Trước hết là “lưng vốn” văn chương của nhiều người khá đầy đặn. Trong môi trường in ấn hiện nay, việc các tác giả trên dưới 30 tuổi mỗi người đã xuất bản ít nhất một tập thơ, có người dăm ba tập, chẳng phải là điều ghê gớm. Nhưng trong số đó, có rất nhiều bài thơ và tập thơ đã đoạt giải thưởng của các hội văn nghệ địa phương, Trung ương và các cuộc thi văn chương của một số tờ báo. Nhiều người đã từng đoạt từ hai giải thưởng trở lên. Đó là điều rất đáng nói, bởi ở một chừng mực nào đó, giải thưởng là con dấu kiểm định chất lượng của tác phẩm. Về mặt này, có thể kể ra những tác giả đã ít nhiều gây ấn tượng trên thi đàn hiện nay, như: Đoàn Văn Mật (Hà Nội), Hồ Huy Sơn (TP Hồ Chí Minh), Lữ Thị Mai (Hà Nội), Hoàng Anh Tuấn (Lào Cai), Mai Hoàng Hanh (Bắc Ninh), Đào Quốc Minh (Hà Nội), Huệ Thi (Cần Thơ), Khúc Hồng Thiện (Hà Nội), Lê Hòa (Lâm Đồng), Lương Đình Khoa (Hưng Yên), Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình), Du Nguyên (Hà Nội), Ngô Thị Thanh Vân (Gia Lai), Phùng Thị Hương Ly (Bắc Kạn), Thy Lan (Thanh Hóa), Võ Mạnh Hảo (Long An), Lý Hữu Lương (Hà Nội), Phan Tuấn Anh (Thừa Thiên-Huế)...
|
|
Trình diễn thơ tại “Sân thơ trẻ” 2018 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: HỮU ĐỐ |
Một điều cần lưu ý nữa: Trong số những nhà thơ trẻ kể trên, không ít người là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy văn học ở các trường phổ thông và đại học; một số người có học hàm thạc sĩ, tiến sĩ văn chương; một số người đã có công trình nghiên cứu, lý luận-phê bình văn học được công bố và được trao giải thưởng, như: Hà Thị Vinh Tâm, Lương Kim Phương, Nguyễn Nhật Huy, Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh v.v.. Và đặc biệt, một số người trong số họ đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành những nhà thơ chuyên nghiệp, như: Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai, Đào Quốc Minh, Lý Hữu Lương, Ngô Thanh Vân, Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh v.v..
Nêu ra một số đặc điểm trên đây, để thấy rằng so với các thế hệ nhà thơ trẻ trước đây (tất nhiên nay không còn trẻ nữa), thì các nhà thơ 8x, 9x hôm nay xuất hiện và tham gia vào đời sống văn học với một hành trang học vấn và tác phẩm đủ giúp họ tự tin để sáng tạo và lập danh. Và thực tế trong đội ngũ đông đảo, náo nức, mới lạ, đa thanh, đa sắc... ấy đã có thể nhận diện một số gương mặt, giọng điệu: Đoàn Văn Mật phảng phất chất cổ kính trong không gian thời thượng. Lữ Thị Mai vừa bung nở tươi mới vừa ý nhị kín đáo nữ tính. Kiều Maily và Đào Quốc Minh già dặn thế sự. Du Nguyên hóm hỉnh sắc sảo. Hà Thị Vinh Tâm và Hồ Huy Sơn là giọng thơ truyền thống của thế hệ hiện đại. Hoàng Anh Tuấn khi chập chờn những thi ảnh miền sơn cước, khi mênh mang những nỗi niềm châu thổ. Hoàng Thúy có nhiều liên tưởng siêu thực ám tượng. Lê Hòa đậm chất người lớn trong nội dung và hình thức tự sự. Lý Hữu Lương sâu sắc và hứa hẹn sự trường sức. Mai Hoàng Hanh kiên trì thể loại thơ viết cho thiếu nhi đã lấp ló nét riêng. Ngô Thị Thục Trang có những bài thơ văn xuôi khá xinh xắn. Phan Tuấn Anh sớm hàn lâm và kỹ thuật. Nguyễn Phong Việt bước đầu thành công với độc giả cộng đồng mạng...
Tuy nhiên, trong ngồn ngộn những thi phẩm đa thanh, đa sắc trên đây, để dẫn ra những câu thơ hay, những tứ thơ độc đáo về tình yêu, nỗi đau, nỗi buồn, sự cô đơn bản thể... thì dễ; nhưng nếu để nhận ra những nỗi niềm lớn, những chia sẻ tha nhân, những quan tâm cộng đồng... thì thật hiếm. Đó là chưa nói đến những cảm hứng mang tính công dân, ý thức trách nhiệm đối với số phận dân tộc, đời sống nhân dân... thì lại càng hiếm. Đó là điều đáng tiếc của thơ trẻ hôm nay. Cách đây dăm năm, nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-đã nhận xét: “Miêu tả chặng đường vừa qua, có thể diễn đạt qua ba nhận xét sau đây về tác phẩm của các cây bút trẻ: Nhiều, đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng; dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa; thêu thùa cho cá nhân thì khéo, nhưng may cắt cho thiên hạ thì còn ít dụng công”… Tại Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai, tổ chức cuối năm 2015, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng có những nhận định tương tự: “Nhìn vào những gì đã xuất bản, rõ ràng người ta thấy nhà văn trẻ hiện nay chỉ quẩn quanh với những vui buồn, hời hợt của lớp trẻ; ít đi sâu vào đời sống đất nước, nhân dân; ít đầu tư cho những vấn đề lớn, những tác phẩm lớn. Dù không bắt buộc, nhưng tôi nghĩ nhà văn cũng phải có ý thức với cuộc sống, đi sâu vào cuộc sống. Ý thức công dân, ý thức trách nhiệm xã hội không cho phép nhà văn chỉ quẩn quanh trong thế giới riêng của mình. Khi viết về lớp trẻ thì anh cũng phải đi sâu vào giới trẻ, phải nói cho ra được vấn đề của người trẻ hôm nay trong vấn đề chung của xã hội, của đất nước…”.
Hình như, không hứng thú với những đề tài lớn, ít quan tâm đến những vấn đề thời sự của cộng đồng, dân tộc... là hạn chế mang tính thế hệ của thời đại hội nhập và “thế giới phẳng”. Bởi những hạn chế ấy đã được đề cập với các nhà thơ trẻ tại một vài hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc gần đây (thường tổ chức 5 năm/lần). Và một vài tác giả trẻ thế hệ 8x, 9x hiện nay cũng đã nhận ra hạn chế đó của thế hệ mình và đang nỗ lực khắc phục: Thế hệ tôi chỉ biết kêu ca/ la cà quán xá/ long nha long nhong/ không ngày tháng/ Thế hệ tôi/ là một bọn ba láp nhởn nhơ châu chấu chuồn chuồn/ sáng buồn rầu, tối co ro/ diện trang phục rực rỡ/ Thế hệ tôi nhợt nhạt/ với nỗi buồn nhờ nhờ/ nhờ nhờ xếp hàng/ đi qua tuổi trẻ... (Du Nguyên-“Khúc lêu hêu mùa hè”). Trong tập tuyển thơ của các đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX (tháng 9-2016), cũng có các tác giả tự chọn những bài thơ “hướng ngoại” của mình để giới thiệu với công chúng và đồng nghiệp. Thật đáng tiếc là số tác giả như trên chiếm một tỷ lệ rất thấp trong tập tuyển và những tác phẩm mà họ giới thiệu cũng chưa tạo được ấn tượng vượt trội so với những bài thơ “hướng nội” của chính họ. Ấy là chưa kể nhiều bài thơ viết về những người lao động, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người lính, biển, đảo, thương binh-liệt sĩ... cảm xúc còn sống sít, liên tưởng gượng gạo, thi ảnh mòn cũ. Hạn chế này một phần do vốn sống, một phần do sự “ít quan tâm, ít hứng thú” khá phổ biến của những người viết trẻ như vừa nói trên đây.
Rõ ràng để khắc phục hạn chế mang tính thế hệ trên đây, bên cạnh sự nỗ lực sáng tạo của những người viết trẻ, rất cần sự quan tâm hợp lý và hiệu quả của cộng đồng-xã hội, trước hết là các ngành văn hóa, giáo dục và các tổ chức đoàn thể chính trị-nghề nghiệp. “Quan tâm hợp lý và hiệu quả” là một khái niệm có vẻ chung chung, trừu tượng. Nhưng thực tiễn nền văn học cách mạng của dân tộc ta hơn 70 năm qua, nhất là văn học kháng chiến cứu nước, là nền văn học có tổ chức, với những thành tựu rực rỡ. Và chắc chắn những kinh nghiệm quý báu của nền văn học có tổ chức ấy vẫn hết sức thiết thực đối với sự nghiệp vun trồng những tài năng văn học trẻ của đất nước hiện nay.
BÙI ĐỨC THỌ