Tặng để nhận lại niềm vui

Về công tác tại Thanh Hóa, một lãnh đạo địa phương giới thiệu với chúng tôi về cựu chiến binh (CCB), thương binh Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn đầy vẻ tự hào: “Hằng năm, công ty này trích lợi nhuận từ 600-800 triệu đồng để làm công tác từ thiện xã hội như giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam, đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh khó khăn là con CCB, nhận phụng dưỡng 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…”.

Được biết, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được anh Nở nhận phụng dưỡng với số tiền 48 triệu đồng/năm là: Mẹ Vũ Thị Lơi, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa; mẹ Vũ Thị Đàm, xã Hoằng Khê, huyện Hoằng Hóa; mẹ Nguyễn Thị Hữu, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa; mẹ Lê Thị Son, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa.

Trong các cháu được nhận đỡ đầu, có 4 cháu mồ côi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã Hoằng Châu, Hoằng Hợp, Hoằng Trinh, Hoằng Sơn. Đó là các cháu Cao Thị Trang, Phạm Phương Nam, Lê Thị Tâm, Hoàng Văn Cao, được công ty nhận đỡ đầu với số tiền 24 triệu đồng/năm.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Duy Nở

Cháu Lê Thị Tâm đang là học sinh lớp 8. Số phận sinh ra không được may mắn. Tâm mồ côi cha, thường xuyên phải đi bệnh viện vì căn bệnh hiểm nghèo. Gia đình thuần nông, không có nghề gì ngoài làm ruộng. Lại thêm mẹ đau yếu nên thu nhập nhà nông đã nghèo càng nghèo hơn. Cái nghèo, cái khó, cái cô đơn cùng ập đến khiến cho gia cảnh càng trở nên cùng quẫn, mẹ con côi cút dìu nhau đi qua những ngày tháng gian truân. Rồi số phận cũng mỉm cười khi hai mẹ con gặp anh Nở và được giúp đỡ về vật chất. Tuy là ít ỏi nhưng đã đem lại hơi ấm tình người, niềm tin vào cuộc sống, một điểm tựa tinh thần để hai mẹ con cháu Tâm tiếp tục bước đi.

Chị Nguyễn Thị Phơ-Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hằng năm, anh Nở vẫn trực tiếp về đây trao tiền và quà giúp đỡ những người khó khăn đặc biệt. Khi bận không về được thì anh gửi qua hội. Bất cứ khi nào chúng tôi kêu gọi, anh đều ra tay giúp đỡ. Anh là người vừa có tài vừa có tâm, có đức rất đáng trân trọng”.

Từ năm 2010 đến nay, anh Nguyễn Duy Nở đã làm hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, các gia đình có công với nước với trị giá hàng trăm triệu đồng. Của ít lòng nhiều và khi được trao vào những dịp đặc biệt như ngày 27-7 lại càng trở nên ý nghĩa. Các đồng đội là thương binh như ông Nguyễn Viết Thú, thôn 4, xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và bà Nguyễn Thị Hương, thôn Đồng Lòng, xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã rất xúc động khi nhận số tiền 60 triệu đồng hỗ trợ làm nhà tình nghĩa. Đối với đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như ông Nguyễn Xuân Khải, CCB ở xã Hoằng Long, TP Thanh Hóa được hỗ trợ nhà tình nghĩa trị giá đến 120 triệu đồng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Nở bộc bạch thêm: “Tôi luôn tâm niệm rằng, tặng đi vật chất là để nhận lại niềm vui, để biết ơn cuộc đời đã cho tôi những may mắn”.

Đi lên từ gian khó

Khi đất nước thống nhất, từ đơn vị C4, D15, E537, Trung đội trưởng, Thiếu úy Nguyễn Duy Nở phục viên trở về. Vừa đặt ba lô xuống, anh hỏi ngay tình hình về 4 người bạn cùng nhập ngũ với mình năm ấy và được biết họ đã hy sinh. Chiến tranh là vậy! Không chỉ riêng anh may mắn mà trong gia đình còn có hai người nữa chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam của Tổ quốc đều quay trở về.

Giọng anh chợt trở nên xa xăm. Gương mặt như rắn rỏi, cương nghị hơn, anh trầm ngâm kể: “Cũng như bao chiến sĩ trở về từ chiến trường, gia tài tôi đem theo chỉ là một cái khung xe đạp. Gia đình tôi lúc đó nghèo lắm. Cả nhà có 6 anh em trai và 1 em gái sống chung trong ngôi nhà tranh vách đất rách nát”.

Có một điều ít ai biết, đó là 5 cặp vợ chồng của anh em nhà anh Nở cùng ở chung trong một ngôi nhà tranh ấy suốt nhiều năm. Tuy nhiên, họ không hề có lời qua tiếng lại với nhau. Họ phân công lao động hợp lý và rất đoàn kết, yêu thương nhau... “Môi trường quân đội đã rèn luyện những đức tính khiến chúng tôi thành công trong làm ăn kinh tế. Khi cả mấy anh em trai lấy vợ, chúng tôi vẫn ở trong ngôi nhà tranh do bố mẹ để lại. Giường của các cặp vợ chồng được kê sát nhau và ngăn cách bằng tấm ri đô vải”-anh Nguyễn Duy Nở kể tiếp cho chúng tôi nghe về những năm gian khó của đại gia đình.

Có lẽ, do cái nghèo ám ảnh đã hun đúc ý chí của anh cùng các em quyết tâm làm kinh tế. Ban đầu, họ đấu thầu 6 sào ao nuôi cá và phân công nhau canh gác. Đêm đến, chỉ cần bấm nhau là dậy thay ca, không cần nói nhiều. Có lẽ truyền thống gia đình bộ đội đã rèn luyện cho mấy anh em tính đoàn kết và kỷ luật cao. Sau đó, họ tiếp tục nuôi bò, rồi lợn, gà. Khá giả hơn một chút mua xe công nông, rồi xe ô tô. Năm 2002, anh Nguyễn Duy Nở cùng một người em trai tách ra mở công ty chuyên về lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải và xây dựng các công trình giao thông thủy lợi.

Ban đầu, công ty chỉ có số vốn điều lệ ít ỏi 1,8 tỷ đồng và đầy rẫy khó khăn. Song phẩm chất của người lính không chịu khuất phục đã giúp anh Nở đưa công ty vượt qua mọi gian nan. Đến nay, công ty đã đứng vững trên thị trường với tài sản gồm hơn 40 xe ô tô vận tải, hơn 40 đầu máy công trình các loại và nhiều thiết bị thi công khác trị giá hàng trăm tỷ đồng. Điều đặc biệt là, trong số 330 lao động của công ty, chủ yếu là con em CCB và người có công tại địa phương; mức thu nhập từ 7 triệu đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Trong chiến đấu cũng như trong lao động sản xuất, anh Nguyễn Duy Nở được tặng nhiều huân chương, huy chương, như: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Kháng chiến hạng Nhất... Những năm gần đây, anh là một trong số ít người được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (2017), Nhì (2010), Ba (2005); 3 lần liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc… cùng rất nhiều danh hiệu khác...

Còn nhiều việc anh Nguyễn Duy Nở phải suy nghĩ, phải làm để gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng. Dù trong hoàn cảnh nào thì chất lính Trường Sơn năm xưa trong con người ấy vẫn vẹn nguyên. Lời thề danh dự của quân đội: “Hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận” luôn là mệnh lệnh để anh nỗ lực trong công việc, làm giàu và chia sẻ thành quả với những đồng đội một thời khói lửa.

Bài và ảnh: KIM THANH