Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, quân đội, trong đó mỗi quân, binh chủng với những bản sắc văn hóa riêng làm phong phú những giá trị văn hóa quân sự, trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc. Vậy khi nói đến bản sắc văn hóa quân sự của mỗi quân, binh chủng cần hiểu như thế nào?
PGS, TS Văn Đức Thanh: Quan niệm về văn hóa quân sự đã có từ thế kỷ trước nhưng chưa được quan tâm một cách khoa học. Đâu đó có xuất hiện cụm từ “văn hóa quân sự” thì cũng thường được hiểu là lĩnh vực văn hóa trong quân đội. Nhưng khi quan niệm về văn hóa ngày càng được hiểu sát, đúng hơn thì văn hóa quân sự-lĩnh vực đặc thù của văn hóa-là tổng hòa những dấu ấn sáng tạo và nhân văn nảy sinh từ bản thân tổ chức và hoạt động quân sự của cộng đồng, kết tinh thành hệ thống giá trị chân-thiện-mỹ và được phong hóa theo tiến trình lịch sử, phản ánh sự phát triển trình độ người trong lĩnh vực quân sự của đời sống xã hội, đồng thời tác động mạnh mẽ trở lại con người và cộng đồng quân sự bằng sức mạnh chân-thiện-mỹ của nó.
    |
 |
PGS, TS Văn Đức Thanh. Ảnh: THU HÒA |
Từ thời xa xưa, người Việt có tư duy quân sự cũng là văn hóa quân sự độc đáo, đặc biệt, trong quá trình tác chiến vận dụng rất linh hoạt. Sau này, khi quân đội chính thức ra đời và xuất hiện các quân, binh chủng độc lập, thì mỗi quân, binh chủng đã từ yêu cầu chiến đấu, đồng thời cũng cải biến những gì thuộc về sắc thái, bản sắc quân sự riêng của dân tộc sang sao cho phù hợp với quân, binh chủng mình, tạo nên truyền thống, bản sắc-màu gốc từ quá trình chiến đấu. Bắn pháo cao xạ, theo lý thuyết nguyên tắc tác chiến thì khi máy bay địch ném bom, tất cả vào trú ẩn để bảo đảm an toàn, địch ném bom xong thì mới ra bắn, nhưng bộ đội ta phát hiện chính lúc địch bổ nhào xuống ném bom, mục tiêu rõ ràng cũng là thời cơ tốt nhất để ta nổ súng. Vậy nên câu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” không chỉ thể hiện sự dũng cảm trong chiến đấu mà còn là truyền lại kinh nghiệm, cách đánh mang bản sắc riêng của bộ đội phòng không Việt Nam. Phương pháp bắn 3 điểm, trong điều kiện địch gây nhiễu rất mạnh, không xác định rõ mục tiêu cũng vậy. Bộ đội pháo binh, tăng thiết giáp, hải quân... cũng đều có những bài riêng, bài tủ trong tác chiến tạo thành sắc thái văn hóa quân sự của từng quân, binh chủng. Sắc thái này đôi khi còn biểu hiện ra như ta hay nói vui là bệnh nghề nghiệp, thấy anh nào mồm miệng “tép nhảy” thì dễ đó là lính thông tin, nói gằn tiếng rất dễ là lính tăng, trau chuốt, nhẹ nhàng dễ là phi công...
Như thế, có thể hiểu bản sắc văn hóa quân sự của mỗi quân, binh chủng chính là những nét riêng, độc đáo, khó lẫn với các quân, binh chủng khác; có thể được biểu hiện bằng nhận diện bề ngoài, chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, nghệ thuật quân sự, có thể bằng những hành vi, quan hệ cộng đồng, biểu trưng, biểu tượng (vật thể là trang phục, phù hiệu... và phi vật thể như là pháo binh bền bỉ, đặc công khôn khéo, xe tăng khỏe mạnh dứt khoát)... Bản sắc ấy như là màu gốc, có thể thu hút những yếu tố khác vào mà không bị biến đổi, càng sáng bừng không gian, truyền qua thời gian.
PV: Màu gốc-bản sắc văn hóa quân sự của quân, binh chủng ra đời và phát triển với những dấu ấn sâu đậm trong quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Vậy làm thế nào để bản sắc ấy qua thời gian càng sáng bừng lên, thưa đồng chí?
PGS, TS Văn Đức Thanh: Đời sống văn hóa của một cộng đồng hay dân tộc bao giờ cũng có cái gốc rất cơ bản đi xuyên qua thời gian càng ngày càng dày, càng đậm lên, lằn sâu vào đời sống. Không chỉ gìn giữ, phát huy những giá trị đã có, bản sắc văn hóa cần liên tục tiếp biến-được hiểu là tiếp nhận yếu tố mới và biến đổi trở thành giá trị, bản sắc của riêng mình. Quá trình tiếp biến văn hóa tôi đúc kết thành 3 quy luật: Tích hợp và lan tỏa; kế thừa vượt gộp; giao thoa và tiếp biến, để thể hiện 3 khía cạnh khác nhau của văn hóa. Bản sắc văn hóa quân sự của mỗi quân, binh chủng phải liên tục tiếp nhận các giá trị vào bản thân nó, đồng thời nó cũng chỉ có thể tồn tại bằng cách tỏa sáng các giá trị của mình ra như quá trình đồng hóa và dị hóa của một cơ thể sống.
PV: Giai đoạn hiện nay, sự thay đổi của đời sống xã hội và phát triển của khoa học công nghệ kéo theo những thay đổi lớn trong lĩnh vực quân sự, tiếp biến bản sắc văn hóa quân sự các quân, binh chủng đặt ra những đặc điểm gì, thưa đồng chí?
PGS, TS Văn Đức Thanh: Quá trình tiếp biến được tiếp nhận các “màu”, yếu tố mới sẽ làm cho màu gốc đẹp hơn, hoặc cũng có thể làm hỏng, mất đi cái riêng. Cho nên khi nói đến tiếp biến văn hóa thì biến đổi như thế nào cho có lợi, đó lại là câu chuyện không dễ dàng với mỗi quân, binh chủng.
Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng về mọi mặt tạo ra nhiều cơ hội cho các quân, binh chủng trong lan tỏa bản sắc văn hóa quân sự, đồng thời tiếp nhận những tinh hoa văn hóa quân sự của thế giới. Các hoạt động tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch... chính là dịp để văn hóa quân sự thể hiện. Rồi tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, giao lưu quân sự, đối ngoại quốc phòng là những lĩnh vực cho phép văn hóa quân sự nói chung, văn hóa quân sự các quân, binh chủng nói riêng được dịp trổ mã ít nhiều. Đây cũng là kênh hiệu quả để hút tinh hoa quân sự thế giới vào Việt Nam, nhất là với các quân, binh chủng non trẻ, yêu cầu hiện đại để làm giàu bản sắc.
Lịch sử dân tộc ta đã minh chứng người Việt vốn rất khôn khéo, tỉnh táo, nên chẳng dễ gì làm mất đi bản sắc, trong quân sự cũng vậy, như truyền thống từ thời cha ông đã có. Vì thế, tôi tin thế hệ Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới cũng sẽ biết chắt lọc, tiếp nhận những giá trị phù hợp, hay, đẹp để tô đậm bản sắc văn hóa quân sự cho mỗi quân, binh chủng.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
DƯƠNG HÒA (thực hiện)