“Chân đồng vai sắt”
Phóng viên (PV): Trận tập kích hỏa lực pháo binh vào căn cứ Cồn Tiên-Dốc Miếu ở Gio Linh (Quảng Trị) tháng 3-1967 có phải là điều căn cốt để Bác Hồ gửi thư khen BĐPB, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Đình Nam: Trước đó, thành tích của BĐPB phải kể đến Chiến thắng Sông Lô-Việt Bắc (năm 1947), Chiến dịch Biên giới (năm 1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954)... Tuy nhiên, đòn giội bão lửa chính xác vào căn cứ Cồn Tiên-Dốc Miếu là một trong nhiều chiến công oanh liệt, chiến lệ kinh điển của BĐPB Việt Nam. Đó là trận chiến lịch sử, đế quốc Mỹ sử dụng nhiều trận địa pháo lớn ở sông Bến Hải bắn phá ác liệt dọc khu giới tuyến Vĩnh Linh. Cùng với các lực lượng khác, BĐPB đã đồng loạt nổ súng trừng trị thích đáng pháo binh địch. Trong trận đánh ngày 20-3-1967 tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, BĐPB đã phá hủy 17 khẩu pháo, 57 xe quân sự, 5 máy bay trực thăng, loại khỏi vòng chiến đấu 1.100 tên địch. Được tin pháo ta thắng lớn ngày 13-4-1967, Bác Hồ gửi thư khen, trong đó có 8 chữ vàng truyền thống: “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.
|
|
Đại tá Nguyễn Đình Nam. Ảnh: KIÊN THÁI |
Cội nguồn điển hình của phẩm chất “chân đồng vai sắt” là nói tới BĐPB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch này, BĐPB đã làm nên kỳ tích trong chiến tranh, cơ động pháo, xe kéo bằng sức người trên địa hình rừng núi hiểm trở; bảo đảm bí mật, bất ngờ, chuyển hóa thế trận pháo binh từ đáp ứng phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang thế trận pháo binh hiểm hóc để “đánh chắc, tiến chắc”.
“Chân đồng vai sắt” của BĐPB là sự khẳng định trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân. Bất cứ trong hoàn cảnh chiến đấu nào, “đâu cần pháo binh có, khó mấy pháo binh cũng vượt qua”. Đó là ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, cơ động nhanh... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ý chí tự lực, tự cường thể hiện trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng chủ động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để bộ đội có thể lực cường tráng. Suy cho cùng, vũ khí trang bị kỹ thuật có hiện đại đến đâu nhưng con người vẫn là yếu tố quyết định.
“Chân đồng vai sắt” là phát huy nhân tố con người, trong bất luận hoàn cảnh nào, BĐPB cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong giai đoạn mới, hơn lúc nào hết, BĐPB phải thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; nhận rõ âm mưu, bản chất kẻ thù, xác định rõ đối tượng và đối tác, không mơ hồ mất cảnh giác, lơi lỏng ý chí chiến đấu; sẵn sàng chuẩn bị tốt mọi mặt: Chính trị, tư tưởng, con người, vũ khí trang bị, góp phần làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch.
PV: Với vũ khí thô sơ, làm thế nào để BĐPB viết nên nhiều kỳ tích trong chiến tranh như vậy?
Đại tá Nguyễn Đình Nam: Ở Bảo tàng Lực lượng Pháo binh, những hiện vật đã nói lên điều đó. Những ngày đầu mới xây dựng lực lượng, vũ khí trang bị đơn sơ, không đồng bộ, BĐPB đã sáng tạo sử dụng mọi phương tiện thô sơ để cơ động pháo (tháo pháo để khiêng vác, vận chuyển bằng bè mảng...). Theo đó, BĐPB hành quân sử dụng “nạng chống, đòn khiêng, vai trần, chân đất” để khiêng vác, gùi thồ những cỗ pháo nặng vượt qua đèo dốc hiểm trở, kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra. Ngày đó, thiếu thốn, khó khăn muôn phần, nhưng với khẩu hiệu “Vai trăm cân, chân ngàn dặm” đã thôi thúc, cổ vũ, động viên BĐPB ngày đêm không quản hy sinh, gian khổ để khiêng vác súng pháo tham gia các chiến dịch. Với ý chí kéo pháo lên cao, vào gần nã đạn chính xác vào đầu quân địch và phương châm đặt gần, bắn trúng để bắn trúng mục tiêu từ viên đạn đầu, có thể nói, làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là ý chí sắt đá quyết chiến, quyết thắng của BĐPB.
|
|
Học viên Trường Sĩ quan Pháo binh huấn luyện trinh sát đo đạc (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: DOÃN THƯỞNG |
Hoạt động của BĐPB mang tính đặc thù nên đòi hỏi mỗi tổ chức và cá nhân phải luôn nêu cao tính kỷ luật, hiệp đồng chặt chẽ (đài quan sát và trận địa; trinh sát và kế toán; pháo thủ với thông tin; các pháo thủ trong một khẩu đội; giữa các khẩu đội và trung đội với nhau...). Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể là kết quả quá trình rèn luyện của BĐPB bền bỉ liên tục, tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, dũng cảm, can trường, sẵn sàng hy sinh để cứu pháo, cứu đồng đội...
“Đánh giỏi, bắn trúng”
PV: Vậy, nội hàm“đánh giỏi, bắn trúng” được BĐPB cụ thể hóa ra sao, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Đình Nam: Đó là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam vào cách đánh, trình độ kỹ chiến thuật, tổ chức hỏa lực linh hoạt; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn, thử thách cam go, ác liệt đã giúp BĐPB tạo nên hiệu suất cao “đánh giỏi, bắn trúng”. Mở màn thắng lợi của BĐPB là Chiến thắng Sông Lô-Việt Bắc dùng cách đánh độc lập, đặt gần, bắn thẳng. Tháng 3-1953, khi đến thăm Đại đoàn Công pháo 351, Bác Hồ căn dặn: “Muốn thắng địch phải khiêng pháo đi xa, đưa pháo vào gần đồn địch mà bắn, bắn trăm phát trúng cả trăm thì đồn nào mà chẳng hạ được...”. Lời dạy của Người trở thành tư tưởng chỉ đạo tác chiến, phương châm hành động cho BĐPB đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đó là tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ngoan cường trong chiến đấu và huấn luyện SSCĐ của BĐPB. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, BĐPB cũng luôn vận dụng tư tưởng chủ động tiến công, kiên quyết, lấy ít đánh nhiều, mưu trí, sáng tạo, lấy pháo đạn địch đánh địch. Chính nhờ sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, chuẩn bị chu đáo, nắm chắc thời cơ, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ nên BĐPB đã đưa pháo vào tầm bắn có hiệu quả, bắn ít đạn nhưng hiệu suất chiến đấu rất cao. Muốn đánh giỏi là phải bắn trúng, đúng thời cơ, tiêu diệt được nhiều sinh lực và hỏa lực địch, đây là yếu tố cơ bản nhất.
“Đánh giỏi, bắn trúng” là mỗi cán bộ, chiến sĩ pháo binh luôn chủ động tự học, tự quản, tự rèn, tự đổi mới và sáng tạo để nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ và chiến đấu; đột phá để khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Chú trọng rèn luyện bộ đội nâng cao khả năng cơ động trong điều kiện tác chiến ban đêm, môi trường tác chiến phức tạp, nguy hiểm...
PV: Đồng chí có thể kể những sáng tạo về cách đánh trong chiến tranh cũng như sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của BĐPB thời bình?
Đại tá Nguyễn Đình Nam: Mỗi trận đánh đều có những đặc thù, vì vậy hành động chiến đấu của BĐPB phải luôn luôn sáng tạo. Tôi xin nêu vài ví dụ tiêu biểu như: Đầu năm 1953, làm thế nào để vận chuyển cả một trung đoàn pháo binh xe kéo về nơi tập kết an toàn mà địch không thể phát hiện? Và sáng kiến bất ngờ, táo bạo đó là tháo rời các bộ phận xe, pháo đặt trên bè mảng, theo đường sông vượt thác ghềnh để chuyển vũ khí trang bị vào các chiến trường. Những đồng chí từng trải sông nước, sức khỏe dẻo dai được phân công chèo, chống đi đúng lạch luồng, dòng chảy... Cứ như thế, những mảng bè được ngụy trang bồng bềnh vượt qua thác ghềnh đêm đi, ngày nghỉ đã vượt qua mưa bom bão đạn, hoàn thành thắng lợi những cuộc hành quân lịch sử của BĐPB trên sông nước...
Ngoài ra, với phương châm “đặt gần, bắn thẳng”, BĐPB còn phối hợp với du kích địa phương sơn đen quả bưởi để giả làm thủy lôi thả trôi giữa sông, lừa tàu địch né tránh đi sát gần bờ để pháo ta dễ bề tiêu diệt... Đặc biệt, công trình “Nghệ thuật sử dụng pháo hỏa tiễn mang vác A12, H12, DKB của BĐPB trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” được tặng Giải thưởng Nhà nước. Và những năm gần đây, các đề tài: “Nghệ thuật sử dụng tên lửa đất đối đất trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”; “Cài đặt phần mềm ứng dụng bắn biển”; “Cách đánh của pháo binh”... đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy quân sự, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa vào nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ...
|
|
Trận địa pháo BM21 của Lữ đoàn Pháo binh 204 (Binh chủng Pháo binh) bắn trình diễn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: DOÃN THƯỞNG |
Ngày nay, nội hàm của “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” được cụ thể hóa tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng Pháo binh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025), trong đó xác định: “... Lãnh đạo xây dựng binh chủng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng binh chủng hiện đại, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Trước sự phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, cùng đối tượng tác chiến mới, Binh chủng Pháo binh luôn chú trọng nghiên cứu phát triển nghệ thuật sử dụng pháo binh trong các loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch và các hình thức chiến thuật mới. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, Binh chủng Pháo binh luôn tự hào về truyền thống anh hùng “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”. BĐPB Việt Nam xứng đáng là hỏa lực chủ yếu của lục quân, hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội ta trong chiến lược phòng thủ đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
THÁI TUẤN (thực hiện)