QĐND - “Nếu mọi người gọi tuyến đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại, thì công trình đường ống dẫn xăng, dầu vượt Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại đó”. Lời đánh giá ấy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng là cảm nhận chung của mọi người khi đọc cuốn "Con đường máu lửa" do NXB Văn Học ấn hành đầu tháng 5-2013.

"Con đường máu lửa" là ấn phẩm viết về Tiểu đoàn 668, một trong 4 tiểu đoàn đường ống xăng, dầu đầu tiên của quân đội ta (thuộc Trung đoàn 592), ra đời vào mùa Thu năm 1968, trong đó Tiểu đoàn 668 vinh dự được ra đời ngay trên quê hương của Bác Hồ kính yêu. Đây là tập hồi ký, nhật ký, ghi chép... và sáng tác thơ, văn, nhạc, họa... của những người đã từng gắn bó với tiểu đoàn đường ống xăng, dầu 668 những năm ác liệt nhất: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Võ Sở, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu (nguyên phó Ban thiết kế-thi công đường ống 559), Đại tá Mai Trọng Phước (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 592), Đại tá Đào Ngọc Khuê (nguyên Chính ủy Trung đoàn 668), Đại tá, PGS, TS Nguyễn Minh Phương (nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 668), Thiếu tá Phạm Văn Nhận (nguyên Đại đội trưởng Tiểu đoàn 668), CCB Ngô Văn Thọ (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 668 tại trọng điểm Pha-băng-nưa), CCB Nguyễn Thị Huy (nguyên y tá Tiểu đoàn 668)...

 

Là những người trong cuộc, nên những trang ghi chép và những sáng tác của các tác giả trong "Con đường máu lửa" hết sức xác thực, ngồn ngộn hiện thực chiến trường. Thiếu tướng Võ Sở, nguyên phó Tư lệnh Đoàn 559, Chủ tịch Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, kể: Cuối tháng 3-1968, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra cũng là lúc Hải quân, Không quân Mỹ tập trung tối đa bom, đạn đánh vào vùng “Cán Xoong” từ Vinh đến Quảng Bình. Đánh phá với mức độ hủy diệt vào Tuyến vận tải chiến lược 559 gây cho ta vô vàn khó khăn. Hàng nghìn xe không có xăng để chạy, hàng vạn bộ đội thiếu gạo bị đói. Một số ít xăng, dầu chuyển qua các cửa khẩu đường 12, đường 14, đường 15, đường 20 vào được phía trong đã phải đổi bằng sinh mạng của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Đúng vào lúc cam go, ác liệt ấy, bộ đội đường ống xăng, dầu - một “binh chủng” mới, một phương thức vận chuyển mới bán tự động được ra đời. Lúc đầu chỉ từ một tiểu đoàn với 42km đường ống trên “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm, sau 6 năm đã phát triển thành 4 trung đoàn với 1.600km từ Quảng Bình vượt Trường Sơn bằng hai tuyến đường ống Đông Tây Trường Sơn vào tới miền Đông Nam Bộ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhiệm vụ chiến đấu; đặc biệt đã góp phần bảo đảm cho cuộc hành quân thần tốc mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...

Cảm động nhất là những trang viết về những nỗ lực vượt lên khó khăn, gian khổ, ác liệt... để thi công-vận hành đường ống xăng, dầu, giữ vững "mạch máu" cho chiến trường; những hành động quả cảm và những sự hy sinh oanh liệt của những người lính đường ống xăng, dầu. Trong hồi ức "Đường ống vượt sông Lam, sông La" của Thiếu tá Phạm Văn Nhận (nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 592) đã kể lại nỗi gian truân vất vả của đồng đội khi thi công đường ống qua hai con sông địa hình hiểm trở giữa mùa mưa rét. Đặc biệt là chi tiết một lần đang thi công thì máy bay ném bom trúng đội hình, Phạm Văn Nhận và một số đồng chí được lệnh chuyển thương binh qua sông nhưng không có đò; khi kiếm được đò thì không ai biết chèo, loay hoay đưa đò sang được sông lại không biết quân y viện của Quân khu 4 đóng ở đâu... Và khi tìm được quân y viện, bàn giao thương binh, quay về nơi trú quân thì ngay chỗ giường nằm là một hố bom bi còn khét lẹt...

Trong hồi ký "Tôi được đi cùng Tiểu đoàn 668 qua một thời máu lửa" của Thiếu tướng, kỹ sư Hồ Sỹ Hậu, có những trang viết hết sức xúc động của một cây bút thuộc thế hệ "tài hoa ra trận". Tại trọng điểm Pha-băng-nưa trên đất bạn Lào, tác giả từng được chứng kiến 3 cái chết không thể nào quên: Một bác nuôi quân già rủ anh chiến sĩ trẻ cùng đi "phục kích" lợn rừng về cải thiện cho anh em, không ngờ ông bị trúng đạn của người lính trẻ vụng về thiếu kinh nghiệm, trước lúc tắt thở còn dặn anh em "đừng kỷ luật thằng bé mà tội nghiệp nó". Một chiến sĩ đi kiểm tra đường ống, bị rết cắn đau quá không thể chịu đựng nổi, đã rút súng tự sát. Và một chiến sĩ đi khắc phục đường ống bị vỡ, người ướt xăng đầm đìa, gặp lúc máy bay Mỹ lại đến ném bom tuyến ống, áo quần anh bén lửa rừng rực cháy...

CCB Nguyễn Thị Huy, nguyên chiến sĩ y tá Tiểu đoàn 668 kể một tình huống hết sức thương tâm: Một lần đơn vị bị máy bay B52 rải thảm, 14 chiếc quan tài khâm liệm liệt sĩ được khiêng ra chân đồi an táng, nhưng vừa hạ huyệt chưa kịp lấp đất thì lại bị B52 đến đánh tiếp, thế là cả người sống và người chết chung nhau cái huyệt để tránh bom...

Gian khổ, khó khăn, ác liệt, hy sinh... nhưng những người lính đường ống xăng, dầu vẫn kiên cường, anh dũng và lạc quan, yêu đời. Trong "Con đường máu lửa" người đọc bắt gặp những trang ghi chép hết sức thú vị, những chi tiết rất... lính: "Mạnh hơn nguyên tử" là câu chuyện về cô văn công được lính ta vô cùng yêu mến, còn vị Chính ủy binh đoàn Trường Sơn thì gọi cô là thứ vũ khí có "tầm bắn vô hạn" và "sức công phá mạnh hơn nguyên tử". Hoặc như chuyện anh Trưởng ban tuyên huấn Cục xăng, dầu Trần Đình Bảo được phân công viết báo cáo về thành tích 45 ngày lắp đặt thành công 42km đường ống đầu tiên của Tiểu đoàn 668, nhưng lúc ấy anh chưa biết gì về đường ống, lại chưa được "mắt thấy, tay sờ" vào đường ống bao giờ. Loay hoay dò hỏi, "tưởng tượng" rồi viết đi, viết lại mấy lần, cuối cùng được các thủ trưởng khen... hay! Chưa hết, một đồng nghiệp bên Cục Quản lý xe được phân công viết diễn văn cho cuộc mít tinh chào mừng 42km đường ống xăng, dầu đầu tiên của quân đội, chạy sang xin bản báo cáo của Trưởng ban Tuyên huấn Cục xăng, dầu, về "xào xáo" lại thành bài diễn văn, cũng được thủ trưởng Cục quản lý xe... khen hay!

Bên cạnh những trang hồi ký, nhật ký, ghi chép... chân thực, xúc động, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng trên đây, tập "Con đường máu lửa" còn có phần sáng tác thơ, văn, nhạc, họa, kịch ngắn... của nhiều tác giả: Hồ Ngân Khương, Ngô Văn Thọ, Nguyễn Văn Thọ, Hà Khắc Thuần, Nguyễn Đức Mậu, Tôn Nữ Hỉ Khương, Nguyễn Việt Chiến... Họ là những cán bộ, chiến sĩ văn nghệ của Tiểu đoàn 668 và Trung đoàn 592 năm xưa và những tiết mục ấy đã từng vang lên trên tuyến lửa trong phong trào "tiếng hát át tiếng bom" của Bộ đội Trường Sơn; hoặc là những tác giả chuyên nghiệp đã từng gắn bó với bộ đội đường ống xăng, dầu trên "Con đường máu lửa" những năm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Những sáng tác ấy được chọn vào "tuyển tập" đã góp phần tăng thêm chất lính, chất văn của ấn phẩm. Xin được trích một đoạn trong bài thơ "Chiến sĩ xăng dầu" của Nhà thơ quân đội Nguyễn Đức Mậu, để khép lại mấy lời giới thiệu cuốn sách "Con đường máu lửa" viết về tiểu đoàn đường ống xăng dầu 668-Đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân:

Từ tháng năm gian khổ ban đầu

Đường xăng chảy trên vai người áo bạc

Nơi trọng điểm Trường Sơn chất ngất

Chiến sĩ gùi xăng vượt dốc băng rừng

Trăm lối mòn ghi bao dấu tích

Núi đá nghìn năm tạo dáng tượng đài

Hang đá hoang sơ bập bùng ánh lửa

Dấu chân người trùng với dấu chân nai

Rồi đường ống đầu tiên xuyên núi

Xuyên qua nghìn ngày đạn nổ bom rơi

Qua cơn đói và qua cơn sốt

Đường xăng đi thấm máu bao người...

LA TRỌNG