lực lượng dân quân thường có trình độ học vấn hạn chế, nhận thức cũng không đồng đều, nên huấn luyện vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giáo dục chính trị. Tuy nhiên, với việc bố trí cán bộ là bà con dân tộc, hiểu lối sống, sinh hoạt và cùng sử dụng một ngôn ngữ để truyền đạt, hướng dẫn anh em dân quân học tập, huấn luyện, nên chất lượng nắm bắt các bài giảng chính trị cũng như kỹ năng thực hành các môn quân sự ngày càng được củng cố, nâng cao.
Các hộ dân ở phân tán, cách xa nhau, cách xa trung tâm xã khiến việc cơ động đến vị trí tập trung huấn luyện cũng là một hành trình khá gian nan của các chiến sĩ sao vuông. Ở huyện Pắc Nặm, có những chiến sĩ vì nhà xa nơi huấn luyện nên sáng sáng đều dậy sớm làm cơm nắm, đến bữa trưa mang ra ăn, còn tiêu chuẩn hơn 23.000 đồng do địa phương hỗ trợ thêm thì dành dụm mang về cho vợ con. Thông tin này làm người nghe xúc động, hiểu hơn về những khó khăn của đồng bào, để rồi thêm khâm phục về tinh thần vượt lên khó khăn, vất vả, giành thành tích cao của lực lượng dân quân, tự vệ sau mỗi mùa huấn luyện. Pắc Nặm luôn là một trong những đơn vị đứng tốp đầu của Bắc Kạn trong xây dựng, tổ chức huấn luyện dân quân, tự vệ. Năm 2016, kết quả huấn luyện của Pắc Nặm đạt loại giỏi. Đây cũng là đầu mối thường có lực lượng được tuyển chọn tham dự hội thi, hội thao của cấp trên. Riêng năm 2013, chiến sĩ dân quân Hoàng Văn Phụng (xã Giáo Hiệu, huyện Pắc Nặm) đã giành giải ba trong thi 3 môn quân sự phối hợp cấp toàn quân.
Buổi chiều, chiếc U-oát lại đưa chúng tôi đến trường bắn của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn. Theo giới thiệu của Trung tá Phạm Văn Bảy, các đơn vị tự vệ của TP Bắc Kạn đang tổ chức huấn luyện bắn súng K63 tại đây. Thiếu tá QNCN Vũ Tuấn Anh tiếp lời, hiện nay Bắc Kạn áp dụng 2 hình thức là huấn luyện độc lập và huấn luyện theo cụm. Với những xã, phường, thị trấn gần nhau, thuận lợi cho việc tập trung thì sẽ được áp dụng phương pháp huấn luyện theo cụm. Phương pháp này tạo được tinh thần thi đua giữa các đầu mối trong huấn luyện, hội thi, hội thao; những đầu mối đạt thành tích cao sẽ được biểu dương, khen thưởng.
Chiều đang dần đổ sang những trái núi phía tây trường bắn. Mặt đất còn ướt sũng sau trận mưa đầu hạ vừa ào xuống, không khí vừa dịu xuống chốc lát lại hầm hập nóng, song không vì thế mà ảnh hưởng đến tinh thần huấn luyện của 5 cụm tự vệ, bởi sáng hôm sau họ sẽ thực hành bắn súng K63. Bên bệ nằm bắn, các nữ tự vệ Hoàng Thị Bây và Ma Thúy Hiền đang tập trung lấy đường ngắm, mồ hôi rịn ra trên khuôn mặt. “Má hồng” công sở hôm qua tưởng như chỉ quen với sổ sách, máy tính, văn phòng, nay được thao trường tôi luyện rắn rỏi, sẵn sàng bước vào cuộc “thử lửa” sớm mai.
Trong lúc nghỉ giải lao, nữ tự vệ Âu Thị Xuân, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS khối Đảng, đoàn thể TP Bắc Kạn chia sẻ: Mặc dù những ngày vừa qua thời tiết trên địa bàn lúc mưa to, lúc lại nắng nóng bất thường, nhưng mọi chế độ, giờ giấc trên thao trường huấn luyện vẫn được duy trì rất nghiêm túc. Đến nay, 100% tự vệ của khối đều đã sẵn sàng cho “ngày hội bắn”.
Hết những phút giải lao, còi báo tập vang lên. Sau khẩu lệnh tập hợp, đội hình lại nghiêm ngắn, thẳng hàng; tiếng lên đạn “khan” lách cách; và những giọt mồ hôi lại ròng ròng trên má chiến sĩ sao vuông, nhỏ giọt trên bệ bắn…
Sau “ngày hội bắn”, tin vui từ Việt Bắc báo về, kết quả bắn đạn thật của tự vệ TP Bắc Kạn đạt khá. Kết quả ấy có thể coi là tín hiệu vui, hứa hẹn một mùa huấn luyện thành công của “sao vuông” Bắc Kạn./.
Ghi chép của HOÀNG HÀ - CHU ANH