Được nghe anh đọc thơ trong Chương trình giao lưu truyền lửa giữa thành viên Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” với sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khiến không ít người bùi ngùi xúc động...

Năm 1972, chàng trai Nguyễn Đăng Dũng (lúc đó 17 tuổi) xung phong lên đường nhập ngũ với một tinh thần tràn đầy nhiệt huyết, mặc dù trước đó ít hôm gia đình nhận được tin người anh cả Nguyễn Mạnh Hùng của anh đã anh dũng hy sinh trên trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) nên anh được đặc cách không phải đi bộ đội. Trước sự quyết tâm của Dũng, bố mẹ anh chỉ căn dặn: “Vào bộ đội nhiều nguy hiểm, con đã quyết định, bố mẹ không ngăn cản, chỉ nhắc con phải vượt qua mọi gian khó”.

Cuộc đời binh nghiệp của Đăng Dũng bắt đầu từ đó. Ngay từ hôm chia tay mẹ và người thân lên tàu vào Nam, trong lòng anh đã đong đầy biết bao niềm cảm xúc: …Tiếng còi tàu phút mẹ tiễn con đi/ Da diết đứt từng khúc ruột/ Tiếng còi tàu sao nghe thổn thức/ Biết bao giờ trở lại con ơi!…/ Tiếng còi tàu ở phương Bắc xa xôi/ Mà vang vọng miền Tây Nam xa tít/ Khiến người lính trái tim thổn thức/ Nhớ quê hương, nhớ mẹ nơi xa.... (trích "Tiếng còi tàu").

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Dũng (hàng đứng, thứ hai, từ phải sang) trong một lần cùng các cựu chiến binh đi quy tập hài cốt liệt sĩ từ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) về quê an táng.

Hành quân vào chiến trường Tây Nam Tổ quốc, những thanh niên Hà Nội đã trải qua biết bao khổ cực và bom đạn theo từng bước quân đi. Ranh giới giữa sự sống và cái chết khi bước vào mỗi trận đánh rất gần. Tuy vậy, lửa đạn chỉ thêm nung nấu tâm can, cái chết không khuất phục được tinh thần, ý chí của người lính trên chiến trường. Trước mỗi trận đánh, trái tim người chiến sĩ đặc công quê Thủ đô vẫn dâng trào cảm xúc qua từng dòng thơ: Mở màn chiến dịch đánh An Quảng Hữu/ Tiếp đánh Tân Hòa, Tư Mạc hy sinh/ Cùng 309 đánh Duyên Hải (Trà Vinh)/ Ở trận này tôi bị bom suýt chết… (trích "An Quảng Hữu-Chuyện chưa kể").

Cũng trong trận đánh trên, trước giờ G, anh viết lá thư bằng thơ để gửi mẹ thân yêu, gửi lại bạn bè để nói rõ tấm lòng và chí nguyện của mình, mong mẹ bớt đau buồn nếu anh có hy sinh trên chiến trận: Mười tám tuổi bước chân vào sương gió/ Xa phố phường tạm biệt mẹ thân yêu/ Con ra đi trả thù nhà nợ nước/ Đâu tiếc mình khi Tổ quốc chưa yên/ Nhưng ra đi con biết mẹ sẽ buồn/ Mẹ hãy đừng buồn khi con ngã xuống/ Mẹ hãy đừng buồn khi con đã hy sinh/ Mẹ hãy đừng buồn khi buổi bình minh/ Tổ quốc hòa bình mà con không trở lại/ Mẹ hãy đừng buồn khi cây đang xanh trái/ Trái đã không còn khi trái vẫn còn non/ Nhưng mẹ ơi, con của mẹ vẫn còn/ Trong lòng đất thân yêu của Tổ quốc… (trích "Thư gửi mẹ-An Quảng Hữu, Trà Vinh, tháng 12-1974").

Đối với cựu chiến binh Đăng Dũng, không chỉ có hoa và lửa, trong suốt cuộc hành quân trên đất phương Nam, hình ảnh những người con gái dịu dàng ở Nam Bộ đã làm cho trái tim anh rung động. Anh Dũng kể: “Sau trận đánh Tiểu đoàn 522 của địch vào năm 1974, tôi bị sốt rét. Lần ấy, tôi được một cô du kích chống xuồng đưa về bệnh xá của Trung đoàn U Minh (nay là Trung đoàn 1, Quân khu 9). Hôm ấy, tôi ngồi dưới một gốc dừa, ngửa cổ nhìn lên chùm dừa trên cây, vừa khát vừa mệt, tôi thiếp đi mê man. Khi giật mình tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong vòng tay cô gái ấy... Tôi chỉ biết cô ấy là chiến sĩ của một đơn vị biệt động”. Cảm xúc đó đã được ghi lại thành những trang thơ nhật ký: … Đơn vị đưa tôi đi viện trung đoàn / Trên chiếc xuồng một cô gái trẻ/ Một cô gái có thân hình mảnh dẻ/ Áo bà ba lục bình tím bay bay/ Cô gái trẻ nâng đầu tôi trên tay/ Còn tôi nằm mê man trong cơn sốt/ Chợt giật mình khi giọt nước mắt/ Người lái xuồng nhỏ xuống môi tôi… Đôi mắt em theo tôi qua chiến tranh/ Mắt đen tròn em gái Tây Nam Bộ/ Mảnh khăn rằn buông lơi trên cổ/ Mái tóc dài đen mượt như nhung/ Thân trinh nữ phảng phất mùi hương/ Em áp đầu tôi vào bầu ngực tròn/ Tôi thiếp đi như một đứa trẻ con… (trích "An Quảng Hữu-Chuyện chưa kể").

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Dũng cùng vợ và cháu nội.

Hòa bình lập lại, trở về với đời thường, ký ức và kỷ niệm thời quân ngũ bên đồng chí, đồng đội luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cựu chiến binh Nguyễn Đăng Dũng trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo và là một thành viên tích cực của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”. Bao năm qua, anh đã tham gia đóng góp, vận động xã hội hóa công tác “đền ơn đáp nghĩa", an sinh xã hội, đồng thời giúp đỡ thân nhân liệt sĩ tìm kiếm, quy tập và đưa các chiến sĩ Hà Nội cũng như đồng đội ở đơn vị đã hy sinh trên chiến trường miền Tây Nam Bộ trở về quê hương.

Với giọng nghẹn ngào, anh Dũng kể, trong chiến tranh, bởi bom đạn ác liệt hay những trận du kích của đặc công, nhiều đồng đội ngã xuống đã không lấy được thi thể. Nhiều người bị địch chôn vùi trong những nấm mộ tập thể. Có người được người dân mai táng nhưng chưa rõ danh tính... Chính vì thế, trong các chuyến đi cùng đoàn của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” về tri ân, tìm kiếm đồng đội tại chiến trường xưa, trước mỗi nấm mộ liệt sĩ khuyết danh, trong lòng người cựu chiến binh đặc công càng thêm trĩu nặng và nghẹn ngào: Bốn mươi năm trước còn chiến tranh/ Tôi và bạn cùng đánh đồn Long Khánh/ Lúc hành quân trước giờ nổ súng/ Rất vô tình tôi gặp lại các anh/ Ba đứa chuyện trò năm phút qua nhanh/ Nào biết gặp là xa nhau vĩnh viễn… Tuy biết rằng quy luật của chiến tranh/ Tôi vẫn thấy lòng mình trĩu nặng/ Và tự hứa sẽ một ngày tìm đến/ Thăm bạn xưa và thắp mấy nén nhang… Đến nghĩa trang tìm bạn cũ năm xưa/ Mong trả bạn cái tên mẹ đặt/ Mong trả bạn tên ngày xưa thường gọi/ Bạn nơi nào, mộ nào đúng là anh? (trích "Tìm bạn").

Bài và ảnh: VIỆT THÙY