Chiêu thức tinh hoa
Đến thăm Đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, chúng tôi gặp các chiến sĩ đặc công đang trần mình luyện tập võ thuật với các binh khí như: Thương, đao, côn nhị khúc, kiếm; thêm cả gạch, đá tảng… Trung tá Bùi Quang Trung, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn, tươi cười: “Đây chỉ là buổi tập luyện bình thường. Hôm nay, các chiến sĩ biệt động sẽ trình diễn cho các anh được “thực mục sở thị” khả năng đặc biệt võ đặc công”.
Tiến về phía sân bê tông, chúng tôi thấy một lớp mảnh thủy tinh được trải sẵn trên nền. Sau một vài động tác vận khí, Thượng úy QNCN Nguyễn Mạnh Cường mình trần thản nhiên nằm đè lưng lên lớp thủy tinh, vẻ mặt không chút biến sắc. Một chiến sĩ tiến lại gần đặt một tấm ván rộng khoảng 30cm, dài 3m lên ngang bụng Cường. Từ phía xa, chiếc xe Wave màu đỏ chở 2 chiến sĩ rồ ga lao qua tấm ván. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi có cảm giác như hàng trăm mảnh thủy tinh sắc ngọt vừa lướt qua lưng. Thế nhưng, Cường bình thản đứng dậy. Ra tận nơi chạm tay lên lưng anh, chỉ thấy vết lõm nhẹ, không hề thấy một vết trầy xước.
Chiến sĩ đặc công biểu diễn các "đặc sản" võ thuật. Ảnh: QUANG TRUNG
Chúng tôi lùi ra xa 5m, Cường lại tiếp tục vận khí, xuống tấn, hai tay dang ngang. Hai chiến sĩ cầm thanh gỗ dài, đường kính cỡ cổ tay, thay nhau đập cánh tay, cổ chân Cường. Sau mỗi tiếng hét “hây aaa..”, những thanh gỗ lần lượt bị gãy gập làm đôi. Lúc này, trên khuôn mặt và cơ thể Cường, mồ hôi đã chảy nhễ nhại. Chúng tôi tiến lại, cầm khúc gỗ gãy gõ vào nhau, phát ra tiếng kêu “cắc cắc…” chắc nịch. Anh Trung hồ hởi nói: “Các anh thấy công phu của những chiến sĩ thế nào?”. Quả thật, ngay lúc đó, chúng tôi chỉ biết trầm trồ thán phục: “Với những người có tiền sử bệnh yếu tim, trẻ nhỏ thì không thể cho xem những màn biểu diễn này được”.
Sự xuất hiện của Thượng tá Hoàng Anh Dũng, Chính ủy Đoàn, làm cho bầu không khí luyện tập càng trở nên phấn khích. Sau tiết mục biểu diễn của Cường, một số chiến sĩ biểu diễn tiếp phần nội công như dùng mũi giáo tì vào yết hầu đẩy ô tô nặng 12 tấn, kê 5 viên gạch lên đầu dùng búa tạ đập vỡ gạch, tay không tì lên 5 viên ngói đỏ dùng đá tảng ném lên tay làm vỡ ngói…
Anh Dũng giải thích với chúng tôi, đó mới chỉ là phần biểu diễn nội công với các nội dung “thiết đầu công”, “thiết công cước”… Tinh hoa thiện chiến võ đặc công còn nằm ở phần nội dung võ thực chiến. Trong khi đợi các chiến sĩ chuẩn bị thao trường, anh Dũng giới thiệu với chúng tôi một sĩ quan thiện chiến của đơn vị. Đó là Thượng úy Trần Văn Quân. Mê và tập võ thuật từ nhỏ, lớn lên đi học, tìm hiểu về các trận đánh hào hùng của bộ đội đặc công, Quân đã nuôi chí quyết tâm thi vào Trường Sĩ quan Đặc công. Ngay từ những năm học THPT, Quân đã thi đấu võ thuật cấp tỉnh và từng giành giải ba Hội thi đấu võ Ka-ra-te tỉnh Nam Định. Năm đầu tiên thi vào Trường Sĩ quan Đặc công, không đủ điểm nhưng Quân không nản chí, quyết tâm ôn luyện đến năm thứ hai thì đỗ. Như cá gặp nước, từ năm đầu nhập học, Quân đã lĩnh hội được rất nhiều tinh hoa võ thuật đặc công của các thầy trong nhà trường. Mặc dù có chiều cao 1,7m, cân nặng tới 77kg, nhưng sức bật của Quân khá tốt. Đứng tại chỗ anh có thể lộn quay vòng từ sau về trước hoặc ngược lại vài lần nhẹ như không.
Khi chúng tôi đang trò chuyện thì một dãy 12 chiến sĩ xếp đứng khom lưng sát nhau. Quân tươi cười quay sang nói: “Đến phần tôi trình diễn rồi”. Nói rồi, anh chạy đà, thoắt một cái lao qua hàng rào 12 người, cuộn tròn tiếp đất như một chú mèo. Chúng tôi chưa hết ngỡ ngàng, Quân lại tiếp tục lấy đà bật bay qua đầu một chiến sĩ cao khoảng 1,7m đang đứng thẳng. Nhanh thoăn thoắt, anh vận động lên một bức tường cao 3m lộn một vòng, tiếp đất nhẹ nhàng. Phần biểu diễn của anh gọn gàng, mau lẹ làm mọi người phấn khích vỗ tay tán thưởng.
Khổ luyện thành tài
Gần về trưa, các chiến sĩ tiếp tục luyện tập các bài đấu đối kháng. Một đánh hai, một đánh bốn, tay không đánh các đối tượng có vũ khí. Quan sát các chiến sĩ luyện tập, phân tích đòn thế, anh Dũng giải thích với chúng tôi: “Võ đặc công được chắt lọc từ tinh hoa của các phái võ cổ truyền dân tộc. Ví dụ như điểm mạnh của võ cổ truyền Việt Nam là “dĩ nhu chế cương, dĩ đoản chế trường”. Nói về quan điểm võ thuật, địch tấn công ta một đòn rất mạnh ta nhanh chóng né tránh, luồn lách tìm điểm sơ hở để tiêu diệt nhanh chóng và chính xác”. Nói tới đây, anh Dũng gọi Quân và Cường lại thực hiện một động tác cơ bản võ đặc công, đồng thời phân tích: “Nói về lấy nhu thắng cương, trong võ cổ truyền gọi là dĩ hình hoán ảnh. Địch đấm một đòn rất mạnh vào giữa mặt, nếu ta chống đỡ nhất định sẽ bị thương, nhưng với nghệ thuật, cách đánh đặc công, ta hạ thấp trọng tâm cơ thể tránh đòn, tìm sơ hở đánh vào hạ bộ, chấn thủy hoặc nách, yết hầu, hoặc luồn ra phía sau triệt hạ vào điểm tựa của đối phương. Địch ngã xuống, ta dùng đầu gối đánh mạnh vào xương cụt làm tê liệt dây thần kinh thắt lưng, dùng tay đánh mạnh vào gáy làm địch bị tê liệt hoặc có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Thứ hai, võ cổ truyền làm cho đối phương mất thế thủ bằng cách đánh bất ngờ. Lưu ý, nếu ta đánh không đủ mạnh thì bị mất thế và bị đánh. Nên khi đánh bất ngờ phải thật nhanh, mạnh, dứt khoát, quật ngã, khống chế, bẻ các khớp, phối hợp đánh mạnh vào tử huyệt tiêu diệt đối phương”.
Chiến sĩ đặc công biểu diễn các "đặc sản" võ thuật. Ảnh: QUANG TRUNG
Nói thì đơn giản, nhưng để tiếp thu được tinh hoa võ học đặc công, các chiến sĩ phải trải qua quá trình luyện tập lâu dài, gian khổ. Anh Cường tâm sự, để nằm được trên đống mảnh vỡ thủy tinh, người chiến sĩ phải tập nằm trên đống sỏi, đá dăm, dùng lực đè lên người theo cấp độ trọng lượng, thời gian chịu đựng tăng dần, dưới mọi điều kiện thời tiết. Tập thiết đầu công, thiết công cước cũng với phương pháp tương tự như vậy. Luyện tập là quá trình sáng tạo, bền bỉ. Anh Cường lấy ví dụ, để luyện chân cứng đè đá lên đập, ban đầu, chiến sĩ buộc vải mềm vào thân cây, tăng dần, buộc cao su, rồi bỏ hết vật mềm, đá thẳng vào thân cây. Hay khi luyện khí công, người chiến sĩ ôm đá tảng gập bụng ngồi dưới nước, trong điều kiện thời tiết giảm xuống 15, 160C…
Quá trình luyện tập gặp phải chấn thương là chuyện “như cơm bữa” đối với các chiến sĩ đặc công. Chỉ lên trán, anh Cường “khoe” với chúng tôi: “Chính giữa trán, vết sẹo loằng ngoằng chân rết này là vết rìu chém nứt xương sọ, khâu 7 mũi, còn bên trái là vết côn đập dài không kém”.
Quân tiếp thêm câu chuyện của anh Cường: “Khi còn là học viên, trong một lần tập lộn quay vòng, tôi bị đập gáy xuống sàn, ngoẹo cổ phải nằm liệt cả tháng. Đầu gối phải bị đứt dây chằng, mới đi nối lại”.
Những chấn thương nặng không làm cho các anh nản chí, mà trái lại càng khiến các chiến sĩ đặc công có quyết tâm cao hơn. Sau chấn thương nứt sọ, đến nay anh Cường vẫn luyện thành công thiết đầu công, còn Quân không ngừng phát triển các kỹ thuật đòn, thế chân thành thục hơn với biệt danh “Báo đen” mọi người đặt cho.
Chia tay các chiến sĩ Đoàn Đặc công Biệt động 1, chúng tôi nhớ lại lời Thượng tá Hoàng Anh Dũng chia sẻ lúc trên thao trường: “Không chỉ giỏi về võ thuật, sử dụng tinh thông các binh khí, các chiến sĩ đặc công phải làm chủ được các loại súng đạn, vũ khí quân dụng hiện đại. Cũng chính vì vậy nên quy trình tuyển chọn một chiến sĩ đặc công phải qua các khâu rất kỹ lưỡng. Quan trọng nhất là phẩm chất đạo đức tốt, có ý chí quyết tâm sắt đá, thắng không kiêu, bại không nản. Trong mọi hoàn cảnh phải có ý thức độc lập, khắc phục mọi khó khăn vươn lên”.
HÀ BÁCH