Vết nứt lần đầu được phát hiện vào năm 2005, dài 56km, đang ngày càng mở rộng với tốc độ 1,27cm mỗi năm. Trọng tâm của sự thay đổi này là Hệ thống đứt gãy Đông Phi (East African Rift System), một mạng lưới đứt gãy và khe nứt khổng lồ đang định hình lại địa lý của khu vực với tốc độ nhanh hơn. Hệ thống đứt gãy Đông Phi kéo dài từ Biển Đỏ ở phía Bắc đến Mozambique ở phía Nam, chạy qua các nước như: Ethiopia, Kenya, Tanzania và Uganda.
Hệ thống đứt gãy Đông Phi là nơi duy nhất trên trái đất mà lớp vỏ lục địa đang tách ra để cuối cùng hình thành lớp vỏ đại dương.
Các nhà khoa học ước tính rằng các mảng kiến tạo trong khu vực này-mảng châu Phi Nubian và mảng Somali-đang tách ra khỏi nhau với tốc độ khoảng 0,8cm mỗi năm.
    |
 |
Một vết nứt dài 56km nằm ở sa mạc Ethiopia, lần đầu được phát hiện vào năm 2005, đang ngày càng mở rộng với tốc độ 1,27cm. Ảnh: The Sun
|
Đây là dấu hiệu của một quá trình địa chất đang dần chia tách khu vực này với tốc độ đáng kinh ngạc và có tiềm năng hình thành một đại dương mới sâu như Đại Tây Dương trong tương lai.
Theo Giáo sư Ken Macdonald (Đại học California, Santa Barbara) giải thích: "Chuyển động giữa các mảng kiến tạo tạo ra sự trượt, đứt gãy dẫn đến hoạt động động đất và các dấu hiệu của núi lửa". Trước đây, các nhà nghiên cứu dự đoán quá trình tách này sẽ mất hàng chục triệu năm. Tuy nhiên, Giáo sư Ken Macdonald nhận định rằng sự kiện này có thể xảy ra trong khoảng 1-5 triệu năm. Ông cho rằng, nước từ Ấn Độ Dương sẽ tràn vào, làm ngập khu vực thung lũng Rift Đông Phi, tạo ra một đại dương mới sâu tương đương Đại Tây Dương nếu dòng nước tiếp tục chảy.
Cựu cố vấn NASA và Lực lượng Không gian Alexandra Doten giải thích trên kênh Instagram Astro Alexandra rằng, Đông Phi nằm trên mảng Somali, với ranh giới là các hồ lớn ở châu Phi-nơi chứa 25% lượng nước ngọt không đóng băng của hành tinh và 10% loài cá trên thế giới. Những hồ này hình thành do sự chia tách địa chất, khi mảng Somali di chuyển xa hơn về phía Đông, tạo ra một thung lũng rạn nứt khổng lồ.
Các hồ hình thành do Đông Phi đang tách khỏi phần còn lại của lục địa. Mảng Somali tiếp tục di chuyển xa hơn về phía Đông, tạo ra một thung lũng rạn nứt khổng lồ ở đây.
Sự hình thành đại dương mới còn rất xa nhưng các nghiên cứu đã khẳng định rằng, Đông Phi đang trải qua một hành trình địa chất đầy biến động và thú vị.
HÀ PHƯƠNG