Thiếu tướng BÙI HỒNG QUANG, Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu: Cơ động nhanh, bảo đảm công binh giỏi
Những năm gần đây, công tác huấn luyện của Binh chủng Công binh liên tục được chú trọng và đã tập trung đột phá, đổi mới theo hướng sát thực tế, gắn với tình huống trong chiến đấu.
    |
 |
Thiếu tướng Bùi Hồng Quang. Ảnh: THÁI TUYỂN |
Nội dung huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên môn binh chủng của bộ đội công binh rất đa dạng, tính đặc thù cao. Gần đây, Cục Quân huấn đã kiểm tra tuần đầu, tháng đầu về công tác huấn luyện, SSCĐ của các cơ quan, đơn vị Binh chủng Công binh, đặc biệt là kiểm tra chất lượng huấn luyện đội tuyển công binh sẵn sàng tham gia Hội thao Quân sự quốc tế 2022 (Army Games 2022) và nhận thấy công tác tổ chức huấn luyện rất tốt. Có thể nói, nhờ các giải pháp đột phá, đặc biệt là phát huy nội lực, sự sáng tạo và khai thác hiệu quả các nguồn lực, các cơ quan, đơn vị của binh chủng đã tập trung đổi mới quản lý, điều hành huấn luyện theo đúng phân cấp, thành nền nếp, thực chất. Việc tổ chức điều hành huấn luyện của các cơ quan, đơn vị của Binh chủng Công binh rất chặt chẽ, đã chủ động và linh hoạt điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. Bên cạnh đó, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong binh chủng cũng tổ chức tốt việc đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện. Binh chủng coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra huấn luyện đêm đối với các cơ quan, đơn vị; đánh giá kết quả huấn luyện thực chất, không chạy theo thành tích.
Các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng Công binh cũng đã tích cực đổi mới về tổ chức và phương pháp huấn luyện; bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính, trong đó huấn luyện cán bộ là then chốt; chú trọng huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị, khí tài mới, hiện đại gắn với các tình huống tác chiến. Qua kiểm tra thực tế nhận thấy, các cơ quan, đơn vị của Binh chủng Công binh đã đẩy mạnh đột phá huấn luyện đêm nhằm nâng cao khả năng cơ động, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm công binh trong chiến đấu.
Bên cạnh đó, binh chủng cũng đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng công binh toàn quân tổ chức huấn luyện theo hướng thiết thực, vững chắc; chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên ngành công binh ở các địa phương. Để đạt được yêu cầu cơ động nhanh, bảo đảm công binh giỏi thì các cơ quan, đơn vị trong binh chủng cũng cần chú trọng vấn đề huấn luyện thể lực, rèn luyện sức khỏe bộ đội thành nền nếp vững chắc hơn.
THẢO TRANG (ghi)
Thượng tá PHẠM TUẤN LỰC, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 229 (Binh chủng Công binh): Rút kinh nghiệm ngay trên thao trường
Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng công trình quốc phòng, Lữ đoàn 229 được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Công binh giao tổ chức huấn luyện lực lượng công binh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, huấn luyện đội tuyển tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), huấn luyện đội cứu sập ASEAN, huấn luyện phòng, chống khủng bố. Đây là những nhiệm vụ mới, yêu cầu cao, đòi hỏi phải có quá trình tổ chức thực hiện chặt chẽ, khoa học.
    |
 |
Thượng tá Phạm Tuấn Lực. Ảnh: HỒNG SÁNG |
Để bảo đảm huấn luyện tốt, nhiều năm qua, chỉ huy Lữ đoàn 229 đã tích cực đổi mới xây dựng kế hoạch và tổ chức điều hành huấn luyện. Lữ đoàn đã coi trọng huấn luyện cán bộ, lấy đó làm khâu đột phá. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, lữ đoàn đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ; trọng tâm là cán bộ phân đội trực tiếp giảng bài, hướng dẫn luyện tập; coi trọng tập huấn nội dung mới, nội dung khó, nhất là huấn luyện chiến sĩ mới, huấn luyện chuyên ngành công binh. Đặc biệt, lữ đoàn đã chỉ đạo những đồng chí nhiều kinh nghiệm kèm, bồi dưỡng những cán bộ mới ra trường để chất lượng huấn luyện được nâng lên đồng đều, kiên quyết không để đơn vị huấn luyện yếu.
Một trong những đặc thù của bộ đội công binh, đó là huấn luyện làm chủ xe, máy công trình, nhất là khí tài, trang bị hiện đại mới được biên chế. Những nội dung huấn luyện này thường có tính hiệp đồng cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Thế nên, quá trình huấn luyện phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc và coi trọng kiểm tra, giám sát. Nhờ làm tốt công tác tổ chức huấn luyện và đặc biệt là đánh giá chính xác kết quả, rút kinh nghiệm ngay sau mỗi buổi huấn luyện tại thao trường, bãi tập nên hiện nay ở Lữ đoàn 229 tuyệt đối không có hiện tượng huấn luyện chay, huấn luyện lướt hoặc các biểu hiện báo cáo khống, chạy theo thành tích trong huấn luyện.
ĐỨC TÂM (ghi)
Đại tá GIANG CÔNG BÁU, Phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC): Thúc đẩy hợp tác làm sạch bom, mìn
Sau 10 năm triển khai Chương trình hành động bom, mìn quốc gia, với sự nỗ lực của bộ đội công binh, sự chung tay của các nước và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã giải phóng, làm sạch gần 500.000ha ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ.
    |
 |
Đại tá Giang Công Báu. Ảnh: HÀ HÙNG |
Có nhiều nguyên nhân đạt được kết quả trên, trong đó đáng chú ý là sự nỗ lực tham mưu của VNMAC về kêu gọi chính phủ, các tổ chức trên thế giới cùng chung tay, hỗ trợ nguồn lực, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra. Sự tin tưởng, giúp đỡ của chính phủ các nước: Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Na Uy, Đức, Australia... và các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc: UNDP, UNICEF cùng nhiều tổ chức, nhà tài trợ (NPA, Golden West, MAG, GICHD, IC, SODI, Peace Tree...) đã viện trợ không hoàn lại 95,5 triệu USD, giúp nhiều vùng đất được làm sạch, hạn chế nạn nhân bị tai nạn bom, mìn và tạo vốn hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân, nhân dân vùng ô nhiễm ổn định cuộc sống.
Có thể nói, đội ngũ cán bộ, nhân viên của VNMAC đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, nghiêm túc tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý của các nước, các chuyên gia nước ngoài trong quản lý, điều phối, điều hành công tác rà phá bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh trung thực và hiệu quả, tạo dựng niềm tin cho đối tác. Cũng nhờ những nỗ lực này mà trình độ, năng lực tổ chức rà phá của lực lượng công binh toàn quân không ngừng nâng cao, ngày càng chuyên nghiệp hơn, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt bè bạn quốc tế.
Để tiếp tục thu hút nguồn lực giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trong xử lý loại ô nhiễm đặc biệt nguy hiểm này, những năm tới, VNMAC đặt ra mục tiêu là tổ chức thực hiện các dự án đã ký kết tốt hơn nữa; tăng cường hiệu quả Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (MAPG); đẩy mạnh công tác truyền thông trong nước và quốc tế; kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh thông qua nhiều kênh ngoại giao. Chú trọng tham mưu, đưa việc kêu gọi tài trợ vào các chương trình làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến thăm, làm việc chính thức với các quốc gia. VNMAC xác định cần phải tích cực đổi mới, đặc biệt là nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử, tạo niềm tin với đối tác, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp.
XUÂN TRƯỜNG (ghi)